Khách mời văn hóa

Đoàn Tử Huyến: Tôi không chọn thứ nào người ta cho cả, ít nhiều có gì tôi cũng tự mình làm ra

Tôi không phải "Thấy sang bắt quàng làm họ", nhưng mà hình như ông là người Đức Thọ quê tôi?
Chào. Hình như anh định bắt tôi xưng danh như trong tuồng phải không, kiểu "như ta đây..." ấy?

Đúng tôi quê Đức Thọ, sinh ra ở Đức Hòa, bên dòng Ngàn Sâu, sau bố mẹ chuyển lên Đức Lạc, gần chùa Am, dưới chân dãy Trà Sơn. Tôi vẫn nhớ, vẫn thích những cái địa danh xưa của miền quê: La Sơn, Phụng Công, Trại Trúc... nghe cổ kính, thơ mộng... chứ sau này những xóm Mới, đội Một, Chiến Thắng gì đấy, không nhớ được! Còn "sang", anh nói oan cho tôi đấy! Tôi là người bình thường anh thấy đó, không chức không tước, không gang không thép (miệng kẻ sang phải có gang có thép mà!); tôi chỉ là kẻ làm việc và rong chơi giữa đời thôi, đâu có sang gì. Người ta còn bảo tôi cà khổ, già hom nữa. Còn tôi tự vịnh mình "Tóc trắng mày xanh đủng đỉnh già"...

Xa quê đã 40 năm mà tôi vẫn thấy ông còn Nghệ lắm. Mà không, Đức Thọ lắm. Tôi còn nhớ thầy tôi - Giáo sư Trần Quốc Vượng, hồi còn sống, có nói rằng người Nghệ khắc khổ kiệm cần nhưng lại có người Đức Thọ rất hào hoa, phong nhã. Không biết nếu vận vào ông và mấy người bạn đồng hương của ông (và của tôi) thì lời thầy tôi có đúng không? Ông ra đi đã nhiều, sách vở Đông - Tây cũng lắm may ra ông có thể giải được ý này của Giáo sư.
Ông Vượng đã nói chắc là đúng, còn giải được ý ấy thì cũng phải để... ông Trần Quốc Vượng trở lên! Ông ấy là sử, là địa văn hóa mà! Còn tôi chỉ biết nhận xét đôi điều thôi. Quả con người xứ Nghệ khắc khổ kiệm cần, vì trời đất ở đó bắt vậy, cái nghèo, cái khó bắt vậy. Hoàn cảnh tạo nên tính cách. Kiệm cần là đức tính tốt. Nhưng thái quá thì kiệm cần trở thành keo kiệt, thậm chí là keo bẩn... Tôi tự hào quê Nghệ có con cá gỗ, hiểu nó không phải là keo xỉn như nhiều người thường diễu, mà là tiết kiệm, thậm chí là ung dung tự tại kiểu dân gian. Và hào hoa phong nhã không phải đối cực với kiệm cần, mà nhiều khi là một, là điều kiện của nhau. Dân xứ Nghệ (với tôi xứ Nghệ, Nghệ An và Hà Tĩnh, là một thể đặc sắc văn hóa, và lịch sử, không thể chia phân) ở đâu cũng có người vừa kiệm cần vừa hào hoa chứ nào chỉ riêng Đức Thọ. Thật ra Đức Thọ cũng được ưu ái nhiều, phong cảnh tự nhiên kì thú, vị thế địa văn hóa thuận lợi. Từ xưa đã có câu ca:
Ai về Đức Thọ thì về
Nước trong gạo trắng nhiều bề thong dong.
Có lẽ vì "nhiều bề thong dong" mà Đức Thọ là đất quê của văn nhân, trí thức, tỉ lệ nhà văn gốc Đức Thọ thuộc loại cao nhất nước. Chắc giáo sư Trần Quốc Vượng nói hào hoa phong nhã là thế và như vậy tôi cũng may mắn chút xíu dự phần vì ít nhiều có gắn bó với văn chương sách vở. Còn anh bảo tôi hơn 30 năm xa quê mà vẫn còn Nghệ lắm chắc là anh thấy cái chất đồ (đồ gàn!) vẫn còn đậm đặc ở tôi giữa cái xứ kinh kì thanh lịch phồn hoa này? Biết sao, cha mẹ, quê hương đã sinh mình ra thế là quý lắm, không bỏ được.
Tôi được biết là ông đã gắn bó với nghề làm sách, làm báo đã hơn 20 năm. Căn cớ hay duyên cớ chi đã ghép đời ông với sách báo?
Là đồ gàn xứ Nghệ thì phải có sách rồi, xưa đã thế mà nay hình như càng thế - giữa cái thời thương mại, công nghệ thì có gàn mới ôm lấy sách như tôi. Đấy là nói gàn vậy thôi. Tôi nay làm sách vì yêu thích sách, thích từ thuở nhỏ khi còn đi học trường quê, gia đình tôi cũng có truyền thống học hành sách vở - cố nội tôi cụ Đoàn Tử Quang thiếu mười tám năm đầy trăm tuổi còn nghe lời mẹ đi thi, bố tôi là giáo viên giỏi của tỉnh. Tôi được đào tạo ngành ngữ văn tại Liên Xô, về nước dạy văn học Nga - Xô Viết ở Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Nghề sư phạm tôi không giỏi, người ta định bắt tôi làm quản lí. Có lẽ do dòng máu, tính cách thế nào đó mà tôi cảm thấy sợ làm việc với con người, với những mối quan hệ nhiều khi bất thường, những trách nhiệm lắm lúc bất nhẫn, và tôi nghĩ: thà mình đối mặt với sách vở còn hơn! Mình có cáu, mắng mỏ, chửi rủa đi nữa thì trang giấy nó không cãi, cứ lặng thinh; còn mắng người thì người mắng lại, có khi còn đánh cho... (bây giờ tôi biết như thế là nông cạn. Lếu láo với sách, với chữ nghĩa có khi ôm nhục nhiều đời!). Thế là tôi xin chuyển sang Nhà xuất bản Lao động làm biên tập văn học, dịch sách. Rồi cộng thêm nhu cầu mưu sinh, tôi dần dà học được nghề làm sách, bây giờ tôi coi nó như một phương tiện, một cuộc chơi, một đóng góp vào đời sống văn hóa nước nhà.
Vậy thì nói một cách nghiêm túc, quan niệm của ông về nghề làm sách như thế nào?
Làm sách tức là hoạt động xuất bản, nói một cách nôm na. Sách, chữ viết là những phát minh vĩ đại của nhân loại, là vốn quý không gì sánh nổi. Là thầy, là bạn, gần gũi và thiêng liêng của mỗi người. Xuất bản là một nghề đáng trọng. Nó lại là một nghề "đặc thù", sản phẩm của nó vừa là vật chất, vừa là tinh thần. Nó có quy mô và ảnh hưởng rộng lớn. Nó vừa là văn hóa, nghệ thuật, vừa là công nghệ, kinh doanh. Nhưng đó là nói về lý thuyết, còn trong thực tế, cụ thể là thực tế nước ta do những điều kiện xã hội cũng như quan điểm quản lí nhất thời thì công việc xuất bản còn rối rắm lắm. Sách hay chưa nhiều, nhiều sách dở, có cả sách xấu nữa. Trách nhiệm, trật tự, giá cả cứ tùm lum, rồi chụp giật, ăn cắp, giả trá, lừa lọc. Những người làm sách lương thiện chúng tôi (tôi gắng buộc mình là một người như thế) cố gắng trong khả năng và điều kiện của mình mang lại cho người đọc một số cuốn sách hay, sách tốt, gieo mầm cho những gì cần thiết ngày mai sẽ mọc lên...
Vậy theo ông thế nào là sách hay và thế nào là sách tốt? Có sách hay mà không tốt và sách tốt mà không hay không?
Sách hay phải là sách tốt, có tốt mới hay, có hay mới tốt. Đó là những cuốn sách cần thiết cho cuộc sống của con người. Cho sự phát triển trí tuệ. Cho sự thanh lọc đạo đức. Cho cả niềm vui, giải trí hợp lí, lành mạnh nữa. Như vậy khái niệm sách tốt rộng lắm, mỗi đối tượng người đọc có một loại sách tốt khác nhau chứ không nhất thiết sách nào cũng hay cũng cần cho tất cả mọi người. Riêng cá nhân tôi và Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây chúng tôi tự xác định cho mình định hướng ưu tiên tổ chức những công trình, tác phẩm có giá trị về văn hóa, học thuật - tức là sách cần cho tri thức.
Theo ông thì cần làm gì, làm như thế nào để có sách hay sách tốt?
Anh hỏi cả xã hội hay là riêng tôi? Đối với xã hội, cần có một cơ chế hợp lí, tiến bộ, khuyến khích tiềm lực và trách nhiệm người làm sách, chọn lọc, thưởng phạt công minh; còn với từng cá nhân, trong điều kiện như vừa nói, chỉ cần tay nghề, trình độ, trách nhiệm (cái tâm) là đủ làm được sách tốt rồi.
Tôi cho rằng còn có loại sách sang trọng. Tôi biết là ông cũng có phân loại như vậy. Vậy theo ông thế nào là sách sang trọng?
Đấy chỉ là một cách nói. Hiểu theo nghĩa thông thường đó là sách hay, tốt, đẹp. Nhưng với tôi, sách sang trọng có được khi người làm sách bỏ cả tâm hồn mình vào cuốn sách, là cuộc chơi danh giá của người làm sách.
Tôi biết là ông trọng sách, ông yêu sách, chăm chút cho sách. Không biết sách có làm đẹp cho ông, có làm cho ông hào hoa, phong nhã hơn? Hay là phong trần không?
Sách làm đẹp cho bất cứ ai biết yêu nó. Trước hết là vẻ đẹp tinh thần. Nếu không vì sách, mê sách (tất nhiên là vì những gì có trong sách chứ không phải vỏ sách) thì chắc tôi ở lại làng làm anh thợ cày mù chữ để như "anh dân quê sung sướng, ngả mình trên cỏ ngủ ngon lành", chứ tha hương làm gì cho mỏi! Mà anh hay dùng chữ "hào hoa phong nhã", rồi lại "phong trần" thế? Thời nay cái đó cũ rồi. Tôi chỉ còn lại chữ gàn thôi, gàn bát sách. Sách càng làm tôi gàn thêm đấy!
Ông và dịch giả Thúy Toàn đã chủ trương thành lập Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây xuất phát từ ý tưởng và mục đích nào?
Ban đầu ý tưởng lập Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây là của Giáo sư Phạm Đức Dương (cũng người Đức Thọ đấy, Giáo sư giờ là Chủ tịch danh dự của Trung tâm chúng tôi). Bia nhậu với nhau, ông nói ra chuyện đó và tôi hưởng ứng liền. Chúng tôi mời ông Thúy Toàn và chị Hoàng Thị Vinh cùng một số văn nghệ sĩ khác tham gia, chạy thủ tục thành lập, để tạo một "sân chơi văn hóa": "giao lưu và tích hợp văn hóa Đông Tây" - như ghi trong Điều lệ của Trung tâm. Là một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi muốn tập hợp những lực lượng mà nhà nước thôi hoặc chưa hoặc không sử dụng hết (cán bộ đã về hưu, những người chưa có việc làm, hoặc làm nhà nước nhưng vẫn dư thừa sức lực, thời gian, ý tưởng). Mục đích chúng tôi là giới thiệu, truyền bá văn hóa Đông-Tây: của Việt Nam ra nước ngoài và của thế giới vào Việt Nam, trên cơ sở tự thu tự chi, cùng với nhà nước làm văn hóa nhưng không ăn lương nhà nước! Và ai vui, tâm huyết thì làm, ai không thì... biết vậy!
Ngoài hoạt động dịch thuật, xuất bản, Trung tâm còn chú trọng các hoạt động gì?
Nói chung, những gì dính dáng đến truyền bá văn hóa chúng tôi đều có thể làm: các hoạt động giao lưu, kỉ niệm, hội thảo, đào tạo, du học, tư vấn khoa học... Cho đến nay quan trọng và đáng kể nhất vẫn là tổ chức xuất bản sách. Về số lượng cũng đã lên đến nửa ngàn cuốn rồi.
Tôi được biết ông khá quan tâm đến sách về xứ Nghệ và sách của người xứ Nghệ. Ông Nguyễn Văn Hiền, nguyên giám đốc NXB Nghệ Tĩnh / Nghệ An tỏ ra cảm phục ông về công việc này. Ông có ý định tiếp tục dành sự quan tâm về vấn đề này? Và đã có lúc nào ông chán nản về việc phối hợp, liên kết với các đồng nghiệp ở quê?
Quan tâm thì có, vì xứ Nghệ là quê mà, cái xứ Nghệ có một kho tàng văn hóa, cả dân gian lẫn bác học, vô cùng phong phú cần phải được khai thác. Nhưng lực còn bất tòng tâm. Muốn mà chưa được. Vì chủ quan mình cũng có, vì hoàn cảnh chung cũng có, và cũng có cả từ phía các đồng nghiệp ở quê nữa, nói cho sòng phẳng. Tôi vẫn muốn được làm và làm được một cái gì đấy chững chạc và hữu ích cho xứ Nghệ mình. Giá như có điều kiện, được hợp tác với ai đấy mở một Trung tâm hoặc một chi nhánh của Trung tâm chúng tôi ở trong đó thì tuyệt vời.
Trong làm việc ông ghét nhất điều gì? Những hạng người nào?
Giả dối. Ẩu tả.
Biết là khó nhưng cứ hỏi ông để khỏi áy náy. Ông tự thấy trong mình cái chất, cái tư duy của một dịch giả, một nhà văn nhiều hơn hay là tư duy khoa học của một nhà làm sách nhiều hơn? Đó là chưa nói đến tư duy của một doanh nhân?
Tôi thì lại áy náy vì không trả lời anh rành rẽ được. Tôi tự thấy mình chỉ ở cái tầm chưa có được cái chất, cái tư duy gì nổi trội cả. Thuở đi học tôi chỉ hơi kha khá cả toán lẫn văn, nhưng vẫn thích toán với phép logic của nó hơn. Tôi nghĩ mình có làm được cái gì thì là do thích, thích một cách nhất quán, thích như một cuộc chơi, rồi kiên trì, vô tư mà làm, mà đi... Tôi không phải doanh nhân, không ưa, không biết làm quản lí, nhưng việc phải làm thì làm... cho vui...
Ông có hay về quê? Về quê bây giờ ông thích ăn món gì nhất?
Ít thôi. Hến. Rau ghém.
Để khỏi phiền ông nhiều, tôi xin hỏi ông thêm một câu cuối rằng nếu người ta cho ông 1 trong 3 thứ sau thì ông sẽ chọn thứ nào: Một nhà xuất bản, một cô gái trẻ đẹp như tiên (mà tốt bụng), và một gia tài lớn để ông ăn chơi suốt đời (nhưng không được dính dáng đến sách)?
Anh cho tôi một cái bẫy rồi. Dù trả lời thế nào cũng là dại. Vì đây là tư duy cổ tích, người lớn mà cổ tích thì dại lắm. Nói nghiêm túc thì tôi không chọn thứ nào người ta cho cả, ít nhiều có gì tôi cũng tự mình làm ra. Còn chuyện cho vui thì tôi sẽ làm phép loại trừ với anh. Trước hết là loại trừ "gia tài lớn". Không gì chán bằng cứ ăn chơi suốt đời, nhất là không có sách. Một cô gái (sao không là nhiều?) trẻ đẹp như tiên mà lại "tốt bụng" thì... ngấy lắm. Tốt nhất là để cô ta tự do cho mọi người tranh nhau (tán tỉnh chẳng hạn), chứ đưa về ôm làm của riêng có thú vị gì? Còn lại Nhà Xuất Bản là hiện thực nhất. Một nhà xuất bản đàng hoàng, đúng nghĩa, ăn nên làm ra, thì... sẽ có tất cả những gì tôi muốn!
 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511033

Hôm nay

232

Hôm qua

2359

Tuần này

21407

Tháng này

217906

Tháng qua

121356

Tất cả

114511033