Nhìn ra thế giới

Sự chuyển đổi đương đại về văn hóa chính trị Mỹ

Sự nổi lên khác thường của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã phản ánh sự chuyển đổi đương đại của văn hóa chính trị Mỹ, nó được diễn ra trong hai khía cạnh khác nhau và có sự khác biệt rất lớn.

Thứ nhất, về ngắn hạn, có nghĩa là trong thời gian không đầy 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ đã trải qua những bước thăng trầm, từ sự "chung kết của lịch sử" đến "nước Mỹ của sự sợ hãi" (The United States of Fear). Thời kỳ "nghỉ ngơi lịch sử" mà nước Mỹ được hưởng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã chấm dứt. Địa vị bá quyền của nước Mỹ đang đứng trước thử thách chưa từng có.Thứ hai, về dài hạn, tức là từ khi lập quốc đến khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, mặc dù có những khó khăn, nhưng nước Mỹ luôn phát triển rất thuận lợi, từ một nước yếu mới thành lập, trở thành một nước lớn siêu cường duy nhất trên thế giới.Thứ nhất, về ngắn hạn, có nghĩa là trong thời gian không đầy 30 năm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ đã trải qua những bước thăng trầm, từ sự "chung kết của lịch sử" đến "nước Mỹ của sự sợ hãi" (The United States of Fear). Thời kỳ "nghỉ ngơi lịch sử" mà nước Mỹ được hưởng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc đã chấm dứt. Địa vị bá quyền của nước Mỹ đang đứng trước thử thách chưa từng có.

Tuy nhiên, bước vào thế kỷ XXI, quá trình phát triển của nước Mỹ đã cho thấy một sự chuyển biến ngược chiều trong tiến trình chuyển đổi đương đại của văn hóa chính trị Mỹ, từ chỗ có cùng chung nhận thức chuyển sang trạng thái cực hóa.

Từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, nhiều sự kiện diễn ra ở mức độ rất lớn, như việc nổi lên của Đảng Trà, phong trào chiếm lĩnh phố Wall, hiện tượng Donald Trump và hiện tượng Santos,… đều là những biểu hiện của sự chuyển đổi. Trong đó, việc ông Donald Trump trúng cử tổng thống là sự kiện tiêu biểu nhất. Trước đó, sự phát triển của văn hóa chính trị Mỹ đều dựa trên nền tảng của một nước Mỹ hưng thịnh và lớn mạnh. Sự chuyển đổi đương đại này không chỉ xuất hiện trong một môi trường vật chất mới với nhiều thách thức, mà quá trình này còn chưa từng diễn ra trong lịch sử, nên không có kinh nghiệm để tham chiếu, do đó sự chuyển đổi này có thể ẩn chứa nhiều nhân tố không xác định.

1. Đặc trưng cơ bản: Từ nhận thức chung đến cực hóa

Mặc dù xã hội Mỹ có tính đa nguyên, nhưng sau khi ông Trump nhậm chức, đã xuất hiện những bất đồng to lớn về chính trị - xã hội. Đây chính là biểu hiện của sự chuyển đổi đương đại về văn hóa chính trị của nước Mỹ.

Lịch sử nước Mỹ cho thấy, các phe phái chính trị, đặc biệt là sự đấu tranh đảng phái trong Quốc hội Mỹ đều thông qua đàm phán, xây dựng liên minh để tìm kiếm những chính sách mang tính nhận thức chung, nhằm thực hiện những quyết sách cuối cùng mang tính hợp tác.

Nhưng sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, đặc biệt là bước vào thế kỷ XXI, cùng với sự lan truyền chủ nghĩa bảo thủ và sức ép của các cuộc bầu cử, các chính khách ngày càng quan tâm đến lợi ích bầu cử của bản thân, hơn là việc lập pháp mang tính hợp tác. Điều này khiến cho truyền thống về khả năng hợp tác ở thời điểm cuối cùng bị giảm sút.

Sự thỏa hiệp về chính trị ngày càng khó thực hiện, đã cản trở việc thực hiện những cải cách cần thiết. Đặc trưng cơ bản này của sự chuyển biến đương đại về văn hóa chính trị Mỹ được thể hiện ở ba khía cạnh. Đó là quan niệm về giá trị chính trị, chế độ chính trị và hành vi chính trị với những biểu hiện rõ rệt gồm:

Một là, niềm tin của người Mỹ đối với quan niệm giá trị chính trị truyền thống giảm sút rõ rệt, khiến các trào lưu tư tưởng cực đoan xuất hiện nhiều và xung đột với nhau. Mặc dù, có sự lý giải khác nhau của những thực thể chính trị xã hội về quan niệm giá trị chính trị truyền thống, nhưng trong một thời gian dài, người Mỹ luôn tự hào về đất nước của mình.

Trước thế kỷ XXI, tiêu chí này thường xuyên ở mức trên 90%, nhưng sang thế kỷ XXI, bắt đầu có sự giảm sút. Từ năm 2001 đến năm 2016 tiêu chí này vẫn giữ ở mức trên 80%. Sau khi ông Trump thắng cử, theo kết quả điều tra, tiêu chí này đã bắt đầu giảm sút và đến tháng 3/2017 là ở mức 75%. Mặc dù có nhiều nguyên nhân, nhưng điều đó chứng tỏ rằng, mức độ tin tưởng của người Mỹ đối với quan niệm giá trị chính trị đang giảm sút. Đồng thời, các trào lưu tư tưởng cực đoan không ngừng phát triển, thậm chí xuất hiện nhiều phong trào chính trị. Trong vòng không đầy 10 năm, các phong trào "Mạng sống của người da đen cũng là mạng sống", "Chiếm lĩnh phố Wall", "Walmart của chúng ta", "Chiến đấu vì 15 USD",… lần lượt xuất hiện, thể hiện một cách đầy đủ sự hỗn loạn và xung đột về nhãn quan chính trị của người Mỹ.

Hai là, dân chúng ngày càng hoài nghi đối với chế độ chính trị Mỹ.

Từ trước đến nay, người Mỹ vẫn tự cho rằng nước mình là độc đáo và ưu việt, đặc biệt trước thế kỷ XXI, sức mạnh và vị thế của Mỹ trên thế giới luôn ở trạng thái đi lên càng làm tăng cảm giác này. Tuy nhiên, sự kiện ngày 11/9/2001 và cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 đã khiến người Mỹ mất đi cảm giác an toàn về môi trường sống, cũng như về kinh tế. Mặt khác, người Mỹ mơ hồ cảm thấy thế giới bên ngoài "không hữu hảo với mình", và không giải đáp được câu hỏi "Tại sao họ ghét chúng ta?". Trong tình hình đó, người Mỹ ngày càng hoài nghi khả năng trở thành sự thật của giấc mơ Mỹ và chế độ Mỹ có đáng để thế giới học tập hay không, nước Mỹ có phải là nhân tố ảnh hưởng tích cực đến công việc thế giới hay không...

Theo kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew và Viện Gallup, từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, đa số người Mỹ bi quan về dự đoán tương lai phát triển của đất nước. Số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy, từ năm 1991 đến năm 2007, tỷ lệ bi quan bình quân là 52,2%, từ năm 2008 đến năm 2016 là 68,6%.

Bên cạnh đó, người Mỹ cũng ngày càng hoài nghi về phương hướng phát triển của đất nước có đúng hay không. Kể từ sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, hơn 70% người Mỹ cho rằng phương hướng phát triển của đất nước là đúng, nhưng đến năm 2016, hơn 70% cho là sai, và tháng 4/2017 con số đó là vào khoảng 60%.

Mức độ tín nhiệm của công chúng đối với Tổng thống mới giảm sút. Trong 100 ngày cầm quyền đầu tiên, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Trump đạt mức thấp nhất trong lịch sử. Từ năm 2006 đến nay, hơn 50% số người được hỏi cho rằng những đề xuất về chính sách của Thượng viện và Hạ viện sẽ dẫn dắt đất nước theo hướng sai lầm. Từ năm 2011, mức độ tín nhiệm đối với tòa án tối cao cũng giảm sút. Từ năm 2015, mức độ không tín nhiệm đã vượt quá mức độ tín nhiệm. Sức hấp dẫn của các chính đảng cũng giảm sút nhanh chóng. Số lượng đảng viên của đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều giảm, nhưng số lượng đảng viên của các đảng độc lập, kể từ sau Chiến tranh Lạnh, lần đầu tiên đã vượt quá 40%. Công chúng ngày càng có xu hướng tin tưởng vào chính quyền địa phương hơn chính quyền liên bang.

Mặt khác, người Mỹ không còn tin vào địa vị và ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới. Kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, năm 2014, chỉ có 28% số người được hỏi cho rằng nước Mỹ là quốc gia vĩ đại nhất thế giới. Hầu hết người Mỹ cho rằng Mỹ chỉ là một trong những nước vĩ đại trên thế giới, nhưng có 12% cho rằng trên thế giới còn có nước khác vĩ đại hơn nước Mỹ. Trong một cuộc điều tra năm 2013, lần đầu tiên có hơn 1/2 (53%) số người cho rằng, địa vị quốc tế của nước Mỹ không còn quan trọng so với 10 năm trước. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1974 xuất hiện một kết quả điều tra như vậy. Kết quả điều tra năm 2016 cho thấy, có 46% số người cho rằng địa vị quốc tế của nước Mỹ không còn quan trọng như 10 năm trước.

Ba là, hành vi chính trị của người Mỹ ngày càng phát triển theo hai cực.

Đối với nước Mỹ mà nói, sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh hầu như không còn gì để phấn đấu. Một số người Mỹ cảm thấy buồn vì không còn kẻ thù. Điều đó khiến cho nước Mỹ lâm vào sự bất an, nôn nóng, đi khắp nơi để tìm kiếm kẻ thù mới, do đó hành vi chính trị của nó càng phát triển theo hướng cấp tiến và đối kháng.

Sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001, nước Mỹ đã thành lập những liên minh tình nguyện có tính chất lâm thời (coalition of willing) để ứng phó với những thách thức mang tính toàn cầu, sử dụng chiến lược tái cân bằng châu Á - Thái Bình Dương để thực hiện sự quản lý mang tính chất dự phòng đối với sự chuyển dịch quyền lực Trung - Mỹ. Tất cả những điều đó đều được thể hiện ra ngoài.

Trong nền chính trị của nước Mỹ, các tinh hoa chính trị thường cho rằng, vì công chúng đã mất đi tinh thần đoàn kết, chạy theo ham muốn tiêu dùng, nên dẫn đến sự khủng hoảng đạo đức sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Chỉ trích về đạo đức đó đã làm gia tăng sự chia rẽ về chính trị - xã hội đã có trong nước Mỹ, thúc đẩy những hành vi chính trị mang tính cấp tiến và đối kháng. Điều đó đã thể hiện rõ trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, đặc biệt là trong sách lược bầu cử của ông Trump. Sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống, sự chia rẽ trong xã hội Mỹ càng rõ rệt hơn. Theo cuộc điều tra vào tháng 2/2017, tỷ lệ ủng hộ ông Trump trong đảng Cộng hòa rất cao, nhưng số người ủng hộ thuộc các đảng khác tương đối ít.

2. Động lực cơ bản: Từ hưng thịnh liên tục đến suy thoái

Một là, việc ông Trump thắng cử khiến cho nhiều nhà quan sát bất ngờ ý thức được tiến trình chuyển đổi đương đại của văn hóa chính trị Mỹ.

Mặc dù từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay, khó khăn rất lớn về kinh tế, được coi là nguyên nhân quan trọng của sự chuyển đổi đương đại về văn hóa chính trị Mỹ, nhưng xét về lâu dài thì sự thay đổi xu thế thịnh suy của bản thân nước Mỹ đã thúc đẩy tiến trình chuyển đổi này. Chiến tranh Lạnh kết thúc, nước Mỹ đã hoan hô việc "lịch sử có khả năng kết thúc", nhưng đến thế kỷ XXI, nước Mỹ không những đã vấp phải cuộc khủng bố ngày 11/9 và ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, mà còn gặp phải thách thức về sự trỗi dậy của các nước mới nổi. Quỹ đạo cơ bản về sự phát triển của nước Mỹ đang có sự biến chuyển, tức là tình thế đi lên trong hơn 200 năm qua có thể thay đổi. Nói cách khác, phương hướng phát triển quốc gia của nước Mỹ có thể từ hưng thịnh chuyển sang suy thoái tương đối.

Tóm lại, nước Mỹ hầu như không còn là quốc gia tốt nhất thế giới căn cứ theo tài liệu "Tin tức nước Mỹ và báo cáo về thế giới" (US news and world report). Theo báo cáo xếp hạng các nước tốt nhất thế giới, Mỹ đứng vào hàng thứ 7, tụt ba bậc so với năm 2016; tiêu chí quyền công dân, điều mà nước Mỹ lấy làm tự hào, đứng thứ 16; chất lượng cuộc sống đứng thứ 18; mức độ thông thoáng về kinh doanh xếp thứ 35; mặc dù thực lực quốc gia (đứng thứ nhất) và sức ảnh hưởng về văn hóa (đứng thứ ba) vẫn tương đối lớn.

Hai là, chế độ chính trị ngày càng bế tắc và nền chính trị cực hóa đã tạo môi trường thể chế cho sự chuyển đổi đương đại về văn hóa chính trị Mỹ. Đồng thời, với sự suy giảm tương đối về địa vị bá quyền của Mỹ, làm cho những nhược điểm về chế độ chính trị của Mỹ đang không ngừng bộc lộ rõ rệt.

Trong thời kỳ đầu lập quốc, chế độ chính trị của nước Mỹ đã kết hợp truyền thống của châu Âu với sự sáng tạo của Mỹ, dẫn dắt sự phát triển của chế độ dân chủ phương Tây. Nhưng trong hơn 200 năm qua, các nhóm quyền lực, nhóm lợi ích ngày càng lớn mạnh, các thể chế chính trị, tổ chức bầu cử ngày càng xơ cứng và trên tổng thể đã dẫn đến sự bế tắc của chế độ chính trị Mỹ và nền chính trị cực hóa. Điều đó trước hết thể hiện ở sự cực hóa chính đảng ở Mỹ sau khi bước vào thế kỷ XXI đã đạt đến đỉnh cao trong lịch sử. Và dẫn đến sự bế tắc rõ rệt của chính sách.

Theo một loạt điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew, từ năm 1994 đến năm 2016, đảng Dân chủ trở thành cánh tả, đảng Cộng hòa trở thành cánh hữu. Năm 2014, có 92% đảng viên Cộng hòa có xu hướng cực đoan, nhưng năm 1994 là 64%. Trong đảng Dân chủ, năm 2014 có 94% số người có xu hướng cực đoan nhưng năm 1994 chỉ có 70%. Do đó, đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa đều coi nhau là địch thủ.

Sự cực hóa về chính trị của nước Mỹ không chỉ thể hiện ở tầng nấc chính trị chính đảng, mà còn lan tỏa ra toàn bộ xã hội. Kết quả điều tra của Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết, từ năm 1994 đến năm 2014, tỷ lệ người Mỹ giữ lập trường chính trị cực đoan đã từ 10% tăng lên đến 21%, phái trung gian giảm, từ 49% năm 1994 xuống 39% năm 2014. Trên thực tế, sự phân bố dân cư theo khu vực địa lý ở Mỹ cũng thể hiện xu thế đối kháng xã hội rõ rệt. Sự di chuyển có mục đích của cử tri trong nước dựa theo thái độ chính trị đã dẫn đến sự cực hóa về thái độ chính trị mang tính khu vực. Trong hàng loạt vấn đề xã hội, văn hóa và chính trị, các khu vực ở miền Nam đối lập sâu sắc với các khu vực Đông Bắc, ven biển miền Tây, khu vực Trung Tây và so với các bang miền núi càng khác nhau nhiều.

Ba là, cơ cấu dân cư ở Mỹ có sự thay đổi và kèm theo đó là sự thay đổi tương ứng về quan niệm chính trị. Điều đó đã thúc đẩy thêm một bước chuyển đổi của văn hóa chính trị.

Theo số liệu của Cục Thống kê Nhân khẩu Mỹ, năm 1960, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ khác biệt rất lớn về người da trắng và người da đen, trong đó người da trắng chiếm 89%, người da đen và các chủng tộc khác chiếm 11%. Nhưng sau khi ban hành đạo luật về người di cư và quốc tịch, rất nhiều người từ châu Á và Mỹ Latinh di cư đến Mỹ, khiến cho cơ cấu nhân khẩu ở Mỹ có sự thay đổi lớn. Kể từ năm 1970, nước Mỹ dần trở thành một xã hội có nhiều chủng tộc. Năm 2000, những người da trắng không phải là Tây Ban Nha (non Hispanic White) chiếm 70% dân số Mỹ, người Mỹ da đen và người Mỹ gốc Tây Ban Nha chiếm 12,6%, người Mỹ gốc châu Á chiếm 4,1%, số lượng thổ dân tăng lên đến 1,2%. Theo đánh giá của Cục Thống kê Nhân khẩu Mỹ, trong 40 năm, sự đa dạng về chủng tộc và số người lai ở Mỹ sẽ tiếp tục tăng. Nước Mỹ đang phát triển theo hướng số người thuộc chủng tộc thiểu số gia tăng. Theo dự tính, đến năm 2050, số người da trắng không phải là người Tây Ban Nha sẽ chiếm 49%, số người gốc Tây Ban Nha sẽ chiếm 30%, số người da đen sẽ chiếm 14%, số người gốc châu Á sẽ chiếm 9%, thổ dân sẽ chiếm 1%, số thổ dân ở Hawai và các đảo ở Thái Bình Dương là 0,4%. Sự thay đổi lớn về cơ cấu nhân khẩu đang làm thay đổi cử tri và các chính đảng ở Mỹ. Ví dụ, đại bộ phận cử tri mới ủng hộ đảng Dân chủ và đó là nguyên nhân quan trọng khiến ông Obama thắng cử hai nhiệm kỳ.

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, sự thay đổi cơ cấu nhân khẩu cũng có ảnh hưởng quan trọng. Số lượng hoặc tỷ lệ cử tri ủng hộ ông Trump tỷ lệ nghịch với trình độ học vấn của họ. 91% số người ủng hộ ông Trump là người da trắng, 58% là nam giới và tương đối nhiều tuổi. Về cơ cấu chủng tộc, những người ủng hộ ông Trump chủ yếu là người Mỹ gốc Đức, gốc Scandinavia, gốc Ireland và gốc Italia.

Ngoài sự thay đổi về cơ cấu chủng tộc, thì cơ cấu tuổi tác, học vấn trong nhân khẩu Mỹ cũng ảnh hưởng quan trọng đến sự chuyển đổi văn hóa chính trị... Ví dụ, năm 2016, thế hệ từ 18-35 tuổi có khoảng 79,8 triệu người, thế hệ từ 52-70 tuổi có khoảng 74,1 triệu người. Đồng thời, do số người di cư đến Mỹ nhiều nên số người thuộc thế hệ 18-35 tuổi sẽ tiếp tục tăng cho đến năm 2036. Do đó, nhân tố cơ bản của đời sống chính trị Mỹ là lối sống của thế hệ trẻ, có sự khác biệt rất lớn so với thế hệ trước.

3. Sự phát triển trong tương lai

Sự chuyển đổi đương đại về văn hóa chính trị Mỹ rất có thể sẽ chuyển biến theo những hướng sau:

Thứ nhất, mặc dù khó có thể khẳng định được những trào lưu tư tưởng chính trị đã có, hoặc sẽ hình thành, sẽ là chủ đạo trong sự chuyển đổi về văn hóa chính trị, nhưng những cuộc cạnh tranh giữa các trào lưu tư tưởng chính trị sẽ ngày càng quyết liệt hơn và kết quả là nền chính trị kinh doanh và chính trị ngụy biện sẽ là chủ đạo trong sự chuyển đổi về văn hóa chính trị của nước Mỹ.

Việc ông Trump thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 và qua thời gian đầu cầm quyền của ông, đã thể hiện một đặc trưng phổ biến trong sinh hoạt chính trị hiện nay, đó là công chúng không tín nhiệm phái xây dựng thể chế gồm các phương tiện thông tin đại chúng, các tổ chức của chính phủ và các tổ chức kinh doanh. Kết quả điều tra dân ý của Viện Gallup cho thấy, mức độ tín nhiệm của công chúng đối với các phương tiện thông tin đại chúng trong một thời gian dài là trên 60% nhưng từ năm 2007 đã tụt xuống dưới 50%. Trong năm bầu cử 2016 đã tụt xuống dưới 40% và trước khi bầu cử là 32%. Nguyên nhân quan trọng của sự sụt giảm này là ông Trump và đảng Cộng hòa có thái độ thù địch mạnh mẽ đối với các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều cần nhận rõ là, với sự phát triển nhanh chóng của phương tiện thông tin xã hội, khiến công chúng ngày càng dễ tin vào những thông tin dễ dàng lấy được và mang tính cá nhân, như mạng Twitter của ông Trump.

Một mặt, sự phát triển của kỹ thuật thông tin đã thúc đẩy việc mô hình hóa những vấn đề kinh tế, xã hội và trên vũ đài chính trị, những biểu hiện trực quan, như là các hoạt động chính trị và ngoại giao đều có thể nhìn thấy qua hình vẽ và đồ thị, thông tin có thể hiển thị nhanh chóng trước mắt con người cùng với sự thay đổi của thời gian và không gian. Do đó, các quan chức và giới tinh hoa chính trị đã nhanh chóng áp dụng sự phát triển này, để có thể dễ dàng thực hiện các mục tiêu chính trị. Những biện pháp kinh doanh chính trị trên cơ sở có thể nhanh chóng kết nối trực tiếp với đại đa số công chúng phổ thông, ngày càng được các nhân vật chính trị ưa chuộng.

Đáng chú ý là, các tinh hoa chính trị của Mỹ thường xuyên nói nhiều hơn làm và hình thành nên một kiểu chính trị kinh doanh. Trong mỗi kỳ bầu cử tổng thống, việc những ứng cử viên thường chỉ trích lẫn nhau hoặc đưa ra những cáo buộc phản diện đã chứng minh đầy đủ cho sự tồn tại nền chính trị kinh doanh trong đời sống chính trị của nước Mỹ.

Mặt khác, sự phát triển của chính trị kinh doanh cũng thúc đẩy sự trỗi dậy của nền chính trị ngụy biện. Trong lúc nền chính trị kinh doanh ngày càng quan trọng hơn, thì bất kỳ chính khách nào coi việc thắng cử là mục tiêu cơ bản đều phải tận dụng tất cả những nhân tố có lợi một cách thực dụng để quảng cáo cho bản thân, dựa vào việc nâng cao sức hấp dẫn của chính trị ngụy biện bằng những thông tin không đúng. Chính trị ngụy biện là một trong những hậu quả của dân chủ hình thức phát triển đến mức rất cao.

Thứ hai, trong bối cảnh trào lưu tư tưởng chính trị ngày càng cực đoan, thể chế chính trị ngày càng suy yếu, hành vi chính trị của người Mỹ cũng sẽ ngày càng cực đoan, những hành vi chính trị phá rào để đối phó với nền chính trị bế tắc sẽ ngày càng nhiều hơn, do đó càng có đặc trưng của chủ nghĩa mạo hiểm.

Sự phát triển của văn hóa chính trị Mỹ theo hướng cực đoan có nghĩa là sự bế tắc về chính trị sẽ xuất hiện nhiều hơn trong đời sống chính trị của người Mỹ.

Điều đó, một mặt là, do ảnh hưởng của công nghệ thông tin và khả năng hiển thị của thông tin, cộng với sự phát triển nhanh chóng của chính trị kinh doanh và chính trị ngụy biện, sự bùng nổ của thông tin sẽ trở thành một vấn đề khó khăn, quan trọng cần phải giải quyết của nền chính trị Mỹ.

Mặt khác, lập trường chính trị cực đoan, chứ không phải là trung dung thường có thể bảo đảm cho những vấn đề mặc định được cử tri và những thính giả khác tiếp nhận, và hậu quả của nó là nền chính trị có chung nhận thức hoặc chính trị thỏa hiệp truyền thống của nước Mỹ sẽ mất đi.

Có học giả Mỹ cho rằng, muốn giải quyết sự bế tắc chính trị, có khả năng sẽ xuất hiện thường xuyên, là tương đối khó khăn. Phương pháp có tính chất tạm thời theo chủ nghĩa thực dụng là "chính trị phá rào". Phương pháp này sở dĩ được hoan nghênh là vì, về căn bản, nó không cần tư duy mang tính tổng thể, đặc biệt là khi kết hợp với sự hạn chế về nhiệm kỳ tổng thống, dùng chính trị phá rào để giải quyết sự bế tắc về chính trị, là một phương pháp hữu hiệu trong thời gian ngắn. Đồng thời, nó cũng nhất trí với sự phát triển theo hướng cực đoan của văn hóa chính trị Mỹ.

Nhưng cần vạch ra rằng, phương pháp này rất mạo hiểm. Nếu việc lựa chọn điểm phá rào không đúng thì không chỉ lãng phí nguồn lực, tinh lực mà còn có thể sản sinh hậu quả tiêu cực nghiêm trọng về đối nội và đối ngoại.

Kết luận

Cho đến cuối thế kỷ XX, sự phát triển của văn hóa chính trị Mỹ đều có lợi cho sự phát triển tuyến tính theo hướng đi lên của nước Mỹ. Sau khi bước vào thế kỷ XXI, nước Mỹ đang đối mặt với sự chuyển biến trái ngược với quỹ đạo phát triển. Do trong một thời kỳ dài phát triển trong thuận lợi, đột nhiên nước Mỹ rơi vào một sự chuyển biến trái ngược, nên rất dễ xuất hiện sự lúng túng và rối loạn. Tình trạng này sẽ ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài đến sự chuyển đổi văn hóa chính trị. Hiện nay, việc cực đoan hóa, đạo đức hóa xuất hiện trong văn hóa chính trị Mỹ là rõ ràng. Hiện tượng Trump, trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016 là sự thể hiện sinh động về khía cạnh đó. Một loạt chính sách gây tranh cãi rộng rãi sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống cũng đã thể hiện ảnh hưởng có thật của sự chuyển đổi đương đại về văn hóa chính trị Mỹ.

Về ảnh hưởng của chiến lược ngoại giao, vấn đề căn bản trong sự chuyển đổi đương đại về văn hóa chính trị Mỹ là trong bối cảnh tình thế phát triển của nước Mỹ hoàn toàn khác với hơn 200 năm qua, nước Mỹ còn có thể kiên trì khái niệm nước Mỹ là ngoại lệ hay nước Mỹ sẽ trở thành một quốc gia bình thường? Một mặt, môi trường vật chất khách quan của văn hóa chính trị và xu thế phát triển tương lai của nó chứng tỏ, nước Mỹ đang càng ngày không phải là ngoại lệ. Mặt khác sự lý giải của Mỹ về tình thế khách quan này chứa đầy những nhân tố không xác định và đều gây ra ảnh hưởng to lớn đối với công việc nội chính và ngoại giao của Mỹ.

Nguyễn Cảnh Chắt lược thuật

Tạp chí Châu Mỹ Ngày nay

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511666

Hôm nay

2329

Hôm qua

2336

Tuần này

22040

Tháng này

218539

Tháng qua

121356

Tất cả

114511666