Nhìn ra thế giới

Tái cân bằng tay ba Việt - Mỹ - Ấn

Trong thời gian từ ngày 5 đến 9/3/2018, hàng không mẫu hạm Mỹ USS Carl Vinson cập bến cảng Tiên Sa (Đà Nẵng), thực hiện chuyến thăm hữu nghị được giới quan sát đánh giá là lịch sử. Trước đó, ngày 4/3/2018, Chủ tịch nước trần Đại Quang đã kết thúc chuyến thăm cấp nhà nước tại Ấn Độ; Bản Tuyên bố chung Việt—Ấn khẳng định: Chủ tịch Trần Đại Quang và Thủ tướng Modi đã chứng kiến lễ trao các văn kiện hợp tác về năng lượng nguyên tử, thương mại, nông nghiệp và thủy sản… được ký kết nhân chuyến thăm. Hai “thao tác ngoại giao” này (two diplomatic manipulations) phản ánh chiến lược “tái cân bằng” được tạo nên bởi quyết định “xoay trục” theo kiểu Tổng thống Trump và chính sách “hành động hướng Đông” của Thủ tướng Modi. Về phần mình, Việt Nam một lần nữa, thúc đẩy “đa dạng hóa” có trọng điểm, một định hướng ngoại giao đặc thù trong tình hình mới.

 

Trên cơ sở quan hệ song phương Việt—Ấn hiện có, hai bên nhất trí duy trì đều đặn các chuyến thăm cấp cao và các cấp, trên các kênh Đảng, Chính phủ, Cơ quan lập pháp, địa phương và giao lưu nhân dân; sớm tổ chức kỳ họp tiếp theo của Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao trong năm 2018 để rà soát các lĩnh vực hợp tác và đề ra các biện pháp cụ thể để triển khai Chương trình Hành động giai đoạn 2017-2020. Hai bên cũng nhất trí hợp tác quốc phòng - an ninh là trụ cột quan trọng, hiệu quả của quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” và bày tỏ hài lòng về những kết quả đã đạt được trong lĩnh vực này. Hai bên hoan nghênh trao đổi đoàn cấp cao về quốc phòng-an ninh, duy trì các cơ chế đối thoại, tăng cường hợp tác giữa các quân, binh chủng và thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực an ninh mạng, chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan bạo lực dưới mọi hình thức, tội phạm xuyên quốc gia, buôn bán người, buôn bán ma túy và an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Ủng hộ cấu trúc “Ấn Thái Dương”

Thủ tướng Modi và Chủ tịch nước Trần Đại Quang chia sẻ nhiều quan điểm chung về vấn đề song phương và quốc tế, bao gồm tình hình an ninh khu vực Châu Á. Hai nhà Lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hòa bình và thịnh vượng, trong đó, chủ quyền và luật pháp quốc tế, tự do hàng hải và hàng không, phát triển bền vững, hệ thống thương mại và đầu tư tự do, công bằng và mở rộng được tôn trọng. Hai nhà Lãnh đạo khẳng định Ấn Độ và Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và củng cố cấu trúc khu vực mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ và trong tăng cường hơn nữa hợp tác với ASEAN. Hai nhà Lãnh đạo bày tỏ hài lòng về thành công của Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ tổ chức tháng 1/2018, với đóng góp to lớn của Việt Nam trên cương vị Điều phối viên giai đoạn 2015-2018; nhất trí triển khai các bước cần thiết nhằm thực hiện các cam kết trong Tuyên bố Delhi đã thông qua tại Hội nghị, góp phần đẩy mạnh hơn nữa Quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN-Ấn Độ. Việt Nam đã đánh giá cao Ấn Độ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, những đóng góp của ASEAN cho hòa bình, an ninh và thịnh vượng khu vực, cũng như quá trình hội nhập và xây dựng cộng đồng của ASEAN.

Về hợp tác phát triển, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao Ấn Độ tiếp tục cung cấp các gói hỗ trợ phát triển không hoàn lại (ODA) và tín dụng ưu đãi; cảm ơn Ấn Độ cấp nhiều suất học bổng cho sinh viên, nghiên cứu sinh, chuyên gia và cán bộ Việt Nam, đặc biệt thông qua Chương trình Hợp tác Kỹ thuật (ITEC), hợp tác Sông Hằng - Sông Mê Công (MGC) và Quỹ các Dự án tác động nhanh (QIPs)… Thủ tướng Modi đề xuất Ấn Độ sẽ cung cấp khóa đào tạo thiết kế riêng cho Việt Nam trong các lĩnh vực Việt Nam có nhu cầu thông qua chương trình ITEC. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao việc Thủ tướng Mô-đi công bố triển khai thí điểm dự án kết nối nông thôn tại các nước CLMV, theo đó, sẽ xây dựng các Làng Kỹ thuật số và cung cấp 1.000 học bổng Tiến sỹ cho sinh viên và nghiên cứu sinh từ các nước ASEAN tại Học viện Công nghệ Ấn Độ.

Hai bên nhất trí hợp tác về thăm dò dầu khí, thủy điện, nhiệt điện, năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng đang có những phát triển mạnh mẽ. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ mở rộng hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí trên đất liền và tại thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam (EEZ) và đề nghị các doanh nghiệp Ấn Độ tích cực nghiên cứu, sớm có đề xuất với những lô dầu khí phía Việt Nam đã giới thiệu. Hai bên nhất trí tích cực thực hiện Biên bản ghi nhớ về hợp tác tìm kiếm thăm dò dầu khí ở các nước thứ 3. Phía Việt Nam ủng hộ các công ty dầu khí Ấn Độ tìm kiếm cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dầu khí trung nguồn và hạ nguồn tại Việt Nam. Chủ tịch nước Trần Đại Quang hoan nghênh các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các dự án năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng tại Việt Nam; cảm ơn Ấn Độ đề xuất hỗ trợ Việt Nam xây dựng trung tâm nghiên cứu năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình. Tuyên bố chung Việt Nam - Ấn Độ sau chuyến thăm của Chủ tịch nước được công bố ngay tối 4/3 bao gồm 29 nội dung bao trùm, từ các vấn đề song phương đến hợp tác trong đa phương, thông qua kết nối khu vực và toàn cầu. Truyền thông quốc tế nhấn mạnh tới lời kêu gọi của Việt Nam và Ấn Độ tuân thủ tuyệt đối luật quốc tế, trong đó có việc duy trì quyền tự do hàng không và hàng hải ở Biển Đông.

“Xoay trục” theo kiểu Donald Trump

Lần đầu tiên kể từ năm 1975 đến nay, một tàu sân bay Mỹ cập cảng Việt Nam. Theo thông báo chính thức, tháp tùng theo hàng không mẫu hạm Carl Vinson, còn có hai tàu hộ tống: tuần dương hạm USS Lake Champlain và khu trục hạm USS Wayne E. Meyer. Theo báo chí Việt Nam và khu vực, người dân thành phố Đà Nẵng từ khi biết tin đã rất háo hức, chờ đợi được nhìn tận mắt con tàu sân bay cùng đội ngũ thủy thủ hùng hậu của chiếc Carl Vinson. Khoảng 3.000 thủy thủ của đội tàu đã lên bờ tham quan và có các hoạt động vui chơi, giải trí, mua sắm. Bên cạnh đó, đại diện của hải đội tác chiến tàu sân bay cũng có những hoạt động thăm viếng xã giao giới chức chính trị và quân sự, giao lưu, tặng quà cho trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam ở Đà Nẵng.

Trong một số khía cạnh, đây là một sự kiện thông thường. Các tàu chiến Mỹ khác đã ghé thăm cảng Việt Nam từ năm 2003. Nhưng đây cũng là thời điểm mang tính biểu tượng. Trước đây, các chính phủ của Việt Nam thường giữ khoảng cách để các mẫu hạm đậu ngoài khơi, giới chức ra thăm các tàu này ngoài khơi xa. Bằng cách chào đón mẫu hạm USS Carl Vinson vào bên trong cảng ở thành phố Đà Nẵng, thành phố lớn thứ ba của nước này, và là một trong những địa điểm gần nhất với quần đảo Hoàng Sa, lần này rõ ràng Việt Nam đang gửi đi những thông điệp mạnh mẽ nhất. Theo giới quan sát quốc tế, thông điệp có thể là một đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông. Việt Nam đang báo hiệu rằng nước này có một người bạn rất mạnh và sẵn sàng tiếp tục gần gũi hơn với họ.

Tuy nhiên, thông điệp nói trên đã được chuyển tải một cách cẩn trọng tránh mọi hiểu nhầm không cần thiết. Việt Nam từng có một chính sách 'ba không': không để nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ, không tham gia các liên minh quân sự và không kéo bên thứ ba vào các tranh chấp. Lập trường này cho đến nay vẫn chưa có gì thay đổi. Khi tàu sân bay Mỹ cập cảng Đà Nẵng, câu hỏi được đặt ra là vì sao con tàu không ghé cảng Cam Ranh. Về vấn đề này, trong một nhận xét công bố ngày 27/2 vừa qua, giáo sư Carl Thayer, chuyên gia kỳ cựu về Việt Nam tại Học Viện Quốc Phòng Úc cho rằng có ba yếu tố thúc đẩy việc chọn Đà Nẵng. Trước hết là các điều kiện kỹ thuật tốt hơn ở Đà Nẵng, so với Cảng Quốc Tế Cam Ranh (chứ không phải là cảng quân sự Cam Ranh). Ngoài ra, do việc phía Mỹ muốn thủy thủ của mình được tham gia vào các hoạt động giao lưu với người địa phương, vì vậy, Cảng Quốc Tế Cam Ranh có vị trí tương đối tách biệt với khu dân cư. Tại Đà Nẵng, con tàu có thể được neo đậu tại cảng Tiên Sa và các hoạt động dân sự, xã hội và thể thao đều có thể được tổ chức gần đấy, trong lúc thủy thủ đoàn của tàu Mỹ có thể được nghỉ ngơi tham quan và khám phá một thành phố lớn của Việt Nam.

Vẫn theo GS. Thayer, chúng ta đang chứng kiến một cuộc thăm viếng giản dị của mẫu hạm USS Carl Vinson nhưng là một bước đáng kể trong mối quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Khi USS Carl Vinson tới Đà Nẵng, đây là lần đầu tiên mẫu hạm nguyên tử, biểu tượng của sức mạnh hải quân Mỹ trên biển, thăm viếng Việt Nam, từ khi chiến tranh chấm dứt đến nay. Tờ Bưu điện Washington (The Washington Post) cũng dẫn lời người đứng đầu Lầu Năm Góc Mỹ khẳng định, đây là một phần trong việc tăng cường hợp tác quốc phòng quân sự Mỹ-Việt Nam. Song tờ báo cũng cho rằng, phía Trung Quốc sẽ có phản ứng giữa bối cảnh có những tranh cãi và căng thẳng về chủ quyền trên Biển Đông. Tuy nhiên, trong một tuyên bố hôm 26/1, Trung Quốc lên tiếng nói rằng họ không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Doanh khẳng định như vậy và nói thêm rằng miễn là những sự hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.

Câu trả lời vẫn còn phía trước

Giới phân tích quốc tế theo dõi sát sao các chuyển động phức tạp trên bàn cờ địa-chính trị khu vực trong những tháng vừa qua. Với “Sáng kiến Vành đai Con đường” (BRI) của Trung Quốc và với “Học thuyết Ấn Thái Dương” (IPC), nay có lúc được nâng lên thành “Chiến lược Ấn Thái Dương” (IPS) của “Bộ tứ kim cương” Ấn—Mỹ—Nhật—Úc, đường nét về một cuộc cọ xát lớn đang được hình thành. Đây là hai mô thức khác nhau về cả hình mẫu phát triển lẫn cấu trúc an ninh trong khu vực, thậm chí trên toàn cầu. Mỗi mô thức hay pe-rơ-đam ấy đều chứa đựng nhiều triết lý khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau về tương lai của Trật tự thế giới mà mỗi bên muốn theo đuổi và khuyến khích các đối tác, bạn bè của mình hưởng ứng. Bài toán muôn thuở của các nước vừa và nhỏ trong hoàn cảnh này vẫn là đòi hỏi phải “thích ứng” và “thích nghi” với môi trường chiến lược mới. Việt Nam không chỉ là một thành viên của ASEAN, tổ chức khu vực đang có tham vọng trở thành một trung tâm trên bàn cờ mới. Việt Nam còn là “đầu cầu” của BRI, đồng thời Việt Nam cũng là một quốc gia có vị trí “then chốt” của IPS. Lịch sử chiến tranh lạnh đang có chiều hướng lặp lại, nhưng với chiến lược “đa dạng hóa có trọng tâm” và thông qua chính sách “cân bằng năng động và tích cực”, hy vọng Việt Nam thoát khỏi thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông” và tạo dựng được thế mới có lợi cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng của quốc gia, khu vực và thế giới./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511832

Hôm nay

2158

Hôm qua

2337

Tuần này

22206

Tháng này

218705

Tháng qua

121356

Tất cả

114511832