Diễn đàn

Nghiệp dư và chuyên nghiệp trong sáng tạo nghệ thuật

Với sáng tác nghệ thuật không có chuyện chuyên nghiệp. Chuyên nghiệp là việc của thợ có nghề. Những ai hô hào “cần có tính chuyên nghệp trong sáng tác“ là không hiểu gì về tâm lý sáng tạo. Trong hội hoạ và âm nhạc, hay văn chương, mọi sản phẩm nghệ thuật luôn là độc bản duy nhất không lặp lại. Vì thế mà không thể chuyên nghiệp.

Mỗi tác phẩm được sáng tác, người nghệ sĩ đều loạng quạng nghiệp dư cho tới khi dừng không làm tiếp được nữa (gọi là làm xong). Khi nảy sinh sáng tác mới lại hồi hộp, lại hăng say trong bỡ ngỡ. Làm gì có sản xuất hàng loạt tác phẩm giống nhau để mà chuyên nghiệp như người thợ. Mấy anh chàng cán bộ chuyên nghiệp lãnh đạo các hội hè nghệ thuật, hay hô hào “sáng tác cần có tính chuyên nghiệp” mà không tự thấy mình vớ vẩn không hiểu tâm trạng của người nghệ sĩ sáng tác.

Hai từ chuyên nghiệp chỉ có thể hiểu theo nghĩa kiếm tiền và sinh kế bằng một nghề nào đó.

Vì sáng tạo Văn chương- Hội hoạ - Âm nhạc luôn là những tác phẩm độc bản có giá trị nghệ thuật lan toả trong cộng đồng. Nên được trả nhuận bút cao hoặc tác phẩm được bán với giá đặc biệt, bởi chỉ có như thế người nghệ sĩ mới sáng tạo được kiệt tác. Nếu trả giá thù lao thấp, tác phẩm coi như một sản phẩm sản xuất dễ dàng dưới tài năng bẩm sinh của nghệ sĩ để mả trả giá rẻ (cao hơn hàng hóa thông thường một chút). Rẻ như nhuận bút một tiểu thuyết không đủ nuôi gia đình trong ba mươi ngày. Trong khi viết một cuốn tiểu thuyết có thể là trăn trở hàng chục năm hoặc hơn. Hoặc nhuận bút cho một bài thơ một truyện ngắn còn quá thấp.

Dù thời gian đằng đẵng suy tư cho nghệ thuật, nhưng giây phút khởi động một tác phẩm luôn luôn có trạng thái lâng lâng không biết trước kết quả khi kết thúc tác phẩm, bởi đó là trạng thái không biết trước thường trực trong sáng tác nghệ thuật. Người nghệ sĩ mất đi cảm xúc không biết trước này thì họ chỉ là nhà sản xuất sản phẩm lành nghề.Hãy xem như thi sĩ không bao giờ biết trước câu thơ sau câu vừa viết ra, thi sĩ cứ như thế cho đến khi muốn dừng kết thúc một cảm hứng. Hoặc như nhạc sĩ không khẳng định được những nốt nhạc tiếp theo nốt vừa sáng tác ngẫu hứng.

Tôi mượn hai chữ “nghiệp dư” để tạm gọi trạng thái sáng tạo không biết trước đó là nghiệp dư. Chính vì có trạng thái nghiệp dư đó mà tác phẩm nghệ thuật luôn lung linh và chỉ có hạng nhất và hạng còn lại.

Khi sáng tác mà tác phẩm mới cứ đều đều sòn sòn ra đời ở mức kha khá thì đó nghĩa là nghệ sĩ đó đã chuyên nghiệp trong sản xuất tác phẩm, đã đóng băng sự tươi mới, đã mất đi cái lung linh bất ngờ hạng nhất của tính  ngẫu hứng bằng trực giác của cảm xúc nghệ thuật.  Với nghệ thuật chỉ có tác phẩm và tác giả mà không có nghiệp dư hay chuyên nghiệp. Nghiệp dư nếu hiểu đúng là môt thứ thao tác chưa ổn định, chưa đủ khả năng tạo ra công nghệ sản xuất “muôn cái như một”. Vì thế mà khái niệm nghiệp dư hay chuyên nghiệp là thứ không dùng được để làm thuật ngữ cho nghệ thuật. Vậy mà xưa nay khái niệm này đã bị xử dụng nhầm chỗ trong hoạt động nghệ thuật ở Viet Nam.

Những nhạc sĩ hay hoạ sĩ lành nghề, thạo nghề tới mức chuyên nghiệp như thế không có đột biến trong sáng tạo. Họ không biết họ đã không còn làm nghệ thuật nữa mà lại tự tưởng như đang làm nghệ thuật mạnh. Họ thường lặp lại chính mình một cách bền bỉ. Tất nhiên họ vẫn tạo được giá trị nhất định trong sinh hoạt nghệ thuật của cộng đồng cho dù cả đời sáng tác như người thợ.

Về nguyên lý, tính chuyên nghiệp của một nghề là có thể đúc kết thành từng công đoạn để truyền đạt được cho người muốn học nghề nghiệp đó. Và khẳng định mọi thao tác “chuyên nghiệp” đều truyền bá, giảng dạy được. Đó là khả năng chuyển giao công nghệ của tính chuyên nghiệp. Còn tính sáng tạo của nghệ thuật là năng khiếu chỉ có giời truyền cho. Mà các nghệ sĩ không thể truyền lại cho nhau như những người thợ lành nghề. Nghệ thuật không thể chuyển giao công nghệ, nên không có chuyện nghiệp dư hay chuyên nghiệp.Khi sử dụng thuật ngữ “ nghiệp dư” và “chuyên nghiệp” sai lầm đã sinh ra những chỉ đạo sai lầm trong các ngành văn hóa nghệ thuật.

Với một tổ chức, một nhóm, hay một cá nhân làm nghệ thuật, đam mê nghệ thuật, nhưng không sinh kế bằng nghệ thuật sẽ bị coi là nghiệp dư. Từ đánh giá sai lầm đó mọi chính sách đãi ngộ và quan tâm của nhà nước sẽ khác hẳn những tổ chức làm nghệ thuật được coi là chuyên nghiệp có được hưởng lương. Điều này dẫn tới một bộ máy hành chính của ngành văn hóa có rất nhiều văn nghệ sĩ hưởng lương suốt đời nhưng không có sáng tạo nghệ thuật tương đương. Những viên chức nghệ thuật mang danh chuyên nghiệp đó không bao giờ sáng tạo được tác phẩm nghệ thuật có giá trị. Không thể hy vọng có kiệt tác ở các viên chức nghệ thuật.

Dưới đây là vài trường hợp nghệ sĩ không hưởng tài trợ để sáng tác và không có lương như viên chức nghệ thuật, nhưng họ có tác phẩm lưu lại cho hậu thế ở tầm toàn cầu. Ở Hy Lạp có Homer. Ông là nhà thơ và là người hát rong, ông được cho là tác giả của hai trường ca lừng danh Iliad và Odyssey. Tương truyền ông bị mù cả hai mắt. Thế kỷ thứ VIII trước CN, Homer hát rong và kiếm sống bằng hai tác phẩm Iliad và Odyssey Đến thế kỷ thứ VI trước CN hai tác phẩm đó được chép lại thành văn bản theo lệnh của nhà cầm quyền Athena khi đó là Peisistratos.

(nguồn: The Kingfisher History Encyclopedia 30-10-2012. Bởi nhóm tác giả gồm các biên tập viên của “Bách khoa toàn thư Kingfisher”).

Thơ Đường hay Đường thi (chữ Hán:唐詩) là toàn bộ thơ ca đời Đường được các nhà thơ người Trung Quốc sáng tác trong khoảng từ thế kỉ 7 - 10 (618 - 907). Các sáng tác của hàng nghìn nhà thơ đời Đường được bảo tồn trong cuốn Toàn Đường thi gồm 48.900 bài. Đời Thanh chọn 300 bài do Hành Đường thoái sĩ và Trần Uyển Tuấn bổ chú thành Đường thi tam bách thủ được phổ biến rộng rãi ở Trung Quốc, Việt Nam. Thời đại của Đường Thi đó hầu như không có ai sinh kế bằng  chuyên nghiệp làm thơ.

Lại nữa , trong âm nhạc và hội họa có hiện tượng thần đồng. Những thần đồng này thường xuất hiện từ trong gia đình, không được đào tạo bài bản từ các trường lớp chuyên nghiệp.  Khái niệm thần đồng đã phủ nhận cách nghĩ phải công phu chuyên nghiệp mới thành nghệ sĩ.

Ngay ở thời hậu hiện đại của thế giới nghệ thuật này đã xuất hiện nữ văn sĩ bất đắc dĩ,tác giả viết cuốn tiểu thuyết Harry Potter lừng lẫy, J.K. Rowling không có ý định làm nhà văn. Bà chỉ viết những chuyện để kể cho con trước khi đi ngủ, và bây giờ là một cuốn sách kỳ lạ của nhân loại.Bà từng một mình nuôi con, thất nghiệp, túi không tiền và có ý định tự tử, nhưng  hiện nay tác giả của bộ tiểu thuyết Harry Potter, là một trong những người phụ nữ quyền lực và giàu có nhất trên thế giới. 

Đến đâyxin thưa, trường hợp này là nghiệp dư hay chuyên nghiệp? Rõ ràng giá trị của tác phẩm này không phụ thuộc vào hai từ “nghiệp dư” hay “chuyên nghiệp” mà ở chính bản thân tác phẩm.

Ở Việt Nam, có nhiều người lĩnh lương làm nghệ thuật, vỗ ngực cho mình là nghệ sỹ chuyên nghiệp. Khái niệm nghiệp dư và chuyên nghiệp được các viên chức nghệ thuật này cổ vũ tán thưởng.

Xin được nhắc lại ý đã viết ban đầu, rằng với sáng tạo nghệ thuật không hề có thuât ngữ “nghiệp dư” và thuật ngữ “chuyên nghiệp”.  Bởi tính chuyên nghiệp của một nghề được khẳng định bằng khả năng hoàn chỉnh hàng loạt sản phẩm qua quy trình “chuyển giao công nghệ”.  Bất kỳ một đơn vị hay môt cá nhân nào muốn làm được sản phẩm cao cấp đến mấy cũng chỉ cần được chuyển giao trọn vẹn điều kiện và quy trình công nghệ sản xuất sản phẩm đó.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn dù tài ba vô song cũng chỉ tài ba cho duy nhất một mình ông. Không thể chuyển giao tài ba đó cho mọi người bằng kiểu quy trình chuyên nghiệp nào. Trong giới biểu diễn cũng thế, các nhạc công rất công phu khổ luyện vài chục năm cũng không thể chuyển giao tài năng vốn là kết quả của khổ luyện đó cho ai được. Vì thế nghệ sĩ dù là sáng tác hay là biểu diễn vẫn là thiên bẩm trời phú, cho nên có những người đam mê ghê gớm cũng không thể cứ tập riết, rèn luyện riết (chuyên nghiệp riết) mà thành công được.

Những ai cho rằng khổ luyện mấy chục năm là chuyên nghiệp chỉ đúng khi cái nghiệp đó là một nghề nghiệp có thể kiến tạo công nghệ chuyển giao sản xuất được.

Bi kịch ở chỗ hai từ “chuyên nghiệp “ hiện được toàn xã hội và các cơ quan ngành văn hóa dùng để xác định giá trị nghệ thuật cao thấp. Nên đã đã sinh ra những người khổ luyện công phu khi thực tế biểu diễn bị thua kém người ít khổ luyện được trời cho tài năng, những người đó đã phải tỏ ra tính chuyên nghiệp vì có biên chế có lương nghệ sĩ mà gọi những người đồng nghiệp còn lại là nghiệp dư.

Hai từ “chuyên nghiệp” và “nghiệp dư” còn đeo bám giới văn nghệ sĩ mãi cho đên khi chính những viên chức nghệ thuật nhận ra sự thật.

Quả thật với sáng tạo nghệ thuật không có chỗ dùng thuật ngữ “nghiệp dư” hay “chuyên nghiệp”.

 

SG. 19-5-2018

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114445782

Hôm nay

2282

Hôm qua

2237

Tuần này

21391

Tháng này

212041

Tháng qua

120141

Tất cả

114445782