Xứ Nghệ ngày nay
Những người gieo mầm văn hóa đọc
Các em nhỏ đọc sách tại Thư viện “Ngôi nhà trí tuệ”
Ở huyện Yên Thành, thư viện/tủ sách được xây dựng khá nhiều ở các thôn/xóm và hoạt động khá hiệu quả. Có được thành công này một phần lớn là nhờ những thủ thư làng luôn nhiệt tình, tâm huyết với việc gieo mầm văn hóa đọc cho người dân.
Là giáo viên mầm non của xã Hoa Thành, cô Trần Thị Hằng đã bỏ công xây dựng nên Thư viện mang tên “Ngôi nhà trí tuệ” tại Nhà Văn hóa xóm 3 và kiêm luôn thủ thư. Để có vốn sách cho thư viện, cô kêu gọi bà con trong xã, người góp tiền, người góp sách. Với số tiền quyên góp được 27 triệu đồng, cô mua 650 đầu sách. Nhà văn Phan Thế Hải, một người con của xóm tặng 50 đầu sách mới. Nhạc sỹ Đăng Hồng và các em sinh viên là con em trong xã quyên góp tặng hơn 300 đầu sách,… Vậy là thư viện có một vốn sách kha khá với hơn 1.000 đầu sách các loại: truyện thiếu nhi, sách văn học, sách tham khảo, sách về sức khỏe, khoa học kỹ thuật, kiến thức phụ nữ, kỹ năng sống, phong thủy,…. Có sách rồi, để thư viện luôn luôn có bạn đọc, cô Hằng đã liên hệ với Ban Giám hiệu các trường tiểu học, THCS tại địa phương, nhờ các giáo viên chủ nhiệm tuyên truyền tới các em học sinh về thư viện xóm; đồng thời, nhờ lãnh đạo xã tuyên truyền qua loa phát thanh tới các xóm về thư viện cũng như lịch mở cửa. Đầu tháng 9/2018, thư viện bắt đầu phục vụ bạn đọc. Vậy là, cứ chiều thứ 7 và ngày chủ nhật hàng tuần, cô Hằng dù bận rộn đến mấy cũng thu xếp công việc để có mặt tại thư viện xóm phục vụ mọi người. Số lượng bạn đọc thường xuyên tại thư viện giao động từ 30-40 người/buổi. “Thường thì chỉ các cháu học sinh trong ngoài xã đến đọc tại chỗ, còn người dân chủ yếu mượn về nhà đọc lúc rảnh rỗi”, cô Hằng cho biết. Gặp em Nguyễn Thị Quỳnh Anh ở xóm 6 đang đọc sách tại thư viện với một nhóm bạn, em cho hay, “Đến đây thấy vui và có nhiều cuốn sách hay mà ở thư viện trường không có nên chiều thứ 7, chủ nhật nào cháu cũng đến đây đọc sách”. Còn bác Phan Duy Mân (một người dân xóm 4) thì xởi lởi: “Tôi vẫn hay đến đây để mượn sách về nhà đọc. Từ ngày có thư viện này, đời sống ở đây vui vẻ, lành mạnh hơn. Các cháu thành thói quen cuối tuần đến nhà văn hóa đọc sách, người dân thì có sách để tìm hiểu các kiến thức về nông nghiệp, về sức khỏe, về nuôi dạy con, người già cũng có nơi giải khuây,.. Vậy nên, bà con ở đây ai cũng biết ơn cô Hằng lắm. Cô ấy vừa nhiệt tình, vừa có tâm huyết, sẵn sàng bỏ công việc phục vụ mọi người”.
Thư viện xóm Bắc Sơn 2 thu hút khá đông các em nhỏ tới đọc sách
Thư viện xóm Bắc Sơn 2, xã Bắc Thành vào mỗi chiều thứ 4 và chủ nhật hàng tuần cũng thu hút khá đông học sinh và người dân trong xóm đến đọc sách không chỉ bởi số lượng sách phong phú mà hơn hết ở đây có bác Nguyễn Văn Lạc, người thủ thư làng rất nhiệt huyết. Ban đầu chỉ là một tủ sách xóm với trên 300 cuốn, đến nay, đã phát triển thành “Thư viện xóm Bắc Sơn 2” với gần 3.000 cuốn với các thể loại truyện thiếu nhi, sách văn học, khoa học xã hội,…. Để có nguồn sách phong phú phục vụ bạn đọc, hằng năm, bác Lạc đều kêu gọi Hội đồng hương xóm Bắc Thành ở Hà Nội và Sài Gòn, Tủ sách Nhân ái,… ủng hộ/quyên góp sách. Chẳng hạn, từ đầu năm đến nay, bác đã bổ sung thêm 70 cuốn sách cho thư viện (trong đó, 30 cuốn do con em ở Hà Nội gửi về; 40 cuốn từ dự án Tủ sách Nhân ái của anh Nguyễn Anh Tuấn ủng hộ). Rồi chị Tuấn Hương ở Nha Trang chứng kiến sự nhiệt tình của bác Lạc đã ủng hộ 500 nghìn để bác mua thêm sách,…. Ngoài ra, mỗi dịp đầu năm mới, bác còn kêu gọi con em ủng hộ tiền mua thêm sách, sửa sang bàn ghế,… (Bình quân mỗi năm thư viện bổ sung thêm 100 đầu sách các loại). Và như bác nói thì “không biết nhiều người cứ bảo thời buổi công nghệ thông tin làm giảm số lượng bạn đọc đến thư viện nhưng riêng ở đây, từ ngày thành lập đến nay, số lượng bạn đọc không giảm mà thậm chí còn tăng lên”. Bình quân thư viện có từ 70-80 người đến đăng ký đọc/mượn sách mỗi năm. Đối tượng đọc sách ở đây không chỉ có các em học sinh, các cụ cao tuổi mà nhiều phụ huynh cũng đã đến mượn các sách về sức khỏe, kỹ thuật nông nghiệp, tâm lý lứa tuổi, cách nuôi dạy con cái,… để về nhà đọc.
Thư viện xóm Yên Phú, xã Văn Thành từ năm 2016 đến nay vẫn hoạt động khá hiệu quả với hơn 100 người đăng ký làm thẻ đọc sách. Thư viện hiện có hơn 3.000 cuốn với đầy đủ thể loại: Truyện thiếu nhi, sách văn học, sách tham khảo, khoa học, luật, lịch sử, y học,…. Được biết, thư viện hoạt động hiệu quả như vậy cũng là nhờ vào công lao to lớn của bác Phan Văn Mưu (Bí thư Chi bộ xóm). Là một người lính nghỉ hưu với mong ước các cháu thiếu nhi có niềm đam mê đọc sách, yêu sách và người dân quê hình thành được nếp văn hóa đọc giúp nâng cao kiến thức, bác Phan Văn Mưu đã xây dựng và đảm nhận vai trò là “thủ thư miễn phí” của xóm Yên Phú. Ngoài phục vụ bạn đọc vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, bất kể thời tiết, giờ nào trong ngày, chỉ cần có người đến nhà hoặc gọi điện mượn sách là bác đến mở cửa ngay. Để có nguồn sách phong phú, hằng năm, thông qua loa phát thanh xóm vào dịp đầu xuân, bác kêu gọi người dân và con em xa quê, các cháu sinh viên Yên Phú quên góp sách và ủng hộ kinh phí để mua sách mới. Thấy được vai trò cũng như hiệu quả hoạt động của thư viện xóm, bà con xóm Yên Phú đã chủ động xin trích quỹ mỗi tháng 300 nghìn đồng để bác Mưu mua sách mới và mua quà tặng khích lệ đối với bạn đọc thường xuyên đọc sách nhất vào cuối năm. Thư viện xóm đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cuối tuần của các em học sinh, của các cụ già ở đây. Ông Lê Văn Khoa, người dân trong xóm nói: “Từ ngày có thư viện xóm, các cháu siêng đến nhà văn hóa học và đọc sách hơn, không còn sa đà vào các trò chơi game, bố mẹ các cháu cũng yên tâm làm ăn”.
Không chỉ bác Lạc, bác Mưu, cô Hằng mà còn nhiều người tâm huyết với việc xây dựng phong trào đọc sách ở thôn, xóm như bác Hùng ở xóm Lạc Thiện (Hồng Thành), anh Đồng ở xóm Vĩnh Tiến (Nhân Thành),… Họ đều là những “thủ thư xóm” quen thuộc với các cháu học sinh và bà con nhân dân ở đây. Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển, người dân có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc tra cứu tài liệu, mở mang dân trí. Tuy vậy, không vì thế mà những thư viện/tủ sách vắng bóng bạn đọc nếu chúng ta biết cách xây dựng và gieo mầm văn hóa đọc đến với mọi người. Ngoài sự quan tâm của chính quyền cơ sở, thì điều làm các thư viện/tủ sách xóm ở Yên Thành hoạt động hiệu quả là nhờ vai trò của những người thủ thư xóm. Họ - những người thủ thư miễn phí bằng sự năng động, nhiệt tình, tâm huyết với mong muốn người dân quê hình thành thói quen đọc sách. Và hơn hết, ở họ, đó là tình yêu đối với sách, với quê hương đã giúp họ giám bỏ công sức và tiền của để thực hiện sứ mệnh “gieo mầm văn hóa đọc” đến với mọi người, đặc biệt là với những người trẻ tuổi. Việc làm của họ thật đáng trân trọng biết bao!
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
Thống kê truy cập
114528606
2262
2291
2879
215302
0
114528606