Nhìn ra thế giới

Chiến tranh mậu dịch

Donald Trump có lối tuyên bố thẳng thừng trên Twitter như “Mỹ dễ dàng thắng chiến tranh mậu dịch vì nếu đã thua lỗ 100 tỷ với nước nào thì ngừng buôn bán với nước đó - vậy là xong.” [1]  Phe chống Trump cho rằng phát biểu như vậy là ngu xuẩn hay dối trá về mức độ phức tạp của nền kinh tế toàn cầu. Tuy vậy đại đa số dân Mỹ hiểu lối nói sống sượng của Trump hơn là chịu bỏ thời giờ lắng nghe các phân tích chi tiết và nhàm chán của giới chuyên gia. 

Tuy nhiên nếu đào sâu một hay hai lớp bên dưới thì mới thấy phần nào sự thực bên trong lớp vỏ bọc thô thiển này: Mỹ xuất cảng sang Trung Quốc 130 tỷ USD trong khi nhập cảng 506 tỷ USD; Mỹ đòi áp thuế 50 tỷ hàng nhập cảng nên Bắc Kinh dọa ngược lại 50 tỷ; nay Trump “tố” gấp đôi tăng áp thuế thêm 100 tỷ, nếu Trung Quốc trả đủa thì mức cao nhất chỉ đến mức 80 tỷ, còn trường hợp Trump “thấu cáy” lên 300 tỷ thì Hoa Lục không đủ hàng nhập cảng từ Mỹ để đánh thuế!

Bắc Kinh có thể trả đủa bằng cách bán ra trong tổng số 1100 tỷ USD nợ trước đây đầu tư vào công phiếu (US Treasury) của Mỹ khiến đồng đô-la sụt giá và Hoa Kỳ khó mượn nợ hơn. Nhưng Mỹ kim xuống giá lại giúp hàng xuất cảng của Hoa Kỳ giá rẻ, còn Trung Quốc thua lổ trước mắt khi giá trị công phiếu Mỹ bị sụt giảm nặng trên thị trường tự do. Hơn nửa tiền thu vào không dám mang về Trung Quốc vì sợ “thất thoát” hay khiến tăng lạm phát nên bắt buộc phải dùng để mua công phiếu của Nhật hay Âu Châu; điều này sẽ khiến đồng Yen và Euro tăng giá làm hàng Âu-Nhật trở nên mắc mỏ khiến hai khối này giận dữ trả đủa. Sau hết vào mỗi lần thế giới bị xáo trộn thì các nước dư tiền như Ả Rập và vùng Đông Nam Á lại đua nhau mua thêm công phiếu Hoa Kỳ vì xem đây là chốn an toàn cuối cùng cho nên lãi xuất tại Mỹ sẽ xuống thấp và tiền đô-la tăng giá trở lại!

Biện pháp khác là nhắm vào các nguồn xuất cảng chủ lực từ Hoa Kỳ trong đó có nông phẩm và máy bay. Riêng về đậu nành thì trên thế giới không nước nào sản xuất nhiều bằng Mỹ nên không đủ đậu nành đắp vào khoảng trống; đầu nành lên giá thì thịt heo bên Trung Quốc cũng tăng theo nên dân chúng Hoa Lục sẽ than phiền.

Trung Quốc trước nay lợi dụng sự cạnh tranh giữa Airbus và Boeing để ép giá và bắt chuyển giao công nghệ. Airbus đang ngỏ ý sản xuất A380 bên Trung Quốc và sẽ hưởng lợi nếu Boeing bị áp thuế. Tuy nhiên chỉ vào tháng 01/2018 Trump đã gián tiếp cảnh cáo Airbus bằng cách đòi đánh thuế 300% lên Bombardier là công ty hùn hạp với Airbus [2], mức thuế này sau đó bị cất lại nhưng cũng đủ để hù dọa Airbus đừng lợi dụng tranh chấp mậu dịch Mỹ-Trung nhằm thu lợi thì sẽ bị vạ lây.

Tương tự như thế việc dọa áp thuế 25% lên thép nhập cảng vào Mỹ chỉ là “dằn mặt” nước bạn đừng một mặt trông cậy Hoa Kỳ bảo đảm an ninh mặt khác mở cánh cửa sau mời Trung Quốc vào chơi xấu Mỹ, như khi Hoa Kỳ tăng thuế thép Trung Quốc thì Mexico, Nam Hàn và Việt Nam đã để Trung Quốc luồn thép vào nước nhằm bán sang Mỹ.

Một điều mà mọi người kể cả các đối thủ nặng ký như Tập Cận Bình vẫn phân vân không hiểu là liệu ông Trump khùng hay đang đánh võ khùng! Con người ông Trump có vẽ huênh hoan bốc đồng mà không thâm trầm sâu xắc, nhưng xét bên dưới các phát biểu nông cạn thì hình như ông có chuẩn bị bàn cờ. Nhưng cũng không thể đánh giá ông cao hơn tầm cỡ để khỏi bị hố, cho nên mờ mờ ảo ảo khiến cả bạn lẫn thù vô cùng bối rối: ông đánh võ khùng đã vô cùng nguy hiểm, lỡ mà ông khùng thiệt lại còn đáng sợ hơn nhiều!

.....................................................

[1] When a country (USA) is losing many billions of dollars on trade with virtually every country it does business with, trade wars are good, and easy to win. Example, when we are down $100 billion with a certain country and they get cute, don’t trade anymore-we win big. It’s easy! – (Trump 03/02/2018)

[2] The Bombardier-Boeing dispute and the Chinese factor – by Danny Lam, 10/19/2017

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511804

Hôm nay

2130

Hôm qua

2337

Tuần này

22178

Tháng này

218677

Tháng qua

121356

Tất cả

114511804