Diễn đàn
Đằng sau những nghi ngút khói hương…
Hàng ngàn người dự lễ dâng sao giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội) ngày 08 thang Giêng, Kỷ Hợi
Nguồn: Internet
Mấy năm trở lại đây, mỗi dịp sau Tết, dẫu liên tục được nghe, đọc, chứng kiến rất nhiều hình ảnh người chen lấn, xô đẩy cướp lộc; xếp hàng dài viết sớ, làm lễ đầu năm tại các chùa, đền nhưng năm nay tôi vẫn không khỏi giật mình khi xem bức ảnh cả biển người cầu an, giải hạn tại chùa Phúc Khánh (Hà Nội). Trên địa bàn Nghệ An, hàng nghìn người cũng đổ về các chùa như Đại Tuệ (Nam Đàn), Cổ Am (Diễn Châu), Đức Hậu (TP. Vinh),… xin chữ, cầu an. Điều lạ là, dù năm nào cũng được nói đến nhưng hiện tượng này không có dấu hiệu giảm đi mà dường như ngày một phổ biến hơn. Mỗi lần chứng kiến dòng người chăm chăm nhìn vào hư vô, miệng lẩm nhẩm điều gì đó trong nghi ngút khói hương, tôi lại không khỏi đặt câu hỏi: Vì sao?
Mê tín là hiện tượng tâm lý không chỉ có ở người Việt mà xuất hiện hầu hết mọi nơi trên thế giới. Người ta vẫn truyền nhau những điều kiêng kỵ, điềm báo may rủi; thậm chí ở nhiều nước phương Tây còn có “hội chứng sợ số 13”. Bởi vậy nhiều nước không đánh số nhà số 13; người Mỹ thì từ nhà, đường, đến xe bus đều không dùng số 13… Điều đó dường như chứng minh rằng mê tín là một đặc điểm tâm lý luôn tiềm tàng trong mỗi cá nhân. Phải chăng nó bắt nguồn từ nỗi sợ hãi của tiền nhân, nỗi sợ hãi khi thân phận con người quá nhỏ bé giữa vũ trụ đầy bí hiểm thuở sơ khai. Bởi sợ hãi mà trông chờ vào thần linh và những đấng tối cao giúp đỡ. Cùng với sự phát triển của lịch sử, con người dần làm chủ cuộc sống, tiến tới hiện đại song có những nỗi ám ảnh hình như không mất đi. Các điều kiêng kỵ trên hầu hết đều gắn với một nguyên do nào đó trong lịch sử, trong truyền thuyết hay giáo lý và có thể lý giải. Trong khi đó, tại Việt Nam, mê tín ăn sâu vào đời sống, chi phối gần như mọi hoạt động và lắm khi không thể lý giải nguyên cớ vì đâu. Cầu cúng, bói toán, xem phong thủy, xem ngày giờ đẹp,v.v… có vô vàn hoạt động diễn ra quanh năm. Gần như việc gì người ta cũng cần nhờ đến thế lực siêu nhiên “giúp đỡ”. Thậm chí, họ sẵn sàng sì sụp khấn vái một con vật nào đó chợt xuất hiện và được đồn đoán là thánh thần hiển linh hay làm theo lời thầy khắp nơi, không xác định được đức tin của mình đặt ở đâu, không cần biết đó là thánh thần nào. Đáng nói hơn, mê tín không chỉ xuất hiện ở những tầng lớp kém hiểu biết, vô công rồi nghề mà còn lan đến các công sở, trường học, ở những bộ phận có kiến thức và được giáo dục bài bản. Một bộ phận không nhỏ những người không theo tôn giáo nào thường có biểu hiện mê tín, mù quáng cao hơn bởi dường như họ không xác định được niềm tin của mình; họ cậy nhờ vào tất cả các thế lực mà bản thân cũng chưa hiểu rõ. Nếu cố gắng nhìn một cách tích cực thì việc ngày càng nhiều người đến những địa điểm tâm linh sẽ khiến người ta trở nên thiện lành hơn. Nếu không, thì ít nhiều việc sợ quả báo, sợ thánh thần cũng khiến người ta hạn chế làm điều ác. Tuy nhiên, thực tế lại đang cho thấy xã hội vẫn đầy rẫy bạo lực, tệ nạn; từ cướp của giết người một cách tàn nhẫn, đánh ghen điên cuồng, cưỡng hiếp trẻ em, đến tham ô, bòn rút của công,v.v…
Chỉ một con cá chép bị chích điện không chết, cứ nổi lên, chìm xuống ở một đoạn kênh
trong dịp Tết Mậu Tuất 2018 mà hàng trăm người dân xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, NA
rồng rắn đến xem. Có người còn bày hương, hoa xì xụp khấn vái. Nguồn: Internet
Sự biến tướng của các phong tục tốt đẹp và những hệ lụy của nó có lẽ không cần phải bàn thêm. Vấn đề quan trọng cần đặt ra là làm sao để thay đổi, để chấn chỉnh? Muốn thay đổi thiết nghĩ phải nhìn sâu vào căn nguyên của nó và lý giải đến nơi đến chốn thì mới mong tìm ra giải pháp. Nên chăng phải xem đây là một hiện tượng cần được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi trong đó chứa đựng rất nhiều vấn đề tồn tại của xã hội. Hay nói cách khác đó là những ung nhọt phát tác của một cơ thể đang mang bệnh lý mà nếu không kịp thời quan sát, kiểm tra, khám chữa thì vô cùng nguy hiểm.
Trở lại với câu hỏi tại sao? Tại sao lại có hiện tượng đầy nghịch lý ấy? Thiết nghĩ, không có điều gì vô cớ cả. Khi người ta đổ xô đi giải hạn, cầu cúng; khi người ta mù quáng gửi niềm tin của mình vào những điều không thưc, có lẽ là lúc con người ta cảm thấy chới với, sợ hãi, bất an và mất niềm tin nhất vào cuộc sống thực tại. Thế nhưng vì đâu lại bất an? Vì đâu lại mất niềm tin? lại là câu hỏi không dễ trả lời. Trong một đất nước hòa bình, ổn định như chúng ta thì câu hỏi ấy lại khó hơn gấp vạn lần. Chúng ta có thể dễ dàng phỏng đoán một vài nguyên nhân dẫn đến sự mất niềm tin và bất an như: Thứ nhất, thời đại toàn cầu hóa với vô vàn thông tin; vô vàn xu hướng tác động lên đời sống mà không một quốc gia nào có thể đứng ngoài cuộc dường như khiến mọi thứ trở nên khó nắm bắt, khó đoán định và mong manh hơn. Thứ hai, thực trạng xã hội với nhiều vấn nạn tồn đọng lâu năm chưa được giải quyết như tình trạng tham nhũng, hối lộ, chạy chức chạy quyền; tình trạng thất nghiệp của người trẻ;… khiến người dân dần mất đi niềm tin. Thứ ba, biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt gây nên nhiều thiên tai kinh hoàng trên khắp thế giới khiến người ta cảm thấy thân phận con người ngày càng nhỏ bé và mong manh trước vũ trụ. Thứ tư, tai nạn và nhiều nguy cơ khác như thực phẩm bẩn, hàng giả, bệnh tật,… hàng ngày đe dọa cuộc sống bình an của người dân,… Tuy nhiên, đó chỉ là nhìn nhận của cá nhân người viết. Thiết nghĩ, cần có những điều tra xã hội học cần thiết để lý giải cho hiện tượng tâm lý xã hội này một cách nghiêm túc.
Bên cạnh sự bất an và mất niềm tin, việc nhân dân trở nên mê tín, cuồng tín, có những biểu hiện lệch lạc trong nhận thức một phần cũng bởi sự thiếu hiểu biết về tôn giáo, tín ngưỡng; sự sai lệch trong truyền bá, quản lý mà trách nhiệm để xảy ra tình trạng này không chỉ của riêng ngành Văn hóa mà còn của nhiều ban, ngành khác.
Sự tha hóa, xuống cấp đạo đức trong xã hội; thói quen vụ lợi, lòng tham cũng là một nguyên nhân chi phối khiên người ta đang trần tục hóa những nghi lễ tâm linh; biến mọi chùa, đền, trở thành nơi để cầu mong giàu sang, phú quý, thỏa mãn những ham muốn danh lợi của bản thân. Bởi không ngừng mong cầu những điều vượt ngoài khả năng của bản thân nên người ta chỉ có cách duy nhất là tìm đến xin thánh thần.
Với thực trạng mê tín lan đến các cơ quan công sở thì cần giải thích ra sao? Họ thiếu kiến thức về tôn giáo, tín ngưỡng? Có lẽ một phần. Không quá khi nói rằng phần lớn người dân Việt không nắm rõ kiến thức tôn giáo, tín ngưỡng nên rất dễ có những biểu hiện cực đoan, lệch lạc. Ngoài ra, phải chăng nạn con ông cháu cha, bổ nhiệm “nhầm” những người không đủ năng lực vào các vị trí cũng là một nguyên nhân? Sự bất an, cảm giác bất tài khi đảm nhiệm vị trí quá sức; khát khao quyền lực vượt xa năng lực khiến người ta phải tìm kiếm, trông chờ vào thế lực siêu nhiên ngoài những cái “ô” rất to của mình?
Bên cạnh đó, thực trạng này còn bởi một bộ phận đã lợi dụng vào tâm linh để kinh doanh, trục lợi. Họ thêu dệt các câu chuyện để lừa gạt những người cả tin và rồi từ đó lan truyền những nhận thức sai lệch. Người dân thì cứ thế bị dẫn dụ theo tâm lý đám đông, người này nối tiếp người kia chạy theo cúng bái, giải hạn,...
Thật xa xót khi phải thừa nhận rằng đây là thời đại mà những thầy giáo, thầy thuốc ngày càng trở nên “mất giá” còn thầy bói, thầy cúng lại lên ngôi. Dù đã nhiều lần cố lý giải, dù ít nhiều đưa ra cho mình được một vài nhận định về cái thực trạng xã hội đổ xô vào cầu cúng, phong thủy,… một cách mù quáng ấy nhưng rút cục câu hỏi tại sao vẫn luôn hiện lên trong tôi. Đó là một hiện tượng khó lý giải và dường như mọi lập luận hiện có đều chưa thực sự thỏa đáng. Bởi thế, hy vọng những nhà nghiên cứu sẽ tập trung khảo sát, tìm hiểu một cách bài bản, nghiêm túc về những gì đang xảy ra để có một câu trả lời xác đáng. Từ đó, chúng ta sẽ tìm được hướng đi cho vấn đề nan giải này và biết đâu, còn cho cả nhiều vấn nạn khác trong xã hội hiện nay.
tin tức liên quan
Videos
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Người Amish ở Mỹ
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512181
2118
2389
2118
219054
121356
114512181