Diễn đàn
Trao đổi với tác giả Trí thức Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc
GS.TS. Nguyễn Văn Khánh là tác giả, đồng tác giả của nhiều cuốn sách viết về trí thức. Cuốn sách mới đây nhất của ông là Trí thức Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc, do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật công bố năm 2016.
Cuốn sách gồm phần chuyên luận và phần biên soạn. Ngoài ra, còn có phụ lục một số hình ảnh về hoạt động, phong trào của trí thức Việt Nam.
Chuyên luận mang tên Trí thức Việt Nam trong sự nghiệp giải phóng và phát triển đất nước, gồm tám chương, viết về khái niệm trí thức và một số quan điểm chung về trí thức; về trí thức Việt Nam dưới thời phong kiến; về những biến đổi trong tầng lớp trí thức dân tộc dưới tác động của hệ thống giáo dục Pháp; về trí thức Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc từ cuối thế kỉ XIX đến năm 1930; về trí thức Việt Nam trong phong trào giải phóng dân tộc (từ 1930 đến 1945); về trí thức Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp; về trí thức Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước; về trí thức Việt Nam trong thời kì đổi mới đất nước.
Về trí thức Việt Nam trong thời kì phong kiến, tác giả khẳng định họ “có tinh thần dân tộc sâu đậm, luôn gắn bó với sự nghiệp bảo vệ nền độc lập quốc gia. Trong những giai đoạn chuyển tiếp của lịch sử dân tộc, trí thức trở thành một lực lượng chính trị quan trọng, đóng vai trò tiên phong, xung kích, góp phần quyết định chiều hướng phát triển của đất nước” (tr.72)1. Theo tác giả, trong thời kì chuyển tiếp/bản lề từ cuối thế kỉ XIX đến đầu thế kỉ XX, khi giai cấp phong kiến đã bất lực phản động, khi giai cấp tư sản tuy đã xuất hiện nhưng còn yếu ớt, khi giai cấp công nhân chưa chiếm được vũ đài chính trị thì trí thức yêu nước (trí thức - sĩ phu tiến bộ và trí thức tiểu tư sản) là người đại diện cho lợi ích dân tộc và trở thành lực lượng đóng vai trò tổ chức và lãnh đạo phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân ta” (tr. 138). Kể từ ngày thành lập nước đến nay, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam, trí thức Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trên nhiều lĩnh vực quân sự, chính trị ngoại giao, khoa học giáo dục, kĩ thuật, văn học nghệ thuật. Tác giả cũng đã đề cập đến những hạn chế của đội ngũ trí thức hiện nay và đề xuất các giải pháp khắc phục để nâng cao chất lượng đội ngũ và tiếp tục phát huy vai trò của trí thức.
Chuyên luận có tính hệ thống, nội dung phong phú và có những nhận xét đáng chú ý như chúng tôi đã nêu. Bên cạnh đó, chuyên luận có những điều cần được trao đổi và có cả những chi tiết không chính xác.
*
* *
GS.TS. Nguyễn Văn Khánh đánh giá thấp giai cấp phong kiến, giai cấp cầm quyền trong thời kì trung đại. Điều này bộc lộ khi ông viết về các mô hình trí thức phong kiến. Theo ông, có trí thức quan phương (quan liêu), trí thức đi ở ẩn (ẩn sĩ), trí thức bình dân (cận dân). Về trí thức quan phương, ông viết: “Đây là bộ phận trí thức nhờ con đường khoa cử hay tiến cử mà chiếm địa vị cao trong xã hội. Họ tham gia chính sự và là chỗ dựa của nhà nước phong kiến. (...). Tư tưởng chỉ đường của họ là các giáo lí Khổng Mạnh” (tr.67). Về tư tưởng, họ “có cùng quan niệm với giai cấp thống trị cầm quyền nên coi nhân dân là những kẻ ngu hèn cần được giáo hóa, coi việc phụng sự vua quan là nghĩa vụ tất nhiên của người lao động” (tr.67). “Tuy nhiên, trong tầng lớp này cũng có người vừa yêu nước, vừa thương dân. Họ chủ trương khoan thư sức cho dân như Trần Quốc Tuấn. Nhưng đó là những trường hợp rất hiếm và chỉ xuất hiện khi giai cấp phong kiến đang lên, và đang còn đóng vai trò tiến bộ đối với lịch sử dân tộc. Còn nói chung, bộ phận trí thức quan phương thường xa rời và đối lập với quần chúng lao động. Đến khi chính quyền phong kiến trở nên thối nát thì một bộ phận trong số họ dễ dàng thỏa hiệp đầu hàng bọn xâm lược để bảo vệ quyền lợi ích kỉ của mình, đó là trường hợp Trần Ích Tắc (thời Trần), Hoàng Cao Khải, Tôn Thọ Tường (thời Pháp thuộc)” (tr 67-68).
Từ trái sang, hàng trước: Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao
Hàng sau: Nguyễn Đỗ Cung, Học Phi, Nguyễn Xuân Sanh, Chế Lan Viên, Hoàng trung Thông, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài
Ảnh chụp năm 1949 tại Việt Bắc. Ảnh Tư liệu
Chúng tôi nghĩ, đánh giá như trên về giai cấp thống trị cầm quyền và trí thức quan phương là chưa thuyết phục. Nếu đa số các ông vua và các trí thức quan phương không yêu nước thương dân thì làm sao có được nền văn hóa Đại Việt rực rỡ. Khi viết về thời xưa, một số tác giả thường lấy câu nói này, dẫn chứng kia trong sử sách để chứng minh cho một nhận xét; họ thường quên hoặc không biết câu nói khác, dẫn chứng khác mà nếu sử dụng chúng thì sẽ không phù hợp với nhận xét của họ.
Trong thiên “Tận tâm hạ”, sách Mạnh Tử có câu: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Đoàn Trung Còn giải thích: “Mạnh Tử nói rằng: Trong nước, dân là quý trọng hơn hết, kế đó là thần đất và thần lúa thóc (cũng có nghĩa là nền xã tắc), còn ngôi vua là nhẹ hơn hết trong ba điều ấy”[5, tr.262]2. Ở nước ta, không chỉ có Trần Quốc Tuấn vừa yêu nước, vừa thương dân mà còn có nhiều trí thức khác cũng thương dân, trọng dân. Trong bài “Chiếu miễn thuế” (1044) của vua Lý Thái Tông có câu: “Nếu thiên hạ no đủ thời trẫm đây há chẳng no đủ hay sao?” GS. Đinh Gia Khánh phân tích: “Vua nhà Lý có thực lòng thương xót nhân dân hay không? Điều đó chưa thể quyết đoán. Nhưng có một điều chắc chắn là qua câu trên thì có thể thấy nhà vua đã nhận thức được mối quan hệ giữa vận mệnh của nhân dân với vận mệnh của mình”. Ông viết tiếp: “Trong bài “Di chiếu lúc lâm chung” mà ý nghĩa văn học không thể phủ nhận được, có đoạn viết: “Ta đã ít đức, không có cái gì làm yên trăm họ, nếu đến khi chết lại bắt dân chúng mặc đồ xô gai, sớm tối gào khóc, giảm sự ăn uống, nghỉ việc cúng tế, để làm nặng cái tội lỗi của ta, thì thiên hạ bảo ta là người thế nào”. Như vậy là người lãnh đạo nhà nước đã biết nhấn mạnh đến trách nhiệm của mình đối với nhân dân nhiều hơn là đến quyền hạn của mình” [17, tr.66]. Ở thời Trần, năm 1296, khi nghe Trần Khánh Dư tâu: “Tướng là chim ưng, dân lính là vịt, dùng vịt để nuôi chim ưng thì có gì là lạ?”, vua Trần Anh Tông “không hài lòng. Khánh Dư bèn trở về. Khánh Dư vào chầu không quá 4 ngày đã trở về, vì sợ ở lâu bị vua khiển trách” bởi “thói tham lam thô bỉ” đối với dân [19, tr.74]. Đến thời Lê, ở thế kỉ XV, “yêu cầu phải quan tâm đến nhân dân, phải “vui sau thiên hạ, lo trước thiên hạ”, không chỉ là vấn đề đạo đức hoặc tình cảm nhân đạo thuần túy mà là vấn đề đường lối chính trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định dưới chế độ phong kiến. Lê Thánh Tông rút ra bài học lịch sử qua các triều vua trước thấy rằng muốn củng cố cơ nghiệp của vương triều họ Lê thì phải quan tâm đến lợi ích của nhân dân, phải thi hành đường lối “thân dân”. Trong “Liệt truyện tạp chí”, nhà vua đã nhìn nhận sức mạnh của nhân dân có thể lật đổ kẻ cầm quyền nào làm trái ý dân: “Cho dân là không thể lo tính công việc từ đầu, Thương Ưởng cứ việc tiến hành biến pháp. Cho trăm họ không đủ cùng nghị luận, Đổng Trác cứ việc thiên đô. Bắt dân phải theo ý muốn riêng của mình, công việc của Thương Ưởng, Đổng Trác đều hỏng và thân bị giết. Kết quả ác liệt đủ thấy rõ lắm!”. Lê Thánh Tông hiểu rằng đường lối “thân dân” sẽ củng cố được chế độ phong kiến và cuộc trị bình sẽ được dài lâu” [17, tr.314]3. Thời Nguyễn, Nguyễn Ánh được dân ủng hộ. Sau khi viết: “Sớm lâm vào cảnh long đong bởi sự sụp đổ không cứu vãn được của chính quyền chúa Nguyễn nhưng Nguyễn Ánh đã thoát khỏi tất cả các cuộc lùng bắt của Tây Sơn”, tác giả Tống Văn Lợi chú thích: “Nhiều truyền thuyết lưu truyền trong dân gian hoặc được chép lại trong chính sử của nhà Nguyễn ghi nhận có sự giúp đỡ, bao bọc của người dân vùng Gia Định đối với Nguyễn Ánh” [23, tr.159]. Tác giả viết tiếp: “Để khôi phục quyền lực, Nguyễn Ánh trù tính nhiều phương sách, thậm chí là cầu viện ngoại bang. Bài học rút ra từ sai lầm cầu viện Xiêm La đã khiến Nguyễn Ánh quyết tâm tự xây dựng lực lượng. Tại Gia Định, Nguyễn Ánh thu phục nhân tâm, tổ chức lực lượng, biến Gia Định thành căn cứ, hậu phương vững chắc trong cuộc chiến chống Tây Sơn” [23, tr.159]. Năm 1855, vua Tự Đức (làm vua 1848-1883) đã nhận thấy việc lí dịch trong làng áp bức dân lành. Năm 1858, ông vua này đồng ý cho thi hành điều sau: “Những tổng lí, hào cường không được nuôi nhiều đầy tớ (không quá ba, bốn người) để xử đoán hung hăng trong làng xóm, hiếp tróc dân lương thiện, bắt dân bầu [làm hậu thần thờ phối] vào đình chùa, bắt dân phu làm việc riêng, đi về xe lọng, cưỡi ngựa giáo mác nghênh ngang, cùng những bọn du côn lừa dối, các tệ ấy phải cấm hẳn. Nhân dân nếu có việc tranh kiện tầm thường chỉ cho tổng lí phân xử bằng miệng, không được tự tiện gông cùm giam đánh ở nhà riêng. Nếu tên nào quen tính làm bậy không chừa, cho dân sở tại đi kiện. Viên phủ, huyện bất thình lình xét xử, chiếu theo luật côn đồ gian ác xử tội”[27, tr.223]. Trong bài “Thanh minh ngẫu hứng”, nhà thơ Nguyễn Du đã từng viết:
Thôn ca sơ học tang ma ngữ
Dã khốc thời văn chiến phạt thanh.
(Câu hát thôn dã giúp ta biết những tiếng nói trong nghề trồng dâu, trồng gai,
Ngoài đồng nội thỉnh thoảng có người khóc còn như nghe tiếng chiến tranh) [24, tr.157-158].
Trong phạm vi số trang có hạn của bài viết, chúng tôi chỉ có thể nêu ra một số trong rất nhiều dẫn chứng để chứng minh rằng nhiều trí thức quan phương cũng như giai cấp thống trị phong kiến không coi thường dân, không coi dân là kẻ ngu hèn.
Quan niệm cho rằng, giai cấp phong kiến thống trị là xấu xa, kém cỏi, có nhiều tiêu cực hơn là tích cực là quan niệm của nhiều tác giả đã viết cách đây gần ba chục năm, thậm chí có người viết cách đây hơn bốn mươi năm. Thí dụ, năm 1973, GS. Đinh Gia Khánh viết: “(...) giai cấp phong kiến và giai cấp tư sản ở nước ta không có đóng góp gì lớn đối với việc xây dựng bản lĩnh dân tộc và xác định dân tộc tính. Đó là xét chung vai trò của các giai cấp ấy” [16, tr.429]. Năm 1990, GS. Trần Quốc Vượng cho rằng: “bản chất và thực chất của nền văn hóa - văn minh Việt Nam” là “văn hóa dân gian, văn minh thôn dã” vì “tính chất yếu kém của mọi giai tầng thống trị Việt Nam xưa nay”[31, tr.182]4. Những nhận xét trên chịu sự chi phối mạnh mẽ của học thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp. Hiện nay, chúng không còn phù hợp, bởi không phản ánh đúng thực tế lịch sử, văn hóa đất nước.
Bên cạnh văn hóa dân gian, còn có văn hóa của giai cấp thống trị, của vua quan. Nếu không có nhà nước quân chủ, không có giai cấp thống trị là vua quan thời Lý - Trần thì liệu từng nhà, từng làng có thể tổ chức đào sông, đắp đê được chăng? Những con kênh Thạch Hà (nay gọi là kênh Long Xuyên), Vĩnh Tế đành rằng được đào vét bởi sức mạnh cơ bắp của hàng vạn người dân và binh lính vùng đồng bằng sông Cửu Long, bởi sự góp sức của người dân và binh lính Campuchia, nhưng nếu không có tầm nhìn của vua Gia Long, Minh Mệnh và sự chỉ huy, đôn đốc của võ tướng Nguyễn Văn Thoại (quê ở Quảng Nam) thì liệu sự nghiệp thủy lợi đó có thành công? Nếu giai tầng thống trị nhà Lê cái gì cũng yếu kém thì làm sao có được bộ luật thời Lê, một bộ luật được nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài đánh giá cao bởi tính chất tiến bộ của nó. Nếu nhà Nguyễn chỉ có yếu kém thì tại sao các bộ sách lớn do họ tổ chức biên soạn lại có thể thành công? Nếu không có vai trò tổ chức, lãnh đạo của nhà Trần thì làm sao ở thế kỉ XIII, nước Đại Việt lại có thể ba lần đánh tan quân xâm lược Nguyên Mông? Phải chăng vì bị “ám ảnh” bởi cái định kiến sai lầm về giai cấp phong kiến nên GS.TS. Nguyễn Văn Khánh đã mâu thuẫn khi cho rằng đối với Trần Quốc Tuấn thì giai cấp phong kiến đang lên, còn đối với Trần Ích Tắc thì họ đã “trở nên thối nát”. Trần Quốc Tuấn và Trần Ích Tắc là anh em con bác, con chú, sống cùng thời, và trong cùng một thời gian thì giai cấp phong kiến, nhà nước phong kiến chỉ có một trong hai khả năng: hoặc là tiến bộ hoặc là “thối nát”.
Một số trong nhiều vấn đề thời sự hiện nay về công tác cán bộ là vấn đề tự nêu gương, là văn hóa từ chức, là luân chuyển cán bộ, là đảm bảo một tỉ lệ nhất định số người đứng đầu cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương,.... Những vấn đề này đã được thực hiện ở thời phong kiến. Trong phần “Nhân vật chí” của bộ Lịch triều hiến chương loại chí, Phan Huy Chú đã ghi nhận rất nhiều ông quan thanh liêm, chính trực được đương thời và đời sau ca ngợi: Tô Hiến Thành (đời Lý), Mạc Đĩnh Chi, Chu Văn An (đời Trần), Lê Văn Linh, Bùi Cầm Hổ, Nguyễn Trực, Bùi Xương Trạch (đời Lê), Giáp Hải (đời Mạc), Nguyễn Thực, Bùi Sĩ Tiêm, Vũ Công Trấn, Đoàn Duy Tĩnh (đời Lê Trung hưng),...[4]. Đời Trần, khi chính sự bại hoại dưới triều Trần Dụ Tông, Chu Văn An (1292-1370) dâng “Thất trảm sớ” xin chém bảy gian thần, vua không nghe, ông bèn cáo quan về ở ẩn tại huyện Chí Linh (nay thuộc tỉnh Hải Dương) [12, tr.492-493]. Đời Nguyễn, sau khi quân Pháp đánh chiếm Bắc Kì, Nguyễn Khuyến (1835-1909) lấy cớ đau mắt, cáo quan về sống trong cảnh nghèo ở làng quê [14, tr.177]. Cao hơn nữa, khi không làm tròn trách nhiệm giữ thành Hà Nội vì quân Pháp quá mạnh, Tổng đốc Hoàng Diệu (1828-1882) đã tự vẫn, để lại một di biểu [13, tr.331-332]. Đời Nguyễn, trong nhiều điều của chế độ hồi tị, vua Minh Mệnh quy định:
- Những Lại mục, Thông lại các nha thuộc hạt, phủ, huyện ai là người cùng làng, cùng những người làm ở nha đã hơn ba năm trở lên, thì phải chuyển bổ đi nha khác làm việc.
- Những Lại mục, Thông lại, ai quê ở phủ, huyện nào thì cũng không được làm việc tại nha môn của phủ, huyện ấy.
- Người làm quan không được làm quan ở chính quán (quê quán), trú quán (ở ngụ lâu ngày), quê mẹ, quê vợ, thậm chí nơi đi học lúc trẻ tuổi. [30, tr.226]5.
Tóm lại, chúng tôi không nghĩ rằng tất cả quá khứ là tốt đẹp, mọi ông vua, ông quan thời phong kiến đều đáng ca ngợi, và cũng không cho rằng rất nhiều thế hệ lãnh đạo, đại đa số các ông quan của một nghìn năm độc lập tự chủ là kém cỏi, sai lầm, thiếu liêm chính. Nếu đa số họ sai lầm, kém cỏi như vậy, thì làm sao Việt Nam lại được thế giới đánh giá cao như sau: A.Toynbee, một học giả người Anh, trong Một công trình nghiên cứu về sử học xuất bản năm 1972 tại London, đã điểm được 34 nền văn minh có bản sắc riêng trên thế giới, và trong số 18 nền văn minh đang tồn tại, có văn minh Việt Nam [3, tr.88].
Hệ quả của việc đánh giá thấp bộ phận trí thức quan phương là việc đánh giá cao bộ phận trí thức bình dân. GS.TS. Nguyễn Văn Khánh viết:
“Đây là những trí thức phần lớn được trưởng thành qua con đường tự học. Đa số đều xuất thân từ tầng lớp bình dân, hoặc sống gần gũi với nhân dân lao động. Phần lớn các trí thức này hành nghề dạy học, thầy thuốc; có một số ít đã được đào luyện trong các trường Nho học, và cũng tham gia chính trường với các chức quan nhỏ. Khi làm quan, họ chú tâm giữ gìn đức tính thanh liêm, cố gắng mang hết tài năng và trí tuệ phục vụ nhân dân. Khi có giặc ngoại xâm, họ tự nguyện cùng với nhân dân chiến đấu bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước” (tr.68-69).
“Bộ phận trí thức bình dân vẫn lấy Nho giáo làm cơ sở cho suy nghĩ và hành động. Nhưng họ tìm cách khai thác và phát huy mặt tích cực của Nho giáo. Thậm chí, một số người trong những hoàn cảnh lịch sử cụ thể đã vượt qua những giáo lí cứng nhắc của Nho giáo để đứng về phía đại đa số nhân dân, đấu tranh vì lợi ích của nhân dân và dân tộc. Tiêu biểu cho tầng lớp này là các sĩ phu Cần Vương chống Pháp cuối thế kỉ XIX và nhiều sĩ phu tiến bộ trong phong trào yêu nước đầu thế kỉ XX” (tr.69).
Tuy đánh giá cao trí thức bình dân như vậy ở giới thuyết, song khi trình bày các cuộc khởi nghĩa vũ trang tiêu biểu dưới danh nghĩa Cần Vương (tr.103-104), GS.TS. Nguyễn Văn Khánh lại thấy “hầu hết những người lãnh đạo khởi nghĩa đều xuất thân trong các gia đình quan lại, đều đỗ đạt, có phẩm hàm nhất định trước khi tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp” (tr.104). Trong số các sĩ phu yêu nước tiến bộ trong phong trào dân tộc đầu thế kỉ XX, các trí thức bình dân như Phan Bội Châu, Đặng Văn Bá, Lê Văn Huân, Lương Văn Can, Nguyễn Quyền, Dương Bá Trạc, Hoàng Tăng Bí,... (tr.110-113) chưa hẳn đã tỏa sáng hơn các trí thức quan phương như Phó bảng Phan Châu Trinh, Tiến sĩ Trần Quý Cáp, Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (tr.113).
Về giáo dục thời phong kiến, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh trình bày các loại trường Nho học, nội dung dạy và học, khoa cử, không nêu ưu điểm (tr.61-64) mà viết nhiều hạn chế của nền giáo dục này (tr.65-66). Xin lưu ý, năm 1960, khi gặp một số cán bộ dạy văn các trường đại học, Bộ trưởng Tạ Quang Bửu nhắc nhở: “Giáo dục là vấn đề khoa học, trong tư tưởng, tổ chức, nội dung giảng dạy. Phải lấy quan điểm Mác - Lênin làm tư tưởng chỉ đạo”. GS. Bùi Văn Nguyên phát biểu: “Thưa Bộ trưởng, khi Các Mác còn là con tinh trùng, chúng ta đã có nền giáo dục tốt”. Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cười, gật đầu và bảo: “Nói đúng” [8, tr.223-224]. Năm 2000, khi trả lời phỏng vấn, sau khi nói về truyền thống tôn sư trọng đạo, GS. Hoàng Như Mai phát biểu: “Những truyền thống khác trong nền giáo dục của cha ông ta cũng chưa được lưu tâm đúng mức. Theo tôi, giáo dục thời phong kiến không phải tầm thường và chương trình giáo dục trong thời Pháp và Mỹ chiếm đóng cũng có những điều khả thủ. Dù muốn dù không, tất cả cũng đã trở thành một bộ phận trong đời sống tinh thần của dân tộc. Chúng ta cần hiểu rõ để tạo nên bản lĩnh dân tộc, để không phải đi lên bằng con số không” [25, tr.320].
Về giáo dục thời Pháp thuộc, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh trình bày hệ thống, chi tiết. Bên cạnh những cái mới mà Đại học Đông Dương đem đến, tác giả cũng cho thấy “các khóa học của Trường Cao đẳng Khoa học không hoàn toàn đầy đủ” (tr.97), “nếu tính đến năm 1938 thì số sinh viên tốt nghiệp cả nước mới có 400 người tốt nghiệp đại học, một con số quá khiêm tốn so với dân số 25 triệu người” (tr.99). Ông cũng đánh giá rất đúng rằng: “Mặc dù nền giáo dục đại học Pháp ở Việt Nam thời Pháp thuộc có mục đích ban đầu là muốn tạo ra một tầng lớp trí thức trung lưu chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp và phương Tây, nhưng các sinh viên và trí thức Việt Nam đã coi được học tập ở trường đại học là cơ hội tốt để đổi mới mình và thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa dân tộc. Tuy số lượng trí thức Việt Nam được đào tạo từ trường đại học Pháp không lớn, song phần lớn đều giàu lòng yêu nước, có tinh thần dân tộc sâu sắc” (tr.100). Ngoài ra, theo chúng tôi, nên lưu ý thêm rằng, lúc đầu chính quyền thực dân không muốn phát triển đại học ở Việt Nam. Toàn quyền Đông Dương Paul Beau (nhiệm kì 1902-1907) đã nói việc cung cấp những kiến thức đại học cho người bản xứ “là một hành vi điên rồ, ngu xuẩn, vì dân Việt Nam được học hỏi nhiều sẽ khôn ngoan hơn, sẽ ý thức được quyền lợi của mình, sẽ tìm cách đuổi người Pháp ra khỏi Đông Dương” [26, tr.88]. Vì vậy, người kế tiếp viên toàn quyền Paul Beau là toàn quyền Antoine Klobukowski đã quyết định đóng cửa hệ thống trường đại học mới được mở. Mười năm sau, việc mở cửa lại các trường cao đẳng thuộc hệ đại học của Đông Dương vào ngày 28/12/1918 xuất phát bởi hai lí do. Một là, người Pháp nhận ra rằng mục đích muốn biến Đông Dương trở thành thành lũy cho Pháp, là động lực kinh tế của Pháp sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất “không thể hiện thực hóa được bằng cách áp bức không đem lại hi vọng đối với một dân tộc 20 triệu tâm hồn, với chỉ 20.000 người được thừa nhận quốc tịch”[29, tr.204-205]. Hai là, “nước Pháp phải chịu ơn các nước thuộc địa vì đã giúp đỡ mình chiến thắng Đức” [29, tr.205]. Bước vào đầu thập kỉ 30, với lí do kinh tế khủng hoảng, ngân sách khó khăn, chính quyền Pháp lại đóng cửa hàng loạt trường cao đẳng, chỉ có trường Luật, trường Y và trường Mĩ thuật được tiếp tục hoạt động. Mãi đến năm 1938, hệ thống đại học Đông Dương mới được triển khai lần thứ ba [26, tr.88]. Chính quyền Pháp phân biệt đối xử: Việc giảng dạy lí thuyết được giới hạn, các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam vận hành chủ yếu giống như các trường nghề chứ không như các đại học ở chính quốc [29, tr.209]; tháng 1 năm 1936, họ mới ra sắc lệnh sửa đổi bộ luật năm 1892 nhằm cho phép người dân của toàn nước Pháp chính quốc và các nước thuộc địa được quyền học để lấy bằng tiến sĩ quốc gia (docteur d’Êtat) [18, tr.184]; cho đến năm 1939, các bác sĩ người Việt vẫn bị đối xử bất công [18, tr.184].
Về thành tựu giáo dục ở miền Bắc thời gian 1954-1975, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh mới cho thấy sự tăng trưởng không ngừng về số lượng học sinh, sinh viên, đội ngũ giáo viên, số lượng các trường đại học, trường trung học chuyên nghiệp (tr.215-216). Chúng tôi đồng ý với nhà quản lí giáo dục Lê Văn Giạng khi ông cho rằng, trong thời gian vừa nêu, giáo dục ở miền Bắc có những ưu điểm sau: hệ thống trường lớp, cơ cấu tương đối hoàn chỉnh, quy mô rộng lớn có những trọng điểm chất lượng cao, tích lũy được kinh nghiệm nhiều mặt, có hệ thống quan điểm tư tưởng giáo dục hiện đại. Bên cạnh đó, vấn đề mối quan hệ giữa phát triển quy mô, tức phát triển số lượng với chất lượng, với khả năng đầu tư để đảm bảo chất lượng vẫn là một vấn đề gây băn khoăn lo lắng cho nhiều người quan tâm tới sự nghiệp phát triển giáo dục ở nước ta [9, tr.188]. Ngoài ra, trong thời bao cấp, định mức tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm cung cấp của nhà nước đối với công nhân cao hơn đối với trí thức; trong giáo giới, định mức này đối với giáo viên dạy thể dục lại cao hơn các giáo viên dạy các môn khác. Vì vậy, đã ra đời câu tục ngữ mới: “Dạy toán, học văn, ăn thể dục”6. Như vậy, các chủ trương, chính sách của nhà nước đối với trí thức trong thời gian 1954-1975 (tr.198-205) còn có chỗ chưa thỏa đáng.
Phần chuyên luận có những thông tin không chính xác dưới đây:
Tr.71, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh xếp Ô châu cận lục của Dương Văn An vào thế kỉ XVIII. Đây là thông tin không chính xác. Theo Dương Văn An thì sách này xuất phát từ hai bài ghi chép về phủ Tân Bình và phủ Triệu Phong của hai nho sinh đồng hương với soạn giả. Năm 1553, Dương Văn An gặp hai bản thảo này liền khảo cứu thêm trong sử sách và vận dụng những điều tai nghe, mắt thấy, đặt tên mới là Ô châu cận lục. Công trình nhuận sắc của Dương Văn An hoàn thành vào năm 1555. Như vậy xếp Ô châu cận lục vào thế kỉ XVI mới đúng [1, tr.5].
Cũng tại tr. 71, GS. TS. Nguyễn Văn Khánh viết: “Trong lĩnh vực nghệ thuật, từ thời Lý, Trần, Lê âm nhạc cung đình bắt đầu phát triển, với các tên tuổi Trần Cương Trung (đời Trần, thế kỉ XIII); Lương Đăng, Thân Nhân Trung; Lương Thế Vinh (thời Lê, thế kỉ XV)...”. Tác giả xếp Trần Cương Trung vào danh sách trí thức dân tộc là không đúng. Trần Cương Trung tức Trần Phu (1240-1303), sứ giả nhà Nguyên khi sang Đại Việt đã ghi lại trong Sứ giao tập những cảnh sinh hoạt, ca múa nhạc từng được chứng kiến trong cung dưới thời vua Trần Nhân Tông. Sau khi đi sứ ở nước ta trở về, Trần Cương Trung đã viết trong bài “Sứ hoàn cảm sự” (Cảm tưởng sau khi đi sứ trở về) những ấn tượng sâu đậm và cảm giác hoảng sợ trước những điều mắt thấy tai nghe tại đất nước Đại Việt, trong đó có âm thanh trống đồng [22].
Tr.158, GS. TS. Nguyễn Văn Khánh cho rằng Lê Ta, Thế Lữ là hai cây bút “nổi tiếng tài năng” là không chính xác. Trước đó, ở tr.149, tác giả đã viết Lê Ta là một bút danh khác của nhà thơ Thế Lữ (tên thật là Nguyễn Thứ Lễ).
Tr. 191, tác giả viết không chính xác về Lương Định Của. Các thành tựu của ông như tạo giống lúa “Nông nghiệp 1, dưa không hạt, cà chua và khoai lang,... thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển” thuộc về thời kì kháng chiến chống Mĩ cứu nước (1954 - 1975), không phải thuộc về thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) như GS.TS. Nguyễn Văn Khánh đã viết.
Tr. 301, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh xếp Trương Vĩnh Ký vào thời gian đầu thế kỉ XX là không chính xác bởi người trí thức này sinh năm 1837 và mất năm 1898 [10, tr.1865], [15, tr.641].
*
* *
Ở phần biên soạn, chủ yếu trên cơ sở tập hợp các tài liệu đã công bố trong một số tác phẩm về các nhân vật lịch sử, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh tiến hành lựa chọn tổng hợp, biên tập và sắp xếp lại theo chủ đề trên ba lĩnh vực hoạt động nổi bật: A. Quân sự - chính trị - ngoại giao; B. Khoa học - giáo dục - kĩ thuật; C. Văn học - nghệ thuật (tr.23). Tác giả cũng nói rõ là ngay cả trong mỗi lĩnh vực, sự lựa chọn và cách sắp xếp cũng chỉ có ý nghĩa tương đối. Bởi vì có trí thức sau khi được đào tạo, có trình độ cao trong một lĩnh vực khoa học hay nghệ thuật nào đó lại lựa chọn con đường làm chính trị hoặc hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Có trí thức lúc đầu hoạt động chính trị rồi sau lại chuyển sang làm công tác nghiên cứu hay đi làm thầy thuốc, hoặc lui về ở ẩn với nghề dạy học. Lại có người lúc trẻ đi học, làm thơ nhưng sau lại chịu tác động của thời cuộc hay chính trường mà chuyển sang làm chính trị, trở thành trí thức “quan phương”, trực tiếp nắm giữ những vị trí chủ chốt trong bộ máy chính quyền. Đó là chưa kể có những trí thức toàn tài, lĩnh vực nào cũng giỏi, tài ba xuất chúng. Chúng tôi tán thành ý kiến này.
Trong việc sắp xếp, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh đã chính xác đối với trường hợp GS. Hoàng Như Mai, song lại không thỏa đáng đối với trường hợp GS. Đinh Gia Khánh. Tuy GS. Hoàng Như Mai viết kịch, làm thơ (đã công bố) và từng là diễn viên trên sân khấu kịch nói, nhưng sự nghiệp chủ yếu của ông thuộc về giáo dục. Ông dạy học từ trước năm 1945 cho đến cuối đời: dạy trung học, dạy đại học. Ông còn là tác giả của một số cuốn sách nghiên cứu về văn học Việt Nam hiện đại và cải lương. Như vậy, xếp ông vào lĩnh vực B. Khoa học - giáo dục - kĩ thuật như soạn giả đã làm là đúng. GS. Đinh Gia Khánh không có sáng tác văn chương được công bố, ông dạy học cùng GS. Hoàng Như Mai ở Khu học xá đóng tại Trung Quốc, ở Khoa Ngữ văn, Trường Đại học tổng hợp Hà Nội; là tác giả, chủ biên của nhiều công trình về văn học dân gian, văn học trung đại Việt Nam, về văn hóa dân gian và văn hóa Việt Nam. Việc xếp GS. Đinh Gia Khánh vào lĩnh vực C. Văn học - nghệ thuật là không chính xác.
Trong phần biên soạn thân thế sự nghiệp 219 trí thức Việt Nam, GS. TS. Nguyễn Văn Khánh đã dẫn 10 cuốn sách, trong đó có hai cuốn sách được trích dẫn nhiều nhất là Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng, Nguyễn Bá Thế, tái bản lần thứ tám có sửa chữa và bổ sung, Nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, năm 2006 (trích dẫn 41 lần); là Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam do Đinh Xuân Lâm, Trương Hữu Quýnh chủ biên, Nxb Giáo dục, Hà Nội, năm 2005 (trích dẫn 29 lần). Còn các cuốn sách khác, mỗi cuốn được trích dẫn một lần. Trong số 219 trí thức được giới thiệu, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh chỉ dẫn nguồn khi viết về 67 vị, những chỗ viết về 152 vị còn lại không ghi chú nguồn tài liệu.
Chính vì không dẫn nguồn, cho nên có trường hợp không biết GS.TS. Nguyễn Văn Khánh căn cứ vào đâu để dẫn đến những thông tin không chính xác dưới đây.
Tr. 394, khi liệt kê các tác phẩm của Cao Huy Đỉnh, Nguyễn Văn Khánh viết “Người anh hùng làng Gióng (1969)”. Viết như vậy là sai tên tác phẩm, không phản ánh đúng quan niệm học thuật của Cao Huy Đỉnh. Trong khi nhiều tác giả viết “làng Gióng”, “Thánh Gióng”, Cao Huy Đỉnh chủ trương viết “làng Dóng”, “ông Dóng”. Theo Cao Huy Đỉnh, có mối tương quan giữa dông (mưa bão), đùng (sấm sét), trống, dóng, Ông Đổng, Ông Đùng, Ông Dóng. “Phù Đổng có thể là trung tâm của bộ lạc thờ sấm sét, dông bão, Rồng (Mưa) thì đồng thời cũng là nơi thờ cả trống Sấm. (...), trống có quan hệ với sấm sét, dông bão ở trong lễ cầu mưa, có quan hệ với khí thế anh hùng của quần chúng và uy lực của thủ lĩnh trong lễ tục xuất trận của bộ lạc” [7, tr.343-344]. Có thể có người không đồng tình với Cao Huy Đỉnh, song về học thuật, tác giả này viết thế nào thì phải theo đúng như vậy, huống chi là tên sách của ông.
Tr.411, soạn giả viết không đúng rằng, nhà giáo Nguyễn Lân “được Nhà nước phong tặng Giáo sư đợt 1”. Trong cuốn Giáo sư Việt Nam, trong danh sách những người được phong Giáo sư đợt 1 vào năm 1980 không có tên nhà giáo Nguyễn Lân [11, tr.15-91]. Trước Cách mạng tháng Tám, hễ ai tốt nghiệp Trường Cao đẳng sư phạm, làm nghề dạy học đều được gọi là Giáo sư. Nhà giáo Nguyễn Lân là Giáo sư Trường Trung học Khải Định (Huế). Chức danh Giáo sư này khác với chức danh Giáo sư do Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau này là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng [6, tr.172-173]7.
Tr.418, tác giả viết về Hoàng Như Mai như sau: “Ông được phong Giáo sư năm 1982, Nhà giáo ưu tú năm 1990 và được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất”. Chính xác là, ông được phong Giáo sư năm 1984, được tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân năm 1990 [11, tr.144],[25, tr.218]8.
Tr.440, không biết căn cứ vào đâu mà soạn giả lại viết rằng: “Đầu thế kỉ XX, ở miền Bắc có câu phương ngôn lưu truyền: “Quỳnh, Vĩnh, Tốn, Tố”, nhằm chỉ Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố là bốn người không những giỏi tiếng Pháp vào bậc nhất mà còn tinh thông Hán học”. Họ giỏi tiếng Pháp vào bậc nhất thì đúng, nhưng trong số đó, Nguyễn Văn Vĩnh không hề tinh thông Hán học. Vì nghèo khổ, bố mẹ Nguyễn Văn Vĩnh phải bỏ làng quê ra Hà Nội kiếm sống, sinh ra ông tại 46 phố Hàng Giấy. Lên tám tuổi, Nguyễn Văn Vĩnh phải đi làm thằng nhỏ kéo quạt ở trường Thông ngôn của Pháp vừa mở ở đình Yên Phụ. Nhờ trí thông minh tuyệt vời của mình và lòng liên tài của viên hiệu trưởng người Pháp, năm 11 tuổi, ông được đặc cách nhận vào lớp học này và thời gian sau trở thành một trí thức Tây học [10, tr.1223-1224]. Không có tài liệu nào cho biết Nguyễn Văn Vĩnh tinh thông Hán học.
Tr.462, GS.TS. Nguyễn Văn Khánh viết Xuân Diệu “vốn quê xã Chảo Nha (nay là Đại Lộc), huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh”. Viết “Chảo Nha” là không chính xác. Từ điển văn học,bộ mới [10, tr.2101], Từ điển bách khoa Việt Nam tập 4 [15, tr.1055] đều viết Xuân Diệu quê ở làng Trảo Nha. Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giải thích “trảo nha”: “Móng chân và răng nanh, là cái khí cụ của cầm thú để cự địch - Đồ tự vệ - Kẻ vũ sĩ - Bè đảng” [2, tr.478].
Ngay cả khi GS.TS. Nguyễn Văn Khánh dẫn nguồn thì có lúc thông tin ông đem lại cũng không chính xác. Đó là trường hợp nhà trí thức Đặng Xuân Khu, tức Trường Chinh. Về chức vụ của vị này trong Đảng, Từ điển bách khoa Việt Nam tập 4 ghi đầy đủ và chính xác: Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương (5/1941). Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng (2/1951 – 10/1956 và 7/1986 – 12/1986) [15, tr.645]. Không hiểu sao GS.TS. Nguyễn Văn Khánh lại viết: “Tháng 7/1987, ông (tức Trường Chinh-NXK) được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam” (tr.336). Thực ra, thời điểm đó, người giữ chức vụ này là Nguyễn Văn Linh. Đó là trường hợp nhà giáo Bùi Kỷ (tr.410). Ông chỉ hiệu đính Tam quốc diễn nghĩa (còn gọi là Tam quốc chí, tên đầy đủ là Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa), chứ không “dịch và hiệu đính” như tác giả Nguyễn Văn Khánh viết. Từ điển văn học,bộ mới đã nói rõ Bùi Kỷ là người hiệu đính cho bản dịch Tam quốc diễn nghĩa, còn Phan Kế Bính mới là người dịch bộ sách này [10, tr.166, 1389].
Nếu chúng tôi được biên soạn phần thân thế, sự nghiệp của 219 vị trí thức, chúng tôi sẽ lập một danh sách tài liệu tham khảo, đánh số thứ tự, viết về ai, chúng tôi sẽ mở dấu móc vuông ghi rõ số tài liệu và số trang. Làm như vậy sẽ đảm bảo tính khoa học, có dẫn nguồn đầy đủ và cũng tiết kiệm về mặt trình bày và ấn loát. Khi biên soạn, trên cơ sở thông tin cho phép, chúng tôi sẽ chú ý đến sự tương xứng về số lượng câu chữ giữa các trường hợp tương đương, không để tình trạng số câu chữ dành cho trí thức Võ Nguyên Giáp nhiều gấp đôi số câu chữ dành cho trí thức Đặng Xuân Khu, thậm chí số câu chữ viết về nhà giáo Nguyễn Lân cũng nhiều hơn khi viết về người trí thức họ Đặng. Chúng tôi cũng sẽ cố gắng không để xảy ra tình trạng thiếu nhất quán, chẳng hạn giữa hai nhà khoa học cùng thế hệ, cùng ngành, người được nêu tên năm cuốn sách (tr.423-424), người không được nhắc tên cuốn nào (tr.385).
Phần biên soạn thiếu nhiều thông tin về các công trình, tác phẩm của các nhà khoa học, văn nghệ sĩ. Khi viết về GS.TS. Nguyễn Văn Huyên, GS.TS. Nguyễn Tài Cẩn, tác giả không nhắc tên công trình, cuốn sách của họ, mặc dù họ được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ. Khi tác giả viết về GS. Đinh Gia Khánh, trong số các công trình chính của ông, thiếu hẳn Trên đường tìm hiểu văn hóa dân gian (1989), Văn hóa dân gian Việt Nam trong bối cảnh văn hóa Đông Nam Á (1993), Văn hóa dân gian Việt Nam với sự phát triển của xã hội Việt Nam (1995). Ba công trình này cùng với bộ sách Văn học dân gian, hai tập (1972-1973) do ông chủ biên, viết cùng Chu Xuân Diên đã được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học và công nghệ, đợt 1. Khi viết về nhà văn Nguyễn Huy Tưởng, tác giả không nhắc đến các tác phẩm Đêm hội Long Trì, An Tư công chúa, Vũ Như Tô, trong đó vở kịch Vũ Như Tô là tác phẩm quan trọng nhất của Nguyễn Huy Tưởng trong thời gian trước năm 1945. Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước là sự đánh giá cống hiến của nhà khoa học và văn nghệ sĩ. Theo chúng tôi biết, các nhà khoa học Nguyễn Văn Huyên, Hoàng Xuân Hãn, các nhà văn Ngô Tất Tố, Nam Cao, nhà phê bình Hoài Thanh đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; sách Từ điển tiếng Việt do GS. Hoàng Phê chủ biên đã được tặng Giải thưởng Nhà nước. Rất tiếc, trong phần biên soạn không có những thông tin này. Do thiếu thông tin quan trọng, cho nên một số gương mặt trí thức tiêu biểu thiếu sức thuyết phục. Thí dụ, như trường hợp luật gia Vũ Văn Hiền (tr.401-402). Nếu soạn giả bổ sung thông tin sau thì trường hợp này sẽ có sức thuyết phục hơn: Đầu năm 1954, tại Hà Nội, một nhóm trí thức đứng đầu là Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Đặng Văn Chung, Vũ Văn Hiền, Trần Văn Lai đã viết bản kiến nghị đòi chính quyền Pháp chấm dứt chiến tranh, thương lượng với Việt Minh. Bản kiến nghị đã lấy được hơn một trăm chữ kí của các nhân sĩ và trí thức có tên tuổi. Sau đó, bác sĩ Đặng Văn Chung sang Pháp, gửi đăng tại mấy tờ báo lớn gây tiếng vang rất mạnh từ ngoài nước, và dội lại Việt Nam [26, tr.454].
Về diễn đạt, tiểu sử Cao Huy Đỉnh được trình bày lộn xộn, khó hiểu (tr.394). Đối chiếu với tiểu sử của nhà khoa học này được ghi trong: Cao Huy Đỉnh (2003), Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, người đọc sẽ thấy rõ điều này [7, tr.7]. Trong khoảng một trang viết về nhạc sĩ Văn Cao (tr.454-455), tên bảy bản nhạc bị trùng lặp. Tác giả viết về Nguyễn Trãi như sau: “Sau khi khởi nghĩa Lam Sơn thắng lợi, ông thay mặt vua Lê Lợi thảo Bình Ngô đại cáo có giá trị như bản Tuyên ngôn độc lập” (tr.369). Viết như vậy có thể làm cho một số người đọc hiểu không đúng về quan hệ vua tôi thời phong kiến. Trong trường hợp này, nên diễn đạt là “ông vâng lệnh vua Lê Lợi thảo…”, hoặc: “vua Lê Lợi sai ông thảo...”.
Trong cuốn sách còn khá nhiều thông tin, chi tiết khác cần bàn. Do dung lượng bài viết có hạn, chúng tôi xin hẹn một dịp khác.
Cũng xin nói thêm, tất cả các ảnh ở phụ lục ảnh đều không dẫn nguồn. Bức ảnh gồm 11 văn nghệ sĩ mà hàng trước, từ trái sang là Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Nguyên Hồng, Nam Cao được Nguyễn Văn Khánh chú thích là “Những thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc, năm 1945”. Trong cuốn sách 70 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, bức ảnh được chú thích tên từng người và ghi ảnh chụp năm 1949 tại Việt Bắc, nguồn ảnh là tư liệu Bảo tàng Cách mạng Việt Nam[20, tr.8]. Chúng ta biết Hội Văn hóa Cứu quốc là tổ chức văn nghệ cách mạng đầu tiên ở Việt Nam thành lập tháng 4 năm 1943 tại Hà Nội. Sau hơn 5 năm hoạt động, đến tháng 7 năm 1948, Hội Văn hóa Cứu quốc được thay thế bằng Hội Văn nghệ Việt Nam [28, tr.650]. Như vậy, đối với bức ảnh đang bàn mà chú thích là “Những thành viên Hội Văn hóa Cứu quốc, năm 1945” là hoàn toàn không chính xác; nên chú thích là “Một số thành viên Hội Văn nghệ Việt Nam, Việt Bắc, 1949”.
*
* *
Chúng tôi hiểu rằng để viết được một cuốn sách dày dặn, gồm cả phần chuyên khảo và phần biên soạn như GS. TS. Nguyễn Văn Khánh đã dành nhiều chục năm để tâm nghiên cứu không phải là một công việc đơn giản, dễ dàng. Viết bài này, chúng tôi mong muốn trong lần tái bản, cuốn sách sẽ hoàn thiện hơn, xứng đáng hơn với công sức của tác giả, với sự tin tưởng của người đọc, trong đó có các học viên cao học và nghiên cứu sinh học tập môn Trí thức Việt Nam trong lịch sử./.
N.X.K
Chú thích
[1]Khi trích dẫn Trí thức Việt Nam trong tiến trình lịch sử dân tộc, chúng tôi mở ngoặc đơn ghi số trang ở phần chính văn.
2Xin cảm ơn TS. Phạm Văn Hưng về tư liệu này.
3Cuốn sách do GS. Đinh Gia Khánh chủ biên xuất bản lần đầu, chia làm hai tập, 1978-1979.
4 Cuốn sách này tập hợp các bài viết của cùng tác giả, trong đó bài viết “Folklore Việt Nam: trữ lượng và viễn cảnh” đăng lần đầu trên Tạp chí Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, Hà Nội, năm 1990, số 5.
5 Nguyễn Minh Tường giải thích: “Hồi tị” nguyên nghĩa là tránh đi, hoặc né tránh. Chế độ hồi tị đã có từ lâu ở Trung Quốc. Thời Minh Mệnh, chế độ hồi tị không phải được áp dụng tuyệt đối trong mọi trường hợp, tức là có ngoại lệ [30, tr.225, 227].
6 Câu này nói về những cái sướng của ngành giáo dục thời đó: Dạy toán thì nhàn hơn dạy các môn khác vì sau khi ra bài tập cho học trò làm, giáo viên có thời gian nghỉ ngơi; giờ học văn được học trò thích bởi chủ yếu nghe giáo viên giảng, phân tích bài thơ hay, áng văn đẹp; giáo viên dạy môn thể dục được mua cung cấp lương thực, thực phẩm nhiều hơn tiêu chuẩn của các giáo viên dạy những môn khác.
7 Trần Gia Linh đã không chính xác khi viết rằng nhà giáo Nguyễn Lân được phong học hàm Giáo sư đợt 1 (1980) [21, tr.1898].
8 Trong sách Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai với đồng nghiệp và môn sinh, một số tác giả không chính xác khi viết nhà giáo Hoàng Như Mai được phong Giáo sư năm 1982 [25, tr.306-310].
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Văn An (2001), Ô châu cận lục, Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc hiệu đính, dịch chú, Nxb Thuận Hóa, Huế.
2. Đào Duy Anh (1957), Hán Việt từ điển, tái bản, Nxb Trường Thi, Sài Gòn, quyển hạ.
3. Huỳnh Công Bá (2012), Cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thuận Hóa, Huế.
4. Phan Huy Chú (1992), Lịch triều hiến chương loại chí, tập 1, bản dịch của Viện Sử học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
5. Đoàn Trung Còn dịch (2006), Tứ thư, Nxb Thuận Hóa, Huế.
6. Hoàng Tuấn Công (2017), Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân phê bình và khảo cứu, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
7. Cao Huy Đỉnh (2003), Tác phẩm được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
8. Hà Minh Đức (2014), Tài năng và danh phận, bút kí, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
9. Lê Văn Giạng (2003), Lịch sử giản lược hơn 1000 năm nền giáo dục Việt Nam, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội
10. Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên (2004), Từ điển văn học, bộ mới, Nxb Thế giới, Hà Nội.
11. Hội đồng Chức danh Giáo sư nhà nước (2004), Giáo sư Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
12. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (1995), Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 1, Trung tâm biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam xb, Hà Nội.
13. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2002), Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 2, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
14. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2003), Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 3, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
15. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển bách khoa Việt Nam (2005), Từ điển bách khoa Việt Nam, tập 4, Nxb Từ điển bách khoa, Hà Nội.
16. Đinh Gia Khánh, Chu Xuân Diên (1973), Văn học dân gian, tập 2, Nxb Đại học và trung học chuyên nghiệp, Hà Nội.
17. Đinh Gia Khánh chủ biên (2002), Văn học Việt Nam (thế kỉ X - nửa đầu thế kỉ XVIII), tái bản lần thứ sáu, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
18. Laurence Monnais (2018), “Hành nghề Tây y”, trong Hoai Hương Aubert -Nguyen và Michel Espagne chủ biên, Việt Nam một lịch sử chuyển giao văn hóa, Phạm Văn Quang chủ trì dịch và giới thiếu, Nxb Đại học sư phạm, Hà Nội.
19. Ngô Sĩ Liên và các sử thần nhà Lê (2012), Đại Việt sử kí toàn thư, tập 2, Hoàng Văn Lâu dịch và chú thích, Hà Văn Tấn hiệu đính; tái bản, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
20. Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (2018), 70 năm Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam,Nxb Mĩ thuật, Hà Nội.
21. Trần Gia Linh (2004), “Từ Ngọc”, trong Từ điển văn học bộ mới do Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên, sđd.
22. Nguyễn Thụy Loan (2014), chương “Âm nhạc”, trong Lịch sử văn hóa Việt Nam thời kì văn hóa truyền thống trong quốc gia Đại Việt, công trình tập thể của Viện Nghiên cứu văn hóa, đã nghiệm thu, chưa xuất bản.
23. Tống Văn Lợi (2018), “Về nhân vật Nguyễn Ánh - Gia Long”, trong cuốn sách nhiều tác giả, Mấy vấn đề sử học Việt Nam cần làm sáng tỏ, Nxb Hồng Đức và Tạp chí Xưa & Nay xuất bản, Hà Nội.
24. Nhiều soạn giả, dịch giả, Trương Chính giới thiệu (1978), Thơ chữ Hán Nguyễn Du, in lần thứ hai, Nxb Văn học, Hà Nội.
25. Nhiều tác giả (2014), Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Hoàng Như Mai với đồng nghiệp và môn sinh, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
26. Đặng Phong (2002), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945-2000, tập 1: 1945-1954, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
27. Dương Kinh Quốc (2005), Chính quyền thuộc địa ở Việt Nam trước Cách mạng tháng Tám 1945, tái bản lần thứ nhất, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
28. Trần Hữu Tá (2004), “Hội Văn hóa cứu quốc”, trong Đỗ Đức Hiểu, Nguyễn Huệ Chi, Phùng Văn Tửu, Trần Hữu Tá chủ biên (2004), sđd.
29. Hoàng Văn Tuấn (2018), “Viện Đại học Đông Dương và công trình văn hóa của Pháp ở Việt Nam”, trong Hoai Hương Aubert – Nguyen và Michel Espagne chủ biên, sđd.
30. Nguyễn Minh Tường (1996), Cải cách hành chính dưới triều Minh Mệnh, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
31. Trần Quốc Vượng (2000), Văn hóa Việt Nam tìm tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Nghệ An đạt nhiều giải thưởng tại Cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc toàn quốc
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Thống kê truy cập
114512173
2110
2389
2110
219046
121356
114512173