“Reformasi!” (Cải cách!), “Pakatan Harapan!” (PH/Liên minh Hy vọng!) là những khẩu hiệu được quần chúng hô vang xung quanh “Istana Negara” (Cung điện Hoàng gia) ở Kuala Lumpur chỉ một ngày sau cuộc bầu cử lịch sử ngày 9/5/2018. Trong một diễn biến bất ngờ, liên minh đối lập Malaysia PH do cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad, 92 tuổi, dẫn đầu đã chiến thắng áp đảo liên minh cầm quyền của Thủ tướng Najib Razak trong cuộc tổng tuyển cử, đánh dấu cuộc chuyển giao quyền lực đầu tiên trong lịch sử Malaysia, kể từ khi nước này giành được độc lập năm 1957.
Mahathir Mahamad—người không xa lạ
Từng là người lãnh đạo lâu năm của Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO), Dr. Mahathir Mohamad đã đảm nhiệm chức Thủ tướng Malaysia từ năm 1981-2003, là nhà lãnh đạo được ủng hộ rộng rãi do ông có đóng góp lớn vào công cuộc hiện đại hóa Malaysia và đưa đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997-1998. Sau này, tuy đã nghỉ hưu ở tuổi 75, ông vẫn có ảnh hưởng lớn đến các tầng lớp dân chúng. Thủ tướng mới thất sủng, ông Najib Razak cũng đã từng làm việc trong nội các của Dr. Mahathir và được ông tạo điều kiện đưa vào hàng ngũ lãnh đạo. Thế nhưng, vào lúc cuối đời, Bác sĩ Mahathir lại có bước “xoay trục” ngoạn mục: thành lập liên minh “Pakatan Harapan” (Liên minh Hy vọng) đối lập và đấu tranh giành quyền lãnh đạo đất nước với chính đảng UMNO mà ông từng gắn bó. Một trong những lời giải thích ở đây đó là nhiệm kỳ thủ tướng của ông Najib Razak là nỗi thất vọng lớn của Bác sĩ Mahathir. Chính phủ của Najib đã bị thao túng bởi nạn tham nhũng và ảnh hưởng của Trung Quốc ngày càng lộ liễu.
Vụ tai tiếng quy mô toàn cầu của Quỹ đầu tư nhà nước Malaysia có tên 1MDB là đòn chí mạng dẫn tới thất bại thảm hại của ông Najib. Quỹ 1MDB do Thủ tướng Najib Razak thành lập và lãnh đạo năm 2009 nhằm bảo đảm nguồn tài chính cho các dự án hạ tầng và phát triển, nhưng theo cáo buộc của Bộ Tư pháp Mỹ, đã có 4,5 tỉ đô la Mỹ của quỹ này bị biển thủ, chuyển vào các tài khoản, các dự án tại nhiều nước của ông Najib và những người thân cận của ông; trong đó có 700 triệu đô la được chuyển vào tài khoản của ông Najib năm 2013 và 30 triệu đô la mua đồ trang sức cho vợ ông. Nhiều cuộc điều tra quốc tế về cáo buộc rửa tiền, biển thủ công quỹ... đang được tiến hành tại Singapore, Thụy Sỹ, Mỹ và nhiều nước khác. Nhưng tại chính Malaysia, cuộc điều tra bị “đóng băng” do ngài thủ tướng dùng các biện pháp trấn áp để bịt miệng báo chí, quan chức chính phủ, thậm chí cách chức một phó thủ tướng, bốn bộ trưởng, thay thế một tổng chưởng lý (tương đương viện trưởng viện kiểm sát tối cao) để không còn ai dám đề cập công khai tới vụ tai tiếng này.
Ngay sau khi nhậm chức, Thủ tướng Mahathir đã tuyên bố phục hồi cuộc điều tra vụ tham nhũng khủng này và cho biết người tiền nhiệm của ông “sẽ phải chịu hậu quả” về những sai trái và ông muốn điều tra “càng nhanh càng tốt”. Có vẻ như số phận của cựu Thủ tướng Najib đã được an bài sau khi vợ chồng ông bị cấm xuất cảnh vào cuối tuần trước và nhiều tay chân mà ông cài cắm trong các cơ quan tư pháp, từ tòa án tới viện kiểm sát, đã lần lượt bị ông Mahathir cho “nghỉ phép” trong vài ngày vừa qua. Trong một tuyên bố đặc biệt được truyền hình trực tiếp, Thủ tướng Mahathir cam kết diệt trừ tham nhũng, khôi phục lòng tin của người dân. Ông Mahathir cho biết chính phủ của ông sẽ có cách tiếp cận cứng rắn hơn đối với Trung Quốc và có thể xét lại quan hệ chung với Bắc Kinh. Dưới thời ông Najib, Malaysia cam kết hợp tác thực hiện các dự án hạ tầng cơ sở lớn trong kế hoạch “Một vành đai Một con đường” của Bắc Kinh và vốn đầu tư Trung Quốc ào ạt đổ vào Malaysia, tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Ông Mahathir nhiều lần chỉ trích Trung Quốc, và cáo buộc chính phủ của ông Najib đã nhượng cho Trung Quốc quyền kiểm soát các hải cảng và hệ thống đường sắt thiết yếu của quốc gia. Chính phủ của ông Mahathir có thể sẽ hủy bỏ một số dự án đã ký kết.
Con đường chưa được khám phá
Trong tuyên bố đầu tiên sau khi được phóng thích trưa 16/5/2018, chính trị gia Anwar Ibrahim khẳng định ông hoàn toàn ủng hộ tân Thủ tướng Mahathir Mohamad và đã hoàn toàn bỏ lại phía sau những hiềm khích trong quá khứ. "Chúng tôi đã gạt bỏ những xích mích và ông Mahathir hiện đang dốc sức cho kế hoạch cải tổ", ông Anwar tuyên bố, mô tả chiến thắng của liên minh “Pakatan Harapan” (PH) là “bình minh mới cho Malaysia” và sẽ là động lực mới cho các cuộc đấu tranh dân chủ trên thế giới. Cựu phó thủ tướng Anwar Ibrahim năm nay 70 tuổi, được phóng thích sáng 16/5 sau nhiều năm bị giam vì các cáo buộc tham nhũng và quan hệ đồng giới. Sau cuộc bầu cử vừa qua, ông Mahathir đã vận động ân xá cho ông Anwar và tuyên bố sẽ chỉ nắm quyền trong hai năm trước khi trao lại ghế thủ tướng cho người học trò cũ. Ông Anwar cho biết đã gặp ông Mahathir và thông báo rằng ông không vội gia nhập nội các mới mà muốn dành thời gian tới cho gia đình. Sự nghiệp của ông Anwar bắt đầu từ những năm 1970 và gây chú ý với nhà lãnh đạo khi đó là ông Mahathir. Ông được chọn làm phó thủ tướng năm 1993 nhưng bất đồng với ông Mahathir về cách xử lý khủng hoảng kinh tế 1998.
Giờ đây, sai khi Thủ tướng Mahathir đã tuyên thệ và bắt đầu xây dựng nội các của ông, thì những điều gì đang chờ đợi từ chính phủ mới này? Mặt thuận ai cũng thấy là ngoài bản thân ông Mahathir, một số thành viên nòng cốt của PH đã từng có nhiều kinh nghiệm làm việc trong chính phủ. Một trong những nhân vật nổi bật là Muhyiddin Yassin, cựu phó thủ tướng từng bị ông Najiib hất cẳng khỏi nội các vào năm 2015. Một cách tương tự, đảng Hành động Dân chủ (DAP) và đảng Công lý Nhân dân (PKR) đều là những thành phần then chốt của liên minh PH đều là những đảng có kinh nghiệm trong việc cai trị chính quyền cấp tiểu bang, lần lượt ở Penang và Selangor. Tuy nhiên, sự phối hợp giữa các nhóm lợi ích khác nhau trong PH có thể đặt ra một số thách thức. Quan trọng nhất, có lẽ là tiến trình bổ nhiệm Anwar Ibrahim, nhân vật thuộc phe đối lập, được dân chúng ủng hộ và từng bị xộ khám, làm Thủ tướng sau này. Bác sĩ Mahathir hứa hẹn sẽ dọn đường để ông này có thể đảm nhận vị trí hàng đầu trong chính phủ mới ở Malaysia. Ngoài ra, những kỳ vọng ngày càng tăng của dân chúng đối với tân chính phủ chắc chắn sẽ tạo ra không ít các thách thức mới, thậm chí có khi còn phức tạp và khó khăn hơn trước.
Thương thuyết lại với Trung Quốc
Trước đây không lâu, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cựu thủ tướng Malaysia Najib Razak từng nghĩ họ đã đạt được những thỏa thuận hai bên cùng thắng. Theo đó, Bắc Kinh cam kết các khoản đầu tư và cho vay trị giá hàng chục tỉ USD để hỗ trợ kinh tế Malaysia, đổi lại ông Najib hứa sẽ xúc tiến nhanh các dự án phát triển đường sắt và cảng biển cùng các dự án khác nằm trong sáng kiến "Vành đai, con đường" (BRI) của Bắc Kinh tại Đông Nam Á. Ngay sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Thủ tướng Mahathir Mohamad cam kết sẽ rà soát lại toàn bộ các dự án của Trung Quốc (thỏa thuận với ông Najib) và sẽ đàm phán lại mọi "thỏa thuận bất bình đẳng". Tân Thủ tướng Mahathir tuyên bố "Trung Quốc có kinh nghiệm lâu năm trong việc xử lý các hiệp định bất bình đẳng và Trung Quốc đã giải quyết lại chuyện đó bằng cách tái thương lượng. Do đó, chúng tôi cảm thấy mình được quyền nghiên cứu và nếu cần thiết sẽ đàm phán lại những điều khoản trước đây". Dư luận vẫn nhớ chính trị gia 92 tuổi này từng có những chỉ trích rất gay gắt đối với các dự án của Trung Quốc mà theo ông là không đem lại lợi ích thực tiễn cho người dân, chỉ làm gia tăng gánh nặng nợ công. Khi còn tại nhiệm, trong bối cảnh lọt giữa vòng vây của các bê bối tài chính, ông Najib đã hứa với ông Tập sẽ tạo điều kiện thực thi nhanh chóng các dự án hạ tầng, cảng biển, đường sắt với tổng trị giá hơn 30 tỉ USD của Trung Quốc. Một "lộ trình" đúng hệt y như cựu Tổng thống Sri Lanka, ông Mahinda Rajapaksa, từng đi qua và đến "cuối con đường hầm", ấy là việc Sri Lanka đã phải bàn giao cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc vào tháng 12/2017 với thời hạn sử dụng 99 năm. Ở Malaysia, Trung Quốc cũng đã dò đúng “gót chân Asin” của ông Najib, hệt như cách họ từng dò ra ở ông Rajapaksa. Nhưng người dân Malaysia không muốn đi tới kết cục như người Sri Lanka, tức là giao nộp các tài sản quốc gia cho Trung Quốc vì họ không thể trả nợ.
Tuy nhiên, thực tế cũng sẽ không hoàn toàn đơn giản. Cho tới nay, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia, còn Malaysia là đối tác lớn nhất của Trung Quốc trong khối ASEAN. Theo nhận định của chuyên gia Joshua Kurtlanzik từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, Bắc Kinh rất khéo léo trong việc sử dụng đầu tư, viện trợ vừa cưỡng bức, vừa mua chuộc các nước nhỏ trong khu vực. Rồi đây, nếu Dr. Mahathir đảo ngược chính sách đối với Trung Quốc thì có thể Malaysia sẽ gặp phải phản ứng cứng rắn và đau đớn từ Bắc Kinh. Ngoài ra, cũng không nên trông mong rằng, với sự trở lại của Dr. Mahathir, Malaysia sẽ sớm tiến tới dân chủ hóa, dù ông cam kết khôi phục nhà nước pháp quyền đã bị tổn hại nghiêm trọng dưới thời Thủ tướng Najib, bởi trong quá khứ chính ông Mahathir cũng từng cai trị Malaysia bằng bàn tay sắt. Hy vọng rằng, thời thế ngày nay đã khác xưa và bản thân vị tân Thủ tướng cũng sẽ thay đổi để thích nghi với giai đoạn lịch sử mới của đất nước ông./.