Xứ Nghệ ngày nay

Dấu ấn từ cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”

Ông Hồ Mậu Thanh - Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở VH&TT trao giải cho các "Đại sứ văn hóa đọc"

Những câu chữ hồn nhiên nhưng không kém phần sâu sắc trong suy nghĩ… đó là điều tôi cảm nhận được khi lật giở từng trang viết của 24 “Đại sứ văn hóa đọc” đầu tiên của tỉnh nhà. Và tôi tin rằng, các em rồi đây sẽ là những hạt nhân giúp lan tỏa tình yêu sách đến với mọi người….

Cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” do Sở Văn hóa & Thể thao phối hợp với Sở Giáo dục & Đào tạo, Đài Phát thanh & Truyền hình Nghệ An tổ chức. Chỉ sau gần 1 tháng (từ 15/2-10/3/2019) phát động, cuộc thi đã thu được kết quả khá ấn tượng: Có 189.694 học sinh thuộc các trường TH, THCS, THPT trên địa bàn tỉnh tham gia. Ban tổ chức đã chọn được 618 bài dự thi (trong đó có 289 bài chia sẻ về một cuốn sách mà em yêu thích; 201 bài sáng tác một tác phẩm nhằm khích lệ mọi người đọc sách; 89 bài viết tiếp lời cho một câu chuyện mà em đã đọc; 39 bài dự thi song ngữ) vào chấm các vòng sơ khảo. Qua nhiều vòng chọn lọc, có 98 bài dự thi lọt vào vòng chung khảo. Tại vòng chung khảo, Ban Tổ chức đã chọn được 24 bài viết hay và đúng nội dung cuộc thi nhất để trao giải “Đại sứ văn hóa đọc” năm 2019. Theo đánh giá của ông Dương Duy Tiến, Giasm đốc Thư viện tỉnh - thành viên Ban Giám khảo cuộc thi: “Những bài thi đạt giải là những bài có sự đầu tư và sáng tạo, từ việc chia sẻ cảm nhận về tác phẩm, phân tích ý nghĩa của tác phẩm, hành văn, phát triển tác phẩm, xây dựng và đưa ra được biện pháp/kế hoạch khuyến khích đọc sách,…. Các em đã thể hiện niềm say mê thực sự đối với sách, trải lòng mình trong từng trang viết và dành trọn tâm huyết để thực hiện bài thi”.  

 Nhiều bài thi gây bất ngờ, bởi chính tài năng và tình yêu sách mà các em thể hiện. Đó là bài dự thi có đi kèm video minh họa của em Vương Trần Huệ Minh - Lớp 8D, Trường THCS Đặng Thai Mai (TP.Vinh). Với việc chia sẻ cảm tưởng khi đọc cuốn sách “Công chúa nhỏ” của nhà văn Frances Hoclgson Burnett, Huệ Minh đã bộc lộ được năng khiếu kể chuyện của mình với chất giọng cuốn hút, cách dẫn lời nhân vật đầy cảm xúc thu hút ban giám khảo về tính chuyên nghiệp. Bài dự thi của em Nguyễn Minh Khuê, Trường TH Quang Trung (TP.Vinh) lại phân tích những lợi ích của việc đọc sách để rồi từ đó kêu gọi các bạn hãy cùng đọc sách bằng những vần thơ hồn nhiên, trong trẻo do mình tự sáng tác: “Sách cho con cả bầu trời tri thức/Dạy cho con những bài toán, câu văn/…./Sách dạy con biết sống yêu thương/Chia sẻ với người khi tai ương vất vả/…Thắp lên ngọn lửa niềm tin, hi vọng/Đốt cháy đến cùng khát vọng đam mê/Đưa con vững vàng tiến về phía trước….”. Còn em Trịnh Hoài Thương, lớp 9B, Trường THCS Hà Huy Tập (TP.Vinh) đã thể hiện năng khiếu của mình dưới hình thức viết tiếp lời cho câu chuyện “Cô bé bán diêm”của nhà văn H.C. Andersen. Từ việc mở ra một kết thúc mới cho câu chuyện: Trong thời tiết lạnh cắt da cắt thịt…. em đã được hai vợ chồng bác sĩ già cứu sống và đưa về chăm sóc. Họ xem em như con gái ruột của mình. Còn bố của em, sau khi được hai vợ chồng bác sĩ già phân tích đã nhận ra lỗi lầm của mình và hứa từ nay sẽ chăm chỉ làm ăn, không còn rượu chè nữa…., Hoài Thương hy vọng rằng“sẽ không còn ai trong xã hội chúng ta phải chịu sự băng giá của lòng người”.

Không chỉ thể hiện đam mê sách bằng các bài viết tiếng Việt mà nhiều em còn thể hiện tài năng của mình thông qua các bài viết bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh như em Nguyễn Tuấn Minh - Lớp 5D, Trường TH Hưng Dũng 2 (TP.Vinh). Em đã sáng tác một tác phẩm nói về lòng trung thành “Loyalty”. Dù mới là học sinh lớp 5 nhưng em đã làm bài thi kèm theo những hình ảnh vẽ thủ công đầy sinh động, ấn tượng. Một cách nhẹ nhàng khi kể câu chuyện về lòng trung thành của chú chó Max và chú Mèo Jane đối với cậu chủ Jane, em đã truyền tải đến mọi người về sự trung thành của động vật cũng như nhắn nhủ mọi người hãy luôn thương yêu động vật. Ngoài ra, Tuấn Minh cũng nêu ý tưởng phát huy văn hóa đọc thông qua lời nhắn đến các nhà làm sách, nhà xuất bản rằng, “để thu hút các bạn đọc sách thì sách không chỉ hay, bổ ích về nội dung mà hình thức phải hấp dẫn, sinh động”. “Cuộc thi không chỉ tìm kiếm những đại sứ văn hóa đọc nhỏ tuổi, mà qua cuộc thi, chúng tôi - những người làm sách học hỏi rất nhiều. Các em không chỉ đưa ra những phương án khuyến khích các bạn và mọi người đọc sách mà còn hướng dẫn chúng tôi nên làm sách như thế nào, kết hợp làm clip tuyên truyền, làm ra sản phẩm không chỉ hay mà còn đẹp…”, bà Bùi Thi Ngoc, Giám đốc Nhà Xuất bản Nghê An cho biết.

Bài dự thi của một 'Đại sứ văn hóa đọc"

Một trong những thí sinh nhỏ tuổi dự thi là em Thái Thị Lam Giang, lớp 4A, Trường TH Thịnh Sơn (Đô Lương). Tuy còn ít tuổi nhưng em đã thể hiện suy nghĩ chững chạc thông qua việc giới thiệu cuốn sách mình tâm đắc “Gieo mầm tính cách ước mơ” (tác giả Hà Uyên biên soạn)) và đề xuất: xây dựng các tủ sách trong lớp học không chỉ phong phú về thể loại, nội dung mà còn phải trang trí sinh động, hấp dẫn, góp phần xây dựng thói quen đọc sách của các bạn trong nhà trường. Đặc biệt là giấc mơ nếu trở thành “Đại sứ văn hóa đọc” thì sẽ xây dựng thư viện cho các bạn nhỏ ở bản Long Quang - Tiền Phong (Quế Phong) của em Vi Tuệ Linh - lớp 6A, Trường THCS Nguyễn Trãi (Tân Kỳ). Bản Long Quang là quê hương của Tuệ Linh, em sống cùng bố mẹ ở Tân Kỳ nên chỉ được về quê chơi mỗi dịp nghỉ hè. Lần nào về quê em cũng đều đưa sách cũ của mình về cho các em nhỏ ở bản Long Quang. Chứng kiến sự háo hức và vui sướng của các em khi được cầm trên tay những cuốn sách, Tuệ Linh nuôi trong mình ý định sau này sẽ xây dựng thư viện sách cho bà con và các em ở đây. Bởi “chỉ có chăm đọc sách, hiểu biết nhiều kiến thức thì các em mới không bỏ học dở chừng, người dân có kiến thức mới biết làm giàu trên quê hương của mình”, Tuệ Linh chia sẻ. Đồng thời, với mong muốn lan tỏa tình yêu sách đến mọi người, Tuệ Linh đã đưa ra các giải pháp: Thứ nhất, nên xây dựng thêm nhiều tủ sách công cộng để ở đâu cũng thấy sách và lúc nào cũng có sách để đọc; Thứ hai, ở các giờ học địa lý, lịch sử, khoa học xã hội, thay vì chỉ học trong sách giáo khoa thì thầy, cô nên khuyến khích các bạn tìm thêm những cuốn sách liên quan đến bài học của mình, rồi mang đến lớp để chia sẻ cho nhau nhiều đầu sách hay; thứ 3, gia đình phải là nơi gieo mầm văn hóa đọc đầu tiên. Thay vì tặng cho con những món quà ngày sinh nhật, ngày tết đắt tiền thì bố mẹ, ông bà nên tặng quà bằng “sách”; thứ 4, thành lập câu lạc bộ “chăm đọc sách”, “quyên góp sách”, “tuyên truyền về sách”,…

Có thể thấy rằng, cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” là một cuộc thi rất ý nghĩa và bổ ích trong học đường. Cuộc thi đã giúp cho các em biết yêu mến, tích cực đọc sách và thấy được những giá trị hữu ích của sách để từ đó thay đổi cuộc sống của mình. Vậy nên, thiết nghĩ, các trường học trên địa bàn tỉnh nên thường xuyên tổ chức cuộc thi này theo từng chủ đề, hợp với lứa tuổi. Nếu làm được điều này, tin chắc rằng, về lâu dài, mỗi em học sinh sẽ là một “đại sứ văn hóa đọc” góp sức trong xây dựng văn hóa đọc cộng đồng.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528607

Hôm nay

2263

Hôm qua

2291

Tuần này

2880

Tháng này

215303

Tháng qua

0

Tất cả

114528607