Nghiên cứu Dư luận xã hội (DLXH) về một số vấn đề điều hành và thực thi chính sách, sự tham gia của người dân ở nước ta hiện nay là một trong những hướng nghiên cứu cần thiết để biết được đánh giá của DLXH về các vấn đề này như thế nào.
Nghiên cứu Dư luận xã hội (DLXH) về một số vấn đề điều hành và thực thi chính sách, sự tham gia của người dân ở nước ta hiện nay là một trong những hướng nghiên cứu cần thiết để biết được đánh giá của DLXH về các vấn đề này như thế nào.
Kết quả nghiên cứu sẽ phản ánh thái độ của người dân về những vấn đề liên quan đến lợi ích xã hội của họ. Điều này có nghĩa là nghiên cứu DLXH sẽ cho thấy tình trạng biến đổi của đời sống kinh tế, xã hội đã được phản ánh vào ý thức xã hội của người dân ra sao trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Đánh giá về vai trò của nhà nước đối với quản lý xã hội trong điều hành và thực thi chính sách giữ vai trò quan trọng trong hoạt động của nghiên cứu DLXH. Thông qua đánh giá của người dân, người ta có thể biết được những chính sách nào tốt hoặc chưa tốt. Kết quả đánh giá của người dân là cơ sở để các nhà điều hành và thực thi chính sách nhìn nhận lại cách thức quản lý, có hướng giải quyết nhằm đưa ra cách thức quản lý hiệu quả trong điều hành và thực thi chính sách.
Điều hành và thực thi pháp luật là khung quan trọng nhất trong quản lý nhà nước, bởi nhà nước ta là “nhà nước pháp quyền, nhà nước của dân, do dân và vì dân”. Trong lĩnh vực này có bốn vấn đề được người dân cho rằng quan trọng ở nước ta hiện nay: 1) thực thi pháp luật; 2) tội phạm; 3) dân chủ; 4) quyền con người.
Biểu đồ 1: Đánh giá về một số vấn đề liên quan đến điều hành và thực thi pháp luật
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
Trong bốn vấn đề thì vấn đề “tội phạm” có số người cho rằng quan trọng, chiếm tỉ lệ lựa chọn cao nhất (56.9%). Điều này cho thấy sự lo lắng của người dân về tình hình tội phạm ở nước ta trong những năm gần đây. Đó là sự gia tăng về tội phạm với biểu hiện ngày càng tinh vi. Sự gia tăng tội phạm không chỉ ở thành phố lớn mà cả ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Quy mô và mức độ phạm tội ngày càng lớn và nguy hiểm. Số vụ giết người cướp của không dừng ở những cá nhân nhỏ lẻ mà còn mang tính tập thể, đáng báo động là số người phạm tội ngày càng “trẻ hóa” với những vụ giết người hàng loạt… Đây có lẽ là những điều đã khiến cho người dân đánh giá tội phạm đang là vấn đề quan trọng hiện nay.
So sánh giữa những người sống ở thành thị và nông thôn cho thấy có sự khác biệt trong lựa chọn đánh giá về bốn vấn đề liên quan đến điều hành và thực thi pháp luật. Những người ở thành thị đánh giá bốn vấn đề này quan trọng cao hơn những người ở nông thôn.
Biểu đồ 2: Đánh giá của người dân thành thị và nông thôn về một số vấn đề
liên quan đến điều hành và thực thi pháp luật
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
So sánh giữa nam giới và nữ giới cho thấy có sự khác biệt trong đánh giá về bốn vấn đề liên quan đến điều hành và thực thi pháp luật. Nam giới đánh giá bốn vấn đề này quan trọng cao hơn nữ giới. Điều này cho thấy dường như nam giới tỏ ra lo lắng về những vấn đề này hơn so với nữ giới.
Biểu đồ 3: Đánh giá của nam và nữ về một số vấn đề
liên quan đến điều hành và thực thi chính sách pháp luật
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
Nghiên cứu DLXH về những vấn đề liên quan đến xã hội sẽ cho phép biết được đánh giá của người dân về những vấn đề xã hội, những sự kiện xã hội đang diễn ra trong đời sống xã hội hiện nay.
Đánh giá về những vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay liên quan đến điều hành và thực thi chính sách xã hội có đến 69,9% số người tham gia trả lời phỏng vấn cho rằng là “tham nhũng”, tiếp đến là “an ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ” (56,9%). Tình trạng tham nhũng đang diễn biến phức tạp đã được phản ánh khá nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Mặc dù những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đang nỗ lực thực hiện chống tham nhũng, bước đầu đã thu được kết quả, như việc phát hiện và đưa ra xử lý các vụ tham nhũng lớn: Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam, Tổng Công ty hàng hải Việt Nam,… tuy nhiên, tình trạng này vẫn còn tồn tại trong xã hội, ngày càng biểu hiện tinh vi và phức tạp. Trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, sáng ngày 24/12/2015, tại Tp. Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này: “Vấn nạn này đang trở thành nguy cơ chính đe dọa sự ổn định chính trị, sự tồn vong của chế độ, trật tự và an toàn xã hội, xói mòn các thể chế, các giá trị đạo đức,…”2.
Biểu đồ 4: Đánh giá về một số vấn đề
liên quan đến điều hành và thực thi chính sách xã hội
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
“An ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ” cũng đang là vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay, đặc biệt là trong năm 2014 với vụ giàn khoan 981 của Trung Quốc tại vùng thềm lục địa của Việt Nam, những tàu cá của Việt Nam bị tàu của nước ngoài tấn công ngày càng nhiều, gần đây là sự xuất hiện nhiều chuyến bay của Trung Quốc xâm phạm vào vùng kiểm soát của Việt Nam,… đây là những nhân tố đe dọa đến hòa bình, an ninh quốc gia và an toàn lãnh thổ. Sự gia tăng của những nhân tố trên đã có tác động đến đánh giá của người dân về vấn đề này trong điều hành và thực thi chính sách ở nước ta hiện nay. Vấn đề “phân biệt đối xử, bất bình đẳng” (29,8%) và “vấn đề về giới”(19,4%), chiếm tỉ lệ thấp hơn nhiều so với hai vấn đề còn lại. Kết quả này cho thấy, người dân đặt vấn đề tham nhũng và an ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ là hai vấn đề quan trọng trong công tác điều hành của nước ta hiện nay.
So sánh giữa những người sinh từ năm 1975 trở về trước và những người sinh sau năm 1975, cho thấy có sự khác nhau khi đánh giá về những vấn đề này. Những người sinh sau năm 1975 lựa chọn cả bốn tiêu chí đánh giá cao hơn so với những người sinh từ năm 1975 trở về trước. Mặc dù sự khác biệt không lớn nhưng đã phần nào cho thấy có sự khác biệt về thế hệ trong nhận thức và đánh giá về vấn đề quan trọng của đất nước hiện nay. Thế hệ trẻ nhìn nhận vấn đề quan trọng của đất nước qua bốn tiêu chí với tỉ lệ đánh giá cao hơn, đã phản ánh mức độ quan tâm của họ đến các vấn đề xã hội của đất nước.
Biểu đồ 5: Đánh giá của nhóm tuổi về một số vấn đề
liên quan đến sự điều hành và thực thi chính sách xã hội
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
Trong 6 tỉnh mà đề tài tiến hành nghiên cứu, Hà Nội là địa phương có số người đánh giá cả bốn vấn đề chiếm tỉ lệ cao hơn năm địa phương còn lại. Ngược lại, Đồng Nai là địa phương có số người đánh giá cả bốn vấn đề chiếm tỉ lệ thấp hơn so với năm địa phương còn lại.
Bảng 1: Đánh giá của địa phương về một số vấn đề
liên quan đến sự điều hành và thực thi chính sách xã hội
Tỉnh/thành |
Tiêu chí đánh giá |
|||
An ninh quốc gia, an toàn lãnh thổ |
Tham nhũng |
Phân biệt đối xử, bất bình đẳng |
Vấn đề về giới |
|
Hà Nội |
70,8 |
82,1 |
33,8 |
24,2 |
Hòa Bình |
54,3 |
62,6 |
31,1 |
22,6 |
Đắc Lắc |
47,1 |
66,4 |
25,1 |
17,1 |
Khánh Hòa |
47,0 |
77,2 |
35,0 |
15,2 |
Đồng Nai |
56,0 |
67,7 |
21,0 |
16,7 |
Kiên Giang |
64,4 |
61,8 |
32,4 |
20,0 |
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
Số liệu của bảng 1 đã phản ánh sự đánh giá khác nhau giữa các địa phương liên quan đến sự điều hành và thực thi chính sách xã hội. Điều này cho thấy, dường như Hà Nội là địa phương tỏ ra quan tâm đến những vấn đề này hơn so với các địa phương còn lại.
Sự tham gia của người dân vào hoạt động tổ chức, quản lý nhà nước, quản lý xã hội phản ánh quá trình dân chủ hóa các mặt của đời sống xã hội3. Với thành tựu về kinh tế - xã hội, mức sống của người dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, các điều kiện dân chủ và sự tham gia của người dân được đảm bảo là đòi hỏi tất yếu. Sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội được phản ánh thông qua nhận thức về thực thi dân chủ bằng việc lắng nghe ý kiến của nhân dân ở các cấp chính quyền.
Để người dân phát huy tinh thần làm chủ cần phải căn cứ vào những điều kiện thực tế của xã hội - nơi làm việc của người lao động. Vì vậy, xem xét thái độ của DLXH là cách làm cần thiết để thấy được sự đồng tình hay phản ứng của quần chúng nhân dân về các chủ trương, đường lối và cả cách thức thực hiện các chủ trương, đường lối của nhà nước, của các tổ chức xã hội mà người dân tiếp nhận trong quá trình truyền đạt thông tin, đánh giá tình hình4. Qua việc tìm hiểu đánh giá của người dân về mức độ lắng nghe ý kiến của các tổ chức ở ba mức độ: “không được tính đến”, “không đáng kể” và “đáng kể”, để thấy được việc thực hiện dân chủ tại tổ chức xã hội diễn ra như thế nào? Từ những ý kiến đánh giá của người lao động, DLXH có thể đưa ra lời khuyên để tổ chức xã hội thực hiện tốt vai trò của mình trong việc thực thi dân chủ - ở đây là lắng nghe ý kiến của người lao động.
Biều đồ 6: Đánh giá về mức độ lắng nghe của các tổ chức
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
Mức độ lắng nghe “không đáng kể” ở tổ chức đảng (47,9%) và tổ chức đoàn thể (51,5%) chiếm tỉ lệ cao so với chính quyền (44,7%) và tổ chức công đoàn (43,2%). Mức độ lắng nghe “đáng kể” ở chính quyền (45,7%) và tổ chức công đoàn (45,6%) chiếm tỉ lệ lựa chọn cao. Kết quả này cho thấy, người dân đánh giá khá cao về mức độ lắng nghe ý kiến người lao động của hai tổ chức là chính quyền và tổ chức công đoàn
Hệ thống hành chính ở nước ta hiện nay được phân cấp từ trung ương tới địa phương, đơn vị hành chính thấp nhất là cấp xã, phường - đây cũng là nơi thường xuyên tiếp xúc với người dân. Những đánh giá về thực thi dân chủ ở cơ sở phán ánh tâm tư, tình cảm của người dân về môi trường làm việc của cán bộ cấp xã/phường. Họ là người trực tiếp thực thi chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân, họ cũng chính là người trực tiếp tiếp thu ý kiến của người dân về chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Thái độ đồng tình hay phản đối các chính sách và thực hiện chính sách cũng xuất phát từ cơ sở5. Từ đánh giá của người dân, DLXH sẽ kiểm soát, hạn chế mặt tiêu cực, định hướng phát triển mặt tích cực hướng tới xã hội “dân chủ” như định hướng phát triển của nhà nước. Việc ban hành và thực hiện chính sách cần thông suốt từ trung ương đến địa phương, giữa các địa phương với nhau, đóng vai trò quan trọng tới đánh giá của người dân. Bởi trong xã hội bùng nổ thông tin như hiện nay, nếu hệ thống này vận động tốt sẽ khắc phục được tệ quan liêu, nhũng nhiễu của cấp chính quyền.
Biểu đồ 7: Đánh giá về mức độ phản ánh ý kiến của nhân dân
trong chính sách của nhà nước
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
Trong năm mức đánh giá về mức độ phản ánh ý kiến của nhân dân trong chính sách của nhà nước, mức độ “phản ánh phần nào” có tỉ lệ lựa chọn phương án trả lời cao hơn (34,2%), tiếp đến là “phản ánh khá nhiều” (30,6). Việc phản ánh ý kiến của nhân dân trong chính sách của nhà nước ở địa phương đã được người dân phản ánh “tương đối” cao, thể hiện tính dân chủ tại địa phương là khá tốt. Tuy nhiên, với con số trên mới chỉ dừng ở mức độ đánh giá “trung tính”. Sự biến đổi trong thực thi dân chủ đã có những chuyển biến, tuy nhiên cần phát huy hơn nữa trong đời sống xã hội. Muốn phát huy được tính dân chủ thì một trong những yếu tố để thực hiện dân chủ là công khai6. Công khai để tạo nên sự tin cậy trong đời sống xã hội, nó là điều kiện để thực hiện hoạt động tổ chức và quản lý xã hội.
Khi so sánh đánh giá của người dân ở nông thôn và thành thị vềmức độ phản ánh suy nghĩ và ý kiến của nhân dân trong chính sách của nhà nước tại địa phương đã cho thấy có sự khác nhau.
Biều đồ 8: Mức độ đánh giácủa người dân thành thị và nông thôn
về phản ánh ý kiến của nhân dân trong chính sách của nhà nước
Nguồn: Số liệu điều tra Đề tài KX.03.16/11-15.
Những người dân nông thôn đánh giá ở mức độ “phản ánh khá nhiều” chiếm tỉ lệ (37,4%), cao hơn so với những đánh giá còn lại. Còn đối với những người ở thành thị đánh giá mức độ “phản ánh phần nào” chiếm tỉ lệ (35,9%), cao hơn so với các mức độ đánh giá còn lại. Kết quả này cho thấy người dân ở nông thôn đánh giá khá cao về mức độ tiếp nhận những ý kiến đóng góp của người dân vào xây dựng chính sách.
Tóm lại
Tìm hiểu DLXH của người dân trong việc điều hành và thực thi chính sách của nhà nước cho thấy, đánh giá của người dân về những vấn đề tham nhũng, an ninh quốc gia an toàn lãnh thổ gắn liền với những sự kiện chính trị, xã hội của đất nước. Còn đối với sự tham gia của người dân vào quản lý xã hội gắn liền tới quyền lợi của người dân. Trong vấn đề thực thi dân chủ, mức độ đánh giá của DLXH chưa cao về hoạt động dân chủ của các cấp chính quyền, của các tổ chức xã hội. Đây cũng là một trong những nguyên nhân cản trở quá trình đổi mới ở nước ta.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy có sự đánh giá khác nhau về điều hành và thực thi chính sách của nhà nước, sự tham gia của người dân vào quá trình quản lý xã hội giữa nơi cư trú, có sự khác nhau giữa các địa phương khảo sát, giữa nam và nữ, cũng như giữa các nhóm tuổi.
Dư luận xã hội gắn với những định hướng xã hội mà con người thường nhận thức từ thực tế xã hội, vì vậy sự đánh giá trong DLXH về điều hành và thực thi chính sách, sự tham gia của người dân cho thấy kết quả của sự biến đổi xã hội trong quá trình đổi mới đất nước hiện nay và các vấn đề đặt ra trong quá trình này. Điều này cho thấy ý nghĩa của DLXH với việc đề xuất chính sách, thực thi chính sách trong quản lý và điều hành đất nước hiện nay.
Tài liệu tham khảo
.........................................................................
1Bài viết trong khuôn khổ Đề tài cấp Nhà nước KX.03.16/11-15 “Dư luận xã hội về sự biến đổi xã hội trong công cuộc đổi mới”.
2http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/pho-thu-tuong-tham-nhung-de-doa-su-ton-vong-cua-che-do-3332823.html.
3Mai Quỳnh Nam, “Công khai để thực hiện quyền làm chủ của người dân”, Bài tham dự Hội thảo Việt Nam học lần thứ 2, tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, năm 2004.
4Mai Quỳnh Nam (2004), Sđd.
5Mai Quỳnh Nam (2004), Sđd.
2177
2389
2177
219113
121356
114512240