Theo thiển ý của mình, thơ hay, thơ dở là những khái niệm tương đối, chỉ cách nhau một lằn ranh mơ hồ, bị tác động bởi sở thích, nhận thức, hoàn cảnh xã hội của mỗi người đọc nó. Nhưng dù là thơ được nhiều người đọc và tán thưởng (tạm gọi là “thơ hay”) hay thơ không được nhiều người đồng cảm (tạm gọi là “thơ dở”), thơ nào cũng phát xuất từ niềm khát khao sáng tạo của người làm ra chúng và vì thế, thơ nào cũng cần được trân trọng hết.
Bây giờ, nhiều bạn văn chương đang cổ súy cho phong trào thơ hiện đại hay “hậu hiện đại” gì gì đó, mặc nhiên phủ nhận những thể thơ “cổ điển” của cha anh mình thuở trước, thậm chí còn mỉa mai nhiều bài thơ lục bát là …vè. Mình thì vẫn chui rúc ở cái xó xỉnh của những thất ngôn, lục bát, nhặt nhạnh cái tinh hoa, cái hay của thứ thơ tuy cổ lổ nhưng có sức sáng tạo đến không ngờ.
Có lần mình đọc được hai câu thơ của một tác giả không quen – chỉ hai câu thôi – mà nổi gai ốc cả người:
Người trao có nửa nụ cười,
Mà ta mất cả một đời để quên (Vân Jenny(?))
Bao nhiêu năm làm “thơ rác” post lên phây cho vui, chỉ cần làm được hai câu thơ như thế, đủ hạnh phúc cả đời rồi. Ai dám chê hai câu thơ lục bát đó là … vè?
Mình cũng đã từng rưng rưng khi đọc thơ và viết mấy dòng cảm nghĩ về thơ lục bát của nhà thơ Nguyễn Thái Sơn:
Người người náo nức về quê,
Miến măng giỏ trước, cau chè bị sau,
Rưng rưng hút mắt con tàu,
Mình còn cha mẹ nữa đâu mà về …
Thương cảm quá! Hình ảnh người con xa xứ, cuối năm ra ga tàu, nhìn người người lũ lượt về quê, vui mừng, hớn hở, lòng chợt chùng xuống trong một nỗi đau đớn âm thầm, thất thểu quay về, vì ở quê xưa, có còn đâu cha mẹ để mà về!
Cũng Nguyễn Thái Sơn, chỉ cần 4 câu thất ngôn này, có thể thách thức bất cứ những nhà thơ nào quen vỗ ngực xưng tên trên thi đàn quốc doanh:
Vạt đồi yên nghỉ bao đồng đội,
Nhang trầm một thẻ biết làm sao?
Thắp lên đành cắm nơi đầu gió,
Hương khói đừng quên nấm mộ nào.
Xin đừng nghĩ chỉ có thơ hiện đại, hậu hiện đại là mới mẻ, là “sáng tạo”. Ai sáng tạo hơn nổi hai câu thơ mộc mạc này:
Thắp lên đành cắm nơi đầu gió,
Hương khói đừng quên nấm mộ nào
Thứ văn chương lục bát, thất ngôn, có vần, có điệu không cho phép người làm thơ ngủ quên trên những lối mòn, nhưng một khi họ thổi sự sáng tạo vào thơ thì dù 2 câu, 4 câu, cũng đủ làm cho họ hạnh phúc cả một đời người. Nói đến nỗi hoài hương chẳng hạn, một người sống cách chúng ta hàng mấy trăm năm viết nên những tuyệt cú mà đến bây giờ vẫn làm say đắm lòng ta:
Cử đầu vọng minh nguyệt
Đê đầu tư cố hương
(Lý Bạch)
(Ngẩng đầu trông trăng sáng,
Cúi đầu nhớ cố hương)
Chỉ hai câu đó thôi, đủ cho ta nhìn thấy hình ảnh người tha hương ngồi trên gộp đá giữa một mùa trăng, ngẩng đầu trông lên vầng trăng sáng rồi gục đầu xuống hai bàn tay, lòng đau thắt nhớ về quê xưa, với biết bao kỷ niệm một thời.
Gần chúng ta hơn, một nhà thơ cũng đã đưa ý tưởng sáng tạo lên đỉnh cao bằng những câu thất ngôn dung dị mà thật thâm trầm:
Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp,
Quê nhà một góc nhớ mênh mông
(Trịnh Bửu Hoài)
Không có sự tương phản nào tuyệt diệu hơn thế, sự tương phản của cái “muôn trùng” của đất khách quê người nhưng lại “nhỏ hẹp” trong cái nhìn xa lạ của khách tha hương, và chỉ một góc quê nhà thôi, mà sao nỗi nhớ đến muôn trùng? Những ngày gần 30.4, lại nhớ về những nghịch cảnh cuộc đời. Trong những nghịch cảnh ấy, có những vần thơ nói lên lòng bao dung của những con người không sống bằng những ám ảnh quá khứ, bằng lòng oán hận cuộc đời, dù cuộc đời họ bao nhiêu phen lên bờ xuống ruộng . Những vần thơ của Tô Thùy Yên nói lên cảm nghĩ của một lớp người bị đọa đày trong cuộc nhân sinh, nhưng sau 10 năm tù tội, cũng vẫn không mất đi vẻ hào sảng, sự trong sáng của một tấm lòng luôn biết yêu thương và trân trọng những gì tốt đẹp còn sót lại. Tôi hàm ơn anh, vì tôi thấy hình ảnh mình trong thơ anh, trong những cảm xúc mà chỉ một trái tim rộng lượng mới có thể có được.
Ta về một bóng trên đường lớn,
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai,
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ
Mười năm đá cũng ngậm ngùi thay
Người tù trở về sau 10 năm, đi qua những truông phá, cảnh vật, con người đã đổi thay, giữa đất trời đang ngập ngụa những cát bụi trần ai:
Ta về qua những truông cùng phá
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay
10 năm tù tội, mái đầu đã điểm sương, trở về giữa lượng bao dung của đất trời, một sự lẻ loi, đơn độc của bông hoa bên vệ đường cũng đủ làm cho lòng ta rộn lên niềm vui, tìm thấy cái đẹp đích thực của cuộc sống mà ta tưởng chừng như sẽ chẳng bao giờ gặp lại:
Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi
10 năm rồi, bước chân vào căn nhà cũ, nhìn ta trong gương, tiều tụy những tháng năm phung phá đời mình, bỗng rộn lên niềm thương cảm khôn nguôi khi nhìn thấy cha mẹ già đã còm cõi như chiếc đèn xưa đang cạn hết dầu:
Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu
Mười năm, con đã già trông thấy
Huống mẹ cha đèn sắp cạn dầu
Đêm nay, ta như chiếc lá tìm về cội nguồn, cất cao chén rượu bên những cảnh đời bạc phận như ta. Các bạn ơi, hãy rưới chút rượu hồng xuống những đốm lửa vô tri, xin giải oan cho bao kiếp nhân sinh giữa cuộc biển dâu này:
Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
Tôi được biết có những người đã khóc khi nhìn thấy hình ảnh của mình hiển hiện trong những vần thơ thất ngôn của Tô Thùy Yên, những vần thơ nhiều lúc phá thể một cách thật dễ thương. Khóc vì thương những người như anh, sau những tháng năm tù tội, đang lang thang bên lề cuộc sống, mà vẫn giữ được một tâm hồn hào sảng đầy ắp yêu thương.
Có ai dám gọi đó là thơ rác không?
Lê Nguyễn
Đêm nguyệt tận 14.4.2018