Diễn đàn

Xem cải lương "Thầy ba Đợi"

 Đây là vở ca kịch về cuộc đời của nghệ sĩ, nhạc sư Nguyễn Quang Đại - Người từng để lại tác phẩm được xếp vào hàng những “bài bản tổ” của ca kịch Cải Lương.

Điều ngạc nhiên của tôi là khi xem xong vở ca kịch, không hề thấy chân dung sự nghiệp Âm nhạc của nhạc sư Nguyễn Quang Đại, một “hậu tổ đờn ca tài tử Nam bộ” cuối TK19 đầu TK 20 mà chỉ thấy một thầy đờn yêu nước như biết bao chiến sĩ cách mạng.

Ở bất cứ bộ môn nghệ thuật nào, khi người nghệ sĩ đạt tới tầm tinh hoa của nghề thì đương nhiên người nghệ sĩ đó đã thuộc về dân tộc họ, thuộc về đất nước họ mà không cần phải đưa nhân vật tầm cỡ như thế vào hoạt động hội kín nào đó mới là yêu nước

Vở kịch chưa xây dựng được chân dung một hậu tổ Cải Lương có công cải biên các bài bản của âm nhạc Huế bằng cách giản dị hoá lối ấn nhịp để tạo một nhạc điệu hoà hợp với ngôn ngữ của cư dân vùng đất Nam bộ. Và công lao của thầy Ba Đợi cùng các môn đệ đã hoàn chỉnh hệ thống bài bản của “đờn ca tài tử”, nền tảng cho các Bầu gánh sau này phát triển thành nghệ thuật Cải Lương.

Viết về cuộc đời nghệ sĩ lớn phải là viết về “sự nghiệp nghệ thuật”.

Vở kịch đã cho nghệ sĩ thành chiến sĩ yêu nước khá ít nhiệt huyết với sự nghiệp nghệ thuật của một nghệ nhân lớn như nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

Phút  đầu mở màn thật ấn tượng với màn đi đày của Vua Hàm Nghi, đã lập tức cho khán giả một dấu ấn mạnh sẽ xem một vở kịch lịch sử chính trị.

Trong vở diễn có chen những chi tiết tỏ ra quan tâm đến nghệ thuật, nhưng đã… lạc điệu. Ví dụ như đoạn thoại “nên hay không nên đưa Cải lương vào dịch vụ cao lâu, tửu điếm, cô đầu”. Đây là việc hoà nhập tự nhiên của Cải Lương với xã hội, và xem như là số phận của một môn nghệ thuật qua các triều đại, không liên quan tới sự nghiệp của “Thầy Ba Đợi”.

Trong khi đó toàn bộ thời gian vở diễn dài hơn hai giờ đồng hồ, không có nổi lấy một phút độc tấu hay hòa tấu trích đoạn từ những "bản đàn tổ" để đời của nhạc sư nguyễn Quang Đại. Và cũng không có nổi nửa phút thoại về học thuật của hai phái Cải Lương miền Đông và miền Tây khác quan điểm nghệ thuật với nhau thời đó.

Nhạc sư, nhạc quan triều Nguyễn Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) là một vị quan nhạc của cung đình. Một thứ âm nhạc không phục vụ giới bình dân lao động. Nam bộ, tính đến lúc đó, có quá trình 200 năm nhọc nhằn vất vả mở đất, nhu cầu sinh hoạt tinh thần của người dân không chỉ là hát bội, hát ru con, hay hò Nam bộ, mà nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày một cao hơn.

Đúng thời điểm đó, xuất hiện hai nhóm nhạc cung đình cạnh tranh cùng nghiên cứu sáng tạo kết hợp nhạc dân gian với nhạc cung đình tạo thành nhạc Tài Tử. Điệu và hơi nhạc Tài Tử của Thầy Ba Đợi sáng tạo phù hợp với chất giọng người dân sông nước kênh rạch, nên đã mau chóng phát triển rộng khắp vùng đất Nam Bộ. Lâu dài của quá trình đờn ca tài tử đã xuất hiện “ca ra bộ”. Người ca không còn đứng yên một chỗ mà hát nữa, đã phối hợp hát và điệu bộ ảnh hưởng từ kịch thoại Phương Tây.

Như vậy mầm mống của Ca kịch Cải lương hình thành, khi sinh hoạt đờn ca tài tử có đủ các yếu tố “Ca – Vũ – Nhạc” sẵn sàng và đầy đủ khả năng công diễn độc lập dưới tổ chức của các ông bầu gánh.

Ca kịch Cải Lương ra đời từ đây, và đáp ứng mọi nhu cầu tinh thần lễ hội cộng đồng và sinh hoạt văn hóa tinh thần của dân chúng trong ngày lễ vui gia đình như hiếu hỷ, thôi nôi, mừng thọ, và cả tang ma.

Những nhiên cứu sau này ghi nhận đóng góp của hai tên tuổi lớn là ông Nguyễn Quang Đại (Ba Đợi) và ông Trần Quang Quờn (Kinh lịch Quờn). Cả hai nhạc sư đều là quan nhạc cung đình Huế.

Công lao của Nhạc sư Nguyễn Quang Đại vượt trội đến mức ông được phong làm hậu tổ nghề Ca nhạc Cải Lương.

Nhiều tài liệu nghiên cứu cho rằng, cố nhạc sư Nguyễn Quang Đại cùng các học trò còn "hệ thống hóa" hơi, điệu bài bản nhạc tài tử thành 20 bài bản Tổ theo bốn điệu thức: "Bắc", "Nam", "Hạ", "Oán .

Tất cả đã phát triển mạnh mẽ nhờ những biên cải về âm điệu của thày Ba Đợi đã phù hợp với chất giọng người Nam

Cho đến hôm nay, những làn điệu trong 20 bài bản Tổ cùng bộ Ngũ Châu và Bát Ngự được chia thành bốn điệu: Bắc, Nam, Hạ, Oán và bốn hơi: Xuân, Ai, Đảo, Ngự của ông vẫn còn được phổ biến trong giới chơi nhạc tài tử

So với thuở ban đầu mở đất Nam Bộ là ba trăm năm, “Ca kịch Cải lương” ra đời thấm thoắt đã một trăm năm.

Nhà nước đã tổ chức rất long trọng lễ kỷ niệm 100 Ca kịch Cải Lương 1918 - 2018

Nhưng, tôi  thiết nghĩ, vở Cải Lương “THẦY BA ĐỢI“ chưa khắc họa được chân dung hậu tổ nghề Ca nhạc Cải Lương Nguyễn Quang Đại cũng như lịch sử  khởi đầu của Cải Lương Việt Nam.

SG. 4-2018

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512315

Hôm nay

2252

Hôm qua

2389

Tuần này

2252

Tháng này

219188

Tháng qua

121356

Tất cả

114512315