Ai đúng, ai sai chưa thực sự rạch ròi, bởi ai cũng chỉ theo truyền thuyết mà thôi. Nhưng truyền thuyết thì chưa phải là lịch sử. Muốn biết lịch sử đền Choọngthì không chỉ căn cứ vào truyền thuyết là được, mà phải có chứng rõ ràng, hoặc chí ít cũng phải dựa trên nhiều căn cứ văn hóa/văn học dân gian, các thư tịch liên quan; truyền thuyết trong vùng và truyền thuyết khu vực.v.v... và...vv.
Vào tháng 4 – năm 2009, tôi may mắn được UBND xã Châu Lý (huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An) mời viết “LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG”. Mục đích của xã để làm gì thì tôi không biết rõ, nhưng tôi đã nhân cơ hội này (bởi có được sự giúp đỡ của xã) để một lần nữa tìm hiểu thêm về “ngôi đền thiêng” mà từ nhỏ tôi đã nghe tiếng này.
Qua nhiều tháng miệt mài sưu tầm tư liệu, tìm hiểu, gặp gỡ, phỏng vấn... rất nhiều người già, nhiều nơi quanh khu vực, cuối cùng cuốn “LỊCH SỬ ĐỀN CHOỌNG” cũng hoàn thành.
Tuy nhiên cuốn sách này đã không được UBND xã Châu Lý chấp nhận, với lý do là không hề nói đến khởi nghĩa Lam Sơn đã gắn với đền Choọng như thế nào. Cá nhân tôi cũng không có ý kiến nào khác là im lặng và vững tin vào những gì mình đã tìm hiểu, đã viết ra với tấm lòng trong sáng, vô tư nhất!
Bẵng đi gần 6 năm, cho đến ngày 20-7-2015, tôi chợt nhận được tin là đền Choọng được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Một năm sau đó , ngày 13-5-2016 UBND tỉnh Nghệ An đã cấp giấy phép số 2114 về việc tổ chức “lễ hội đền Choọng” lần thứ nhất vào các ngày 18 và 19 tháng 7 năm 2016...
Việc dựng lại hoặc tôn tạo một di tích, trong đó có đền thờ, là một việc làm chính đáng, tự nhiên, đáp ứng nhu cầu tâm linh của nhân dân. Tuy nhiên khẳng định về giá trị và lịch sử cụ thể của di tích đó lại là việc khác.
1.Đền Choọng (tiếng Thái: Tến bàn Choọng) được dựng trên một sườn đồi thấp, gọi là Pu Đên (núi có ngôi đền), gần sát với suối Nặm Choọng (cách khoảng 200m), thuộc đất của xóm Bản Choọng (xã vùng cao Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghê An), nằm lệch về phía Đông Nam của xã Châu Lý, cách thị trấn Quỳ Hợp ngày nay chừng 7 km đường chim bay và 15 km đường bộ vào vùng xã Châu Lý - Bắc Sơn – Nam Sơn ngày nay. Phía Bắc giáp bản Thắm, bản Bùng (xã Châu Lý); Phía Nam giáp bản Na Lạn (xã Châu Lý); phía Tây giáp bản Choọng ; Phía Đông giáp bản Xết (xã Châu Lý).
Tại sao đền Choọng lại được dựng lên ở nơi này?
Tương truyền, đây chính là khu vực chôn cất Lo Căm - người đầu tiên (pủ mường) đã có công giúp dân khai phá và định cư, mở ra vùng đất được gọi là Mường Choọng cho tới mãi ngày nay. (Theo phong tục cổ truyền của dòng họ quý tộc Lo Căm ngày truớc, khi chết thì được đốt xác, tiếng Thái gọi là “cúm xạc”, chứ không bỏ xác trong quan tài chôn xuống đất như ngày nay. Pủ mường đầu tiên của vùng Khủn Tinh nói chung và vùng Mường Choọng nói riêng, rất có thể được đốt xác theo tục lệ truyền thống của dòng họ Lo Căm thời bấy giờ?!). Và đây cũng chính là nơi tìm thấy sợi tóc và con cá trắng bị hất lên bờ, mắc cạn lại trong khi con rồng cuốn “nàng tóc thơm” xuống vực sâu của suối nặm Choọng (Truyền thuyết “nàng tóc thơm”).
Trải qua ngót nghét 600 năm lịch sử, bản Choọng ngày ngay vẫn là một bản nhỏ, chỉ có 96 hộ với 560 nhân khẩu, hầu hết là người Thái thuộc hai họ chính là họ Vi (Hủn Vi) và họ Lo (Quán Lo), ngoài ra còn có họ Cao, họ Trần là những người Kinh mới đến ở rể trong những năm gần đây mà thôi: Đây là một nét đặc trưng để chúng ta có thể nghiên cứu lịch sử hình thành đền Choọng trên cơ sở của một bản Choọng hiện tại…!
Phải chăng còn có một bản Choọng khác ngày xưa… hoặc cái tên “đền Choọng” đã có khởi thuỷ từ tên mường chứ không xuất phát từ tên bản bây giờ? Đền Choọng và bản Choọng cái nào có trước, cái nào có sau…? Chắc chắn câu trả lời không dễ và đang còn ở phía trước!?
2. Đền Choọng được dựng lên, trước hết là để thờ Căm Lạn, là người thuộc dòng họ quý tộc Lo Căm ở Mường Tôn (Quế Phong ngày nay). Căm Lạn là người được thủ lĩnh Mường Tôn cử xuống vùng này để mở rộng đất đai, xây dựng mường mới. Căm Lạn là người đầu tiên đã cùng nhân dân trong vùng mở ra Mường Choọng.
Còn có một cách giải nghĩa khác,“Choọng” chỉ cái trâm cài đầu của người dàn bà con gái Thái. Tuy nhiên, theo chúng tôi,“Mường Choọng” là“Mường đất trọng người, mến khách” thì mới là nghĩa chính xác nhất của cụm từ này! Khi Căm Lạn qua đời, đồng bào Mường Choọng đã chôn ông (có thể là đốt xác?) và cho xây lên một cái đền để thờ cúng ông, coi như “pủ” (ông tổ) của Mường Choọng, và sau đó đã cử em gái của mình là “Nang Phốm hóm” xuống ở bản Choọng, để trực tiếp cai quản dân Mường Choọng, đồng thời trông coi việc thờ cúng đền thờ Căm Lạn. Sau khi “Nang phốm hóm” chết, dân Mường Choọng đã làm một ngôi đền mới, gọi là đền Choọng, để thờ nàng. Ngôi đền ấy còn đến ngày nay.
- Trong bài “Về quá trình hình thành các tổ chức mường của người Thái ở miền Tây Nghệ An” (Tạp chí Nghiên cứu lịch sử, số 2-1988), tiến sỹ Vi Văn An nhận định: “Họ Lo Căm đã thực thi việc phân cấp con cháu đi khai khẩn và làm chủ các vùng xung quanh, thành lập ra các mường nhỏ phụ thuộc: Cắt cho Căm Lự làm chủ và “ăn” vùng Quỳ Châu, gồm mường Chiềng Ngam, Mường Miểng; cắt cho Căm Lạn ăn Mường Ham, mường Khủn Tinh (thuộc Quỳ Châu)…” (trang 54). Bản Choọng ngày xưa thuộc mường Khủn Tinh, nên đền Choọng được dựng lên để thờ Căm Lạn là chính xác.
- Truyền thuyết “Tạo Khún Chóm”, phổ biến ở xã Châu Hoàn, vùng Mường Chon cũ thuộc huyện Quỳ Châu, có cũng thông tin liên quan đến đền Choọng. Truyền thuyết kể rằng, vào khoảng thế kỷ thứ 13-14, người đầu tiên đến “tậu lắc xừa” (tức là dựng bản, lập mường) ở nơi này là Tạo Lo, tên là Khún Chóm, con cháu của Căm Lự, Căm Lạn. Căm Lự là anh, đang “ăn” lộc trời ở vùng đất có núi Pu Quai (tức vùng có đền 9 gian ngày nay- thuộc huyện Quế Phong), còn Căm Lạn là em, đang “ăn” lộc trời ở vùng Khủn Tinh… Vợ chồng Khún Chóm có hai người con, chị đầu là nàng Chiêng Ngam, con trai út là Tạo Luông. Nàng Chiêng Ngam được gả cho một người giầu có trong vùng, gọi là Lương Đốm. Sau khi vợ chồng Khún Chóm chết, Lương Đốm cùng vợ bày cách đuổi em trai là Tạo Luông đi để độc chiếm toàn bộ đất đai và quyền lực. Tạo Luông không còn cách nào khác trước sự độc ác của anh rể và chị gái, đành rời khỏi đất Mường Chon xuống vùng Khủn Tinh xin ở với chú ruột là Căm Lạn. Căm Lạn lúc bấy giờ đang cai quản một vùng đất rộng lớn, liền cắt cho cháu một vùng đất bằng phẳng, có ruộng lúa nước, có hai bản người Thái đã định cư khá lâu, và khuyên cháu lấy vợ, xây dựng gia đình, chăm lo dạy bảo, trông coi dân làm ăn… bởi thế mà hai bản đó mới có tên là “Diềm”, “Bày” như ngày nay (tiếng Thái: Diềm, có nghĩa là trông coi; Bày, có nghĩa là bảo ban). Hai bản này bây giờ thuộc xã Châu Quang, cách Mường Choọng chừng 15 km đường đất.
- Kho tàng văn học dân gian trong vùng cũng cho thấy Căm Lạn chính là chủ nhân đầu tiên mở ra vùng Mường Choọng. Trong bài cúng Pủ Mường ở bản Chiềng Yên vào ngày 20-8 (ÂL) hàng năm, có những câu: “Xó mơi pủ mương huống lông nằng hươn tậu/ Xó mơi ống chá lông nằng hàu hươn huống noọc bàn/ Xó mơi Chầu Căm Lạn lông nằng tì tư mương…!” (Tạm dịch: Xin kính mời pủ mường xuống ngồi ở đền vững chắc/ Kính mời ông cha xuống ngồi tại nhà thờ to lớn ven bản/ Kính mời chủ mường Căm Lạn xuống ngồi nơi cai quản mường!...). Như vậy là từ xưa, việc thờ cúng “pủ” của từng mường nhỏ (thuộc mường lớn Khủn Tinh) đều phải mời gọi đến Căm Lạn!
Trong truyện thơ “Lai lông Mương”(xuống Mường) cũng viết : “Ải cả lông nằng Pu quai / Noọng chai lông nằng mương choọng / Noọng là lông mương luộc, chiêng ván” (Tạm dịch:Anh cả xuống ngồi ở núi thờ trâu / Anh hai xuống ngồi Mường Choọng / Em gái út xuống Mường Luộc, Chiềng Van…(thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hoá ngày nay). Anh cả ở đây chính là Căm Lự, anh hai chính là Căm Lạn, còn cô em út thì chưa xác định rõ danh tính.
Truyện thơ “Lai mổng mương”, cũng có những câu như: “Mổng quành hàu mương choọng mưa pỏng phá côn / Mổng hến ỏn chầu nằng phá cáng / Nang đí cái phá côn hòn hòn / ỏn chằng pằn đên choọng chẳng pằn tối xáo” ( Tạm dịch: “Ngoảnh trông vào Mường Choọng thấu tận núi Phá Côn / Thấy nàng út chủ mường ngồi trên núi Phá Cáng / Nàng xinh đẹp đi qua núi Phá Côn rực rỡ / Nàng út trông coi đền Choọng cùng bạn gái thân”. Chi tiết này cho thấy, nếu nhân vật “cô gái út” trong truyện thơ này chính là “nang phốm hóm” thật ở ngoài đời, thì đền Choọng lúc ấy đã có và chắc chắn là nó không ở vị trí như bây giờ. Vị trí đền Choọng như bây giờ ta thấy, chính là ngôi đền đã được dựng lại và đã được dời vị trí đi sau khi “nang phốm hóm” bị nạn và chết đuối! Trong bản “Lai cọp cảo”, thuộc bộ những lời hát tang lễ Thái ở vùng Quế Phong và Quỳ Châu, do tác giả La Quán Miên giới thiệu trên báo Nghệ An cuối tuần, số 100, ra ngày 12-1-2003, có đoạn viết rằng: “Từ khi họ Lo Căm cử người xuống mở mang, cai quản bản… chủ mường Căm Lự xuống ngồi trên núi Pu Quai….người em Căm Lạn thì xuống mở mang mường Choọng…” vv…
Từ các dữ liệu trên, có thể thấy rằng, nhân vật đầu tiên được coi là ông tổ (Pủ mường lớn Khủn Tinh), và được đồng bào Mường Choọng lập đền thờ, chính là Tạo Căm Lạn. Người được thờ tiếp theo Tạo Căm Lạn trong đền Choọng là “Nang phốm hóm” (không rõ tên, tuổi). Đây là nhân vật được đồng bào trong vùng nhớ rõ nhất và hầu như đồng bào chỉ còn nhớ nhân vật “nang phốm hóm”, không ai còn nhớ được đích xác “pủ” mường thực sự đầu tiên của mình là ai nữa. Tạo Căm Lạn, cùng với thời gian, đang dần đi vào quên lãng. Hiện tại chỉ còn lại một đền thờ duy nhất thờ tạo mường Căm Lạn, ở bản Hốc, xã Châu Đình ngày nay, do ông Vi Văn Tôn (77 tuổi) làm chủ thờ. Sau này đền Choọng thờ thêm một vài nhân vật khác nữa (như Pa Thai, được coi là mẹ đẻ ra “nàng tóc thơm”. Tuy nhiên nhân vật Pa Thai không được thờ chính thức trong đền, mà chỉ thờ ở khu vực ngoài đền, cụ thể là thờ ở dưới “ bãi thi”, là nơi diễn ra lễ hội chính của đền Choọng hàng năm). Đó là chuyện không lạ trong tín ngưỡng tâm linh, bởi một đền thờ, người ta có thể thờ nhiều “thần” khác nhau, chuyện ấy diễn ra bình thường từ miền xuôi cho đến miền ngược ở nước ta, chỉ có điều lạ là tại sao mẹ Pa Thai lại không được thờ trong đền chính mà chỉ được thờ bên ngoài, lẽ nào đồng bào coi trọng con hơn là mẹ? Và vai trò cụ thể của Pa Thai ra sao cũng không được làm rõ?
Trở lại vấn đề, có một số người cho rằng, đền Choọng có liên quan đến khởi nghĩa Lam Sơn (1418-1428), theo chúng tôi, thực chất chỉ là những suy luận cá nhân, không có chứng cứ khoa học nào trên thực tế cả!
Sách “Địa chí huyện Quỳ Hợp” của PGS Ninh Viết Giao và cộng sự, nxb Nghệ An-2003 (xem từ trang 537-539) cho rằng sở dĩ có đền Choọng là vì “ Chủ mường họ Cầm phải chạy “loạn giặc Xá” từ Mường Tôn xuống Mường Choọng. Loạn lạc kéo dài, chủ mường lớn không có nơi thờ cúng, cho nên đã lập ra đền Choọng…”. Giải thích vì sao lại có đền Choọng một cách khá giản đơn như vậy là hoàn toàn không thuyết phục vì “loạn giặc Xá” chỉ xảy ra trong khoảng 2 năm (khoảng từ năm 1884 đến năm 1885) thì bị tiêu diệt. “Loạn giặc Xá” là ở vào thế kỷ 19, vả lại thời gian 2 năm là khoảng thời gian rất ngắn ngủi so với lịch sử, rõ ràng là họ Lo Căm đã xây dựng đền Choọng một cách qui củ để thờ người thân trong dòng tộc của mình được phái đi mở mang đất đai và mường bản ở nơi xa xôi với mường gốc, khi xây xong đền còn cử “em gái út” của mình xuống để vừa quản dân, vừa trông coi đền hẳn hoi. Đó là việc làm của thời yên bình chứ không thể diễn ra ở thời chiến tranh, loạn lạc được!
Bia dẫn tích ở đền Choọng ngày nay.
3. Đền Choọng thực sự là một ngôi đền cổ. Qua khảo sát, phân tích, đánh giá nhiều chứng cứ, có thể nhận định ngôi đền này đã được lập cách ngày nay khoảng 600 năm.
- Thứ nhất: Truyền thuyết “Pủ Chiêng Yến” của họ Sầm ở bản Yên Luốm xã Châu Quang ngày nay, kể lại câu chuyện ông tổ của họ là “Pủ Chiêng Yến” đã cùng với anh em “Chệt Chai” ở bản Phảy và “cô gái bản Đôn” (hay còn gọi là “Nhả Póm”) kết hợp với nghĩa quân Lam Sơn (cuối năm 1424) tiêu diệt địch trên núi Pu Chẻ, mở đường thuận lợi cho nghĩa quân Lam Sơn tiến về phía Nam. Truyền thuyết này có nhắc đến đền Choọng, có nghĩa là thời điểm ấy đã có đền Choọng rồi. Bản Yên Luốm, bản Đôn, bản Phảy, bản Le… trong truyền thuyết “Pủ Chiêng Yến” đều thuộc đất của mường Khủn Tinh. Bản Choọng và Mường Choọng lúc ấy cũng thuộc đất của mường Khủn Tinh. Bởi thế có thể nhận định đền Choọng ít nhất đã có tuổi xấp xỉ gần 600 năm, tính từ năm nghĩa quân Lam Sơn chuyển hướng chiến lược tiến vào miền Tây Nghệ An và kết hợp với nhân dân vùng Khủn Tinh đánh thắng giặc Minh trên núi Pu Chẻ cuối 1424.
- Thứ hai: Truyền thuyết “Tạo Khún Chóm” ở Mường Chon (Các xã Châu Hoàn, Châu Phong và Diên Lãm thuộc huyện Quỳ Châu ngày nay) kể rằng Tạo Khún Chóm đến khai phá, dựng nên Mường Chon (hay còn gọi là Mương Chón hay là Mương Chớn) ngày trước, vào khoảng thế kỷ 13-14, nghĩa là đã cách ngày nay trên 600 năm. Khi Tạo Luông chạy trốn xuống ở với chú ruột của mình là Căm Lạn lúc ấy đang cai quản mường Khủn Tinh, thì chưa có đền Choọng, vì Căm Lạn vẫn còn sống. Giả thiết trong một khoảng thời gian nào đó, Căm Lạn chết, và họ Lo Căm lập đền thờ ông ở Mường Choọng, sai em gái út của mình xuống trông coi, thì thời gian ấy chắc chắn cũng không quá 100 năm, nghĩa là chỉ trong khoảng cuối thế kỷ 14, đầu thế kỷ 15 là cùng, do đó ta có thể nhận định rằng đền Choọng trong truyền thuyết “Tạo Khún Chóm” cho đến ngày nay cũng đã xấp xỉ 600 năm.
- Thứ ba: Theo “thần phả đền 9 gian” ở Mường Tôn (Quế Phong) của dòng họ Lo Căm (họ Cầm, hay Sầm) thì đền 9 gian được xây dựng dưới thời Cầm Cần, lúc ấy Cầm Cần làm “chẩu mường lớn” (thủ lĩnh tối cao của người Thái về mặt hành chính), đồng thời kiêm luôn cả “chẩu hua” (thủ lĩnh tinh thần). Về niên đại thì đền 9 gian, kể từ Cầm Cần cho tới khi Pháp xâm lược nước ta (năm 1858) đã trải 17 đời . Nếu tính mỗi đời người ngày trước, trung bình là 30 tuổi thôi, thì từ khi dựng đền 9 gian cho tới năm 1858, đền 9 gian đã có 680 tuổi (lấy 17 đời X 30/tuổi một đời người = 510 năm), và từ năm 1858 cho tới tận hôm nay (năm 2018), cộng là 160 năm. Gộp cả hai thời gian ấy lại (510 năm + 160 năm), thì đền 9 gian cho đến ngày nay đã có 670 năm.Từ niên đại (tương đối) của đền 9 gian, chúng ta có thể suy ra niên đại của đền Choọng là vào khoảng 600 năm. Đó là cách tính có căn cứ hợp lý nhất, có thể chấp nhận được, và cũng phù hợp với những truyền thuyết trong vùng như đã trình bày.