Ngoài các thày trong trường học, tôi đặc biệt nhớ ơn các thày đã dạy thêm tôi ngoài trường.
Ngoài các thày trong trường học, tôi đặc biệt nhớ ơn các thày đã dạy thêm tôi ngoài trường.
- Đầu tiên là thày Nghiêm Toản (sau này là giáo sư Văn khoa, Đại học Sài Gòn). Khoảng năm 1943, máy bay Mỹ ném bom các căn cứ của Nhật, tôi phải theo gia đình đi tản cư về làng Mọc Hạ Đình (chỉ cách nhà tôi 4-5 km nhưng bấy giờ thấy là xa lắm, yên chí máy bay Mỹ không ném bom tới rồi). Ông trưởng thôn xếp tôi vào ở nhà một người dân có nhà rộng rãi sạch sẽ và ít người. Nhà 3 gian 2 chái; gian và chái bên phải giáo sư Nghiêm Toản đã tản cư về ở từ trước rồi. Nên nhớ lúc đó, cứ dạy trung học là người ta đã gọi là giáo sư rồi, vì dịch từ tiếng Pháp professeur, chẳng cần ai phong. Gian bên trái được phân cho gia đình tôi (chỉ có 2 mẹ con, vì bố tôi phải làm việc không đi tản cư được). Thày Nghiêm Toản lúc đó có một cậu con trai tên là Nghiêm Bằng, trạc tuổi tôi, cùng học một lớp ở chỗ tản cư với tôi. Vì vậy cứ tối đến là thày lại dạy kèm cho cậu con trai học bài trong ngày. Thấy thế mẹ tôi xin thày cho tôi ngồi nhờ nghe học lỏm. Nhưng thày vui vẻ nhận lời chỉ bảo tận tình như dạy con mình vậy. Nghiêm Bằng tính hiếu động, thích nghịch ngợm vui chơi hơn thích học, nên hay bị thày quật (quật bằng roi thật, quắn đít). Còn tôi thì hiền lành nhút nhát lại thích học nên dần dần được thày mến. Thấy tôi hay hỏi nghĩa các từ hán-việt, thày có vẻ khoái, hình như thày cũng đang say cái chuyện này. Thày hỏi tôi đã học chữ Hán chưa. Tôi bảo tôi chỉ biết "hẩu cố cố, hẩu tày tày" thôi. Thày trố mắt ngạc nhiên, tôi bèn viết ra giấy mấy chữ Nho mà tôi đã học 好哥哥,好弟弟。Thày cười phá lên rồi như chơt nhớ ra: "Mày học tiếng Quảng ở đâu thế?". Từ đó, thày đặc biết chăm chú dạy tôi về từ Hán-Việt, thày còn bắt tôi học thêm cuốn "Hán văn giáo khoa thư" của cụ Lê Thước nữa. Nhờ đó mà mãi sau này cái vốn hán việt và cái thú tìm hiểu chữ nghĩa của tôi được nuôi dưỡng. Sau ngày thống nhất 30-4, tôi vào Sài Gòn, đến thăm thày, thày hỏi: "Công việc của mày trong này là làm cái gì?" Tôi thưa: "Con đang tổng kết công việc của Summer Institute of Linguistics của Mỹ đã làm ở đây ạ." Thày thở dài: "Thảo nào. Chúng mày dám cả đội đá vá trời." Mấy năm sau thày qua đời, nhưng lúc ấy tôi ở Hà Nội mà thời ấy đi lại đâu có dễ nên không vào đưa tang thày được.
- Vụ bom Mỹ ném vào Nhật tạm yên, tôi được trở về Hà Nội. Lúc đó nhiều trí thức Hà Nội, nếu không theo cách mạng hoặc hoạt động chính trị thì cũng đi tìm một lối thoát tinh thần nào đó. Bố tôi mê theo đạo Phật theo kiểu trí thức đi tìm triết lý sống. Ông tham gia các khóa nghiên cứu về Duy thức luận (còn gọi là Duy thức tông). Ở đó ông kết thân với ông Lê Khả Kế, kỹ sư canh nông (sau này có làm việc ở Viện ngôn ngữ học). Bố tôi hơn ông Kế 19 tuổi, nhưng kết bạn như anh em, ông Kế hơn tôi có 12 tuổi nhưng bố mẹ tôi bắt tôi phải gọi bằng bác và nhận làm con nuôi. Khi gia đình còn ở trong quê, ông Kế đi làm về đều về nhà tôi ăn cơm, như trong gia đình vậy, cho đến khi bác gái ở quê ra mới thôi. Thời đó, tôi đang học lớp Nhất (năm cuối của tiểu học 6 năm), bác Kế bắt tôi một tuần 3 buổi phải đến nhà bác để học thêm về hóa học và vật lý năm thứ nhất trung học, nói là để chuẩn bị sẵn khi lên trung học khỏi bỡ ngỡ. Nhờ đó kiến thức của tôi về lý hóa đã được bác vỡ lòng cho từ sớm, nhưng điều đặc biệt đáng quý là cái vốn tiếng Pháp nghe nói của tôi được tăng lên rõ rệt, vì sách giáo khoa toàn bằng tiếng Pháp và bác cũng giảng toàn bằng tiếng Pháp.
- Người thày thứ ba mà tôi được học nhiều nhất là ông Bùi Huy Đáp. Lúc tôi tốt nghiệp Trường trung học canh nông Thanh Hóa, ông tuyển ngay tôi làm thư ký riêng (lúc đó gọi là bí thư); lúc đó chức bí thư của giám đốc oai lắm, chánh văn phòng cũng nể. Mà tôi cũng không hiểu vì sao một anh con trai Hà Nội đương nhiên học nông nghiệp thì dốt rồi, tốt nghiệp xếp thứ 13 trên 26, mà ông lại chọn. Và tôi làm công việc này liên tục 8 năm. Công việc của tôi là nhận công văn, lưu giữ sổ sách cho ông (lúc đó là Phó tổng giám đốc Nha Nông chính thuộc Bộ Canh nông), ngồi viết công văn, giấy tờ, kể cả các bài báo và sách nữa. Ông ngồi hoặc nằm, đọc cho tôi viết. Công việc của tôi là viết rồi soạn sửa lại văn bản, xong đưa đánh máy. Ông giao khoán toàn bộ cho tôi sau khi ông chỉ cần nằm đọc. Tôi học được cách làm việc này của ông là vừa tư duy sao cho gọn gàng để phát ra thành lời là gần được như văn bản viết. Nhờ vậy mà cho đến nay, phần lớn công việc viết lách của tôi là đọc vào máy ghi âm rồi nhờ một cháu đánh máy lại, đỡ phải cọc cạch gõ hoặc viết. Nhưng điều tôi học được nhiều nhất ở ông là qua các chuyến đi công tác. Mỗi năm một lần, tôi theo ông đi kiểm tra các đơn vị dọc theo tuyến đường từ Việt Bắc về Khu 4. Năm đầu, đường đi còn vất vả, chúng tôi đi bộ, mỗi ngày được khoáng 25km, mãi mấy năm sau mới có xe đạp. Chính trong những lúc như thế này, buồn tình không biết làm gì, ông truyền đạt cho tôi đủ mọi loại tri thức. Ông xuất thân là học sinh nghèo nông thôn, nhờ trí thông minh học lên đến kỹ sư nông nghiệp (thời Tây bằng đó là to lắm, khác hẳn bằng tương đương thời nay). Ông thông minh cho nên tri thức của ông cực kỳ phong phú. Trong khi đang học kỹ sư, ông đã đi dạy môn giảng văn cho trường trung học nữ Đồng Khánh (nay là Trường Trưng Vương Hà Nội vừa kỷ niệm 100 năm). Vậy là trên đường đi, ông giảng cho tôi rất nhiều về văn học Việt Nam với một sự say sưa rất hấp dẫn. Chán văn học rồi, ông quay sang giảng về hóa, lý, sinh, nông nghiệp, nhưng lúc này thì giảng bằng tiếng Pháp vì chưa đủ thuật ngữ các ngành này. Lúc vừa về Hà Nội giải phóng 1954, ông được Nhà xuất bản Bắc Kinh đề nghị in cuốn "Về chủ nghĩa Đác-uyn" của ông, thế là nhờ đó tôi lại được dịp cặm cụi dịch cả một cuốn sách sang tiếng Trung để gửi đi in ở Trung Quốc. Trên cả những tri thức này là những bài học về sự khôn ngoan. Trước khi đến kiểm tra một cơ sở, ông thường đặt câu hỏi cho tôi là sẽ kiểm tra những mục gì, đặt câu hỏi thế nào và dự đoán cơ sở họ sẽ trả lời những gì. Về mục này, tôi luôn bị ông phê: dốt, ngốc, dại, vv... Và sau khi hoàn thành công việc, xem cách ông giải quyết thì tôi học được những chỗ dốt, ngốc, dại ấy thật.
Cả ba thày nay đã là người thiên cổ. Nhưng công lao và ấn tượng của các thày còn được lưu giữ mãi trong lòng đứa học trò bé nhỏ này.
2140
2367
21063
213401
121009
114515462