Diễn đàn

Hội thảo khoa học: Đừng tổ chức một cách hình thức!

      Mỗi năm, không tính trên phạm vi cả nước, riêng từng địa phương như Nghệ An thôi cũng có rất nhiều Hội thảo, tọa đàm khoa học với quy mô, cấp độ khác nhau được tổ chức. Nào là hội thảo khoa học của từng trường, từng ngành, phối hợp liên ngành đến các hội thảo cấp tỉnh, quốc gia, quốc tế… Về mặt tích cực, đó có thể là dấu hiệu đáng mừng, mở ra hy vọng về sự phát triển của các địa phương nói riêng, cả nước nói chung.  Tuy nhiên, sau khi tham dự phần lớn các sự kiện này, hẳn sẽ không ít người có chung một câu hỏi rằng: Rút cục, chúng ta tổ chức để làm gì?

 

      Câu hỏi ấy tưởng như thừa thãi nhưng thực sự đang là nỗi băn khoăn của những người nghiên cứu tâm huyết khi tham dự. Theo dõi các hội thảo diễn ra trên địa bàn tỉnh Nghệ An mấy năm trở lại đây có thể nhận thấy dù số lượng khá nhiều nhưng chất lượng thì còn hạn chế. Kể cả những hội thảo lớn, tổ chức quy mô, có sự phối hợp với các đơn vị trung ương, các viện nghiên cứu thì chất lượng cũng không khác là bao. Hầu hết các hội thảo, tọa đàm khoa học diễn ra một cách hình thức. Mặc dù những sự kiện này được chuẩn bị trong thời gian dài, địa điểm tổ chức hoành tráng, khách mời đông, kinh phí không nhỏ nhưng giá trị học thuật và thực tiễn thì còn là một dấu hỏi lớn. Nói về vấn đề này, anh Nguyễn Trần Trung - Trung tâm Giống cây trồng, Sở Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, thành viên của Đội Trí thức trẻ tình nguyện chuyển giao khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp tỉnh Nghệ An, cho hay: “Đối với các hội thảo của ngành nông nghiệp, tôi thấy, xét góc độ nào đó, phần lớn đã truyền tải được nội dung cần thiết, nhất là những tiến bộ về giống, các biện pháp kỹ thuật nhằm tăng năng suất.  Tuy nhiên, vẫn còn đó một số bất cập khiến hiệu quả hội thảo chưa cao như: Thành phần tham gia chưa hợp lý (nhiều hội thảo khách mời chủ yếu là lãnh đạo từ các xã, huyện); một số cuộc hội thảo còn làm sơ sài. Đặc biệt, dù có một số hội thảo thành công nhưng tôi thấy tựu trung lại vẫn nói nhiều chứ chưa áp dụng được nhiều vào thực tế”. Ở những ngành, lĩnh vực khác, tình trạng cũng tương tự và thậm chí còn kém hiệu quả hơn.

      Chưa nói đến hiện tượng như người ta vẫn đồn đoán rằng các hội thảo, tọa đàm chủ yếu là nơi giải ngân cho các đơn vị, chúng ta hãy thử lý giải vài nguyên nhân khác dẫn đến chất lượng hội thảo chưa đảm bảo. Trước hết, vấn đề ở việc lựa chọn chủ đề hội thảo của ban tổ chức. Muốn có một hội thảo chất lượng thì phải lựa chọn được vấn đề hay, thiết thực, giá trị. Trong khi đó, các hội thảo hiện nay chủ yếu là những nội dung “vô thưởng vô phạt”, ít có tính khoa học, không mang lại giá trị nhiều về mặt lý luận hay thực tiễn. Chính vì chủ đề không đắt giá nên chúng ta khó mời được các nhà nghiên cứu uy tín tham gia; khó có được những bài tham luận, những ý kiến phát biểu chất lượng, mang tính phát hiện và có giá trị; Một số bài tham luận tại hội thảo chủ yếu sa vào kể lể thành tích của đơn vị mình.

      Thứ hai đó là thành phần tham dự. Đây là yếu tố quan trọng không kém quyết định đến chất lượng buổi hội thảo. Đối với người tham gia viết, trình bày tham luận, nên mời những chuyên gia, nhà nghiên cứu, các cán bộ chuyên ngành với kiến thức chuyên môn vững, chuyên sâu. Đối với người dự, lắng nghe, không nên mời theo hình thức cho đủ thành phần, hay để lấp chỗ trống mà phải là những đối tượng thực sự quan tâm đến chủ đề, những người công tác trong lĩnh vực mà chủ đề thảo luận. Chỉ khi họ quan tâm và có kiến thức về những nội dung đề cập thì họ mới tập trung theo dõi và có những thắc mắc, phản biện. Trong khi đó, thực tế hiện nay đang cho thấy, chúng ta chưa quan tâm đúng mức đối với vấn đề này dẫn đến thành phần đại biểu được mời dự hay viết tham luận ở các cuộc hội thảo còn bất cập. Số lượng nhà khoa học uy tín còn hạn chế, thậm chí có hội thảo, tọa đàm khoa học gần như vắng bóng nhà nghiên cứu. Một số hội thảo mời các học giả từ trung ương, các Viện nghiên cứu chủ trì song cuối cùng không mang lại giá trị nhiều bởi có thể họ có uy tín khoa học, phát biểu hay song lại chẳng mấy ăn nhập với thực tiễn tình hình địa phương. Nhà giáo Phạm Huy Đức - nguyên Chánh Văn phòng Sở GD-ĐT Nghệ An chia sẻ rằng, tại một hội thảo bàn về giải pháp của giáo dục phổ thông Nghệ An cho giai đoạn tới (có các chuyên gia giáo dục từ trung ương tham gia), nhưng một số tham luận không hề có lấy một từ Nghệ An nào trong văn bản. Nói một cách khác, những tham luận này không phải đọc ở Nghệ An mà mang đọc ở Hà Giang, Hà Nội, Đà Nẵng, Cà Mau… đều được. Thực trạng “sính ngoại” cũng được xem là một căn bệnh nan giải hiện nay khi mà các tỉnh đặt niềm tin quá lớn vào một số viện, đơn vị tại Hà Nội để rồi thuê tổ chức hội thảo, thuê viết đề án, kịch bản,… Cuối cùng, dù bỏ ra rất nhiều chi phí nhưng giá trị mang lại không cao bởi những gì họ viết, nói mang tính chung chung, không nắm bắt sát tình hình địa phương, khó có tính ứng dụng thực tiễn. Trong khi đó những người nghiên cứu tâm huyết trên địa bàn gần như đứng ngoài cuộc.

      Thứ ba là cách thức tổ chức chưa hợp lý. Chương trình hội thảo thường diễn ra một buổi. Trong khi đó, thời lượng cho đón tiếp đại biểu, văn nghệ chào mừng, phát biểu khai mạc, đề dẫn đã chiếm gần nửa. Thời gian còn lại được dành cho một số cá nhân trình bày tham luận mà nói đúng hơn là đọc các bài đã chuẩn bị sẵn. Với thời lượng đó, chúng ta không bao giờ bàn thấu đáo được một vấn đề dù nhỏ chứ chưa nói đến những chủ đề lớn. Dù được gọi là hội thảo, là tọa đàm nhưng chương trình thường diễn ra theo một chiều, không có thảo luận, trao đổi, tranh biện giữa các đại biểu tham dự. Cuối cùng, hội thảo chủ yếu trở thành nơi gặp gỡ nhau, hỏi thăm nhau; nghe đôi lời phát biểu và chào ra về. Chưa kể một số hội thảo còn là cơ hội để người ta đi thăm thú, du lịch. Không có vấn đề nào được giải quyết trong và sau đó.

      Vậy, làm sao để có những hội thảo khoa học chất lượng, hiệu quả? Câu trả lời đơn giản là trước mắt chúng ta khắc phục ba vấn đề tồn tại được chỉ ra ở trên. Nói về vấn đề này, anh Hồ Mạnh Hà, Sở Văn hóa & Thể thao Nghệ An, một người từng tham gia các hội thảo khoa học với nhiều tư cách khác nhau, cũng cho rằng: “Để tổ chức hội thảo khoa học tốt, cần đảm bảo được: Thứ nhất, chủ đề hội thảo phải có tính thời sự, tính khoa học cao. Thứ hai, phải đặt mục tiêu hội thảo rõ ràng để có phương án tổ chức phù hợp; Thứ 3, phải chọn mời người viết tham luận phù hợp, đảm bảo chất lượng; Thứ tư, tổ chức với thời lượng phù hợp và đảm bảo được sự trao đổi, phản biện”.

      Hội thảo, tọa đàm khoa học phải là nơi để trao đổi, tranh luận về một vấn đề được quan tâm hay một chủ đề chưa rõ ràng, đang gây tranh cãi để từ đó đưa ra những kết luận, những phát hiện mới, có giá trị về mặt học thuật cũng như thực tiễn. Muốn tổ chức một hội thảo khoa học chất lượng thì trước hết người tổ chức phải thực sự hướng đến, thực sự mong muốn điều đó. Nói cách khác, mục đích tổ chức hội thảo phải trong sáng, nghiêm túc, thực sự vì lợi ích chung. Một vài ý kiến nhỏ mạo muội xin nêu ra những mong các đơn vị tổ chức nhìn nhận lại, điều chỉnh những gì chưa phù hợp để thời gian tới sẽ có những hội thảo khoa học chất lượng hơn, có giá trị hơn.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512210

Hôm nay

2147

Hôm qua

2389

Tuần này

2147

Tháng này

219083

Tháng qua

121356

Tất cả

114512210