Diễn đàn

Tương lai nào cho nước mắm Việt?

Vụ “nước mắm nhiễm asen” xảy ra hơn hai năm về trước, bây giờ nhắc lại vẫn không khỏi rùng mình.

Tôi cũng như hàng triệu “tín đồ” của nước mắm truyền thống bàng hoàng trước thông tin mà Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) công bố lúc bấy giờ.

Thì ra, hàng chục năm nay mình và người thân trong gia đình ngày ngày vẫn nạp chất “thạch tín cực độc” trong nước mắm mà không hề hay biết?

Thì ra, hàng triệu người Việt chuộng nước mắm xứ sở bao nhiêu năm nay vẫn vô tư tuồn “thạch tín cực độc” vào cơ thể mà nào ai hay?

Và xa hơn về thời gian, triệu triệu người Việt bao thế hệ chỉ dùng duy nhất thứ nước chấm đặc sản ngàn năm nay của xứ sở…

Ai đó nói thì dư luận có thể không tin nhưng đây lại là “Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng”, gắn mác kiểm nghiệm “khoa học” hẳn hoi.

Sau khi Vinastas công bố thông tin, báo chí đã đồng loạt đăng tải, mạng xã hội cấp tập chia sẻ. Tâm trạng hoang mang, lo ngại về sức khỏe cộng đồng khi dùng nước mắm truyền thống lan truyền đến chóng mặt.

Con số thống kê sau đây đủ nói lên tất cả. Chỉ trong vòng 10 ngày (từ 12/10/2016 đến ngày 23/10/2016) kể từ khi Vinastas công bố thông tin, truyền thông xã hội có trên 44 nghìn bài viết, 95 nghìn lượt chia sẻ, 108 nghìn thảo luận, trên 63 nghìn bình luận.

Quả là một cú đấm như trời giáng vào sản phẩm Việt truyền thống, thử hỏi hàng triệu người dùng tránh sao khỏi hoang mang, hàng ngàn cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống tránh sao khỏi lao đao khi sản phẩm của mình bị xã hội từ chối?

Họ - những người “đánh” nước mắm truyền thống - đã đạt được mục đích dù ngay sau đó, Chính phủ và các cơ quan chức năng đã kịp thời xử lí nhưng tác hại của “quả bom” truyền thông số là vô cùng lớn. Chờ được vạ thì má đã sưng, thật đáng “quan ngại” cho nước mắm ngàn đời của ông cha trong bối cảnh này.

Những tưởng sau vụ việc chấn động dư luận ấy, nước mắm Việt sẽ bình an mà phát triển trong môi trường cạnh tranh lành mạnh. Người tiêu dùng thoải mái thưởng thức thứ nước chấm có một không hai của xứ sở - được làm từ hai nguyên liệu duy nhất là cá biển và muối biển - mà không bị ai “cạnh khóe”.

Nhưng, chuyện đời không suôn sẻ. Kịch bản “vụ nước mắm nhiễm asen” có nguy cơ tái diễn lần hai khi dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm (Dự thảo TCVN 1260) được công bố.

Dư luận lại dậy sóng khi Dự thảo TCVN 1260 đưa ra những qui định có nguy cơ triệt buộc nước mắm truyền thống, đánh đồng nước mắm truyền thống với nước mắm công nghiệp - thứ nước chấm được pha chế bằng các loại hương liệu công nghiệp không đủ tư cách để gọi là nước mắm.

Chi tiết bộ tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm gây tranh cãi đã được báo chí, các chuyên gia và dư luận mổ xẻ suốt tuần qua trên các phương tiện thông tin đại chúng, người viết bài này không muốn nhắc lại.

Trước sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận, chiều ngày 8/3, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cùng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng - TĐC (Bộ KH&CN) tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để trao đổi về những nội dung liên quan đến Dự thảo TCVN 1260 đang gây bão dư luận.

Theo như những gì mà truyền thông đã phản ánh thì lo ngại của dư luận về một kịch bản mới vụ “nước mắm nhiễm asen” không phải là không có cơ sở bởi những cái lạ của cuộc gặp này.

Thứ nhất, các chuyên gia nước mắm, các nhà sản xuất nước mắm truyền thống - người có quyền lợi liên quan không một ai được mời dự mà thay vào đó là các chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thứ hai, giải trình các câu hỏi của báo chí lại là các chuyên gia nói trên, những người đang làm lãnh đạo ở các lĩnh vực thực phẩm chức năng, sữa thuộc ngành… y tế.

Thứ ba, người duy nhất “liên quan đến nước mắm” có mặt trong cuộc gặp (dù không được mời) là TS. Trần Thị Dung, chuyên gia nước mắm, nguyên cán bộ Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Thủy sản, nay thuộc Bộ NN-PTNT). Đến phút cuối của buổi gặp gỡ, khi bà giơ tay xin phát biểu thì bị chủ tọa lờ đi và tuyên bố kết thúc cuộc gặp. Bà Dung buộc phải kêu lên: “Kịch bản hơn hai năm trước đã lặp lại. Mọi người hãy nghe tôi nói” thì ngay lập tức bị lãnh đạo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản yêu cầu rời khỏi phòng họp.

Còn đây là một vài cái tít trên các báo: “Bộ ra 1 tiêu chuẩn, vạn dân lo sợ: Lại ẩn ý gì với nước mắm truyền thống?”; “Tiêu chuẩn nước mắm: “Cuộc chiến” giữa sản phẩm truyền thống và công nghiệp?”.

Ai đang khiến 2.800 cơ sở sản xuất nước mắm truyền thống trong cả nước “run rẩy” trước vài đại gia “nước mắm” công nghiệp?

Mặc dù những người biên soạn Dự thảo TCVN 1260 đã trấn an dư luận rằng, đây là tiêu chuẩn về quá trình chứ không phải tiêu chuẩn về yêu cầu kỹ thuật của sản phẩm, không đưa ra các chỉ tiêu và mức giới hạn cần tuân thủ đối với các chỉ tiêu đó cho sản phẩm cuối cùng; chỉ đưa ra khuyến nghị tự nguyện, không bắt buộc, … nhưng các vị có dám đảm bảo trong nay mai sẽ không có một cuộc “khảo sát khoa học” dựa vào bộ tiêu chí mập mờ này kiểu như vụ “nước mắm nhiễm asen” năm trước?

Thật buồn nếu như mai đây, trên mâm cơm, trong bữa ăn của người Việt, không còn thứ nước chấm ưa thích, chắt lọc từ tinh túy của biển cả, của đất trời xứ sở thay vào đó là thứ nước chấm pha chế bằng hương liệu công nghiệp đánh lừa vị giác và cái tên cũng lập lờ đánh lận con đen?

“Người Việt dùng hàng Việt” mà sao nước mắm ngàn đời của ông cha lại ra nông nỗi này?

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512176

Hôm nay

2113

Hôm qua

2389

Tuần này

2113

Tháng này

219049

Tháng qua

121356

Tất cả

114512176