Diễn đàn

Chiến tranh Trung - Việt 1979: Cần tách bạch giữa viết sử - dạy sử và công tác tuyên truyền

      Ngày 13/02/2019, trên báo Vietnamnet đăng ý kiến của GS Sử học Phạm Hồng Tung về việc dạy sử đối với cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979. Ông hiện đang giảng dạy tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội), và là Chủ biên chương trình Lịch sử trong chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.  Trong đó đáng chú ý GS Tung có đề xuất việc hòa giải thống nhất trong dạy lịch sử giữa 2 nước Việt - Trung nói chung và về cuộc chiến biên giới năm 1979 nói riêng. Ý kiến này đã gây ra nhiều tranh cãi trái chiều trong dư luận. Bởi nói đến lịch sử cần tuân thủ các nguyên tắc:

      Thứ nhất, lịch sử là gương soi quá khứ, chứ không phải tuyên truyền 

      Trước tiên, cần nhận thức cho đúng đắn một điều bản chất đầu tiên về lĩnh vực khoa học lịch sử rằng, lịch sử là bài học trong quá khứ, được rút ra để phục vụ đường lối ứng xử trong tương lai. Cho nên, luôn luôn phải có một nguyên tắc bất di bất dịch về việc ghi chép, dạy sử là: phải phản ánh khách quan, chính xác những gì đã xảy ra, giống như đem một cái gương soi vào quá khứ vậy. Có như vậy thì các thế hệ về sau mới rút ra được bài học chính xác về lịch sử, để có phương hướng ứng xử đúng đắn trong tương lai. Đó là yêu cầu cơ bản nhất đặt ra đối với ngành khoa học lịch sử. Điều này là khác với lĩnh vực tuyên truyền, vốn thể hiện đường lối chính trị hiện hành, thì có thể thay đổi theo từng thời kỳ.

      Thứ hai, không chính trị hóa viết - dạy lịch sử 

      Như vậy, do cần phải rút ra bài học chính xác về lịch sử, cho nên, dẫn đến hệ quả tất yếu là không thể chính trị hóa lĩnh vực lịch sử được. Bởi nếu đặt lĩnh vực lịch sử dưới con mắt của ý đồ chính trị, thì tấm gương soi quá khứ đó sẽ bị chỉnh sửa, "photoshop" theo ý muốn chủ quan của đường lối chính trị, thì lúc này, sách lịch sử đã đương nhiên trở thành "tác phẩm văn học tuyên truyền", với những lối diễn đạt mang màu sắc cảm xúc, thậm chí áp đặt ý đồ tuyên truyền khi "tô hồng" hay "bôi đen" theo ý muốn.

      Thứ ba, viết các sự kiện lịch sử là không thể theo thỏa thuận (thỏa hiệp) giữa các bên

      Do viết sử là soi gương quá khứ, cho nên, đã là cái gương soi thì vĩnh viễn không thể có sự can thiệp của bất kì một thỏa thuận nào vào cái gương đó được. Gương soi mà bị can thiệp, làm "to" hơn chỗ này và làm "nhỏ" đi chỗ kia, hay làm "dài ra" chỗ này và làm "ngắn lại" chỗ kia thì nó sẽ không còn cho ra hình ảnh chính xác của sự thật nữa, ở đây "cái gương" sách lịch sử là để chiếu lại hình ảnh chính xác về quá khứ. 

      Về việc này, thì GS Tung có dẫn ra trường hợp của các nước Đức - Pháp và Pháp - Phổ đã từng xảy ra chiến tranh với nhau, họ đã tiến hành hòa giải lịch sử để đi đến thống nhất dạy chung một chương trình lịch sử giữa 2 bên nhằm chấm dứt hận thù quá khứ. Tuy nhiên xin lưu ý, việc hòa giải lịch sử của họ là phải trên nguyên tắc tôn trọng sự thật khách quan, phi chính trị hóa lĩnh vực lịch sử, thì họ mới hòa giải chung một sự thật được. Và quan trọng tiếp đó, là thái độ đối ngoại của họ với nhau đã xác định thông cảm, tha thứ cho nhau cho nên họ mới chấm dứt sự thù hận quá khứ được. Chứ không phải việc họ hòa giải lịch sử đi đến thống nhất dạy chung một chương trình lịch sử giữa 2 bên cựu thù, là việc họ phải dàn xếp bóp méo lịch sử sao cho ra một hình hài quá khứ mà 2 bên đều chấp nhận được để "giải độc" sự thù hận lịch sử như GS Tung đã nhắc đến. Bởi nếu bóp méo hình hài sự thật của lịch sử chỉ để dàn xếp thỏa mãn phía bên kia, thì khác nào xuyên tạc lịch sử, để lại bài học sai sự thật về lịch sử cho con cháu mai sau, dẫn đến đường lối ứng xử đối nội đối ngoại sai lầm cho các thế hệ tương lai. Cho nên đây là điều mà ý tưởng hòa giải lịch sử cần hết sức cảnh giác, tránh sa vào cái bẫy đòi thỏa hiệp lĩnh vực viết - dạy lịch sử của phía bên kia.

      Thứ tư, hòa giải là việc của tuyên truyền, không phải việc của viết sử, dạy sử

      Như vậy mặc dù việc hướng tới hòa giải quá khứ là chủ trương đúng đắn, thế nhưng cần tránh nhầm lẫn rằng việc hòa giải đó là làm bằng cách thỏa thuận giữa 2 bên về viết sử, dạy sử. Như đã nói ở trên, lịch sử là một ngành khoa học nghiên cứu chứ không phải là một ngành tuyên truyền định hướng, cho nên vai trò của nó là phản ánh đúng sự thật xảy ra để rút ra các bài học chính xác về quá khứ. Từ những bài học chính xác về quá khứ đó, thì chúng ta mới tuyên truyền hợp lý được tùy theo diễn biến của thời cuộc và đường lối đối ngoại từng thời kỳ. Còn sách lịch sử vẫn phải để yên vai trò của nó là tài liệu ghi lại sự thật, sách lịch sử vĩnh viễn là tài liệu lịch sử chứ không thể biến thành tác phẩm tuyên truyền được.

      Vì vậy tới đây giữa công tác viết sử - dạy sử và công tác tuyên truyền chúng ta cần tách bạch cho đúng bản chất khoa học của nó, để giải quyết được vô số những khúc mắc trong việc viết - dạy lịch sử và việc đối ngoại với các nước đã từng xảy ra chiến tranh với chúng ta, trong đó có Trung Quốc. Cần nhận thức rõ ràng rằng công tác đối ngoại là được thể hiện qua tuyên truyền, chứ không phải thể hiện qua thỏa hiệp viết sử, dạy sử.

 

                         

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512207

Hôm nay

2144

Hôm qua

2389

Tuần này

2144

Tháng này

219080

Tháng qua

121356

Tất cả

114512207