Văn hoá học đường

Về hệ thống giáo dục mở

- Xây dựng hệ thống giáo dục mở là một trong hai vấn đề cơ bản và lớn nhất, giá trị cốt lõi trong Nghị quyết 29 của BCH.TW (khóa XI) về “đổi mới căn bản và toàn diện” nền giáo dục nước nhà. Lựa chọn hệ thống giáo dục mở là quan điểm rất đúng đắn. Như chúng ta đã biết, theo lý thuyết hệ thống, kể cả đối với thế giới tự nhiên, xã hội và con người, thì chỉ có hệ thống mở mới có sức sống, không bị xơ cứng, thoái hóa và lạc hậu khi thời gian đi qua; còn các hệ thống đóng kín, khép kín, không mở, thì trước sau gì tất yếu cũng sẽ thoái hóa, sẽ lạc hậu, vì nó không được thường xuyên trao đổi chất, trao đổi thông tin với thế giới bên ngoài đang thay đổi từng giờ, nhất là trong thời đại ngày nay, khi mà sự biến đổi của thế giới vật chất và tư duy của con người đang hết sức nhanh chóng.

- Trong nội dung nghị quyết chưa nêu cụ thể đầy đủ “mở” như thế nào, đó là công việc của đề án để thực hiện nghị quyết. Rất tiếc là cho đến nay, đã 5 năm rồi, kể từ khi ra nghị quyết, nhưng các cơ quan liên quan vẫn chưa cụ thể hóa cho rõ nghĩa là hệ thống giáo dục “mở” bao gồm những yêu cầu và nội dung gì. Tôi rất hoan nghênh cuộc hội thảo lần này do Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng VN tổ chức, hy vọng hội thảo sẽ góp phần đáng kể để làm rõ nội dung “mở” của nền giáo dục nước nhà. Với cách hiểu của mình, sau đây tôi xin nêu một số ý kiến để các anh chị tham khảo nếu quan tâm.

- Trước tiên cần nói là cách tiếp cận mở bắt đầu từ văn hóa, xuất phát từ văn hóa. Văn hóa là những giá trị của con người, thuộc về con người, với nhân cách của họ. Nói gọn hơn, văn hóa là chất người, tính người, chất lượng người. Giáo dục là một bộ phận cơ bản và cốt lõi của hoạt động văn hóa. Sản phẩm của công cuộc đổi mới căn bản nền giáo dục là một dân tộc VN ở đẳng cấp và trình độ văn minh cao hơn hẳn so với hiện tại. Nói cách khác là cần tích cực và chủ động thúc đẩy để hình thành một nền văn hóa với đặc điểm kế thừa tối đa những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, trong đó, mặt nổi trội thuộc về văn hóa giữ nước; đồng thời phải tích cực và khẩn trương xây dựng mặt thứ hai của nền văn hóa là văn hóa phát triển (đối với dân tộc). Cho đến nay, sau nhiều nghìn năm, với thời gian hòa bình xây dựng nhiều gấp bội so với chiến tranh, nhưng VN ta vẫn chưa là một quốc gia phát triển. Ngày nay, trong điều kiện hội nhập toàn cầu, một dân tộc nào đó không phát triển được thì cũng khó mà giữ được nền độc lập lâu bền, đồng thời sẽ tiếp tục thua thiệt và tụt hậu, nguy cơ nghèo đói và khủng hoảng sẽ luôn thường trực. Nền giáo dục mở mà chúng ta dự định xây dựng cần phải gắn với văn hóa phát triển, chấp nhận tính đa dạng về văn hóa, coi sự đa dạng ấy là mãnh đất màu mở cần thiết cho sự tồn vong và phát triển của dân tộc, giống như tính đa dạng sinh học đối với thế giới tự nhiên, chủ động và tích cực tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại, của các quốc gia phát triển phù hợp với điều kiện của nước nhà. Trong nền giáo dục ấy, sự liên kết, sự hợp tác, trao đổi thông tin, trao đổi kinh nghiệm, tiếp biến văn hóa với quốc tế, nhất là với các nước phát triển, đào tạo ra các công dân vừa của Việt Nam vừa của toàn cầu là một nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu.

- Đặc điểm đầu tiên và bắt đầu của nền giáo dục mở chính là sự thoáng mở về tư duy và cơ chế quản lý trong giáo dục đào tạo, nhằm mục tiêu hình thành những con người “tự nó”, tự chủ, có năng lực tư duy độc lập, có thoái quen phản biện, có bản lĩnh bảo vệ chân lý, luôn chủ động và sáng tạo, có năng lực hành động trong công việc; không bị áp đặt, thụ động, xơ cứng, rập khuôn máy móc, chỉ biết thừa hành theo ý kiến của người khác, không có năng lực tư duy độc lập và triển khai công việc trên thực tế. Tức là hiểu đặc trưng “mở” ấy của nền giáo dục ở phương diện mục tiêu đào tạo.

- Tiếp theo, đặc điểm mở của nền giáo dục cần thể hiện ở môi trường phát triển đối với con người. Đất nước là sản phẩm của con người. Khi con người phát triển thì đất nước nhất định sẽ phát triển. Môi trường phát triển đối với con người bao gồm rất nhiều yếu tố, trong đó, chủ yếu và quan trọng nhất là tinh thần phản biện khoa học, tự do tư tưởng và tự do ngôn luận. Cũng tức là một môi trường mở. Thiếu các yếu tố đó thì các giải pháp khác không thể thay thế nổi. Nhà trường trước nhất là nơi tạo môi trường ấy, chứ không phải là nơi áp đặt các kiến thức sẳn có, dù đã lâu, đã cũ.

- Để đạt được mục tiêu đào tạo đó, cần thiết phải thay đổi phương pháp tiếp cận và tác động vào người học theo hướng mở. Người thầy không phải là nhà truyền giáo, áp đặt một chiều các kiến thức có sẳn, mà là một người bạn đồng hành cùng với học sinh trong quá trình đi tìm chân lý. Đó là những người bạn lớn, tâm huyết, kiên trì và liên tục sáng tạo về phương pháp phù hợp với đối tượng người học. Không phải người thầy cố nắn để tạo ra các học trò giống mình, lấy bản thân mình làm hình mẩu và giới hạn, mà người thầy là người tác động để các học trò “tự” phát triển các tiềm năng thế mạnh của mình, giúp về phương pháp học, phương pháp tiếp cận, cách phân tích, tổng hợp và giải quyết vấn đề, tạo điều kiện để người học có thể đi xa, vượt thầy, vượt sách.

- Thoáng mở đầu vào để tạo cơ hội cho người học tiếp cận với các cơ sở giáo dục-đào tạo khi họ thật sự muốn học cũng là một đặc điểm của hệ thống giáo dục mở. Quyền được học, được đến trường là một trong những quyền thiêng liêng của con người. Tất nhiên việc thoáng mở đầu vào phải gắn với quản lý chất lượng đầu ra. Ở nước ta nhiều lúc thi vào đại học thật vất vả, nhưng vào được rồi thì gần như chắc chắn sẽ tốt nghiệp, trong khi ở nhiều nước tiên tiến, muốn học thì ghi tên để học, nhưng nếu không học nghiêm túc và tích cực thì sẽ mất thêm nhiều năm vẫn không tốt nghiệp được. Đó là hai cách làm khác nhau nhiều.

- Hệ thống giáo dục mở ấy còn thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức giáo dục, đào tạo. Có các loại trường công lập, tư thục và dân lập; có trường của VN và trường của quốc tế; có đào tạo tập trung và phi tập trung; có liên tục và không liên tục; có trực tiếp và trực tuyến (qua mạng); có dài hạn và ngắn hạn; có phân luồng thuận tiện cho người học; có thuyết giảng và đối thoại, tranh luận; có gắn với công tác nghiên cứu, thực hành và thực tế, gắn nhà trường với xã hội…Đó là hệ thống tôn vinh thực học, thực nghiệp, không khuyến khích hư học, ứng thí, bệnh khoa trương hình thức; lấy người học làm trung tâm để phục vụ (chứ không phải nhà quản lý là trung tâm, còn học sinh là đối tượng để khai thác). Trước đây ta đã có các trường dân lập, sau đó thì bỏ, nói là giống nào phải ra giống ấy, không để lưỡng tính, chỉ còn tư thục và công lập thôi, trong thực tế thì đã tư nhân hóa hoặc công lập hóa các trường dân lập đó. Như chúng ta đã thấy, và sẽ còn thấy trong lâu dài, thực tế có những cơ sở giáo dục không phải của nhà nước, cũng chẳng phải của tư nhân, mà là của một cộng đồng, tức là mang tính chất dân lập đó thôi. Mà các cộng đồng nhân dân cùng chung tay lo cho giáo dục thì tốt quá chứ có sao đâu, sao lại không được. Ta đang khuyến khích các trường ngoài công lập không vì mục tiêu lợi nhuận. Đó là hướng đúng. Khi các trường ấy không phân chia lợi nhuận cho cá nhân, nếu có lãi thì tăng vốn thuộc sở hữu xã hội. Đó là đặc điểm quan trọng nhất của một trường học không vì mục tiêu lợi nhuận. Nhưng chính đặc điểm ấy, sau một thời gian phát triển của trường thì tất yếu nó sẽ trở thành trường dân lập. Tại nhiều nước tiên tiến, ở khu vực đại học và cao đẳng, trường ngoài công lập chiếm đa số, thậm chí đến 80%, còn trường công lập chỉ số ít, nhiều nước có khoảng 20%. Nước ta thì ngược lại, công lập đến 80%, trong khi ngân sách nhà nước rất có hạn, vậy mà cứ mong muốn có một nền giáo dục đại học chất lượng cao với giá rẻ. Cần phải thay đổi tư duy và cách làm, mở mạnh cho hệ thống ngoài công lập phát triển, nhất là ở khu vực đào tạo sau phổ thông. Tạo nên một môi trường bình đẳng thật sự giữa công lập và ngoài công lập cũng là nội dung quan trọng của hệ thống giáo dục mở.

- Hệ thống mở nhất thiết phải gắn với sự liên thông giữa các bộ phận trong bản thân hệ thống, bảo đảm cho sự chuyển tiếp khi học lên hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, chuyển đổi công việc một cách thuận tiện nhất, không bị bất cập do sự không khớp, vênh nhau bởi sự không chuẩn trong thiết kế chương trình, do cơ chế quản lý và do các thủ tục. Một số nghiên cứu ở các nước cho thấy, trong cuộc đời làm việc sau khi kết thúc đại học, trung bình mỗi người có hơn 5 lần thay đổi nghề nghiệp, công việc. Để đáp ứng yêu cầu thay đổi ấy, hệ thống giáo dục mở - liên thông phải cung cấp điều kiện thuận tiện cho việc chuyển đổi nghề nghiệp đó. Trong thực tế, người có điều kiện thì có thể học liên tục đến hết đại học hoặc thạc sĩ rồi mới ra làm việc, người khác không có điều kiện như vậy thì có thể học hết phổ thông cơ sở, hoặc phổ thông trung học, sơ cấp, trung cấp, hoặc cao đẳng rồi ra làm việc, sau một thời gian, khi có điều kiện thì học nối tiếp lên cao hơn. Hệ thống giáo dục mở phải đáp ứng thuận tiện cho yêu cầu ấy. Hiện nay ở VN ta còn trở ngại nhiều lắm, thậm chí có trường hợp 2 trường đã nhập lại làm một rồi mà hai bộ phận hợp thành ấy vẫn không liên thông được với nhau. Trong một hệ thống giáo dục, muốn liên thông tốt thì phải có một đầu mối thống nhất để thiết kế các tổ chức của nó với các chức năng và nhiệm vụ cụ thể phù hợp với nhau mỗi khi cần khớp nối để liên thông. Ta thử hình dung, trong một tòa nhà mà tầng này lên tiếp tầng kia, phòng ở phía đông muốn sang phòng ở phía tây đều phải đi xuống tầng trệt rồi sau đó mới lên một cầu thang khác mới có thể đến được những nơi kia thì quả thật bất tiện và lảng phí vô cùng. Thời gian qua ta đã cắt hệ thống giáo dục ra thành 3 khúc, khúc đầu khúc cuối giao cho Bộ Giáo dục, còn đoạn giữa thì giao cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tôi chưa hình dung ai sẽ thiết kế để liên thông trong hệ thống như vậy? Chẳng lẽ là Chính phủ phải đứng ra làm cái công việc sự nghiệp có tính chuyên môn ấy?

- Hệ thống giáo dục mở chắc chắn phải bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở đại học và cao đẳng. Khi nào có đủ quyền tự chủ ấy thì lúc đó mới có một nền giáo dục đại học trưởng thành. Tôi hiểu “tự chủ” là tự mình làm chủ. Chủ thể ở đây là một đơn vị đào tạo đại học. Làm chủ như thế nào và về cái gì? Tức là tự quyết định mọi công việc liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, công việc đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường. Chủ thể tự chủ ở đây là trường đại học!  Nhưng hiểu thế nghĩa nào cho đúng ? có phải là cả trường không hay chỉ là ông hiểu trưởng? Không phải cả trường và cũng không phải một người là ông hiệu trưởng. Mà là một tập thể, đứng đầu là Hội đồng trường, cơ quan đại diện và quyền lực cao nhất của nhà trường. Hội đồng trường quyết định ông hiệu trưởng chứ không phải ngược lại như cách ta làm lâu nay, biến hội đồng trường thành hình thức, bảo vệ các ý kiến của hiệu trưởng. Các nhà nghiên cứu và các nước khác nhau hiểu và quan niệm về tự chủ cũng không hoàn toàn giống nhau. Ba năm trước đây, nhóm nghiên cứu đề án Trường Đại học Fulbright khi làm việc với các cơ quan hữu quan của VN để xin ý kiến về chủ trương tự chủ đại học, khi nói chung chung thì đôi bên dễ dàng thống nhất, nhưng khi đi vào chi tiết thì hóa ra là không ít vấn đề còn nghĩ khác nhau. Ấy là do cách hiểu, do quan niệm  không giống nhau.

- Các nội dung chủ yếu của tự chủ đại học thường bao gồm về công việc đào tạo, chương trình; về nhân sự; về tài chính. Trong tự chủ về chương trình có một phần nội hàm gắn với quyền tự do học thuật. Tự do học thuật cũng là yêu cầu tất yếu của một nền giáo dục đại học trưởng thành, cũng là đặc điểm quan trọng của nền giáo dục mở.

- Tự chủ và tự do đương nhiên vẫn nằm trong những giới hạn và trách nhiệm nhất định. Nhà trường (kể cả Hội đồng trường, các thầy cô giáo và cán bộ quản lý) phải biết chịu trách nhiệm với người học về chất lượng đào tạo, chịu trách nhiệm xã hội và trách nhiệm giải trình, minh bạch thông tin. Nhà trường là một tổ chức thành viên của xã hội, sự tự chủ đương nhiên sẽ nằm trong khuôn khổ của pháp luật, và ta hiểu đó là pháp luật tiến bộ theo tinh thần tự chủ đại học và tự do học thuật. Mục tiêu đào tạo quan trọng nhất là chất lượng. Chất lượng chủ yếu là do nhà trường tạo ra. Quản lý vĩ mô vẫn có những tác động rất quan trọng đến chất lượng đào tạo, nhưng ít hơn và không trực tiếp như nhà trường. Tạo sự chủ động và năng động cho cơ sở đào tạo để tập thể nhà trường có điều kiện sáng tạo trong công việc sẽ có ý nghĩa quyết định đối với chất lượng đào tạo.

- Tạo ra sự tự chủ đại học cũng là một cách thúc đẩy xã hội hóa công việc giáo dục đào tạo. Và đó cũng là yêu cầu mở, đặc điểm mở của hệ thống giáo dục. Thuở ban đầu, giáo dục là công việc của cộng đồng, cha mẹ và thế hệ trước truyền lại kinh nghiệm cho con cái và thế hệ sau. Khi có nhà nước, nhận biết đây là lĩnh vực có vai trò rất quan trọng đối với đời sống xã hội, nhà nước bắt đầu tham gia vào công việc giáo dục đào tạo. Đó là sự cần thiết, nhưng nhiều khi nhà nước lại vượt quá giới hạn cần thiết, bao cấp, ôm đồm và trực tiếp làm thay, trong khi nguồn lực tài chính và các chức năng, điều kiện khác  không hội đủ. Giáo dục đào tạo là trách nhiệm của toàn xã hội, một công việc mang tính chất xã hội rất cao, dù vai trò của nhà nước vẫn luôn cần ở vị trí hàng đầu.

- Như đoạn trên đã nói, tự chủ chương trình tất yếu phải gắn với tự do học thuật, và trong tự chủ chương trình đã bao hàm một phần của tự do học thuật. Tự do học thuật có phạm vi và nội hàm rộng hơn tự chủ về chương trình. Tự chủ chương trình là công việc của nhà trường, còn tự do học thuật không chỉ là công việc của nhà trường, mà còn là công việc của riêng từng người thầy giáo và của từng học sinh, đó còn là vấn đề dân chủ, tự do tư tưởng, tự do cá nhân, các yếu tố và điều kiện hàng đầu đối với sự phát triển tư duy của con người. Tự chủ chương trình cho phép nhà trường tự mình quyết định và chịu trách nhiệm về việc dạy thứ gì, môn học nào, dạy bao nhiêu, nhiều hay ít, nông hay sâu, chứ không phải nhất nhất theo một quy định chung cứng nhắc từ cấp trên. Nói chung là vậy, trường hợp cá biệt, rất hản hữu, là theo quy định cụ thể của luật pháp. Hiện tại, chương trình đại học của VN so với nhiều nước có dài hơn, cơ cấu không hợp lý, học lý thuyết hàm lâm và học chính trị, quân sự nhiều quá, nhưng lại do quy định từ cấp trên, chứ nhà trường không có quyền quyết định. Cần phải có đổi mới tư duy một cách căn bản về vấn đề này, để các trường đại học có thể tự chủ thực chất về công việc đào tạo, còn gọi là tự chủ về chương trình, bao gồm mục tiêu, nội dung, ngành nghề đào tạo, môn học bắt buộc và môn học tự chọn, số tiết học, số tín chỉ, phương pháp đào tạo, số lượng tuyển sinh, công tác tuyển sinh…

- Trong điều kiện VN hiện nay, khó khăn nhất là tự chủ về chương trình học đối với các môn lý luận chính trị, vì đây được coi là lĩnh vực có nhiều vấn đề nhạy cảm. Vì vậy, các cơ quan hữu quan ở cấp TW cần có kế hoạch giúp cho các trường thực hiện việc này trong giai đoạn đầu. Phân biệt khoa học với chính trị. Tại các trường sẽ thực hiện chương trình học các môn khoa học về lý luận chính trị, tức là học khoa học chứ không phải học chính trị. Còn việc học chính trị như nghe một nghị quyết của Trung ương hoặc của Quốc hội là một việc khác, thỉnh thoảng vẫn cần, nhưng không nên đưa vào chính khóa. Các môn lý luận Mác-lênin là bộ phận hợp thành của lịch sử khoa học nói chung của nhân loại, chứ không tách biệt và cô lập các nội dung ấy. Học Mác-Lênin đồng thời cùng với các lý thuyết của các nhà khoa học khác, nên tập trung làm rõ các giá trị nhân văn và giá trị khoa học vốn có của nó (phân biệt với các nội dung tư biện). Để cho mọi lý thuyết khoa học được bình đẳng với nhau, tự sống bằng các giá trị khoa học chân chính của mình và phải không ngừng bổ sung, phát triển. Việc sắp xếp môn học cứng, bắt buột hay để sinh viên tự chọn và việc dạy nông sâu đến mức nào là dựa trên những nguyên tắc chung đối với mối quan hệ hữu cơ của tất cả các môn khoa học với các ngành nghề cụ thể. Không phải lo lắng rằng cách ấy sẽ làm giảm vị trí quan trọng của các môn này, bởi chính các môn ấy đã có những giá trị nhất định trong bản thân nó, chẳng phải vậy mà các trường đại học ở phương tây và phương đông đến nay vẫn nghiên cứu học thuyết Mác, khi ông đã qua đời cách nay 135 năm, không còn sống để bảo vệ quan điểm của mình.

- Tự chủ về tài chính: Nhà trường tự cân đối tài chính để đảm bảo cho hoạt động thường xuyên và xây dựng cơ bản, mua sắm tài sản cố định, không dựa dẫm và trông chờ ngân sách nhà nước, kể cả trường công lập, kể cả kinh phí để trả lương cho giáo viên. Nhà trường quyết định mức thu học phí. Đối tượng được miễn giảm học phí nếu nhà nước yêu cầu thì nhà nước phải bù phần kinh phí hụt thu, nếu nhà trường tự mình quyết định theo trách nhiệm xã hội của mình thì nhà trường tự cân đối tài chính. Thực hiện tự chủ đại học cần song song, đồng thời với thực hiện sự bình đẳng giữa các loại trường, giữa công lập và ngoài công lập. Bình đẳng về cơ chế chính sách giữa trường công và trường tư, kể cả về tài chính, đất đai và chính sách xã hội. Nhà nước hỗ trợ tài chính theo cơ chế chung và theo khả năng của ngân sách. Nhà nước cấp hoặc cho vay không lãi đối với sinh viên, nhất là sinh viên nghèo và sinh viên học giỏi, để nộp học phí cho nhà trường thay cho cấp ngân sách để trả lương cho giáo viên và các khoản chi khác cho hoạt động thường xuyên của các trường công lập. Nhà nước nên dùng chính sách hỗ trợ học phí thay cho bao cấp trả lương tại các trường công.

- Tự chủ về nhân sự: Tự chọn và quyết định về giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ, tự phong giáo sư, phó giáo sư theo quy định khung của nhà nước. Giáo sư là người làm công việc giảng dạy, không phải là một chức vụ nhà nước, không phong cho những người làm lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan, đoàn thể, nếu họ không đủ giờ đứng lớp. Giáo sư, phó giáo sư là của trường đại học nào, chứ không phải chung chung của quốc gia. Khi nghỉ dạy hoặc chuyển công tác sang lĩnh vực khác thì không còn giáo sư như trước nữa (chỉ là nguyên giáo sư của trường nào đó). Nhà nước quy định tiêu chí và quản lý số lượng giáo sư của từng trường theo quy mô, còn việc phong giáo sư cho ai là do tập thể nhà trường, không cần thiết phải có Hội đồng giáo sư nhà nước với chức năng nhiệm vụ và hoạt động như hiện nay. Từ trường này chuyển sang giảng dạy ở trường khác thì trường mới sẽ xem xét lại việc có phong hay không học hàm giáo sư, phó giáo sư.

- Trong nền giáo dục mở rất cần thiết thực hiện một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa. Thậm chí còn phải tiếp tục thực hiện một chương trình quốc gia với phần nội dung “cứng”, bắt buộc trong giới hạn nhất định và kèm theo là các chương trình khác nhau ở cấp địa phương với phần nội dung “mềm” phù hợp điều kiện cụ thể ở địa phương đó. Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa là cách làm mở, tạo điều kiện cho những bộ sách tốt hơn, chất lượng hơn được ra đời, phục vụ cho giảng dạy và học tập. Cần sớm bỏ đi cách làm sách giáo khoa theo kiểu độc quyền và áp đặt. Sách có hay dỡ thế nào học sinh cũng bị bắt buộc phải mua, phải học, vì không có sự lựa chọn nào khác. Cách làm độc quyền đó vừa kìm hảm người dạy, người học, đồng thời cũng kìm hảm sự  phát triển của chính những người viết sách, vì họ giống như các đế thiên đế thích ở trên trời, không phải thi với ai cả, cứ cho là, cứ hiểu là mình giỏi nhất thiên hạ. (Tôi xin lỗi các thầy có mặt ở đây đã từng tham gia viết sách giáo khoa!). Sau khi có chủ trương về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa thì Bộ Giáo dục lại đề nghị trong đó có một bộ sách do Bộ trực tiếp chỉ đạo, thực hiện bằng tiền của nhà nước (nghe nói định xin cấp 780 tỷ và xin vay của quốc tế 80 triệu USA nữa, vị chi khoảng 2500 tỷ). Tôi chưa nói tiền nhiều tiền ít và khoản tiền này sẽ hạch toán và thu hồi về đâu, bởi vì sách giáo khoa là thứ bán được để thu hồi vốn, hoàn toàn có thể xã hội hóa chứ không phải nhà nước bao cấp và việc làm sách theo chương trình mới thì lần lượt suốt 12 năm, vốn quay vòng để làm sách đến 12 lần chứ không phải một lần. Điều trước tiên tôi muốn nói ở đây là tại sao Bộ Giáo dục của chúng ta chỉ trực tiếp chỉ đạo một bộ sách trong khi Bộ cần quan tâm đồng đều và công bằng đối với tất cả các bộ sách mà không có phân biệt? Thay vì chỉ có một bộ sách độc quyền, việc cho ra nhiều bộ sách giáo khoa là một sân chơi bình đẳng mà Bộ Giáo dục phải đứng ở vị trí trung tâm, trọng tài, chứ không lệch về một bên nào. Không thể có một sân chơi bình đẳng khi mà trong đó có một đội bóng được sự quan tâm riêng và trực tiếp tham gia của trọng tài vào đội bóng ấy. Mặt khác, Bộ làm công việc quản lý nhà nước là chủ yếu, còn công việc mang tính sự nghiệp như viết sách là của các nhà xuất bản, các trường đại, viện nghiên cứu và các chuyên gia. Với cách làm này thực chất là “đổi mới” nửa vời, vẫn níu kéo cái cũ, vẫn là như cũ.

- Trong khi thực hiện cơ chế mở như đã trình bày thì đồng thời cũng cần phải mở đối với hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục, trong đó có vai trò của tổ chức của nhà nước và vai trò của các tổ chức kiểm định độc lập, kể cả của các hiệp hội và của tư nhân. Nhà nước chủ yếu là đánh giá các tổ chức kiểm định, còn các tổ chức kiểm định độc lập thì đánh giá chất lượng giáo dục đào tạo của các cơ sở. Đánh giá và công khai kết quả đánh giá để xã hội tham gia giám sát và các cơ sở giáo dục thì xem xét để điều chỉnh công việc.

- Hệ thống giáo dục mở còn một yêu cầu nữa là cần giải quyết cho tốt mối quan hệ giữa giáo dục đào tạo và thị trường. Những ý kiến cho rằng, giáo dục-đào tạo phải nằm ngoài thị trường, hoặc giáo dục-đào tạo phải được thị trường hóa, tuy có khía cạnh đáng suy ngẫm, tuy nhiên, cả hai đều là tư duy chưa chuẩn, có mặt cực đoan một chiều. Đầu tư cho giáo dục khai phóng và nhân bản tạo ra nhân cách, để lại cho đời những giá trị bền lâu, tác động có thể nhanh hoặc chậm, có thể trực tiếp hoặc gián tiếp vào cuộc sống, vì vậy, không thể hạch toán trực tiếp như kinh tế. Đó là lĩnh vực văn hóa, nằm ngoài quy luật thị trường. Như mọi người đã biết, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, các danh nhân văn hóa, các nhà khoa học đã sống và qua đời từ lâu, nhưng những giá trị mà các ông để lại cho đời thì hôm nay và cả mai sau vẫn còn tác dụng, vậy thì hạch toán thu ở đây thế nào? Mặt khác, dịch vụ đào tạo, loại công việc đáp ứng cung cho nhu cầu hiện tại, trước mắt, của con người và xã hội, thì rất cần sử dụng những cơ chế thị trường phù hợp để thúc đẩy phát triển (như là sự cạnh tranh về chất lượng, hạch toán giá cả bù đắp chi phí, khuyến khích vật chất đối với năng suất lao động và chất lượng công việc…)

- Công nghệ thông tin đang tiến rất nhanh. Rồi đây, công nghệ thông tin sẽ lần lượt làm thay đổi căn bản phương thức hoạt động của con người trên hầu hết các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhiều khái niệm truyền thống và cách làm trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo cũng sẽ thay đổi. Khái niệm trường học, giảng đường, thư viện, phòng thi, giảng viên, sách giáo khoa…cũng sẽ không y nguyên như cách hiểu lâu nay. Các kiểu trường đại học mà lâu nay ta gọi là “ảo” cũng sẽ là trường thật và ngày càng phổ biến. Một ông thầy giỏi cộng với công nghệ thông tin sẽ làm thay công việc cho một vạn giảng viên và cùng lúc tiếp cận với học sinh ở rất nhiều nơi trong và ngoài nước là chuyện thật. Học sinh có thể học ở mọi lúc mọi nơi trong khi chưa có điều kiện để tập trung tại trường…..Ứng dụng rộng rãi thành tựu của công nghệ thông tin như vậy, tạo điều kiện thuận tiện nhất cho người học cũng sẽ là một đặc điểm mở của hệ thống giáo dục hiện đại./.

                                                 Quảng Nam ngày 05.5.2018

Bản tác giả gửi VHNA

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114441663

Hôm nay

263

Hôm qua

2317

Tuần này

21567

Tháng này

216837

Tháng qua

112676

Tất cả

114441663