1. MỸ - NGA - TRUNG: CỤC DIỆN “TAM QUỐC MỚI”
Ở một bình diện nào đó, quan hệ Mỹ - Nga – Trung hiện nay chứa đựng một số thành tố tương tự quan hệ ba nước Ngụy – Thục – Ngô thời Tam quốc (220-280).
Cả ba nước đều muốn làm bá chủ độc tôn thế giới. Nước nào cũng muốn khuất phục hai nước còn lại. Nhưng chưa có cơ hội “ăn tươi nuốt sống” nên phải cùng tồn tại mưu ủ thời cơ. Ba nước đều chơi lá bài phát triển quan hệ song phương, đi đôi với mặc cả ngầm. Nhưng Mỹ đã mạnh hơn lại có liên minh với NATO và nhiều nước khác, nên tự cho mình quyền lĩnh xướng cung bậc quan hệ. Còn Nga –Trung đã yếu hơn lại cô độc, nên phải ra mặt liên minh công khai, phải mặc cả nhượng bộ ngầm rất nhiều với nhau.
Quan hệ tay đôi giữa các nước này không bền vững mà thay đổi tùy hoàn cảnh phục vụ lợi ích của mỗi bên. Xung đột rồi hàn gắn, trở mặt rồi làm lành, đi đêm, bắt cá hai tay, đâm dao sau lưng… là các phép quan hệ không lạ của các nước này.
Chẳng hạn, tối ngày 6/4/2017 khi ông Trump thông báo cho ông Tập Cận Bình tại Florida về việc Mỹ phóng 59 quả tên lửa Tomahawk vào Syria do cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học, thì ông Tập không những không phản đối mà còn ủng hộ và rằng “Điều đó hiểu được vì ai đó đã giết trẻ con và phụ nữ”! Thế nhưng cũng là cáo buộc sử dụng vũ khí hóa học và bắn tên lửa vào Syria, nhưng ngày 14/4/2018 tại HĐ BA LHQ, Trung Quốc lại bỏ phiếu ủng hộ Nga. Trước đó Nga đã ủng hộ lập trường Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á.
Nga – Trung vì sự độc tôn của Mỹ mà phải tự nguyện cưỡng bức “kết hôn” với nhau trong vô vàn khó chịu. Nhất là từ phía Nga. “Liên minh” Nga – Trung là mối “nhân duyên” chịu đựng. Sự tồn tại và mức độ bền vững của “liên minh” này như là một hàm số phụ thuộc vào ba biến: Mức độ áp đảo của Mỹ, người đứng đầu Nga, và mức độ dân chủ của chính thể ở Trung Quốc. Một chính thể dân chủ ở Trung Quốc, một người đứng đầu Nga không phải Putin, sẽ làm thay đổi căn bản nội dung liên minh Nga – Trung.
Nhà cầm quyền nước nào cũng có mặt tốt mặt xấu. Khác nhau ở mức độ. Nhưng để đánh giá một phần độ “tốt xấu” của các nhà cầm quyền ba nước này thì có thể vận dụng câu thành ngữ quen thuôc: “Hãy nói cho tôi ai là bạn của bạn, tôi sẽ nói bạn là người như thế nào”.
Khi nói đến tên của một nước trong bài viết này, xuyên suốt nhất quán là chỉ nhà cầm quyền, mà không phải nhân dân nước đó.
Mỹ đang có nhiều bạn. Nga đang mỗi ngày thêm ít bạn. Trung quốc vô cùng cô độc.
Về Mỹ và Trung quốc không cần phải nói thêm. Còn Nga, đề xuất của Nga trong phiên họp HĐBA LHQ ngày 14/4 vừa qua, chỉ có hai nước Trung Quốc và Bolovia ủng hộ. Kazakhstan, cựu thành viên liên bang CHXHCN Xô Viết, đồng minh của Nga hiện thời, không bỏ phiếu ủng hộ Nga. Lá phiếu của Kazakhstan nói lên rất nhiều mức độ dần cô lập của Nga trong những năm gần đây.
2. SYRIA: LO BÒ TRẮNG RĂNG
Viện dẫn ra quan hệ Mỹ - Nga – Trung ở trên để chiếu sáng một phần tình hình Syria hiện nay.
Xét về tiềm lực quân sự không hạt nhân, Nga thua Mỹ về nhiều mặt. Một cuộc chiến thông thường phi hạt nhân trên biển hay trên không trung ngoài lãnh thổ Nga và Mỹ, thì Nga không phải là đối thủ của Mỹ.
Bởi vậy nếu xung đột quân sự trực diện Mỹ - Nga xảy ra, Nga tất phải viện đến phương tiện hạt nhân. Hạt nhân là vũ khí cuối cùng cả hai phải sợ hãi.
Cho nên, Trump và Putin có cao giọng kiểu gì, cuối cùng hai bên sẽ phải tìm cách né tránh. Cả Mỹ và Nga sẽ không bao giờ đối đầu quân sự trực diện. Vì đó sẽ là kết cục bi thảm cho toàn thể loài người.
Vì một Assad hay cả một nước Syria, không thể là lý do để Mỹ và Nga tự hủy diệt lẫn nhau.
Bởi thế, lo vì Syria mà Nga – Mỹ đối đầu quân sự trực diện dẫn đến thế chiến là lo bò trắng răng.
Binh pháp là trí trá. Truyền thông quân sự là siêu trí trá. Đừng cả tin vào các con số mà các bên đối kháng đưa ra. Càng không nên mất thời gian vào số lượng bị bắn rơi hay không bị bắn rơi các tên lửa. Chỉ người trong cuộc mới biết thực hư. Chỉ người trong cuộc mới tự rút ra được bài học.
Chúng ta quan tâm đến Syria là điều dễ hiểu. Nhưng Syria không phải là bàn cờ của chúng ta. Tuy nhiên, có thể rút ra những bài học bổ ích từ Syria để mà ứng xử với các siêu cường, nhất là về Biển Đông Nam Á.
Trump và Tập Cận Bình
3. BIỂN ĐÔNG NAM Á - MỐI LO TRỰC DIỆN CỦA VIỆT NAM
Biển Đông Nam Á mới là bàn cờ mà Việt Nam được quyền chơi, buộc phải chơi.
Lấy vấn đề Syria để soi sáng cho một vài phương diện của vấn đề Biển Đông Nam Á.
1. Các siêu cường sẽ né tránh đối đầu quân sự lẫn nhau. Họ không vì quyền lợi nước nhỏ mà hy sinh quyền lợi nước mình.
2. Nhưng đứng trong liên minh quân sự có ràng buộc với siêu cường sẽ tăng khả năng ngăn chặn đe dọa xung đột lớn từ một siêu cường khác.
3. Nếu sự đối đầu mang tính hủy diệt hạt nhân thì hai bên tìm mọi cách né tránh xung đột bằng được.
4. Trong trường hợp xung đột đối đầu của hai siêu cường không mang đến sự hủy diệt hạt nhân hoàn toàn thì xung đột cục bộ nhỏ vẫn có thể xẩy ra.
5. Biển Đông Nam Á là nơi can dự chính của Trung Quốc và Mỹ chứ chưa phải là Nga. Một sự bành trướng lăng loàn của Trung Quốc hiện đang diễn ra ở biển Đông Nam Á ngày càng mạnh mẽ. Cản ngăn sự lăng loàn của Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á chỉ có thể là Mỹ, chứ không thể là Nga.
6. Tự cường là vũ khí quan trọng số một trong bảo vệ chủ quyền.
Từ những điều nêu trên có thể thấy trên Biển Đông Nam Á cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều né tránh đối đầu quân sự trực tiếp. Tuy nhiên khác với Nga, tiềm lực hạt nhân của Trung Quốc hiện thời chưa đủ để hủy diệt Mỹ khi xung đột quân sự Trung – Mỹ xẩy ra mà chỉ có điều ngược lại. Hơn nữa, khi có một cuộc xung đột phi hạt nhân giữa Mỹ và Trung Quốc trên biển xẩy ra thì phía Trung Quốc sẽ nhận phần đại bại thảm họa do chênh lệch tương quan hiện thời quá lớn. Cho nên Trung Quốc, dù lớn tiếng đến đâu, dù phồng miệng đến đâu, cuối cùng cũng phải bằng mọi cách né tránh một cuộc va chạm quân sự trực tiếp với Mỹ.
Vạn bất đắc dĩ, vẫn có thể xẩy ra một cuộc va chạm quân sự nhỏ Mỹ - Trung thì hai bên phải tìm cách xuống thang để tình hình nằm trong tầm quyển soát. Sự trả đũa của phía Trung Quốc sẽ nằm chủ yếu ở mặt trận kinh tế, bạo động quần chúng và truyền thông, chứ không thể là tiếp diễn xung đột quân sự.
Về phía Nga, ở Biển Đông Nam Á vai trò của Nga với Việt Nam hiện đã pha luồng đổi chiều áp đảo.
Chừng nào Putin còn nắm quyền ở Nga, chừng đó ông còn níu kéo “liên minh” Nga – Trung. Độ nghiêng của Putin về Trung Quốc phụ thuộc vào độ căng thẳng trong quan hệ Nga – Mỹ. Chừng nào còn “liên minh” Nga – Trung thì chừng đó Việt Nam không có sự ủng hộ của Nga trong xung đột với Trung Quốc ở Biển Đông Nam Á. Không phải Việt Nam không có chính nghĩa mà là “liên minh” Nga – Trung là một chuỗi các thỏa thuận trao đổi, trong đó nhiều điều Nga phải thua thiệt và nhiều điều người Nga rất khó chịu.
Nga đã ủng hộ lập trường của Trung quốc trên Biển Đông Nam Á để đổi lại sự ủng hộ của Trung quốc trong các vấn đề khác.
Trong quan hệ Mỹ - Nga - Trung hiện nay, Trung Quốc đang là người hưởng lợi nhiều nhất. Trung quốc không bao giờ nguôi ngoai kế sách “tọa sơn quan hổ đấu” trong quan hệ siêu cường. Còn với nước nhỏ là xâm chiếm, cướp bóc, ức hiếp, khuất phục.
Trung quốc không chỉ bành trướng lăng loàn ở Biển Đông Nam Á mà mưu ủ vai trò độc tôn thế giới. Trung quốc có thể vượt Mỹ về tổng thu nhập quốc dân sau vài chục năm nữa nhờ vào dân số đông gấp hơn 4,3 lần (1 409 798 427/ 324 568 901). Nhưng 100 năm nữa Trung quốc vẫn chưa thể vượt Mỹ về tiến bộ công nghệ quân sự.
Việt Nam phải tự hùng cường và đừng để rơi vào thế cô độc. Việt Nam, tiếng là chơi với nhiều bạn nhưng không có ai là bạn thân có ràng buộc. Trong trường hợp xảy ra xung đột với Trung Quốc thì không ai có trách nhiệm cứu giúp.
Càng nhún nhường Trung quốc càng lấn át. Nhà cầm quyền Trung Quốc muôn đời là kẻ sợ mạnh hiếp yếu.
Chỉ có hùng cường mới cản ngăn được kẻ cướp lăng loàn. Phải giải phóng tiềm lực của đất nước để hùng cường. Muốn giải phóng được tiềm lực đất nước thì phải cách mạng toàn bộ cơ chế. Một nền dân chủ đích thực sẽ giúp cho đất nước thoát khỏi tình thế suy yếu bị chèn ép hiện nay.