Diễn đàn

Thèm nghe tiếng chuông chùa một thuở

Khi gõ cái tựa đề này, bất chợt tôi lại nhớ đến câu thơ cũ:

Thuyền ai đậu bến Cô Tô

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San

(Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền)

Tiếng chuông chùa trong bài thơ “Phong Kiều Dạ Bạc” ấy của Trương Kế, hơn ngàn năm vẫn vọng giữa lòng người.

Đấy là tiếng chuông chùa trong thơ cổ điển Trung Hoa.

Còn đây, gần trăm năm trước, “tiếng chuông u uyên lan rộng/Văng vẳng đưa... vang tới cõi lòng...” của một thi nhân trong dòng thơ lãng mạn Việt Nam vừa mới cách tân, hiện đại:

Sương lam gieo nỗi buồn mênh mông trên đồng vắng,
Nắng chiều xuân rung rinh trong cảnh trời yên lặng.
Bỗng thong thả rơi một tiếng chuông chùa,
Ở chân trời hay trong cõi hư vô?
                                                   (Thế Lữ, Tiếng chuông chùa)

Có lẽ đây là những sự hòa hợp hiếm hoi giữa đời và thơ. Nếu không có một phong cảnh đầy ấn tượng, chạm vào lòng thi sĩ thì làm sao lưu lại được cho hậu thế hình ảnh ngàn thu: “Thuyền ai đậu bến Cô Tô/Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San” hay “thong thả rơi một tiếng chuông chùa/Ở chân trời hay trong cõi hư vô?”.

Cảnh ấy chỉ có trong sự bình yên, tĩnh lặng, nơi con người và thiên nhiên hòa quyện vào nhau.

Đó cũng chính là môi trường tồn tại của những ngôi chùa, vật thể kiến trúc tôn giáo gắn bó với con người từ ngàn đời nay.

Những ngôi chùa thuở ấy bé nhỏ, rêu phong, thâm nghiêm, bình dị, nép mình dưới bóng cây cổ thụ, nơi bìa làng hay giữa đồng không mông quạnh.

Tiếng chuông chùa cất lên, ngân giữa thu không tĩnh lặng; vọng vào tâm tưởng con người một cảm giác nhẹ nhàng, thanh tịnh, thanh lọc tâm hồn như vừa được uống cốc nước mát.

Bây giờ chùa to, chuông lớn.

Những ngôi chùa đồ sộ, cấu trúc lai căng, lòe loẹt, phá vỡ không gian tĩnh lặng. Người đi chùa (không phải là lên chùa) như trẩy hội. Khói hương nghi ngút, cỗ bàn chất ngất, tiền bạc vung vãi, nhét đầy cả tay Phật.

Những chiếc chuông đồ sộ được cung tiến bởi ai đó, lại còn khắc cả oai danh lên mặt chuông như để lưu cùng hậu thế. Tiếng chuông ấy mỗi lần cất lên chát chúa, khiến con trẻ giật mình, chọc vào tai chúng sinh như muốn chứng tỏ cho thiên hạ thấy, tiền là tất cả. Bất chợt lại nhớ câu ngạn ngữ thời “a còng”: “Tiền là Tiên là Phật,…”

Bây giờ, sư tăng hóa doanh nhân. Đã buồn chuyện chùa Ba Vàng rầm rộ “thỉnh vong báo oán” móc túi hàng vạn người nhẹ dạ cả tin suốt mấy năm nay vừa mới bị phanh phui, cơn giận của dư luận chưa kịp lắng xuống thì lại hay tin, cái công ty TNHH Ba Vàng nào đó ở Quảng Nam rầm rộ động thổ dự án xây chùa ngàn tỷ. Đại đức Thích Trúc Thái Minh - lại là vị đại sư trụ trì chùa Ba Vàng - là người đứng ra nhận tiền tỷ của các nhà hảo tâm ủng hộ xây chùa. Sau cái lễ khai trương hoành tráng, chủ đầu tư - nghe nói cùng họ cùng quê với vị đại đức đáng kính - lặng lẽ rút êm, dự án ngàn tỷ mãi mãi chỉ là bãi đất hoang.

Càng ngẫm càng xót xa buồn!

Đâu rồi sự thiện căn, thiện lương? Đâu rồi sự bình yên, tĩnh lặng? Ai người ra sức cứu nhân độ thế, để con người thoát khỏi tham - sân - si mà sống đời tử tế (chứ không phải ráng làm người tử tế)?

Ôi danh lợi! Ôi tiền tài! Chốn thiền không thoát bụi trần ai!

Còn đâu tiếng chuông chùa ngân lên mỗi sáng, mỗi chiều tĩnh mịch, vọng vào lòng người hóa Phật ở trong tâm?

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512179

Hôm nay

2116

Hôm qua

2389

Tuần này

2116

Tháng này

219052

Tháng qua

121356

Tất cả

114512179