Thi đua khen thưởng thì năm nào cũng có. Chỉ thi thoảng mới có chu kỳ tổng kết thi đua 5 năm, thậm chí là 10 năm. (Những vụ này thường là có thưởng to). Cũng như WC, mấy năm gần đây, để tiến tới “chung kết” thi đua, hoạt động này cũng diễn ra tuần tự để lựa chọn các đơn vị tùy theo thành tích mà vào sâu trong “giải” bằng cách tổ chức các cụm thi đua. Ở cấp độ nào người ta cũng tổ chức cụm. Rất “khoa học”(!). (Thậm chí có nơi còn tuyên bố rằng đó là luật!? Và luật thì phải theo?!). Nhưng khác với WC, một cơ quan, đoàn thể, và cá nhân, đồng thời tham gia nhiều “giải” khác nhau, theo ngành dọc, theo tuyến ngang… đủ thứ. Một sở nọ, vừa phải tham gia cụm khu vực theo Bộ/ngành, vừa tham gia cụm khối liên ngành của tỉnh… Các cụm này chẳng có quyền hành gì cả, chỉ là nhóm họp với nhau để thương thuyết nhằm đi tới xác định sẽ đề cử ai sẽ vào giải. Phần đa, các cụm trưởng kiêm chủ nhà đăng cai các cuộc thương thuyết vẫn được nể nang hơn. Chảy nước mắt vì các lý do để tôn vinh và khen thưởng là điều không thể cưỡng lại. Cơ quan tôi sắp kỷ niệm 10 năm thành lập. Sếp cơ quan tôi mới về năm đầu. Sếp cơ quan tôi sắp nghỉ hưu… Tất cả đều là lý do chính đáng!? Nếu WC chỉ có một con đường đến sân bóng thì con thuyền thi đua lại có rất nhiều ngả để đến được danh hiệu. Cụm ngành dọc không được thì tranh thủ cụm ngang – khối. Tính linh hoạt của thi đua là vậy. Và hoàn toàn khác với WC vì chung cuộc thi đua có thể là nhiều người, nhiều cơ quan, đơn vị được tôn vinh, khen thưởng, và danh hiệu cao nhất có thể được trao cho nhiều người (theo kiểu “miếng giữa làng”).
Căn bệnh hình thức, dễ nhận biết nhất, là ở cái cách thi đua và khen thưởng của chúng ta hiện nay.
Nếu các đội tuyển quốc gia tham dự WC đều cố gắng thâu hóa và biểu đạt những phẩm chất, tính cách văn hóa đẹp nhất, đặc sắc nhất của dân tộc mình để trở thành đại sứ, đại diện cho quốc gia dân tộc mình trong ngày hội có thể nói là hàng lớn nhất của thế giới thì công tác thi đua khen thưởng của chúng ta cũng đang thể hiện những gì nhiêu khê, luộm thuộm và háo danh của người Việt từ nhận thức đến những việc làm, cách làm cụ thể. Kết quả thi đua của PVC và Trịnh Xuân Thanh hay của ông Hồ Xuân Mãn là những điển hình không thể bỏ qua khi nói về mặt trái đáng buồn của việc khen thưởng thi đua.
Thi đua là tự giác. Khen thưởng là tôn vinh một cách chính đáng, và tự nguyện, tự giác; không thể không minh bạch.
WC hấp dẫn cả mấy tỷ người không chỉ đó là ngày hội của bóng đá đỉnh cao toàn cầu mà còn vì họ tin tưởng vào nhà tổ chức giải, vào tính khoa học, hợp lý, và minh bạch của nó. Hoạt động thi đua khen thưởng đang mất dần đi sự hấp dẫn vì bệnh thành tích và tất cả những điều ngược lại với WC./