Kiến nghị ghi vào Hiến pháp 1) “Tư tưởng CNXH (Chủ nghĩa xã hội) đặc sắc TQ thời đại mới Tập Cận Bình”; 5) “Sự lãnh đạo của đảng CSTQ là đặc trưng bản chất nhất của CNXH đặc sắc TQ”; 11) Thiết lập Ủy ban Giám sát quốc gia; 14) Bỏ qui định “Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước không được liên nhiệm quá hai nhiệm kỳ.”
Chiều ngày 11/3/2018, Đại hội Đại biểu Nhân đại toàn quốc TQ đã bỏ phiếu thông qua kiến nghị Sửa đổi bộ phận nội dung “Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” do Ban chấp hành TW đảng CSTQ kiến nghị với 2958 phiếu tán thành, 3 phiếu trắng, 2 phiếu phản đối, 16 đại biểu vắng mặt.
Mặc dù, những nội dung kiến nghị sửa đổi đều được Đại hội Nhân đại thông qua, nhưng kể từ ngày 25/2/2018 công bố bản kiến nghị 21 điểm sửa đổi cho đến nay đã gây chấn động lớn không chỉ trong xã hội, chính trường TQ, mà còn gây chấn động dư luận xã hội thế giới trên nhiều phương diện.
Ngày 26/3/2018, tại Đại hội đại biểu Nhân đại toàn quốc, Tập Cận Bình lại được bầu là Chủ tịch nước với 100% số phiếu và Vương Kỳ Sơn là Phó Chủ tịch nước, chí có 1 phiếu phản đối.
Như vậy chỉ trong thời gian ngắn, Tập Cận Bình đã đạt được những kết quả quan trọng của bước sau cao hơn bước trước, bước sau tiến sâu hơn bước trước trên con đường đi tới mục tiêu cao nhất của mình. Từ Hội nghị TW6/18, xác định Tập là hạt nhân của đảng, tiến thêm bước tại Đại hội 19, Tư tưởng Tập được ghi vào Điều lệ đảng, xác lập vị trí Tập là Tổng bí thư, là lãnh tụ của đảng, và nay là Chủ tịch nước không bị giới hạn thời gian hai nhiệm kỳ, là Chủ tịch quân ủy TW, là 3 trong 1, đồng thời tư tưởng Tập cũng được ghi vào Hiến pháp, trở thành có tính luật pháp của toàn xã hội, không còn trong phạm vị nội bộ đảng. Tập không chỉ là lãnh tụ của đảng, mà mở rộng thành lãnh tụ của nhân dân.
Đây là những sự kiện đã diễn ra, nhưng đằng sau ẩn chứa không ít vấn đề mà không thể một lúc lý giải rõ hết được.
Trước tiên, tại sao chỉ trong thời gian ngắn như vậy, mà Tập làm được, dám làm được, bằng những biện pháp nào, nếu không nói là thủ đoạn nào để nhằm mục đích gì ? Trong các điều làm được đó, thì vấn đề xóa qui định Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, … liên nhiệm không quá hai nhiệm kỳ trong Hiến pháp 1982 là có nhiều ý kiến phê phán, phản đối nhất. Những ý kiến phản đối, phê phán này đều cho rằng việc xóa qui định này sẽ dẫn đến độc tài như bài học thực tiễn lịch sử Mao Trạch Đông và các triều đại trước đã chứng minh như thế. Chiều hướng sẽ gặp các loại ý kiến phê phán này, không phải Tập không lường trước, trước khi quyết định đưa ra chủ trương, tức là “biết không thể làm được nhưng vẫn làm”, và đưa ra các lý lẽ để chống chế là :
- Các nước phương tây như Đức, Nhật, các nhà lãnh đạo cũng đều liên nhiệm trên hai nhiệm kỳ, cho nên Trung Cộng cũng có thể. Điều này đã lộ rõ thấy công cụ tuyên truyền Trung Cộng luôn mang tính tráo trở, lừa bịp, không nói đúng bản chất sự thật tình hình thực tế thế giới, không cho nhân dân, công chúng hiểu đầy đủ toàn diện sự thật. Thể chế Đức hay Nhật là toàn dân trực tiếp bầu cử người lãnh đạo quốc gia của mình, còn thể chế Trung Cộng không như vậy. Cho nên không thể lấy hiện tượng bề ngoài để làm cơ sở so sánh.
- Làm như vậy là để Tập Cận Bình có thể tập quyền để làm việc lớn, đem lại trường trị cửu an, là đòi hỏi của “Thời đại mới”, v.v… Cách nói này đã có ngay sau khi Tập vừa lên nắm quyền thành lập hơn chục “Tiểu tổ” trị quốc do Tập trực tiếp làm Tổ trưởng, đã ngầm nói Tập Cận Bình là con người làm việc lớn “cần cho ông 20 năm, ông sẽ làm như thế, như thế”. Hơn nữa không chỉ có hàng đống chuyện tiếu lâm về năng lực cầm quyền của Tập trong 5 năm qua, chỉ riêng cách nói này là trái ngược về căn bản với cách nói “Nhân dân sáng tạo lịch sử” mà đảng CSTQ cứ luôn tuyên truyền, với cách nói “Đưa mệnh vận đảng và quốc gia giao cho một người là nguy hiểm” của Đặng Tiểu Bình rút ra từ bài học Văn cách. Cho nên họ cứ úp úp mở mở, không thể nói rõ, cứ nói những điều “hư hư thực thực”, “mờ mờ ảo ảo”, “đứng trên cao, lập trường rõ ràng”, lừa dối dân chúng. Đặng Tiểu Bình sau khi tổng kết bài học Văn cách, trong sửa đổi Hiến pháp 1982 còn thêm một điều khoản Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước chỉ được liên nhiệm hai nhiệm kỳ. Đây là một biện pháp xóa bỏ chế độ cán bộ suốt đời trên thực tế TQ, và cũng là bước đầu thể hiện tính chất “Cộng hòa” chứ không phải “Đế chế”, “Vương chế” về thể chế chính trị. Đây là một cải cách hết sức tiến bộ của Đặng Tiểu Bình xét về tầm Thể chế chính trị, đây mới là phù hợp xu thế thời đại mới của thế giới, chứ không chỉ dừng lại ở hạn chế tham vọng quyền lực của người lãnh đạo.
- Còn nói “xóa bỏ hạn chế nhiệm kỳ không có nghĩa là thực hiện chế độ suốt đời cán bộ”, thực chất chỉ là vì, một là sợ người ta nói đó là chế độ suốt đời nên tránh lách đi, hai là vẫn cái trò chơi chữ. Thử hỏi trên thế giới có quốc gia độc tài nào trong Hiến pháp của họ ghi rõ thực hiện “chế độ suốt đời”. Thực chất của xóa chế độ nhiệm kỳ là điều kiện tất yếu của chế độ suốt đời. Thời Mao Trạch Đông, trong Hiến pháp 1954 không có ghi chế độ nhiệm kỳ, nhưng trên thực tế là Mao thực hiện chế độ suốt đời. TQ có truyền thống có mảnh đất sinh nở “Mộng Đế vương”, từ Hồng Tú Toàn, Viên Thế Khải, Lương Khải Siêu, Tôn Trung Sơn, Mao Trạch Đông và nay Tập Cận Bình cũng đang lợi dụng.
- Các cách nói trên khó thông, nhưng vẫn cần có cách nói, thậm chí nói lấy được để bảo vệ việc không nên làm nhưng vẫn làm của mình. Tại cuộc họp báo lần 1 của Đại hội Nhân đại, Chủ nhiệm Ủy ban công tác pháp luật xuất hiện và đã tung ra một lý do “cứng” : TQ thực hiện thể chế Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quân ủy TW 3 vị trí trong 1, vì Tổng Bí thư không qui định nhiệm kỳ, cho nên Chủ tịch nước cũng nên không có nhiệm kỳ, để tương ứng với nhau. Lôgích của ông ta là vì đảng CS cần cầm quyền lâu dài, Tổng Bí thư đảng tất phải kiêm cả 3 chức, Tổng Bí thư sắp vượt qua hai nhiệm kỳ, vậy thì Hiến pháp phải phục tùng đảng, cũng là “ý chí” của Tổng Bí thư, xóa bỏ hai nhiệm kỳ Chủ tịch Cộng hòa.
Cách nói này là kiểu bá vương kéo căng dây cung, mà đó cũng là phù hợp với phong cách hành sự của bản thân Tập. Lý do cứng rắn này là sai lầm trên hai tầng diện pháp lý và giá trị : 1) Nếu Hiến pháp của một quốc gia phải lấy nhiệm kỳ người lãnh đạo một đảng dài ngắn làm căn cứ, đã nói rõ trong đáy lòng Tập Cận Bình là coi thường Quốc pháp, vì tư dục cá nhân, buộc một đảng làm theo mục đích cá nhân ông ta, lại dùng danh nghiã đảng buộc Hiến pháp quốc gia phải thể hiện pháp lý nguyện vọng cá nhân ông ta. Đang phơi bày rõ lợi ích của đảng phải vượt trên Hiến pháp nhà nước, đứng trên lợi ích toàn thể nhân dân TQ, đã bộc lộ triệt để sự ngạo mạn quyền lợi của chế độ một đảng chuyên chế, đang chuyển động ngược trào lưu lịch sử. 2) Một nhà nước lấy thể chế nước Cộng hòa, về bản chất là lấy lợi ích nhân dân là số 1, nhân dân có quyền bầu cử, người lãnh đạo quốc gia có chế độ nhiệm kỳ. Hiện nay cả hai điều này đều không có, không phù hợp với điều kiện cơ bản của Cộng hòa, giương “cộng hòa” là danh, làm “một đảng chuyên chế” là thực. Hiến pháp lợi ích quốc gia lớn hơn lợi ích một đảng, thể chế Cộng hòa là dân bầu cử và có nhiệm kỳ. Đây không chỉ là thường thức phổ biến của người dân thế giới, mà còn là “giá trị chung” trên khắp thế giới.
Từ khi Tập lên nắm quyền đã qui định không được tuyên truyền “giá trị phổ quát”, cần nói giá trị đảng CS, cần nói giá trị cá nhân ông ta. Như trong các trường hợp ông ta công khai nói, đều hiện rõ là dã man và hoang đường, bởi vì “quan điểm giá trị ” của ông ta là ngược với giá trị chung thiên hạ, không ai tiếp nhận. Cho nên bằng cách công bố tài liệu nội bộ, khổng chế chặt dư luận, phải lặp đi lặp lại nhiều lần tuyên truyền một đảng, một hạt nhân, một lãnh tụ, một tư tưởng.
Tại Đại hội Nhân đại đạt đến trên 99% số phiếu tán thành xóa bỏ qui định nhiệm kỳ. Mấy ngày sau, “Thời báo Hoàn cầu” rất đắc chí viết “điều này đã phản ánh toàn thể đảng tâm và dân tâm, là đại biểu nguyện vọng lớn nhất của nhân dân toàn quốc.” Đúng là một trò cười quốc tế, với một hạt nhân “anh minh” như thế, vây quanh biết bao nhiêu trí nang quân sư thân tín, đã nuôi dưỡng biết bao nhiêu văn nhân báo chí trưởng đảng, lại chuẩn bị sẵn trước một thời gian dài như thế, đáng tiếc là không đưa ra được một lý do thuyết phục ra trò để giải thích “cái chế độ không nhiệm kỳ” này.
Điều này có thể đã nói lên 3 khả năng : Trí năng của nhân tài có hạn; Cao nhân không muốn xuất mưu kiến sách, để không vì điều này mà hiện rõ phản lại qui luật lòng đảng lòng dân; “Lội ngược dòng” như thế này, đã nghĩ hết mọi cách, cũng không có lý do để bày lên sân khấu, báo cáo với mọi người trong thiên hạ một cách đàng hoàng được.
Thứ hai, Tập biết rõ đây là “lầm lỗi sai trái lớn nhất coi trời bằng vung” tại sao vẫn dám làm như vậy ?
Ngày 25/2/2018, sau khi báo chí TQ bất ngờ tuyên bố nội dung sửa đổi Hiến pháp cho đến hơn nửa tháng sau đó, tiếng nói phê phán, phản đối cả trong ngoài nước rộ lên, với mức độ gay gắt, nặng nhẹ khác nhau, nhưng phần lớn đều cho rằng thực chất vấn đề là Tập dựng lên độc tài cá nhân, duy trì một đảng chuyên chế. Ai cũng biết rõ rằng, từ hình thức đến nội dung của chế độ độc tài suốt đời là rác thải của lịch sử, là chế độ thối nát mà nhân dân thế giới đã vứt bỏ từ lâu. Thường thức này, Tập thực sự không phải không biết. Trong các trường hợp công khai phát biểu, Tập rất thích cao giọng nói về “lợi ích nhân dân”, “văn minh nhân loại”, “qui luật lịch sử” ,v.v… Vậy đâu là mặt thật của Tập ? Nếu những lời nói đẹp đẽ này là mặt thật, tại sao lại dám làm cái việc sai lầm lớn nhất này ? có thể có mấy nguyên nhân :
- Nếu nhìn nhận bề ngoài, có thể nói tính cách của Tập quyết định hành vi của Tập. Từ lời nói đến việc làm trong thời gian qua của Tập ngày càng nổi rõ trước thế giới là : cực kỳ tự phụ, tham vọng lớn, hành sự thô lỗ, lì lợm, nói và làm bất chấp thường thức, đạo lý, bất kể hậu quả, coi thường đảng kỷ quốc pháp. Có rất nhiều sự việc trong 5 năm qua để chứng minh nhận xét này. Như trong việc dùng người, để tập họp phe cánh mình (quân nhà Tập), bất chấp qui định của đảng nhà nước đã lôi kéo, đề bạt, bố trí những người còn chưa là ủy viên Cục Chính trị, thậm chí chưa là ủy viên TW dự khuyết vào vị trí trọng yếu. Hoặc như khi triển khai học tập “Tư tưởng Tập Cận Bình” cho cán bộ lãnh đạo cấp Tỉnh, Bộ ngành, Tập không những tham gia, chủ trì mà còn trực tiếp giảng giải nội dung tư tưởng Tập Cận Bình cho người dự. Khác gì tự mình tuyên truyền cho mình, tuyên truyền “Tư tưởng” của mình.
Trong 5 năm qua, từ xây dựng đảng, trị lý nhà nước, ngoại giao, “phương án TQ”, “mô thức TQ”, quân sự đánh trận, “một vành một đường”, cho đến “nên làm kinh tế như thế nào”, rồi xây dựng thành phố lớn, thành phố siêu lớn như thế nào, rồi cải cách cơ cấu, “nhà ở không phải để mua bán”, rồi làm bóng đá nên thế nào, lựa chọn các bài văn, giáo án trong nhà trường nên thế nào, phá dỡ tường bao các tiểu khu nên thế nào, tiến hành cuộc cách mạng hố xí thế nào, v.v… Cứ thế đụng việc gì cũng thuyết giảng dài dài, đưa ra luận điểm này kế tiếp luận điểm khác. Trò cười cũng trò này kế tiếp trò khác bung ra. Tập tự cho mình cái gì cũng biết, tựa như “thần” thông mọi thứ. Mặt khác cũng hiện rõ đặc tính của kẻ “mặt dày” lì lợm bất chấp của Tập. Trong dư luận xã hội TQ coi Tập là Mao 2.0, Viên 2.0 với hai nghĩa : bản sao Mao Trạch Đông thứ 2, bản sao Viên Thế Khải thứ hai. Còn một ý nghĩa khác, trong tiếng lóng ở TQ, “nhị” (số 2) có ý nghĩa là xấu xa, trơ trẽn, ngang ngược.
Tập cho rằng, ông ta cần lật đổ quan niệm và chế độ hiện có không chỉ ở TQ mà cả ở thế giới mới là “làm việc lớn”. Hiến pháp qui định hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch là hổ ngáng đường cầm quyền suốt đời của ông ta, cho nên “dám nói dám làm” tất phải loại bỏ con hổ đó, cho dù có phải chạy xe thụt lùi.
Thời gian qua với danh nghĩa chống tham nhũng, Tập đã dựng lên quá nhiều địch thủ trong đảng. Tập rất sợ các thế lực địch thủ này sẽ trả thù, hạ bệ Tập, cho nên Tập phải bằng mọi giá để có cơ sở pháp luật bảo hộ sự tiếp tục cầm quyền của Tập.
Tập cho rằng, quyền thế của Tập hiện nay là đủ sức trấn áp mọi dư luận trong nước, trong đảng. Về bề ngoài có thể là như thế, thể hiện ở 99% số phiếu tán thành xóa qui định cũ hạn chế nhiệm kỳ, 100% số phiếu bầu Tập là Chủ tịch nước. Vì những người bỏ phiếu này là đã trải qua nhiều biện pháp thanh lọc gắt gao mà hình thành. Những người có ý phản đối đã bị thanh lọc trước bằng tội “tham nhũng” hoặc tội “có âm mưu chính biến” hoặc có “liên quan hổ này, hổ kia..”. Những người có ý phản đối nhưng thận trọng hơn, tính toán kỹ lợi hại, cuối cùng tạm thời im lặng thuận theo. Những người tin theo những lời khoa trương của Tập sẽ làm đại sự, nên bỏ phiếu tán thành, tạo điều kiện cho Tập làm đại sự.
Tập cho rằng, Tập sẽ là Tổng Bí thư dài dài, nếu chỉ với chức danh Tổng Bí thư là rất hạn chế trong quan hệ với các nguyên thủ quốc gia, nhất là với các nước lớn trong 10, 20 năm tới, cho nên cần hủy bỏ qui định hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước, tạo điều kiện cho Tập làm Chủ tịch nước 10, 20 năm tới.
- Nếu nhìn nhận sâu hơn, dễ nhận thấy, Tập là con người đầy dã tâm, nham hiểm, nhiều thủ đoạn, mọi hành động đều có bài bản, nhưng bề ngoài là hư hư thực thực, khiến đối thủ khó lường, hoặc ảo tưởng. Trong 5 năm qua, Tập đã nhiều lần dùng thủ đoạn “chính biến” để vừa loại trừ chính địch, vừa hù dọa uy hiếp, vừa thỏa hiệp với các thế lực khác nhau. Chính biến nói ở đây là không tuân theo qui định về trình tự tiến hành bắt một quan chức hạt nhân Cục Chính trị, tầng cao quân đội là phải có chứng cứ hữu hiệu đầy đủ, phải được các Nguyên lão và Ban thường vụ biểu quyết thông qua, cuối cùng báo chí mới công khai dần tình hình. Nhưng Tập không tuân thủ qui định này.
Như lần chính biến đầu tiên là với trình tự không bình thường đã bắt Tôn Chính Tài, trước thềm Hội nghị Bắc Đới Hà, gây ra phản đối mạnh mẽ nhất trong đảng. Trước tiên là các Nguyên lão không đến hiện trường cổ vũ Tập duyệt binh ngày 3/9/2015, không đến dự Hội nghị Bắc Đới Hà. Thứ hai là các vị Ủy viên Cục Chính trị Hàn Chính, Hồ Xuân Hoa, v.v… vì lo ngại vấn đề an toàn đã không đến Bắc Kinh dự Hội nghị. Hai địa bàn cốt lõi Thượng Hải, Quảng Đông đe dọa sẽ tuyên bố “Độc lập”. Đây là lần đầu trong lịch sử đảng CSTQ, các nhân vật hạt nhân không đến dự Hội nghị Bắc Đới Hà. Trước tình hình này Tập phải thỏa hiệp : Vương Kỳ Sơn không còn là Thường vụ, nhanh chóng kết thúc vụ Tôn Chính Tài, và đẩy Trần Mẫn Nhĩ lên thay vị trí Tôn Chính Tài.
Chính biến lần thứ hai, cũng không tuân theo trình tự đã qui định, tiến hành bắt các Thượng tướng Phòng Phong Huy, Trương Dương. Sau khi Hội nghị Bắc Đới Hà thảm bại, Tập , Vương Kỳ Sơn không cam chịu, lại bất ngờ lấy tội “tham nhũng” để bắt hai Thượng tướng này. Theo cách nói của quan phương, hai vị này liên quan vụ án Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu. Nhưng vụ án này đã kết thúc 4, 5 năm trước rồi. Vụ bắt hai vị này đã gây sự chú ý của một loạt tướng lĩnh. Nếu đúng là tham nhũng cực lớn, thì không thể che đậy trong thời gian dài như vậy mà không điều tra ra ? Còn một cách nói khác là hai vị này phát động một cuộc “chính biến”, nhưng chỉ cần bình tĩnh phân tích sẽ thấy thực chất : cái gọi là chính biến mà thông qua trình tự bình thường thì không thể nào đạt mục đích, mà là áp dụng một thứ hành vi chính trị mạo hiểm cực đoan. Tôn Chính Tài, Phòng Phong Huy, Trương Dương theo trình tự bình thường là sẽ tự nhiên lên vị trí cao hơn, cần gì phải làm chính biến ? Thì cứ cho là cần làm chính biến, để sau khi vào Thường vụ, vào Phó Chủ tịch quân ủy nắm quyền lực càng lớn hơn, có phải là càng dễ làm chính biến hơn không ? Nhưng thực sự kẻ gây ra chính biến chính là Tập Cận Bình, Vương Kỳ Sơn, bởi vì chỉ có làm chính biến như thế, mới có thể nhanh chóng gạt những người này ra và đưa người của Tập, Vương vào. Theo qui định bình thường, Phòng Phong Huy sẽ là Phó Chủ tịch quân ủy, nhưng Tập đã đưa Trương Hữu Hiệp thay thế. Còn Trương Dương vẫn là Chủ nhiệm Cục chính trị Quân ủy TW, nhưng Tập đã đưa Miêu Hoa, thân tín của mình thay thế.
Hoặc cứ tuyên truyền là Tập đã “hoàn toàn khổng chế quân đội” cũng chỉ là để uy hiếp các Nguyên lão, các ủy viên thường vụ và ép Hồ Xuân Hoa, Trần Mẫn Nhĩ phải rút khỏi Thường vụ. Tập vốn cũng không hoàn toàn tin vào Trần Mẫn Nhĩ để mình làm Hoàng đế suốt đời. Cái gọi là “Quân nhà Tập”, chỉ là một ô hợp; hoặc cái gọi là “phái hệ Tập” cũng chỉ là sản phẩm của sự cấu hợp, đều chẳng có trình độ năng lực gì, chỉ là một tập hợp để Tập lợi dụng vào các trường hợp khác nhau, thời điểm khác nhau, hoàn toàn khác với phái hệ Hồ Cẩm Đào, phái hệ Giang Trạch Dân.
Chính biến lần thứ ba, Tập muốn cầm quyền vô thời hạn, tại Hội nghị TW2 bị nhiều người phản đối, Hội nghị bất thành, quyết định tạm cắt Hội nghị, trong Thông báo Hội nghị TW2 không có một từ nào nói về Sửa đổi Hiến pháp. Chính vì thế đã vội vàng tiến hành sớm Hội nghị TW3 một cách khác thường, và trước Hội nghị TW3 đã công bố trước các tình tiết cụ thể và Bản kiến nghị Sửa đổi Hiến pháp, cưỡng ép ý nguyện các ủy viên, coi như việc đã rồi. Để giữ sự thống nhất, tránh lộ ra sự chia rẽ trước thiên hạ, tại Hội nghị TW3 không thảo luận về bản Kiến nghị sửa đổi Hiến pháp, mà trọng tâm là Tập và các Nguyên lão (trong đó có Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào) lại có một số giao dịch, mặc cả, thỏa hiệp đôi bên. Như mục tiêu “chống tham nhũng” sắp tới không hướng vào tầng cao mà chuyển xuống tầng thấp, như Tập đang tiến hành cuộc “Quét đen”; một số nhân vật của Giang, Hồ, Ôn vẫn được sử dụng; bảo đảm an toàn cho các Nguyên lão, không xét lại vụ 4/6/1989. Còn phía Tập, tại Hội nghị, buộc các Thường vụ, các Ủy viên, các Đại biểu bày tỏ sự ủng hộ các nội dung sửa đổi Hiến pháp không chỉ bằng lời nói mà còn phải ký tên vào bản cam kết, không khác gì Tôn Trung Sơn bắt các thành viên phải lăn tay tại chỗ trước kia. Cho nên các nhà bình luận coi cuộc Chính biến lần ba này là cuộc “Chính biến Hiến pháp” gây một vết đen lịch sử trong lịch sử chính trường TQ từ trước đến nay. (Theo tin của phóng viên Khương Bình ngày 01/3/2018, nội dung chủ yếu của Thỏa thuận :1)Với tiền đề không cản trở Tập cầm quyền suốt đời, Tập bảo đảm an toàn mãi mãi về chính trị, kinh tế của gia tộc họ Giang; 2)Mấy thân tín của Giang nêu tên cần được vào Cục Chính trị và Thường vụ Cục Chính trị, Nhân Đại, Chính Hiệp, Tập còn phải bảo đảm cho những người này sau khi nghỉ hưu, an toàn hạ cánh; 3)Thế hệ sau thù địch trong đảng mà Giang nêu tên, không tiếp tục đề bạt; 4)Không xét lại vụ 04/6/1989; 5)Không thay đổi định tính về Pháp luân công…)
- Về khách quan cũng có những nguyên nhân tạo điều kiện hoặc tạo cớ cho Tập tiến hành, như 1) Thể chế Cộng hoà của TQ tuy nói là đã 100 năm nhưng rất mỏng manh. Từ Viên Thế Khải, Tôn Trung Sơn, Tưởng Giới Thạch, Mao Trạch Đông và nay là Tập Cận Bình đều có tư tưởng chuyên chế mãnh liệt. Họ đều là với danh nghĩa Nước Cộng Hòa để nắm được quyền lực tối cao, sau đó trên thực tế là thực thi thể chế Hoàng đế, với những áo khoác khác nhau. Tư tưởng Cộng Hòa, thế lực Cộng Hòa chưa được bén rễ sâu và phát triển mạnh vào trong xã hội TQ, chưa trở thành lực cản mạnh mẽ đối với tư tưởng và hành vi chuyên chế. 2) Thời kỳ Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào đã tạo ra xu thế phân hóa hai cực ngày càng nghiêm trọng, bị tư tưởng “bình quân giàu nghèo” của giới thống trị đã mở đường cho Tập xưng đế. 3) Hiến pháp 1982 cũng có tồn tại nghiêm trọng, ngoài nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ ra, còn thiết lập Ủy ban Quân sự TW, làm cho quyền lực cao nhất của TQ tập trung vào tay Chủ tịch Quân ủy TW. Điều này không chỉ tạo ra nguyên nhân chế độ cuả tai nạn chính trị lớn 1989, cũng làm cho Tập khôi phục lại Đế chế một cách dễ dàng. 4) Trong 5 năm quaTập thông qua công cụ chống tham nhũng đã loại trừ các chính địch chủ yếu trong đảng, trong quân đội, đã xây dựng được sự “khống chế tuyệt đối” đối với quân đội. 5) Có được “Cao thủ bào chế lý luận Trung Cộng” 3 triều đại Vương Lô Ninh đứng đằng sau.(Theo cách nói của Nhật báo Bình quả : Lô Ninh đã bào chế ra Thuyết “3Đại diện”cho Giang Trạch Dân, Quan điểm “Phát triển có khoa học” cho Hồ Cẩm Đào;“Giấc mộng TQ”,”Thời đại mới Tập Cận bình”, “ Tư tưởng Tập Cận Bình”, “Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước không nhiệm kỳ” cho Tập Cận Bình.)
Thứ ba, một vấn đề nữa mà dư luận đặt ra, tại làm sao mà Tập vội vội vàng vàng đưa ra việc Sửa Hiến pháp vào lúc này ?
Triệu Viễn Minh, chuyên gia nghiên cứu chính trường Trung Cộng, chuyên gia tư thâm luật học, Khoa Luật thuộc Đại học Công an nhân dân Trung Quốc cho rằng, với mức độ rất lớn còn là vì Vương Kỳ Sơn.
Nếu xét vì nhu cầu Tập, là không cần thiết vội vàng đưa ra việc Sửa Hiến pháp tại Hai Hội lần này, vì Tập còn cả thời gian nhiệm kỳ II, Tập đã có đủ quyền lực trong tay, đưa ra lúc nào chả được, cần gì phải gấp vội như thế. Nhưng chính là vì Vương Kỳ Sơn mà phải vội.
Tại Đại hội 19, nguyên tắc ngầm 7 lên 8 xuống, Tập không phá vỡ được, nên đành phải lấy Vương Kỳ Sơn đánh đổi với Lưu Vân Sơn của phái Giang để cả hai đều phải rút lui, một sự đánh đổi cân bằng. Cũng như trước đây Tập đã buộc Lưu Nguyên nghỉ để một số tướng lĩnh thuộc phái Giang trong quân đội phải nghỉ. Vương Kỳ Sơn bị cởi hết toàn bộ chức vị, chỉ còn là là một đảng viên thường. Còn khí thế của Tập sau Đại hội 19 đang đi xuống, nhất là lại gặp “3 bó đuốc” của Thái Kỳ, Bí thư Bắc Kinh đã gây phẫn nộ trong dân chúng, trong dư luận xã hội. Việc đánh đổi Vương Kỳ Sơn là một bại chiêu của Tập. Trước tình hình này, Tập càng thấy rõ, trong quá trình cầm quyền tới, không có Vương Kỳ Sơn phò tá, sẽ gặp rất nhiều nguy cơ với Tập, nên phải có cách sớm đưa Vương Kỳ Sơn trở lại chính trường, không thể để muộn. Hơn nữa việc đưa Vương Kỳ Sơn trở lại lần này là phải có được sự bảo đảm vững chắc, chứ không thể lại bị “bán rẻ” lần hai. Vương Kỳ Sơn không phải là đảng viên bình thường, suốt 5 năm qua đã hết lòng vì Tập như thế, Tập lại không thể phá vỡ cái “7 lên 8 xuống”, mà lại lấy Vương làm con bài đánh đổi với phái Giang như thế, đã gây tâm trạng nặng nề cho Vương. Lần này, nếu không có bảo đảm chắc chắn, Vương sẽ dứt khoát “thôi luôn”. Đưa Vương trở lại bằng cách nào, Vương sau Đại hội 19 chỉ còn là một đảng viên thường (theo giấy tờ là vậy) đưa lên làm Phó Chủ tịch nước là chưa có tiền lệ trong lịch sử chính trường Trung Cộng. Mặc dầu vậy, Tập quyết định bằng biện pháp đưa ngay việc Sửa đổi Hiến pháp vào kỳ Đại hội Nhân đại này, là cơ hội duy nhất, không thể vì bất cứ lý do gì để tuột mất cơ hội duy nhất này. Đây cũng là bằng hình thức luật pháp bảo đảm cho Vương Kỳ Sơn không bị trở thành vật để đổi chác lần hai. Có lẽ đây cũng là dụng ý ẩn chứa đằng sau việc Sửa đổi Hiến pháp lần này của Tập.
Thực ra, ý định sửa Hiến Pháp ngay từ ngày 29/9/2017, tại Hội nghị Cục Chính trị, Tập Cận Bình đã quyết định khởi động công tác Sửa Hiến pháp. Đến tháng 01/2018, tổ chức Hội nghị bí mật của khoảng 200 cán bộ cao cấp của đảng CSTQ tại Bắc Kinh, thảo luận một quyết sách quan trọng là có nên xóa bỏ chế độ hạn chế nhiệm kỳ của Chủ tịch nước hay không, sau hai ngày, các đại biểu đã không hoàn toàn thuận theo nguyện vọng sửa Hiến pháp của Tập Cận Bình. Sau đó, trong Thông báo Hội nghị không đề cập gì vấn đề sửa Hiến pháp. Đương cục tiếp tục giữ kín bí mật này trong 5 tuần lễ. Đó là Hội nghị TW2 khóa 19. Sở dĩ Tập giữ kín như vậy, đến gần ngày Khai mạc Hai Hội mới lộ ra, là để coi sự việc đã rồi, tránh sự phản đối của bộ phận trong và ngoài Nhân đại. Điều này càng thấy rõ, Hiến pháp không phải do cơ quan chuyên môn do Nhân đại bầu ra để soạn thảo, sau đó trình Đại hội Nhân đại thẩm định, thông qua, mà là của đảng CS, do đảng CS soạn thảo và đưa ra, áp đặt Nhân đại “đóng dấu” thông qua. Đây là cách sửa Hiến pháp “đặc sắc” của Tập Cận Bình, đã hoàn toàn vi phạm Hiến pháp của TQ đã có. (Theo tin Phóng viên Trữ Bách Lượng của Thời báo NewYork ngày 08/3/2018).
Thứ tư, cũng có quan điểm cho rằng Sửa Hiến pháp là thủ đoạn, đại biến cách thể chế chính trị Trung Quốc là mục đích.
Thạch Đào, nhà bình luận thời sự chính trị Trung Quốc cho rằng Sửa Hiến pháp xóa qui định về hạn chế nhiệm kỳ đối với chức danh Chủ tịch nước và Phó Chủ tịch nước, không phải với mục đích liên nhiệm nhiều nhiệm kỳ, tuy điều đó là sẽ diễn ra, nhưng không phải là mục đích của Tập Cận Bình về Sửa Hiến pháp. Mục đích lớn nhất của Tập là tiến hành “đại biến cách thể chế chính trị Trung Quốc.” Sửa Hiến pháp là thủ đoạn để thực hiện mục đích này.
Lưu Hạc, Ủy viên Cục Chính trị, cố vấn kinh tế hàng đầu của Chủ tịch nước Tập Cận Bình, trong bài viết đăng trên Nhân dân Nhật báo vừa rồi đã viết “…đi sâu cải cách cơ cấu đảng và nhà nước là một cuộc biến cách sâu sắc…” Ở đây, “cải cách” chỉ là thói quen dùng từ lâu nay, “biến cách” mới là chân tướng, hoặc là “thâm hóa cải cách”, tức cải cách đi vào chiều sâu, vào bản chất cốt lõi của vấn đề là nâng cao hiệu lực, hiệu quả về trách nhiệm, vai trò, quyền lực của cơ cấu đảng và nhà nước.
Vai trò Chủ tịch nước lâu nay chỉ là “hư vị” không rõ vai trò, không có đủ quyền lực cần có. Bộ máy Chính phủ thì quá cồng kềnh, quan liêu, thư lại, kém hiệu quả (thời Hán 8.000 dân nuôi 1 quan, thời Đường 3.000 dân/1 quan, thời Thanh 1.000 dân/1 quan. Còn Trung Cộng hiện nay 18 dân/1 quan, thậm chí như Huyện Hoàng Long tỉnh Thiểm Tây 9 nông dân nuôi 1 quan) . Để giải quyết vấn đề này không thể thực hiện cải cách ở mức bình thường, mà phải là một cuộc “biến cách sâu sắc”. Vậy “biến cách” là thế nào, theo lý giải nôm na của Thạch Đào là như trở bàn tay, hoặc là phía lòng bàn tay, hoặc là phía lưng bàn tay. Như Tập nói cuộc biến cách này “có tính tất yếu của lịch sử và hiện thực”, “là yêu cầu tất nhiên của Thời đại mới kiên trì và phát triển CNXH đặc sắc TQ”, “là yêu cầu tất nhiên của tăng cường xây dựng năng lực cầm quyền lâu dài của đảng”. Đảng CSTQ với CNXH đặc sắc TQ là mãi mãi gắn chặt với nhau, CNXH đặc sắc TQ là một dụng từ có tính chất giai đoạn, khi tiến hành biến cách đến một trình độ nhất định (cũng chưa rõ đến lúc nào) sẽ mất cái đặc sắc TQ, tức là “đảng CS lãnh đạo tất cả” cũng mất theo.
Đương cục TQ đã công bố kế hoạch tổ chức lại Chính phủ “có tính cách mạng” của củng cố quyền uy đảng CS, để Chủ tịch Tập Cận Bình trực tiếp nắm và điều hành kim tiền và quyền lực. “Nắm quản kim tiền và quyền lực” là quyền lực quốc gia. “Có tính cách mạng” là biến cách. “Quyền uy đảng CS” ở đây là ai ? là “Tập đại đại” càng lớn mạnh lên, đảng CS nhỏ càng nhỏ lại thêm (Đây là ý của Tiếng nói nước Đức vừa nêu ra mấy hôm trước).
Tập một mặt thông qua thủ đoạn sửa Hiến pháp để củng cố quyền lực, vai trò Chủ tịch nước, không còn là “hư vị”, cũng có nghĩa là củng cố quyền lực cá nhân Tập. Mặt khác, Tập luôn hô hào củng cố vai trò “đảng lãnh đạo tất cả”, củng cố uy quyền Trung ương, uy quyền Hạt nhân, Lãnh tụ của đảng. Uy quyền TW, Hạt nhân, Tổng Bí thư, Lãnh tụ thực chất là ai ? cũng là bản thân Tập. Đảng CS đối với Tập mà nói, cũng chỉ là công cụ để Tập lợi dụng, sử dụng vào việc xây dựng, củng cố quyền lực cá nhân Tập mà thôi. Trong quá trình sử dụng hai thủ đoạn này, khi vai trò và quyền lực của nhà nước, của Chủ tịch nước ngày càng tăng lên càng củng cố thì vai trò, quyền lực của đảng cũng được chuyển dần sang nhà nước trong quá trình đó, mà sẽ giảm dần tương ứng, cũng là lúc đã hoàn toàn “biến cách một cách sâu sắc” cơ cấu nhà nước và đảng. Đến lúc đó, vào một thời điểm thích hợp, điều kiện thích hợp, có thể Tập sẽ chỉ giữ lại vai Chủ tịch nước và vứt bỏ vai đảng, vì lúc đó đảng không còn vai trò, quyền lực gì đáng kể đối với củng cố vai trò Đế vương của Tập với áo khoác ngoài là Chủ tịch nước, hoặc một cái tên gì đó thích hợp. Đó mới là mục đích cuối cùng của Tập.
Hơn nữa, Tư tưởng của Tập được ghi vào Hiến pháp càng quan trọng với Tập ở chỗ, kể từ nay ai có ý khác với Tư tưởng Tập, có ý chống lại Tư tưởng Tập là vi phạm Hiến pháp, là chống nhà nước, là phạm tội hình sự. Mà khi Tập đã ở vị trí Hoàng đế, mỗi ý nghĩ, lời nói, ý đồ của Tập đều là thuộc phạm trù Tư tưởng Tập, mà Tư tưởng Tập là thuộc phạm trù Hiến pháp, cũng có nghĩa là Luật là từ Tư tưởng Tập, là từ Hoàng đế Tập mà ra, chứ không từ đâu khác. Như vậy việc Sửa Hiến pháp là thủ đoạn của Tập, đã dọn đường cho Tập thực hiện không chỉ trọn vẹn, mà còn vững bền mục đích Đế vương của Tập. Còn toàn dân Trung Quốc kể từ nay bị nhốt vào lồng Tư tưởng Tập, và dưới bàn tay sắt của Tâp, xã hội Trung Quốc đang quay về lại thời nào trong lịch sử Trung Quốc trước đây ?
Liệu như vậy, có phải là suy diễn quá trớn hay không ? Hay là qui luật sẽ diễn ra như thế ? Hay là Tập đã tự đặt quả bom nổ chậm “Nhân dân” để sẽ nổ hất tung Hoàng đế Tập trong tương lai không xa ? Thử suy nghĩ xem ?
Thứ năm, một số đánh giá khác :
Các nước Phương tây : Tập Cận Bình sửa Hiến pháp này là rất tốt cho phương tây trên hai phương diện : Thứ nhất, Lại Nhạc Khiêm học giả Chính trị và quốc tế và hai bờ Đại lục và Đài Loan cho rằng, lần sửa Hiến pháp này của TC có thể sẽ đi theo chế độ Nội các như Nhật hoặc Anh, người lãnh đạo đảng có thể cầm quyền lâu dài. Nếu chỉ có vậy mà nói Tập “không dân chủ” hoặc “đi xe lùi” là không đúng. Lại Nhạc Khiêm cho rằng, TC thiết kế chế độ chính trị như thế, người nắm quyền không bị hạn chế nhiệm kỳ, được yên tâm thực hiện chính sách ổn định lâu dài, không bị luôn đảo lộn bởi “tân quan tân chính sách”. Tuy quá lâu dài cũng có những bất lợi, nhưng đánh giá chung thì lợi vẫn nhiều hơn hại. Thứ hai, các học giả, các nhà phân tích phương tây cho rằng, Tập sửa Hiến pháp lần này đã giúp cho phương tây nhận rõ được một quan điểm lý luận sai lầm kéo dài mấy chục năm qua của phương tây là : “cứ giúp cho TC phát triển kinh tế lên, tầng lớp trung sản trở lên tăng lên, TC tất sẽ đi vào quĩ đạo dân chủ”. Nay nhờ Tập Cận Bình đã bằng thực tế của mình đã hùng hồn chứng minh quan điểm lý luận trên của phương tây mấy chục năm qua là hoàn toàn sai lầm, mà còn giúp phương tây sáng mắt ra về ảo tưởng rằng, “TQ càng giàu lên càng khát vọng “tự do dân chủ”, càng thể hiện một điều nữa là phương tây thực sự không hiểu gì về bản chất hai chữ “đặc sắc” của TC, như hiện nay, tầng lớp trung sản ở TQ lại ủng hộ Tập sửa Hiến pháp, có ngược với quan niệm lý luận phương tây không (chỉ điều này thôi, cũng thể hiện cái ‘Đặc sắc’ của TC, mà phương tây chưa hiểu thấu ở chỗ, Tầng lớp trung sản này là ai ? thuộc phái hệ nào trên chính trường, thương trường TC ?).
Cũng chính vì thế, mà chỉ khi Trump lên đã nhận rõ ngay điều đó, nên một mặt Trump đánh giá rất cao vê Tập Cận Bình, là một nhân vật lịch sử phi phàm, vĩ đại, không thể chê được, rất đáng nể trọng Tập. Nhưng Trump lại kiên quyết đánh cái thể chế CS của Tập, nên mặc dù Tập được bầu là Chủ tịch nước, mấy ngày sau mà Trump chưa có lời chúc mừng mà lại ký về chính sách quan hệ Mỹ-Đài loan, chính sách về quan hệ thương mại Mỹ Trung. Cho nên nhà bình luận Thạch Đào bình luận rằng : “một người hát mặt đỏ, một người hát mặt trắng”, “một người đánh vỗ mặt, một người đánh đòn ngầm”, “Đảng CSTQ sẽ chết dưới bàn tay hai người này.”
Trong nước TQ, còn có các đánh giá khác nhau, tùy theo thân phận vị trí xã hội cuả họ : Như “Thời báo Kim dung” ngày 26/3/2018 đưa tin, sau khi được tin hủy bỏ qui định hạn chế nhiệm kỳ Chủ tịch và Phó Chủ tịch nước, các mã chứng khoán có chữ “Đế”, chữ “Hoàng” như “Thâm quyến Hùng Đế khoa kỹ” tăng 7,6 điểm, “Điện tử Uy Đế Cáp Nhĩ Tân” tăng 4,7 điểm, v.v… Tiếng nói ủng hộ Tập giải thích “…đây là vì ông ta muốn là đại sự, dẫn dắt TQ trở thành số 1 thế giới, thu phục Đài Loan, những chiến lược trọng đại này cần có người kiên định làm tới, như sau thế chiến II, Lu-Dơ-Ven liên nhiệm đến 4 nhiệm kỳ. Nếu không để Tập liên nhiệm, người sau sẽ phá vỡ bố cục đại chiến lược đó. Đây là việc rất tốt. Những người chống lại, là quá đơn thuần, không hiểu chiến lược quốc gia, không hiểu tính cách của Lão đại ca, đây là Lão đại ca muốn làm đại sự mà …”.
Lại có ý kiến, mọi việc đã an bài, vấn đề là ai lên cũng được làm bao lâu cũng được, miễn là làm được việc thực tế cho dân, nâng được quốc lực và vị thế quốc tế của đất nước lên là OK, còn nay định luận thế nào là quá sớm, cho nên mới bắt đầu chưa vội phủ định tất cả. Ổn định chính trị mới là tiền đề của phát triển kinh tế và nâng quốc lực.
Có loại ý kiến giản đơn so sánh phương tây với TQ thế này : “Dân chủ tuy tốt, nhưng quốc gia ngày càng tồi tệ; chuyên chế tuy xấu, nhưng quốc gia ngày càng tốt.” Có lẽ loại có ý kiến này, lâu nay chỉ được một nguồn thông tin trên các phương tiện truyền thông TC, hoặc với một lý do khác của họ.
Có người lấy mô hình Singapor để so sánh : “Sing đúng là danh đúng với thực : GDP/người, Thu nhập/người, chỉ số hạnh phúc đều là số 1 châu Á; chỉ số liêm khiết thứ 3 thế giới; trường đại học danh tiếng thứ 1 và 2 thế giới; chỉ số môi trường xanh thứ 2 thế giới; hàm lượng vàng trong bản Hộ chiếu Sing miễn thị thực cao nhất thế giới”. Đúng là quốc gia thực sự dân giàu, phát đạt cao độ, môi trường càng cao đẹp hơn, có người bày tỏ muốn có được một Hoàng đế không phải ở chỗ ở ngôi vị bao lâu, mà là ở trên ngôi vị đó là ai ? và làm những gì, thế nào, cho ai ? Trên thế giới cũng như các triều đại TQ cũng đã từng có Hoàng đế tốt và Hoàng đế xấu. Cho nên chưa thể nói trước được điều gì với thực trạng hiện nay.
Bao Đồng (Trợ lý Tổng Bí thư Triệu Tử Dương trước đây) cho rằng, ồn ào việc sửa Hiến pháp, nhưng chẳng có hàm nghĩa luật pháp nào trong nội dung sửa đổi. Như việc đưa Tư tưởng Tập ghi vào Hiến pháp, tức là thành tư tưởng thứ 6 ghi thêm đằng sau 5 thứ tư tưởng: Mác, Mao, Đặng, Ba, Khoa học đã ghi trong Hiến pháp. Cứ kiểu này, nếu đảng CSTQ còn tiếp tục cầm quyền 30, 50 năm, 100 năm nữa, sẽ ghi tiếp vào dãy tư tưởng chỉ đạo này thế nào đây ? Khó hình dung quá ! (Đây cũng là 1 trong 2 trò cười quốc tế trên mạng xã hội hiện nay. Trò cười quốc tế thứ 2 hiện nay là việc Nhân đại vừa bỏ phiếu thông qua việc hủy qui định hạn chế nhiệm kỳ, thì ngay sau đó trên các kệ sách của các tiệm sách, của các Thư viện đã trưng bày la liệt bộ Hiến pháp mới, được in đóng đẹp dẽ, sáng chói, coi là một hiện tượng “đẻ non kiểu đặc sắc TC”, vì chỉ chưa đầy 24 tiếng đồng hồ đã tu sửa, in ấn, phát hành nhanh chóng đến tay bạn đọc khắp TQ !) Bao Đồng nói, tư tưởng ghi vào Hiến pháp đương nhiên là hợp pháp. Vậy những tư tưởng khác không được, chưa được ghi vào Hiến pháp có hợp pháp không ? Như tư tưởng Tập trước khi Nhân đại thông qua quyết định có là hợp pháp không ? Tư tưởng của mỗi người dân TQ không ghi vào Hiến pháp có được luật pháp bảo hộ không ? Họ có tư tưởng riêng không ? có quyền sở hữu tư tưởng, suy nghĩ của mình không ? Nếu không, họ là gì , là con vật, hay cái cục gỗ mục dưới “Thời đại mới Tập Cận Bình”? Nếu vi phạm 6 loại tư tưởng này có là phạm pháp không, vì 6 loại tư tưởng này đã thuộc về Hiến pháp ? Vậy nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa đã có “Luật tư tưởng” như thế nào ? Định danh “tội phạm tư tưởng “ như thế nào ? Phạm pháp tư tưởng là tội phạm hình sự hay là bất đồng dân sư ? Do Viện khoa học phán xét hay Tòa án định tội ? mức độ chế tài thế nào ? Vân vân và vân vân.
Toàn thể các nước văn minh trên thế giới chưa hề định ra “tội phạm tư tưởng”. Mao Trạch Đông đã từng viết : “người nói không có tội”, vậy gì mà đến nay, “người mới nghĩ thôi, có tư tưởng thôi, chưa viết gì” mà dưới thời Tập Cận Bình đã có tội ?
Vậy Luật học “đặc sắc” TC là căn cứ hành vi thực tế để luận tội, hay căn cứ tư tưởng, ý nghĩ của đương sự để luận tội ?
Hoặc cứ lấy mấy vấn đề thực tế thế này để nói : Trong Thiên thứ nhất, tập I, Tuyển tập Mác-Ănghel, Mác đã phê phán gay gắt cái gọi là “chế độ kiểm tra sách báo” phản văn minh trên thế giới. Vậy, TC, Tập Cận Bình đã phạm tội tư tưởng chống Mác, vì tư tưởng Mác đã được ghi trong Hiến pháp TQ.
Chủ tịch Giang đã tạo ra rất nhiều hổ và ruồi, vì thế Chủ tịch Tập mới được đánh hổ diệt ruồi. Vậy, Tập đã phạm tội chống Giang, hay Giang phạm tội chống Tập ?
Mao nói, trấn áp học sinh, không có lối thoát tốt đâu. Đặng đã có âm mưu, kế hoạch điều mấy vạn quân trấn áp học sinh. Như vậy , Mao đã phạm tội chống Đặng, hay Đặng đã phạm tội chống Mao ? Đúng là Đặng phạm tội, nhưng không phải phạm tội chống Mao mà là phạm tội chống loài người.
Đặng khẳng định “Phát triển là đạo lý thép”, Cẩm Đào nói : “Phát triển cũng không được phản khoa học”, vậy ai phạm tội chống lại ai ?
Mác chủ trương “người vô sản liên hiệp lại”, Thái Kỳ, Bí thư Bắc Kinh xua đuổi nhân khẩu đầu thấp, vậy Mác và Thái kỳ, ai đã phạm tội chống lại ai ?
Cứ thế hỏi tiếp, liệu Tập Cận Bình đã có phạm tội chống lại 5 loại tư tưởng ghi phía trước chưa ? Đây là chưa kể có phạm tội chống lại tư tưởng, quan điểm đúng đắn của Thân phụ mình không ?
Như vậy việc ghi hay không ghi tư tưởng của một nhân vật lãnh đạo nào đó vào Hiến pháp chẳng có chút nội hàm nào về Luật học trong đó. Đó chỉ là một tấm vải khoác ngoài nhằm tăng thêm chút màu mè sùng bài cá nhân mà thôi, nếu không nói thẳng ra là một màn diễn trò cười cho thiên hạ, hoặc nói thẳng hơn nữa là độ trí năng của bản thân Hoàng đế và cận thần cò vấn đề.
Phải chăng đây cùng là cái “đặc sắc” của “Thời đại Tập Cận Bình” ?