Xứ Nghệ ngày nay

Ngoại giao văn hóa Nghệ An - Một năm nhìn lại

Năm 2017, Nghệ An đã tích cực triển khai kế hoạch Ngoại giao văn hóa trong các hoạt động đối ngoại của tỉnh và đạt nhiều kết quả tích cực. Đó là một nỗ lực đáng ghi nhận trong bối cảnh hiện nay bởi Ngoại giao văn hóa dù là khái niệm không còn xa lạ nhưng trên thực tế vẫn khá mới mẻ đối với nhiều địa phương.

 Năm 2017 – Tạo đà

Năm 2017, Nghệ An đã tiến hành nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa hiệu quả. Qua đó, chúng ta luôn thể hiện hình ảnh một Nghệ An giàu truyền thống, đậm bản sắc văn hóa, nghĩa tình, thân thiện, năng động và đầy tiềm năng phát triển. Các hoạt động Ngoại giao văn hóa Nghệ An năm 2017 tập trung chủ yếu vào quảng bá hình ảnh; đẩy mạnh giao lưu văn hóa, tăng cường hợp tác với các tỉnh kết nghĩa nước bạn. Điều này không những giúp hình ảnh Nghệ An ngày càng được biết đến nhiều hơn mà còn giúp chúng ta ngày càng khẳng định vị thế, tiềm năng của mình; làm sâu sắc hơn các mối quan hệ hữu nghị, đối tác; tạo được sự tin cậy, thu hút các nhà đầu tư nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Có thể điểm qua một số hoạt động nổi bật trong năm 2017 như: giao lưu văn hóa với tỉnh Xiêng Khoảng (Lào); tổ chức thành công lễ kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào (5/9/1962 – 5/9/2017) và 40 năm ngày ký hiệp ước hữu nghị và hợp tác Việt Nam – Lào (18/7/1977- 18/7/2017); khánh thành Tượng đài Hồ Chí Minh tại thành phố Ulianốp đồng thời ra mắt phim giới thiệu về thân thế và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp quảng bá hình ảnh Nghệ An và tuyến du lịch “Hành trình đỏ” tại đây; sưu tầm tài liệu về Phan Bội Châu tại Nhật Bản và tổ chức hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 150 năm ngày sinh chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu tại Nghệ An;..v.v. Ngoài ra, trong Hội nghị Hội nghị các Quan chức cao cấp APEC về Quản lý thiên tai lần thứ 11; Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại; hay trong các chương trình xúc tiến đầu tư du lịch tại tỉnh nhà cũng như ở nước ngoài, hình ảnh Nghệ An được chú trọng giới thiệu với những gian hàng thể hiện nét đẹp trong cảnh sắc thiên nhiên, văn hóa, con người; trưng bày đặc sản xứ Nghệ,... Đặc biệt, từ khi Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chúng ta đã tích cực có các buổi lưu diễn, giao lưu ở nước ngoài.

Bên cạnh các hoạt động ngoại giao văn hóa được tiến hành qua các cơ quan, tổ chức nhà nước, các cá nhân, doanh nghiệp tư nhân trên địa bàn, đặc biệt là đơn vị lữ hành du lịch, đã quan tâm quảng bá hình ảnh Nghệ An. Một số tour du lịch văn hóa đã mang lại trải nghiệm ấn tượng cho du khách quốc tế.

Với việc Tổ chức thành công Chương trình Gặp mặt Kiều bào Nghệ An về thăm quê hương đón Xuân Đinh Dậu 2017, chúng ta đã có những bước tiến trong việc gắn kết ngoại giao văn hóa với công tác người Nghệ An ở nước ngoài. Hiện tỉnh có hơn 500 nghìn người sinh sống, làm việc ở nhiều nước trên thế giới. Cộng đồng người này không chỉ lưu giữ văn hóa Nghệ, mang hình ảnh Nghệ An đến với bạn bè ngoài nước mà còn tích cực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nhà.

Năm 2018 – Hướng tới một tầm nhìn xa

Bên cạnh những thành tựu đạt được năm 2017, Ngoại giao văn hóa Nghệ An vẫn còn gặp phải không ít vấn đề. Thời gian tới, để phát huy hiệu quả của lĩnh vực này, chúng ta sẽ phải nỗ lực khắc phục.

Trước hết, chúng ta cần tăng cường nhận thức về vai trò, vị trí của Ngoại giao văn hóa cho cán bộ các cấp và cả nhân dân. Hiện nay, có vẻ như ngoài những người hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại, cán bộ ở các ngành khác, đặc biệt là ngành văn hóa chưa thực sự nắm bắt rõ vai trò, tầm quan trọng cũng như cách thức tiến hành các hoạt động Ngoại giao văn hóa. Trong thời đại ngày nay, khi các quốc gia xác định đều hướng đến mục tiêu hợp tác cùng phát triển, tránh xung đột, đối đấu; khi quyền lực mềm ngày càng được chú trọng thì ngoại giao văn hóa trở thành lĩnh vực được các quốc gia rất quan tâm. Đó là công cụ hữu hiệu để theo đuổi lợi ích quốc gia một cách công minh, thuyết phục và hiệu quả. Đó là con đường để chúng ta giới thiệu, quảng bá hình ảnh đất nước, gia tăng sức ảnh hưởng  của mình. Dựa trên nguyên tắc thừa nhận, thấu hiểu, đối thoại với cách thức hoạt động đa dạng phong phú (như: xây dựng các công trình văn hóa, lịch sử ở nước ngoài; giao lưu văn hóa văn nghệ với các nước; hợp tác trao đổi các đoàn văn hóa, nhệ thuật; tiếp nhận du học sinh; các hoạt động văn hóa của bà con kiều bào,..), Ngoại giao văn hóa ngày càng khẳng định ưu thế của mình trong việc thúc đẩy hiểu biết, đối thoại giữa các quốc gia; tăng cường truyền bá các giá trị của quốc gia mình ra bên ngoài để từ đó nâng tầm ảnh hưởng, sự tín nhiệm và vị thế. Chúng ta có thể thấy thời gian qua, Trung Quốc thành lập các trung tâm văn hóa, tăng cường xây dựng Viện Khổng Tử ở nước ngoài. Hiện có hàng trăm viện được xây dựng trên khắp châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ,… để truyền bá văn hóa Trung Quốc ra bên ngoài, xây dựng quyền lực mềm. Họ sử dụng thành công hình ảnh gấu trúc và đèn lồng đỏ trong truyền bá thông điệp ngoại giao và đặc biệt chú trọng ngoại giao văn hóa bằng ẩm thực. Hay ở Hàn Quốc, chúng ta có thể thấy, văn hóa ẩm thực Hàn Quốc với các món ăn như Kim Chi, mỳ cay,…cùng với nền công nghiệp giải trí ngày càng lan rộng trên thế giới, tạo thành một làn sóng có sức tác động mạnh mẽ. Thực tế đó cho thấy rằng, công tác Ngoại giao văn hóa có vai trò, vị trí rất quan trọng trong thời đại ngày nay.Trong đó, truyền bá được coi là chức năng trụ cột.

Muốn thúc đẩy hiểu biết, nhận thức về vai trò, vị trí của Ngoại giao văn hóa, chúng ta không những cần tích cực nghiên cứu sâu về Ngoại giao văn hóa mà còn cần đẩy mạnh công tác thông tin để phổ biến rộng rãi nội dung này trong xã hội; chúng ta cần hướng đến thay đổi tư duy, nhận thức của các cán bộ, nhân dân về công tác này. Thay vì xem Ngoại giao văn hóa chỉ là công việc của những người làm đối ngoại, cần nhận thức rằng đó nhiệm vụ chung của các cấp, ngành cũng như của mỗi một người dân. Đó không chỉ là việc tổ chức các lễ lớn, các buổi giao lưu nghệ thuật, các chương trình hợp tác quảng bá hình ảnh mà còn là việc chúng ta tặng quà lưu niệm gì; chào hỏi, chiêu đãi tiệc ra sao; ăn mặc như thế nào. Nó có thể thể hiện qua hình ảnh của vị lãnh đạo đến thăm nước bạn hay đơn giản chỉ là một nụ cười, lời chào hỏi của người dân trên chính mảnh đất quê hương mình.

Trong bối cảnh Việt Nam đang ngày càng chú tâm đến công tác Ngoại giao văn hóa và nỗ lực thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020, Nghệ An cần hướng tới một tầm nhìn chiến lược, một tầm nhìn xa đồng thời đưa ra kế hoạch Ngoại giao văn hóa hàng năm của tỉnh. Thiết nghĩ, trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu ưu tiên của các hoạt động Ngoại giao văn hóa của chúng ta là quảng bá hình ảnh, tăng cường hiểu biết nhằm thắt chặt hữu nghị, tìm kiếm đối tác.

Ngoại giao văn hóa là con đường tìm kiếm, khẳng định vị trí, lợi ích, sức mạnh của mình bằng sự lan tỏa của sức hấp dẫn và những giá trị thực sự. Chính vì thế, muốn đạt được hiệu quả, chúng ta cần tự làm đẹp hình ảnh chính mình trước khi bước ra với thế giới. Hy vọng rằng trong tương lai, Nghệ An sẽ có những bước đột phá trong xây dựng hình ảnh tỉnh nhà để chúng ta ngày càng trở thành điểm đến thực sự hấp dẫn trong mắt bạn bè quốc tế.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528630

Hôm nay

211

Hôm qua

2275

Tuần này

2903

Tháng này

215326

Tháng qua

0

Tất cả

114528630