Nhìn ra thế giới

Thể chế độc tài ở Trung Quốc (1)

Theo Học Điển của Thư Cục Tam dân- Đài Bắc – (xuất bản năm 1995, trang 793), “Độc tài là chỉ chế độ chính trị tập trung chủ quyền quốc gia vào tay một người hoặc số ít người, đối lập với dân chủ; nhân dân không có quyền chính trị, dân ý không được tôn trọng”. Theo định nghĩa của chính trị học, “Độc tài là một thể chế chính trị do một người hoặc một tập đoàn ít người có được quyền lực tuyệt đối không chịu sự hạn chế của Hiến pháp hoặc pháp luật; quyền thống trị của thế chế này thường do một người hoặc một tập đoàn ít người lũng đoạn, thông qua cơ chế trấn áp khác nhau để phát huy quyền uy chính trị của họ”.

Từ sau thế chiến I đến nay, chính thể độc tài của thế giới đã hình thành 4 dạng: độc tài hiến pháp, độc tài cộng sản (về danh nghĩa là chuyên chính vô sản), độc tài phản cách mạng và độc tài phát xít. Thập kỷ 60 thế kỷ 20, các nước châu Phi sau khi trải qua phong trào giải phóng dân tộc độc lập, lại phát triển ra rất nhiều chính thể độc tài với loại hình khác nhau, như độc tài tôn giáo, độc tài gia tộc, v.v…

Nhìn vào thực tiễn lịch sử thì, từ cổ chí kim, tuyệt đại đa số nhân loại trong tuyệt đa số thời gian đều sống và tồn tại trong thể chế độc tài. Từ sau khi Athens (khoảng 800 năm trước công nguyên) thực hiện thể chế dân chủ, trong lịch sử có rất ít quốc gia thực hiện dân chủ. Nhưng gần đây lại có một số nước dân chủ lại quay lại thể chế độc tài. Từ lịch sử nhân loại để xét, tựa như dân chủ là “ngoại lệ”, độc tài mới là “thường lệ”. Điều này để thấy từ trạng thái “thường lệ” chuyển sang trạng thái “ngoại lệ” là cuộc “chuyển đổi” không giản đơn, đơn tuyến, mà quanh co đầy gian truân trên nhiều phương diện.

Vậy tại sao thể chế độc tài có “tuổi thọ” siêu cao và “sức sống” siêu dẻo dai đến vậy?  Có thể từ tình hình Trung Quốc để tìm câu trả lời.

Đối với Trung Quốc mà xét, từ xưa đến nay vẫn là trong trạng thái “bình thường” của độc tài. Có thể nói lịch sử mấy ngàn năm của TQ là bộ lịch sử độc tài. Mức độ, hình thức thể hiện và cơ chế hình thành, nuôi dưỡng độc tài của mỗi triều đại, mỗi giai đoạn có khác nhau, nhưng đều xoay quanh 3 vấn đề lớn: Xây dựng uy quyền, tạo sự sợ hãi và tôn sùng trong xã hội, trước hết trong quần thần ; dùng lợi ích với mức độ nhất định để xây dựng và nắm chặt lấy lực lượng ủng hộ; thực hiện chế độ truyền nối thích hợp.

Dưới thời phong kiến, điều tốt nhất đối với kẻ độc tài (Vua chúa) là để thần dân vừa sợ hãi vừa yêu quí tôn sùng. Nếu hai mặt này không gắn kết được với nhau, thường kẻ độc tài chỉ giữ lấy cái làm cho thần dân sợ hãi. Vì yêu quí, tín phục, tôn sùng là sự chủ động của thần dân, không thể ép buộc. Còn sợ hãi đối với thần dân là ở thế bị động, quyền chủ động gây ra sự sợ hãi là ở kẻ độc tài, không phải ở thần dân, thần dân dù muốn không sợ, cũng không thể. Nhưng vấn đề là, nếu mọi thần dân vì sợ hãi mà phải phục tùng, hầu như chẳng có ai vì yêu mến mà thực lòng ủng hộ bảo vệ kẻ độc tài, vậy xã tắc sơn hà này của kẻ độc tài, liệu vững bền bao lâu? Và liệu kẻ độc tài có còn khống chế được sơn hà xã tắc này không? Chung là không thể, vì một mình kẻ độc tài cũng không thể, nên kẻ độc tài phải cần đến một loạt kẻ tự nguyện hỗ trợ, chỉ cần không có đội vệ binh thực sự đủ tin cậy tự nguyện bảo vệ thôi, cũng đủ để kẻ độc tài không thể hành sử quyền lực dễ dàng được.

Tất nhiên cũng có ngoại lệ, như cá nhân một kẻ độc tài, không nhất thiết phải có nhiều người tự nguyện ủng hộ, vẫn thống trị được nhiều người. Nếu như trong một quần thể, mỗi người đều cho rằng mọi người khác đều phục tùng mệnh lệnh của một người được coi là cấp trên chung của họ, mọi người sẽ phục tùng người được coi là cấp trên này của họ. Bởi vì, mỗi người đều lo ngại, nếu không phục tùng, người khác sẽ xử lý mình theo mệnh lệnh của cấp trên, cho nên tất cả mọi người đều đoán rằng những người khác đều phục tùng nên mình cũng phải phục tùng. Như vậy, người cấp trên này không cần bất cứ thành viên nào trong quần thể tự nguyện có bất cứ sự ủng hộ nào đối với cấp trên mà vẫn thống trị được quần thể này. Thậm chí mỗi thành viên trong quần thể cảm thấy không thể không báo cáo bất kỳ dấu hiệu bất mãn nào của người bên cạnh mình, bởi vì ai cũng lo ngại rằng, bất kỳ lời ca thán nào trước mặt mình, đều có thể là sự thử thách của mật thám đối với mình; nếu không báo lên những lời nói có tính bất mãn, lật đổ này, là sẽ bị trừng phạt. Giữa các thành viên đã hình thành sự nghi ngờ không tin nhau, ngay cả khi chỉ riêng một mình cũng chỉ có thể bày tỏ trung thành với cấp trên, mặc dầu trong đáy lòng ai cũng căm giận kẻ cấp trên này. Tính ổn định của quyền lực trần trụi này đang tăng mạnh với đà mở rộng qui mô quần thể mà nó khống chế, bởi vì trong số ít bầu bạn với nhau do sự gặp gỡ tin cậy nhau kết hợp mà hình thành hạt nhân bất mãn tại chỗ đó, sẽ bị dẹp đổ bởi số đông quần chúng xung quanh được cho là vẫn trung thành với kẻ độc tài. Từ đó, có thể nói, sự khống chế của kẻ độc tài đối với một nước lớn còn dễ hơn một thủy thủ điều khiển con thuyền nhỏ trên đại dương.

Để làm được điều này, điều then chốt là cấm chỉ tự do trao đổi thông tin, siết chặt mọi nguồn thông tin ngoài luồng; sàng lọc, điều chỉnh, lựa chọn nguồn thông tin và kênh cung cấp thông tin đúng theo yêu cầu của kẻ độc tài, không chỉ đối với dân thường, mà quan trọng hơn là đối với quan chức, nhất là quan chức cấp cao. Kẻ độc tài biết rõ, tuy có rất nhiều người muốn đánh đổ sự thống trị của mình, nhưng chỉ có đồng liêu của mình mới có năng lực nhất để đánh đổ mình, cho nên cần luôn cảnh giác, phòng ngừa, ngăn chặn đối với những đồng liêu này.

Như thời nhà Tần có luật qui định, 3 người tụ lại với nhau coi là phạm tội mưu phản. 3 người ở đây chủ yếu là chỉ các quan lại. Có tin nói, hiện nay ở Trung Quốc, trung ương đảng CSTQ cũng có qui định, 3 quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên tụ tập với nhau là phải báo cáo, nếu không là bị trừng phạt. Các quan chức cấp cao, kể cả các nguyên lão đã nghỉ hưu, được tổ chức “chăm sóc”, bố trí người nấu ăn, lái xe, bác sĩ, bảo vệ, thực chất những người này là nhân viên an ninh được cài cắm để theo dõi. Trong hệ thống tổ chức của đảng có hệ thống Bảo vệ chính trị nội bộ cũng là để làm nhiệm vụ này. Thời kỳ đầu của Mao Trạch Đông có được lực lượng ủng hộ, tôn sùng rất lớn, nên Mao mới xây dựng được độc tài cá nhân. Đến khi mất hết lòng đảng, lòng quân, lòng dân, lại trở thành người cô đơn nhất. Từ chỗ là kẻ làm cho dân sợ, cuối đời lại trở thành người sợ dân. Trước khi sắp chết, Mao trải lòng với thân tín : “Sau khi tôi chết, có thể không đến một năm, dài lắm không quá ba bốn năm, sẽ có long trời lở đất. Lòng quân, lòng dân, xem ra không còn ở phía chúng ta. Các anh hãy tin điều đó.” Hoặc Đặng Tiểu Bình, trước khi chết cũng căn dặn thân tín, hỏa thiêu xác ông đi và đem tro cốt rải khắp trong đất liền và ngoài biển. Chết rồi vẫn sợ dân đào mồ lên, như đã từng xẩy ra trong lịch sử Trung Quốc. Những năm gần đây, nhiều quan chức cấp cao trước khi chết căn dặn con cháu không đưa vào nghĩa trang “Bát bảo sơn” an táng.

Tập Cận Bình khi mới lên nắm quyền, nói mạnh vấn đề qui củ chính trị, trên thực tế Tập đã phá bỏ nhiều qui củ chính trị đúng đắn đã có. Còn cái gọi là qui củ chính trị mà Tập nhấn mạnh là không cho phép bàn luận về TW, không cho phép kéo bè kéo cánh và định ra nhiều qui chế rắc rối, tùy ý, nghiêm ngặt, định ra những tội danh chung chung mơ hồ để dễ khép tội, khống chế mọi mặt từ tư tưởng suy nghĩ đến các hoạt động đời sống bình thường của con người với mục đích là tạo ra sự khủng bố về tinh thần, thậm chí cả thể xác, và nhiều chiêu kiểu “giết gà dọa khỉ”, phô trương sức mạnh, quyền uy cá nhân, nhất là nhằm áp chế ý kiến khác trong tầng cao, đề phòng những kẻ có ý kiến khác kết thông với nhau liên kết hành động. Lòng quân, lòng quan của Tập rất mỏng. Tập một mặt sử dụng thân tín, nhưng thân tín không đủ dùng, hơn nữa thân tín tuy có “thân” nhưng cũng chưa hẳn thực sự có “tín”, nên Tập luôn điều chuyển thay đổi vị trí, địa bàn, lĩnh vực cán bộ, thậm chí cả tổ chức bộ máy, nay xóa tổ chức này, mai lập tổ chức khác. Một mặt thể hiện Tập không tin ai cả, mặt khác Tập tránh sự hình thành lực lượng tại chỗ kiểu bang phái vốn có của quan chức, nhất là trong quân đội, trong các hệ thống, địa bàn quan trọng.

Đối với chính quyền độc tài, kẻ độc tài để có thể giảm thiểu tình trạng mất ổn định, một mặt dùng mọi thủ đoạn tàn bạo đối với kẻ có chính kiến khác hoặc có ý muốn làm chính biến phải trả giá nặng nề, để làm thất bại âm mưu chính biến ngay từ đầu. Mặt khác rất coi trọng sử dụng hệ thống công cụ tuyên truyền, các hình thức hội họp học tập, các lễ hội kỷ niệm, các diễn đàn quan trọng trong nước và cả quốc tế vào việc tạo thần, tâng bốc uy thế, uy quyền, tài trí anh minh, vĩ đại, với nhiều vai trò, danh hiệu siêu việt không chỉ trong đảng, trong nước, thậm chí ra cả thế giới của cá nhân kẻ độc tài, tạo sự sùng bái cá nhân sâu rộng trong quần chúng, trong xã hội. Khi đã được tâng bốc, đi theo là mọi chủ trương, mọi lời nói của kẻ độc tài đều được coi là chân lý, là đúng đắn, là kỷ luật đảng, là luật pháp, (vì đã được ghi vào Điều lệ đảng vào Hiến pháp),là sức mạnh to lớn, quyền uy dũng mãnh, được cả xã hội tung hô, bảo vệ. Liệu có ai dám không tuyệt đối tuân phục chấp hành. Liệu có ai, thế lực nào dám sánh nổi, càng không nói đến dám đánh hạ.

Như Mao Trạch Đông không chỉ là “lãnh tụ vĩ đại”, còn có “người thầy, người dẫn đường, người cầm lái … vĩ đại”, còn có là nhà lý luận, nhà triết học, nhà tư tưởng, chủ nghĩa Mao Trạch Đông, v.v… Cho nên, Hoa Quốc Phong, người kế nhiệm do Mao chỉ định đã đưa ra “hai cái Phàm là : Phàm là những chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta phải mãi mãi tuân theo; Phàm là những quyết định của Mao Chủ tịch, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ.”Trong thời kỳ “đại Văn cách” phát hành rộng rãi và bắt buộc mọi người, mọi tầng lớp trong toàn xã hội Trung Quốc phải đọc và học thuộc những lời Mao Chủ tịch được chọn ghi trong sách đỏ Ngữ Lục ở mọi nơi mọi lúc.

Đặng Tiểu Bình tự phong là “hạt nhân” của đảng thế hệ II, là “kiến trúc sư cải cách mở cửa”, là nhà lý luận Đặng Tiểu Bình.

Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào là “hạt nhân” của đảng thế hệ III, IV;

Tập Cận Bình không chỉ có hơn chục danh hiệu đầy quyền uy, mà còn đề cao Tư tưởng Tập là một ngọn cờ hội tụ “giấc mộng Trung Quốc”, là hai bố cục lớn dẫn dắt thời đại mới thế giới; là ba chuyển biến cấu trúc lại cục diện mới thế giới; là bốn cái toàn diện tạo dựng lại bộ mặt mới Trung Quốc; là năm ý niệm lớn cấu trúc lại hình thái mới nhân loại. Đề ra ba yêu cầu tất cả mọi … “tất cả mọi sự việc quan trọng do Chủ tịch Tập quyết định, tất cả mọi công việc phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Tập, tất cả mọi hành động nghe theo chỉ huy của Chủ tịch Tập”. Đồng thời đề ra ba phàm là : “phàm là Chủ tịch Tập đề xướng là kiên quyết hưởng ứng, phàm là Chủ tịch Tập quyết định là kiên quyết chấp hành, phàm là Chủ tịch Tập cấm là kiên quyết không làm.” Thời gian qua có trên chục trường Đại học ở Trung Quốc thành lập Viện nghiên cứu Tư tưởng Tập Cận Bình. Có đơn vị quân đội cũng biên soạn “Ngữ lục Tập Cận Bình” và qui định mọi sĩ quan binh lính đều phải đọc, học nghiêm túc. Chưa kể ở một số địa phương cải biên lời bài “Đông phương hồng” ca ngợi Mao trước đây thành bài ca ngợi Tập Cận Bình. Một cao tăng trong Trung ương Hộị Phật giáo Trung Quốc nói rằng : “Báo cáo chính trị tại Đại hội 19 của Tập Cận Bình mới là kinh Phật của thời đại mới Tập Cận Bình”, nên ông ta không chỉ đọc nhiều lần mà còn chép đi chép lại đến 3 lần !” Như vậy cũng có nghĩa là Tập Cận Bình trở thành Đức Phật Thích Cận Bình, Thỉ tổ của Phật giáo thời đại mới Tập Cận Bình thế kỷ 21 !

Thể chế độc tài tập thể hay độc tài cá nhân, nếu chỉ bằng tạo dựng quyền uy sức mạnh bạo lực và quyền uy sức mạnh chính trị cũng chưa thể yên ổn để vận hành quyền lực. Bởi vì nói là độc tài, không có nghĩa chỉ là một mình anh, nhất là anh càng độc tài, thì thế lực chống lại anh càng nhiều. Để hóa giải vấn đề này, thể chế độc tài đều có cơ chế chính sách về lợi ích, để một mặt tập hợp xây dựng lực lượng của mình, mặt khác đề hóa giải mâu thuẩn với các phe phái, thế lực khác bằng những hình thức khác nhau, tùy theo sự đối sánh lực lượng giữa thế lực độc tài với các thế lực khác.

Dưới Thể chế phong kiến, quyền lợi một mặt tập trung trong “Hoàng triều, Hoàng tộc”; mặt khác, đối với các địa phương, các chư hầu được phân quyền và lợi ích nhất định (trong xã hội phong kiến hai nguồn tài sản quan trọng nhất là số Đinh và Điền) trong phạm vi quản hạt của mình. Đế Vương, kể cả con cháu họ hàng Hoàng tộc không thể có đủ để quản chặt hết mọi mặt, mọi tầng lớp toàn xã hội được, nên vẫn có được một không gian tự do nhất định đối với thần dân. Vì vậy ngoài “Phép vua”, còn có “Lệ làng” tồn tại, miễn là không làm tổn hại “Phép vua”.

Mao Trạch Đông xây dựng thể chế chính quyền kiểu Lê nin, nhưng còn ghê gớm hơn Lênin, ông ta dùng kiểu tổ chức quân đội để xây dựng thể chế chính quyền: cấp dưới phục tùng tuyệt đối cấp trên, địa phương phục tùng tuyệt đối trung ương, toàn đảng phục tùng tuyệt đối lãnh tụ, cá nhân phục tùng tuyệt đối tổ chức. Tất cả theo một mệnh lệnh chỉ huy, nếu không nghiêm chỉnh phục tùng, là không có bất cứ lối thoát nào để thoát. Đó là thể chế độc tài kiểu thống trị chế độ nô lệ + quân sự hóa, là vũ khí để Mao củng cố thể chế độc tài của mình.

Đặng Tiểu Bình, tiến bộ hơn một ít, chỉ còn nửa nô lệ nửa phong kiến. Dưới chế độ phong kiến, quốc thổ và mọi tài nguyên của đất nước thuộc sở hữu của Quốc vương, Quốc vương đem quốc thổ chia cho các hoàng thân quốc thích và các chư hầu. Các quan lại địa phương, chư hầu coi quốc gia này, Quốc vương này là của mình, cho nên rất quí trọng và có trách nhiệm giữ gìn bảo vệ Quốc gia, Bờ cõi, Quốc vương của mình. Còn thể chế Trung Cộng của Đặng Tiểu Bình có khác ở chỗ : Đặng phái các thái tử đảng và thân hữu xuống các địa phương nhậm chức. Các quan chức này chỉ có quyền quản lý hành chính, không có quyền sở hữu ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác, cũng không có quyền chỉ huy quân đội. Các quan chức không coi địa phương đến nhậm chức là của mình, tốt xấu thế nào không liên quan, vì các quan chức chỉ là khách đi qua chặng đường mà thôi, rồi đi tiếp chặng khác. Thế nên, họ lợi dụng quyền quản lý hành chính có được trong tay để vơ vét thứ gì có được trước khi đến chặng khác. Thể chế này đã hình thành một đặc chất của quan chức là tầm nhìn ngắn hạn, chú trọng lợi ích trước mắt, phát huy tối đa cơ hội quyền lực có trong tay để vơ vét mọi thứ, phát huy tối đa quyền sử dụng đối với mọi thứ được quyền sử dụng cho đến cạn kiệt, tan nát, khác gì phá hoại cho bằng hết. Cải cách thể chế chính trị của Đặng Tiểu Bình là “cải cách kiểu chia bánh”. Quan ngày càng nhiều, bánh ít, làm sao chia ? Phải chia nhỏ bánh ra thành nhiều phần. Từ năm 1978 đến 1991, các Thị cấp Địa từ 99 đơn vị tăng lên 187 đơn vị; Thị cấp huyện từ 91 đơn vị tăng lên 289 đơn vị (Nhân dân nhật báo ngày 19/9/1992). Đến nay chắc còn tăng lên nhiều hơn nữa. Đó là mới nói hệ thống hành chính, còn hệ thống các cơ quan ban, bộ, ngành của hệ thống đảng, nhà nước, các tổ chức đoàn thể, xã hội, thì càng tăng nhiều gấp bội các loại ghế để đủ chia phần. Đó là cơ chế “kiểu chia bánh”, tạo điều kiện thực hiện “một bộ phận giàu trước” (thực chất bộ phận này là quan chức các cấp từ Trung ương đến tận cơ sở) để giữ vững ổn định thể chế độc tài của Đặng Tiểu Bình.

Đặng đã thực hiện chia bánh hết rồi, không còn địa bàn nào, cơ quan tổ chức nào để chia tiếp, đến lượt Giang Trạch Dân phải một mặt bằng cách phân chia kiểu “9 rồng trị thủy” (9 Thường vụ, mỗi người toàn quyền trong lĩnh vực được phân chia), mặt khác bật đèn xanh cho tham nhũng, hối lộ với cơ chế “ngậm miệng phát tài lớn” của con đường “tham nhũng trị đảng trị quốc”. Mọi người, mọi cấp, mọi tổ chức đều im lặng, làm ngơ cho việc tham nhũng hối lộ, để ai ai cũng có lợi. Đó là cơ chế bảo đảm cho thể chế độc tài của Giang được giữ vững.

Kiểu chia bánh, Đặng dùng rồi. Kiểu thả cho tham nhũng, hối lộ, Giang cũng dùng rồi, Hồ Cẩm Đào dùng cách gì đây để thống trị? Hồ tiếp nhận một cơ đồ tan nát, hỗn loạn, nhưng lực bất tòng tâm, không dám, không thể đụng vào, đành chỉ nhằm mục tiêu “duy trì ổn định “ với cơ chế “ai làm gì, kệ, tôi không quản, miễn là các anh không đụng đến trung ương, không gây loạn” và kêu gọi “không gây sự” và tạo dựng “xã hội hài hòa”.

Tập Cận Bình, không bằng các miếng bánh thực tế trước mắt làm mồi kích thích, vì chẳng còn nữa, mà bằng một xâu bánh vẽ đẹp đẽ hùng vĩ, nào là “giấc mộng Trung hoa”, “giấc mộng cường quốc biển”, “giấc mộng cường quốc khoa học công nghệ cao”… công trình thiên niên kỷ “Hùng An”. Nào là “Giấc mộng làm người dẫn dắt thế giới”, “giấc mộng cả loài người cùng chung vận mệnh” , với công trình thế kỷ “1 vành đai 1 con đường”, v.v…

………………

Còn nữa, kỳ sau đăng tiếp

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511743

Hôm nay

269

Hôm qua

2337

Tuần này

22117

Tháng này

218616

Tháng qua

121356

Tất cả

114511743