Diễn đàn

Cần tăng cường phổ biến và thực hành Luật Trưng Cầu Ý Dân

Luật trưng cầu ý dân 2015 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1-7-2016, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo cử tri trong nhiều năm qua.

Trưng cầu ý dân không chỉ là nhu cầu tất yếu của người dân ở một quốc gia dân chủ, mà còn thể hiện quyền công dân, quyền con người. 

Luật trưng cầu ý dân 2015 chính là sự thể chế hóa quyền “dân chủ trực tiếp” của công dân được quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Song, đây là vấn đề mới, lại chưa được các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn nhiều, nên đến nay đã hơn 2 năm sau khi Quốc hội thông qua Luật trưng cầu ý dân, nhiều người dân còn chưa biết đến luật này.

Mặt khác, các cơ quan thông tin đại chúng thời gian qua cũng chỉ tập trung tuyên truyền các đạo luật lớn như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật dân sự... còn đối với Luật trưng cầu ý dân ít được đề cập nên người dân cũng thiếu thông tin.

Nội dung của Luật trưng cầu ý dân 2015 quy định khá chi tiết, không chỉ bao gồm những vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân, mà còn quy định cụ thể trình tự thủ tục việc tổ chức trưng cầu.

Do vậy, chỉ cần các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường việc thông tin hoặc đăng tải toàn văn luật này thì mọi người đều có thể hiểu, không cần phải giải thích hướng dẫn gì thêm. 

Nội dung cơ bản của Luật trưng cầu ý dân 2015 có thể tóm tắt như sau:

*Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc ít nhất một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội có quyền đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

*Quốc hội là cơ quan xem xét, quyết định việc trưng cầu ý dân.

*Phạm vi những vấn đề được trưng cầu là: Toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; Vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; Về quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của quốc gia; Vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của đất nước hoặc những vấn đề đặc biệt quan trọng khác của đất nước.

*Công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên là người có quyền bỏ phiếu biểu quyết.

*Kết quả trưng cầu ý dân được Ủy ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Quốc hội quyết định các biện pháp cần thiết để bảo đảm thực hiện kết quả trưng cầu ý dân.

*Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố.

Tóm lại, việc tổ chức trưng cầu ý dân cũng tương tự bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp mà chúng ta vừa tiến hành vào tháng 5-2016 vừa qua, không có gì phức tạp và khó hiểu.

Thời điểm hiện nay(27/5/2018) đang diễn ra kỳ họp Quốc Hội lần thứ năm, khoá 14. Nhiều vấn đề nóng bỏng và nhạy cảm đang được các đại biểu Quốc Hội đưa ra để thảo luận. Trong đó những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh, an ninh quốc phòng... như dự thảo luật đặc khu kinh tế- trong đó có việc cho thuê đất 99 năm; Dự thảo luật phòng chống tham nhũng; Dự thảo luật thuế tài sản...

Nên chăng, cần trưng cầu ý dân trước khi biểu quyết thời hạn cho thuê đất là bao nhiêu năm?

Bên cạnh đó, Luật đất đai cũng đã bộc lộ những kẻ hở cho kẻ xấu lợi dụng để tham nhũng, dẫn tới thất thoát tài sản của nhà nước, của nhân dân... Chúng tôi thiết nghĩ Quốc Hội cần tăng cường phổ biến và thực hành Luật trưng cầu ý dân để hợp lòng dân và đáp ứng những yêu cầu mới của sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512275

Hôm nay

2212

Hôm qua

2389

Tuần này

2212

Tháng này

219148

Tháng qua

121356

Tất cả

114512275