Diễn đàn

Dạy và học Mỹ thuật: Cần thay đổi tư duy và cách tiếp cận

                                                                                                     Một buổi học vè ngoài trời của HS Trường Thực hành sư phạm - ĐH Vinh

      Trong bài viết kỳ trước, từ câu chuyện về chất lượng giải thưởng Mỹ thuật thiếu nhi, chúng tôi đã đề cập đến những tồn tại trong việc dạy và học Mỹ thuật hiện nay tại các trường tiểu học và trung học cơ sở. Bài viết này, chúng tôi xin  bàn chi tiết hơn về những vướng mắc khiến môn Mỹ thuật chưa nhận được sự quan tâm đúng mức từ giáo viên, học sinh và phụ huynh.

      Từ trước đến nay, chỗ trống trong giáo dục các môn nghệ thuật là câu chuyện không còn xa lạ. Những bất cập trong chương trình sách giáo khoa Mỹ thuật và việc giảng dạy môn học này ở trường được nói đến nhiều. Gần đây, dù đã có điều chỉnh chương trình theo hướng chú trọng đến giáo dục thẩm mỹ, phát huy sự sáng tạo của học sinh song kết quả thu được chưa nhiều. Nhận thức về dạy Mỹ thuật cho trẻ, tầm quan trọng, vai trò của nó vẫn chưa chuyển biến rõ rệt. Trong mắt nhiều học sinh, giáo viên, phụ huynh nó vẫn là một môn phụ. Đã là một môn phụ thì lẽ dĩ nhiên là không cần quan tâm nhiều. Những yếu tố đó dẫn đến việc dạy và học Mỹ thuật chưa được quan tâm đúng mức, đúng hướng dẫn đến việc phát hiện, bồi dưỡng tài năng hội họa trong độ tuổi thiếu nhi là rất khó.

      Khi hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh, các môn năng khiếu, thể chất được chú tâm hơn nhưng về căn bản nhiều đơn vị vẫn làm theo hướng “cho có”. Chương trình Mỹ thuật trong sách giáo khoa lâu nay thiếu tính sáng tạo, thiếu tính thực tiễn; chưa lan tỏa được đam mê, hứng thú cho các em cũng như chưa góp phần phát hiện tố chất, năng lực của học sinh. Nhận xét về chương trình Mỹ thuật hiện nay, thầy Võ Bình, giáo viên Mỹ thuật tại Nghệ An cho hay: “Tôi thấy chương trình hiện nay chả khác gì chương trình đại học cơ bản thu nhỏ. Chỉ có học sinh làm bài ít thời gian hơn. Thực ra nhiều bài không còn thực tế nữa. Mỹ thuật không chỉ là vẽ, cần phải thiết kế và giảng dạy đa dạng, sáng tạo hơn. Tuy nhiên điều đó đồng nghĩa với việc phải bớt thời lượng tiết học khác. Phải thay đổi chương trình và sàng lọc lại đội ngũ giáo viên”. Bên cạnh đó, có thể thấy việc giáo dục, định hướng thẩm mỹ cho học sinh chưa được chú trọng nhiều trong khi đó đây mới thực sự là điều cần thiết. Hiện nay vẫn tồn tại tư duy chỉ những ai định hướng theo ngành, nghề liên quan đến Mỹ thuật mới cần chú tâm học. Vai trò của bộ môn này bị nhìn nhận một cách phiến diện. Nếu tiến hành thực hiện theo chương trình mới, nhiều trường sẽ không đáp ứng đủ yêu cầu về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ giảng dạy. Ông Nguyễn Trọng Hoàn, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho hay: “Hiện nay, tất cả các trường tiểu học và THCS ở Nghệ An đều có đủ giáo viên Mỹ thuật. Chất lượng giáo viên cơ bản đảm bảo, nhiều giáo viên thực sự tài năng. Tuy nhiên cơ sở vật chất nhiều trường còn khó khăn, chưa có phòng riêng để dạy Mỹ thuật. Mặt khác, vẫn còn đâu đó quan niệm thiên lệch về Mỹ thuật, tư uy môn chính môn phụ nên nhiều nơi chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho môn học này”. Tất cả những yếu tố đó, trên thực tế đang làm nản lòng một bộ phận giáo viên Mỹ thuật. Nhiều giáo viên cũng thiếu tâm huyết, tìm tòi trong giảng dạy, nhất là ở các trường thuộc vùng nông thôn, điều kiện còn khó khăn.

Bài tạo hình bằng lá cây    

      Tại thành phố Vinh, bộ môn này được quan tâm, đầu tư hơn từ phía nhà trường lẫn phụ huynh. Nhiều gia đình cho con em đi học thêm vẽ như một hình thức giải trí cũng như rèn luyện hoặc bồi dưỡng năng khiếu. Chị Lê Minh Thu (TP. Vinh) chia sẻ: “Lúc đầu tôi cho con học vẽ để tìm một môn giải trí lành mạnh. Về sau, thấy cháu thích và đặc biệt, môn vẽ giúp cháu phát triển nhiều kỹ năng như: kiên trì, cẩn thận, tưởng tượng, tư duy,... nên đã quyết định cho cháu học lâu dài”. Cũng giống như chị Thu, nhiều gia đình tìm đến các lớp dạy vẽ cho con nhưng không phải ai cũng nhận ra vai trò của hội họa đối với sự phát triển của bé. Trước nhu cầu của phụ huynh, nhiều lớp vẽ được mở ra. Hiện nay, ngoài Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức có 6 lớp (2 lớp mầm non bán trú; 4 lớp mở vào thứ 7, Chủ nhật cho học sinh độ tuổi Tiểu học và THCS), còn có nhiều lớp vẽ ở ngoài. Nhiều lớp vẽ, xưởng vẽ thu hút học sinh bằng các hoạt động đa dạng. Cô Đinh Nhàn, giáo viên Mỹ thuật tại Trường Thực hành sư phạm - Đại học Vinh chia sẻ: “Hiện Câu lạc bộ Mỹ thuật tại trường THSP Đại học Vinh có gần 130 học sinh theo học. Còn 2 lớp học thêm ở nhà tôi có 30 em theo học. Rất đông phụ huynh muốn gửi con nhưng tôi chỉ nhận chừng đó để lớp học có hiệu quả hơn”. Tại lớp học của cô Nhàn, học sinh được tiếp xúc, làm quen với nhiều chất liệu hội họa, làm quen với mỹ thuật sáng tạo thông qua các hình thức như vẽ tranh trên lá, trên đá cuội, tạo hình từ những tờ báo cũ;… Ngoài ra lớp học cũng tổ chức vẽ ngoài trời, dã ngoại và triển lãm tranh cuối năm để phụ huynh và học sinh tham gia. Điều này, nhận được sự ủng hộ rất lớn từ các phụ huynh và học sinh.

                                                                                                                                                                                       Vẽ trên sỏi

      Tuy nhiên, không phải lớp học vẽ nào mở ra cũng đảm bảo được chất lượng. Theo nhận định của họa sỹ Nguyễn Đình Truyền, Trưởng ban Mỹ thuật Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Nghệ An thì sự “nở rộ” đó chưa hẳn là dấu hiệu vui. Ông cho rằng nhiều trung tâm, lớp học mở ra thì tốt song phải đảm bảo được chất lượng. Thực tế bây giờ, theo ông, người ta dạy vẽ tràn lan, thiếu chuẩn mực, thiếu tính thẩm mỹ. Đặc biệt cách dạy học chưa khơi gợi trí tưởng tượng cho các em. Với ông, khi ra một đề tài cho học sinh thì phải hướng dẫn, mô tả bằng lời để các em tưởng tượng và tự vẽ theo ý mình chứ không phải vẽ mẫu để sao chép lại. Ở Nhà Văn hóa Thiếu nhi Việt Đức, các em được dạy bài bản hơn nên cũng không quá ngạc nhiên khi tranh dự thi của đơn vị này thường được giải cao.

      Như vậy, nhu cầu học vẽ là có; niềm yêu thích và đam mê của các em là có. Vấn đề đặt ra là ở cách thức dạy học, truyền cảm hứng từ giáo viên và ở nội dung chương trình giảng dạy. Chừng nào tư duy chưa thay đổi, cách tiếp cận chưa thay đổi thì dù tốn kém thế nào thì những cải cách cũng khó mang lại kết quả.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512176

Hôm nay

2113

Hôm qua

2389

Tuần này

2113

Tháng này

219049

Tháng qua

121356

Tất cả

114512176