Văn hoá học đường

Tiến sĩ Trần Đình Phong với nền giáo dục khoa bảng Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX

TS Trần Đình Phong (1843-1909)  Ảnh tư liệu 

Vài nét về tiểu sử

Trần Đình Phong (1843-1909), tên húy là Khang, hiệu Mã Sơn, tự Hương Thúc, cải Úy Khanh, người ở xã Yên Mã, nay là xã Mã Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông sinh ra trong một gia đình yêu nước, hiếu học, là con trai thứ ba của cụ Trần Đình Kiều và bà Nguyễn Thị Bình. Thuở nhỏ còn có tên là Bằng, sớm thể hiện là cậu bé thông minh và là người có ý chí nghị lực. Ông hai lần thi đậu Tú tài (Tú Kép),đậu Cử nhân năm 1878, đậu Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Kỷ Mão - Tự Đức 32 (1879). Làm quan: Hàn lâm sơ thụ phụ trách Biên tu lịch lý ở Kinh đô,Tri phủ Kiến An, kiêm lý cà huyện Bình Giang (Hải Dương). Năm 1885, mẹ mất, ông xin về chịu tang, rồi mở trường dạy học. Nhờ tiếng tăm và đức độ của ông, nhiều gia đình vọng tộc ở xa cũng gửi con em đến học. Ông say sưa giảng dạy, không những động viên, giúp đỡ,  mà còn không nhận ở học trò bất cứ khoản đóng góp tiền bạc nào. Năm 1891, ông được gọi bổ chức Tri phủ Thọ Xuân, rồi Đốc học Quảng Ngãi, Đốc học Quảng Nam, thăng Tế tửu Quốc tử giám, kiêm Biên tu Sử quán. Ôngcáo quan về nhà,khi mất được tặng Lễ bộ Thị lang.

TS Trần Đình Phong có 2 bà vợ, 15 người con. Ông đã lấy tôn chỉ Tiên học lễ, hậu học văn để dạy cho con cháu theo tư tưởng Nho gia, nhất là coi trọng đạo nghĩa cương thường trong dòng tộc, cũng như trong xã hội. Con cháu của ông đều thành danh qua thi cử và có tinh thần yêu nước, thương nòi, có nhiều công lao trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước.Và dù làm việc ở cương vị nào, ở xa hay gần, con cháu ông đều luôn có hiếu với ông bà, cha mẹ, đều hướng về cội nguồn tổ tiên, dòng họ, đều làm nhiều việc thiện đối với đồng bào, xã hội.

Trần Đình Phong với nền giáo dục khoa bảng nước nhà cuối TK XIX, đầu TK XX

Trần Đình Phong được thừa hưởng phong cách sống và đức hạnh của cha mẹ nên thành đạt nhất trong gia đình. Ông là người hào hoa, thích cuộc sống khoáng đạt, thường chán cảnh quan trường đương thời, nên khi có cớ là xin cáo quan về nhà mở trường dạy học. Tư tưởng đó như đôi câu đối treo tại nhà ông:  

                           書劍家聲宜且大

                            豪華英易繼希隆

               Thư kiếm gia thanh nghi thả đại;

               Hào hoa anh dị kế hy long.

               Tạm dịch:

               Tiếng nhà thư kiếm ưa khoáng đạt;

               Đức tốt hào hoa nối dồi dào.

TS Trần Đình Phong được các Sĩ phu và Nho sinh đương thời tôn vinh là Danh sĩ, nhà Giáo dục, nên tục gọi là Đốc học Mã Sơn. Ông đã nối tiếp theo tiên tổ từng hiến đất xây dựng Văn chỉ của làng, xã, từng tổ chức các hoạt động cúng lễ tôn vinh đạo Nho, từng mở các buổi sinh hoạt bình văn tại Văn chỉ xã cũng như ở Văn thánh huyện để bồi dưỡng cho Nho sinh những kiến thức thiết thực trong thi cử, để đào tạo nhân tài cho khoa bảng. Ôngđã đóng góp rất nhiều công sức cho sự nghiệp giáo dục nước nhà, góp phần đào tạo được các nhà khoa bảng tài năng và hết lòng phụng sự cho đất nước. Khi làm quan ở các địa phương, hay ở triều đình, ông đều tỏ rõ quan điểm, tư tưởng về giáo dục, đào tạo nhân tài là quốc sách. Do đó, triều đình đặc biệt thấy được năng lực của ông trong sự nghiệp này mà thường cử ông đảm trách các chức quan về/liên quan đến giáo dục như Giám khảo thi Hương, thi Hội, Đốc học, Thị giảng… mà lớn nhất là Tế tửu Quốc Tử giám.     

            Khi được cử làm Tri phủ Thọ Xuân, Thanh Hóa, Trần Đình Phong vừa lo việc ổn định đời sống nhân dân, phát triển sản xuất, chống tham nhũng ... vừa phải chăm lo cho công việc giáo dục các thế hệ trẻ Nho sinh để đào tạo ra các nhân tài cho đất nước. Ông cũng đã tự tổ chức lớp kèm cặp một số môn sinh ở ngay trong công đường. Điều này được thể hiện trên tấm bia đá do môn sinh khắc tặng thầy, có câu: Trong thôn xóm đâu đâu cũng vang lên tiếng học bài của trẻ nhỏ.

Năm Giáp Ngọ (1894), ông được thăng làm Thị giảng học sĩ Quang lộc tự thiếu khanh, rồi được bổ làm Đốc học Quảng Ngãi, Quảng Nam. Trong thời gian được cử làm Đốc học hai tỉnh này (1898-1905), ông đã có hai đóng góp quan trọng trong lĩnh vực văn học và giáo dục cho cả khu vực Trung Bộ và đất nước. Công việc hợp với sở nguyện của mình, nên ông phấn khởi, mẫn cán chăm lo ngay việc chỉnh đốn lại trường ốc, sắp đặt lại đội ngũ Giáo thụ, Huấn đạo và yêu cầu họ thực thi tốt công việc của mình. Ông cũng tự mở một lớp và trực tiếp kèm cặp, bồi dưỡng kiến thức cho những sinh đồ trước khi đi thi. Ông còn tổ chức những buổi giảng văn, luận bình thơ, phú … đã thu hút nhiều Nho sinh, nhà khoa bảng ở cả kinh đô Huế và các tỉnh lân cận đến tham dự. Trường Đốc của tỉnh Quảng Nam đặt tại làng Thanh Chiêm, tổng An Nhơn, huyện Diên Phước, nay thuộc xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, vốn dưới thời chúa Nguyễn là nơi đóng dinh trấn.

Ông đã góp công đào tạo cho đất nước một thế hệ nho sĩ, trí thức có năng lực, phẩm hạnh và yêu nước. Học trò của ông nhiều người rất thành đạt, có người làm đến chức Thượng thư hoặc giữ các chức vụ tương đương; có người là các yếu nhân, sĩ phu lãnh đạo cả một phong trào yêu nước, chống thực dân xâm lược và triều đình bù nhìn, tay sai, như Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947), Phó bảng Phan Châu Trinh (1872-1936), Tiến sĩ Trần Quý Cáp (1870-1908), Tiến sĩ Ngô Đức Kế (1878-1929), Phó bảng Nguyễn Đình Hiến (1872-1947)... Tiêu biểu trong số học trò của ông có 5 người đều đỗ đại khoa trong một khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1898) và được vua Thành Thái tặng một tấm biển có khắc 4 chữ: 五鳳齊飛- đọc làNgũ Phụng tề phi(5 con chim Phượng cùng cất cánh bay một hàng), gồm các Tiến sĩ:Phạm Liệu (1872-1936), Phan Quang (1873-1939), Phạm Tuấn (1852-1917) và hai Phó bảng là Dương Hiền Tiến (1866-1907), Ngô Chuân (1873-1899). Khi viết về sự kiện này qua nhân vật Dương Hiền Tiến trong sách Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế (HCM, Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2006.- Tr. 128) có ghi:

            … Ông là học sinh trường Đốc Quảng cùng thọ giáo với Đốc học Mã Sơn và đồng môn, đồng khoa với các Tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang… Trong khoa thi năm Mậu Tuất (1898), tỉnh Quảng Nam có một vinh dự chung là trong kỳ Hội thí tỉnh Quảng Nam có đến 5 vị trúng cách, gồm: Tiến sĩ Phạm Liệu, Phan Quang, Phạm Tuấn và hai Phó bảng là Ngô Chuân và ông.

            Vua Thành Thái hân hoan tặng các sĩ tử trúng cách một tấm biển "Ngũ Phụng tề phi" (năm con Phụng cùng bay). Kể từ đó việc xưng tụng học trò Quảng Nam học giỏi vang vọng toàn quốc là một niềm khích lệ lớn đối với học sinh toàn quốc và Quảng Nam nói riêng.

            Tổng đốc Quảng Nam Đào Tấn và Đốc học Trần Đình Phong cho là một vinh hạnh lớn cho Quảng Nam, bèn lấy tích xưa ban cho 5 tân khoa và cho thợ thêu 5 con chim Phụng trên một tấm thục, 3 con thế sải cánh (3 Tiến sĩ) và 2 con xếp cánh (2 Phó bảng) để treo tại dinh Tổng đốc trong lễ Vinh qui của 5 đại khoa.

Vùng đất xứ Quảng nổi tiếng có nhiều người học giỏi, lại càng thêm nức tiếng sau khi Tiến sĩ Trần Đình Phong đến làm Đốc học và trực tiếp bồi dưỡng cho các sĩ tử đi thi, đậu cao trong khoa bảng. Ông cũng đã truyền vào lớp Sĩ phu, Nho sinh ưu tú xứ Quảng tinh thần yêu nước và tư tưởng chống thực dân cùng triều đình bù nhìn thuộc Pháp mà tầng lớp Sĩ phu, Văn Thân xứ Nghệ đã nối tiếp nổi lên rất mãnh liệt. Các Sĩ phu xứ Quảng cũng đã nối tiếp tinh thần, tư tưởng đó trong công cuộc chống Pháp và Duy Tân đất nước, mà điển hình nhất là Phó bảng Phan Châu Trinh và Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng, v.v… Mối giao thoa giữa hai vùng văn hóa xứ Nghệ - xứ Quảng là nguồn cảm hứng để ông sáng tác ra bài Quảng Nam tỉnh phú ca ngợi cảnh đẹp non nước địa linh nhân kiệt và tinh hoa văn hóa, nhân vật nổi tiếng.

Năm Canh Tý (1900), triều vua Thành Thái cử ông làm Phó Chủ khảo kỳ thi Hương tại Thanh Hóa. Ông đã đề nghị triều đình cử Cử nhân Nguyễn Sinh Sắc, người Kim Liên, Nam Đàn tham gia vào ban sơ khảo. Về sau, Nguyễn Sinh Sắc dự thi Hội (1901), bài thi dù đạt điểm nhưng bị người chấm loại. Rất may, lúc đó Trần Đình Phong giữ chức duyệt quyển thi thí sinh (cùng với chủ ý cho đọc lại bài một số thí sinh của Tổng tài Quốc sử quán - Chánh Chủ khảo Cao Xuân Dục) nên đã can thiệp kịp thời xét đặc cách cho vào thi Đình và ông Sắc đã đậu Phó bảng. Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc có thêm nhiều cơ hội tiếp xúc với các Sĩ phu có tư tưởng chống thực dân Pháp, để từ đó định hướng đi đúng đắn cho con trai Nguyễn Tất Thành trong hành trình đi tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi ách đô hộ, mở ra một kỷ nguyên mới làm rạng rỡ non sông đất nước - Thời đại Hồ Chí Minh.

Năm 1905, Tiến sĩ Trần Đình Phong được thăng làm Tế tửu Quốc Tử Giám (như Hiệu trưởng trường Đại học cao nhất và duy nhất của nước Đại Nam) và được phong Quang lộc tự khanh. Ông đã chấn chỉnh lại đội ngũ Tư nghiệp kết hợp với việc biên soạn lại giáo trình, cải cách lối học và từ năm 1906 đưa vào các môn học mới như Cách trí, Toán pháp... Các học trò hàng đầu của ông ở xứ Quảng đã thấm nhuần tư tưởng cách tân, đổi mới việc học, đã đi tiên phong trong phong trào Duy Tân, đã lập Hội và các trường học theo lối học mới thực tế, bỏ lối học cũ lỗi thời. Năm 1906, Phan Châu Trinh ở Nhật về, ra Hà Nội cùng các đồng chí lập trường Đông Kinh nghĩa thục theo chủ ý đã dự định, khi họ mật họp ở nhà Nguyễn Thành từ năm 1904 và trước nữa. Phạm vi hoạt động của phong trào Duy Tân lan ra khắp cả nước, có mở lớp học Quốc ngữ, chữ Pháp và các hoạt động hội thương, hội nông,v.v… và có tổ chức khá quy củ khá rõ ở các nghĩa thục Quảng Nam (1902-1908)… Về lí thuyết, phương pháp, cơ cấu tổ chức đều do Phan Châu Trinh, Trần Quí Cáp, Huỳnh Thúc Kháng… phụ trách. Việc áp dụng và sắp đặt thực hành được giao cho người địa phương ở mỗi xã, huyện quản lãnh. Kết quả công việc Duy Tân cũng rất khả quan, nhất là việc thực hành ở các trường ở Bình Thuận (Trường Dục Thanh, Phan Thiết) và Hà Nội (Đông Kinh nghĩa thục) đã khiến phong trào có một tiếng vang lớn, tạo một bước ngoặt quan trong trong lịch sử giáo dục nói riêng và sinh hoạt chính trị nói chung. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân và cũng là những yếu tố đích thực khiến chính phủ bảo hộ Pháp và Nam triều chuẩn bị cho việc hình thành "Học qui" và lập "Hội đồng cải lương Học vụ" năm 1906 và bộ "Học luật" ban hành ngày 21/12/1907. Ảnh hưởng của phong trào Duy Tân đã thúc bách chính quyền đương thời phải ban hành và áp dụng một nền giáo dục mới trên toàn cõi Bắc và Trung Kỳ.

Tiến sĩ Trần Đình Phong đã có công rất lớn trong xây dựng cơ sở cải cách giáo dục cho phù hợp với thời đại mới. Đến năm 1907, triều đình đã cho lập thêm một bộ mới là Bộ Học và giao cho An Xuân tử Cao Xuân Dục làm Thượng thư (Bộ trưởng), cũng nhằm để cho phù hợp với việc phải đào tạo một số lớn viên chức phục vụ cho nền hành chính công quyền trên toàn cõi Đông Dương.

Tháng giêng năm Kỷ Dậu (1909), Trần Đình Phong bị bạo bệnh mất ở Huế. Các môn sinh ở các nơi đều đổ về Huế để cùng đưa quan tài ông về chôn tại quê nhà. Họ đã làm đôi câu đối điếu có nội dung ví thầy Đốc học Phong như Hán Dũ và Đổng Trọng Thư.

                        祭酒翰公國史不寂寞矣

               博士董氏學者皆師尊之

   Tế tửu Hàn công quốc sử bất tịch mịch hĩ;

   Bác sĩ Đổng thị học giả giai sư tôn chi.

Tạm dịch:

Tế tửu như Hàn Công, danh ghi vào quốc sử;

Tài cao tựa Đổng Trọng, tôn gọi bậc sư thầy(1).

Hàng năm, cứ đến ngày giỗ là học trò ở các nơi lại họp nhau tại mộ thầy ở Yên Mã Sơn để dâng hương tưởng nhớ công lao và đức độ của thầy. Họ đã cùng nhau đóng góp tiền của để sửa sang lại nhà thờ, xây mộ và dựng bia cho thầy. Tiến sĩ Huỳnh Thúc Kháng đã được cử thay mặt cho các môn sinh biên soạn bài văn khắc lên bia đá ca ngợi công đức của thầy, trong đó có câu: Anh khí của đất Hồng Lam đã hun đúc nên Tiên sinh. Sử sách đời đời còn soi sáng.

Di thư của Tế tửu Quốc Tử Giám Trần Đình Phong gồm có: Trần tộc thế phả (Gia phả họ Trần Yên Mã); Quỳ Trạch đăng khoa lục (sách ghi chép về các nhà khoa bảng từ Sinh đồ - Tú tài, Hương cống - Cử nhân đến Tiến sĩ của tổng Quỳ Trạch); Thanh Khê xã chí (Ghi chép về địa chí, lịch sử, văn hóa… của xã Thanh Khê); Quảng Nam tỉnh phú (Bài phú ca ngợi non sông gấm vóc, lịch sử, văn hóa, nhân vật… của tỉnh Quảng Nam); Quốc triều chính biên toát yếu (Gồm 7 Q. Khái lược về lịch sử triều Nguyễn, từ thời các chúa Nguyễn. Soạn năm Mậu Thân - Duy Tân 2 (1908), Do Cao Xuân Dục làm Tổng tài; Đặng Văn Thụy, Lê Hoàn hiệu đình).

            ------------------

Tài liệu tham khảo:

- Cao Xuân Dục. Quốc triều Hương khoa lục.- H., Lao động, TT VHNN Đông Tây, 2011.

- Cao Xuân Dục. Quốc triều khoa bảng lục.-

- Khoa bảng Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình qua tài liệu Mộc bản triều Nguyễn/Cục Văn thư và lưu trữ Nhà nước - Trung tâm lưu trữ Quốc gia IV (Tr. 200, 205)

- Các nhà khoa bảng Việt Nam: 1075 - 1919/Ngô Đức Thọ CB.- H., Văn học, 1993.

- Ninh Viết Giao. Từ điển nhân vật xứ Nghệ.- NXB. Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2008.

- Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam/ (HCM, Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2006.- Tr. 128); Từ điển tác gia Việt Nam.- H., Văn hóa - TT, 1999.

- Nguyễn Q. Thắng. Khoa cử và Giáo dục Việt Nam.- H., VH-TT, 1994.

- Câu đối xứ Nghệ. T.1/Cảnh Nguyên, Nguyễn Thanh Hải, Đào Tam Tỉnh.- NA, 2005.

- Đào Tam Tỉnh. Khoa bảng Nghệ An (1075-1919).- Nghệ An, 2005.

- Hồng Sâm. Cao Xuân Dục nhà văn hóa lớn thời cận đại.- Nghệ An, 2009.

- Nguyễn Phước Tương. Tiến sĩ Trần Đình Phong trên đất Quảng Nam.- Thông tin khoa học Công nghệ Nghệ An. Số 5 - 2006.

- Hải Nguyễn. Tiểu vùng văn hóa xứ Quảng.- H., Thông tin và truyền thông, 2013.

- Trực tiếp điền dã tại nhà thờ Họ Trần và Trần Đình Phong xã Mã Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Chú thích:

1. Tế tửu Quốc Tử Giám (Trần Đình Phong) được ví như Hàn Dũ không lặng lẽ khi được ghi vào quốc sử (Hàn Dũ, thi sĩ, tự Thối Chi, người đời Đường, sinh năm 768 - mất 823. Lúc 21 tuổi đỗ Tiến sĩ, làm quan Giám sát Ngự sử, Sử quán tu soạn, Hình bộ Thị lang. Bị vua Đường giáng chức do bài xích đạo Phật)/Học thức cao rộng tựa như ông Đổng Trọng Thư được các học giả tôn gọi bằng thấy (Đổng Trọng Thư, người Quảng Xuyên, đời Hán. Tuổi trẻ chuyên học Xuân Thu. Đời vua Cảnh Đế làm Bác sĩ, buông rèm dạy học, ba năm không ngắm cảnh vườn. Học giả đương thời tôn là bậc thầy, là bậc đại Nho đời Hán).

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114517765

Hôm nay

280

Hôm qua

2332

Tuần này

21112

Tháng này

215704

Tháng qua

121009

Tất cả

114517765