Diễn đàn
Bảo tàng: Đừng để là những “không gian chết”!
Trong chuyến thăm Tây Nguyên vừa qua, tôi có dịp đến với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk (tại thành phố Buôn Ma Thuột). Đến đây, tôi thực sự bất ngờ trước lượng khách tham quan bảo tàng. Hình ảnh ấy hiếm khi, nói đúng hơn là gần như tôi không được thấy tại các bảo tàng của tỉnh Nghệ An. Tại sao lại có sự khác biệt ấy? Sau khi xem, tìm hiểu về trưng bày và những hoạt động nơi đây, tôi nghĩ phần nào mình đã có câu trả lời.
Từ trường hợp Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk
Theo số liệu của Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk, trong dịp lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ VII vừa qua (09-16/3/2019), nơi đây đã đón tiếp khoảng 20.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Dịp Tết Nguyên đán 2019, Bảo tàng cũng đón hơn 1.650 lượt khách. Lượng khách đón tiếp trung bình mỗi năm lên đến hàng trăm nghìn lượt. Trong tình hình chung hiện nay, các bạn có quyền nghi ngờ về những con số báo cáo nhưng nếu đã từng một lần đến đây hẳn sẽ có cơ sở để chúng ta tin phần nào. Khi lên các trang mạng tìm hiểu những điểm đến không thể bỏ qua ở Đắk Lắk, bạn sẽ thấy bảo tàng tỉnh luôn là gợi ý hàng đầu. Không phải bởi Đắk Lắk hay thành phố Buôn Ma Thuột có quá ít điểm đến mà ngược lại dù nơi đây có rất nhiều địa chỉ du lịch hấp dẫn thì Bảo tàng vẫn là điểm không thể bỏ qua. Vậy vì đâu nó lại có sức hấp dẫn đến vậy?
Bảo tàng tỉnh Đăk Lăk với khẩu hiệu cách tiếp cận mới, công chúng mới
Có lẽ sức hút trước hết nằm ở khuôn viên, kiến trúc và không gian trưng bày độc đáo của nó. Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk được khởi công xây dựng vào năm 2008 và khánh thành năm 2011, trong một khuôn viên rợp bóng cây xanh với lối kiến trúc độc đáo. Công trình được thiết kế dựa trên hình ảnh nhà dài của người Êđê, kết hợp phong cách truyền thống và hiện đại. Điều đó đã tạo nên sức hấp dẫn đối với giới trẻ, kể cả những ai vốn không hứng thú đi bảo tàng bởi nó sẽ giúp họ có những khuôn hình đẹp làm kỷ niệm. Không chỉ kiến trúc và khuôn viên bên ngoài, không gian bên trong và cách trưng bày các hiện vật cũng mang những dấu ấn độc đáo. Bảo tàng có 3 không gian trưng bày được thể hiện với 3 màu sắc chủ đạo: Đa dạng sinh học - màu xanh lá cây; Văn hóa dân tộc - Màu nâu đỏ; Lịch sử - màu xanh da trời. Cùng với đó là cách bố trí ánh sáng, hiện vật khiến người xem như được bước đi trong một Tây Nguyên thu nhỏ. Nơi đó có sự hùng vĩ của thiên nhiên với bạt ngàn sắc xanh và màu đất đỏ bazan, có chiều dài lịch sử thâm trầm, oai hùng và một nét văn hóa không thể trộn lẫn. Mỗi gian trưng bày được thiết kế một phong cách riêng. Nếu không gian Lịch sử được thiết kế theo chiều dọc, giúp người xem như được đi cùng chiều dài lịch sử nơi đây thì ở không gian Văn hóa dân tộc lại được thiết kế theo từng mảng, khối ấn tượng như chính sự đa dạng, độc đáo trong nét văn hóa của người dân bản địa cũng như nhập cư mang lại. Các hiện vật được trưng bày theo phương pháp tiên tiến với 4 ngôn ngữ được sử dụng là tiếng Việt, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Êđê.
Du khách trải nghiệm thử làm cô gái Ê đê
Điểm hấp dẫn thứ hai của Bảo tàng đó là luôn có nhiều hoạt động cho du khách trải nghiệm thay vì chỉ tham quan đơn thuần. Những năm gần đây, Bảo tàng liên tục tổ chức giáo dục trải nghiệm cho học sinh như giao lưu với các nhân chứng lịch sử, giao lưu với các nghệ nhân và tìm hiểu về nhạc cụ, âm nhạc Êđê; Tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề thủ công truyền thống như dệt vải,đan lát; chơi các trò chơi dân gian,…; tổ chức triển lãm ảnh; không gian giao lưu văn hóa ba miền,… Các hoạt động này đã kéo cộng đồng đến gần với bảo tàng hơn, tránh sự nhàm chán, đơn điệu trong hoạt động.
Bên cạnh đó, một trong những điểm thành công của Bảo tàng Đắk Lắk là công tác truyền thông. Phòng truyền thông đã làm tốt việc đưa hình ảnh Bảo tàng đến với đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Ngoài việc thường xuyên cập nhật hình ảnh, tin tức trên website chính, Bảo tàng có trang Facebook cũng như có các hoạt động để mọi người biết đến Bảo tàng nhiều hơn. Đó là lí do mà trên các trang web du lịch, Bảo tàng luôn được gợi ý là một điểm đến không thể bỏ qua.
Đến câu chuyện của bảo tàng tại Nghệ An và sự cần thiết thay đổi tư duy trong hoạt động bảo tàng
Tất nhiên, Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk vẫn còn có những hạn chế và cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa để hoạt động thực sự hiệu quả nhưng những thành công đạt được cho đến nay rất đáng để Nghệ An học tập. Bao lâu nay, câu chuyện bảo tàng ở Nghệ An luôn là vấn đề nan giải khi tại thành phố Vinh có đến 2 bảo tàng gần như vắng bóng du khách. Bảo tàng Nghệ An đến nay vẫn chưa hoàn thiện để trưng bày, mở cửa đón khách; các hiện vật vẫn nằm dài trong kho chờ đợi. Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh thì lượng khách chủ yếu vẫn là các đoàn làm việc, các cơ quan, ban, ngành, trường học trên địa bàn, rất hiếm du khách đến tham quan. Khi lên mạng tìm kiếm các điểm đến ở thành phố Vinh, chúng ta cũng không thấy bóng dáng của các bảo tàng.
Có thể nói ba điểm thành công của bảo tàng Đắk Lắk kể trên cũng chính là ba điểm cơ bản mà Nghệ An chưa thực hiện được. Thứ nhất, về kiến trúc, cả hai bảo tàng đều không có kiến trúc gì nổi bật. Các tòa nhà được xây dựng cơ bản như những cơ quan, công sở khác và bên trong không gian trưng bày rất đơn giản, chưa chú tâm đến việc tạo hiệu ứng, hình khối, ánh sáng…. Về các hoạt động, mặc dù Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh cũng có những chương trình tọa đàm, giao lưu hay tổ chức trưng bày lưu động song mật độ hoạt động thưa thớt, chưa đa dạng. Hoạt động của các bảo tàng tại Nghệ An hiện nay chủ yếu mang tính chất tuyên truyền, cổ động, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của tỉnh hơn là hướng đến phục vụ khách tham quan. Chính bởi vậy nên hoạt động truyền thông giới thiệu, quảng bá đến với công chúng chưa hiệu quả. Nói cách khác, chúng ta đang làm bảo tàng với lối tư duy cũ.
Từ cách làm của tỉnh Đắk Lắk cũng như một số bảo tàng khác trong nước và thế giới, có thể thấy đã đến lúc phải thay đổi tư duy, cách làm bảo tàng. Trước đây, nhiều người vẫn quan niệm bảo tàng là một không gian “chết”; nghĩa là một nơi mà ở đó chúng ta chỉ được thấy những gì thuộc về quá khứ, lịch sử, những thứ đã không còn cơ hội tồn tại đến hôm nay. Đó là lí do khiến một bộ phận không nhỏ cảm thấy buồn hay nhàm chán khi đến bảo tàng. Các bảo tàng tại Nghệ An hiện đang là điểm đến như thế. Tuy nhiên, những suy nghĩ đó giờ đã không còn phù hợp. Bảo tàng hiện nay không chỉ là nơi trưng bày những hiện vật của quá khứ mà còn là một không gian của hiện tại. Đó có thể là một không gian trưng bày nghệ thuật đương đại; đời sống đương đại của địa phương đó hay nhiều địa phương khác; thậm chí còn có thể là nơi mà ở đó chúng ta thấy được sự giao lưu của nhiều vùng miền, nhiều quốc gia, nền văn hóa khác nhau. Ngoài trưng bày triển lãm, nhiều bảo tàng hiện nay luôn có các hoạt động trải nghiệm cho du khách để tạo sức hấp dẫn, sống động.
Bảo tàng phải là một không gian văn hóa thực thụ có tác động đến cộng đồng, nhất là đến văn hóa, thẩm mỹ của công chúng. Nó không thể chỉ được xây lên như một thiết chế văn hóa bắt buộc phải có về mặt hình thức, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị đơn thuần mà phải tồn tại như một chủ thể độc lập với nhiều hoạt động sáng tạo có giá trị, hướng đến cộng đồng. Điều đó đồng nghĩa với việc khi xây dựng, lên phương án trưng bày bảo tàng cũng như thiết kế các chương trình hoạt động, chúng ta phải đặt câu hỏi: Bảo tàng phục vụ ai? Ai sẽ là đối tượng tham quan chính? Họ sẽ làm gì ở bảo tàng? Điều gì khiến họ hấp dẫn, thích thú? Bảo tàng sẽ mang đến cho họ cảm xúc gì?.v..v… Nghĩa là phải có tư duy hướng đến cộng đồng, phục vụ du khách tham quan. Chỉ khi làm được điều đó chúng ta mới tạo được sức hấp dẫn với du khách, tạo mối dây gắn kết với cộng đồng để bảo tàng không còn là những không gian khô cứng, lạ lẫm. Đặc biệt, với người Nghệ nói riêng, người Việt nói chung, khi phần lớn người dân chưa có thói quen đi bảo tàng, chưa có niềm đam mê khám phá các đặc điểm văn hóa - lịch sử thông qua những hiện vật được trưng bày thì các hoạt động trải nghiệm thú vị càng có vai trò quan trọng trong việc thu hút họ đến với bảo tàng. Bên cạnh đó, khi người địa phương chưa mặn mà với bảo tàng thì cần quan tâm đến các du khách, đặc biệt là khách quốc tế. Muốn hướng đến khách quốc tế, hệ thống bảo tàng tại Nghệ An cần bổ sung các chú thích, chỉ dân và thuyết minh tiếng Anh. Đặc biệt, công tác truyền thông, liên kết với các đơn vị du lịch, lữ hành cũng hết sức quan trọng để quảng bá bảo tàng đến với rộng rãi công chúng.
Nhìn dòng người đến tham quan bảo tàng, trải nghiệm những hoạt động văn hóa thú vị tại Đắk Lắk, tôi không khỏi chạnh lòng khi nghĩ về bảo tàng ở Nghệ An. Những bảo tàng nơi đây đang thực sự là không gian “chết” và gần như xa lạ với người dân cũng như du khách. Muốn cho các không gian này thực sự sống và hoạt động đúng chức năng của nó thì không còn cách nào khác là thay đổi tư duy và cách làm bảo tàng, đồng thời đầu tư nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho đội ngũ làm công tác này. Tôi nghĩ, với một mảnh đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa và nhiều nhân tài như Nghệ An, nếu tiếp cận đúng hướng chúng ta hoàn toàn có thể thành công. Điều quan trọng là chúng ta có chịu nhìn ra bên ngoài để thay đổi tư duy hay không mà thôi.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512159
296
2389
296
219032
121356
114512159