Diễn đàn
Vài lời về giáo dục
Ông Men-đê-la (Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi) nói đại ý rằng, muốn cho một quốc gia suy sụp thì chỉ cần làm cho giáo dục suy sụp là đủ.
Ở Việt Nam một thời nhiều người nói ông Phạm Vũ Luận làm Bộ trưởng Giáo dục có nhiều sai sót, yếu kém, người ta thay ông Luận bằng ông Nhạ. Những người thắc mắc ông Luận đã thỏa mãn chưa? Nay lại nhiều người lên tiếng trên PB muốn ông Nhạ từ chức. Giả sử người ta lại thay ông Nhạ bằng một ông X,Y,Z nào đó thì ai bảo đảm cho rằng ông X, Y, Z ấy sẽ tài giỏi hơn ông Nhạ và có thể làm cho Giáo dục Việt Nam tiến bộ hơn?
Thực ra, có sự yếu kém của ông Luận, ông Nhạ nhưng đó không phải là nguyên nhân chính đưa đến sự yếu kém toàn diện của ngành Giáo dục Việt Nam. Và ngành Giáo dục chắc chi đã yếu kém hơn các ngành khác trong cái hệ thống nhân sự đang vần xoay của xã hội Việt Nam thời hiện tại?
Hiện tượng thi cử 27 điểm, gian lận đến 26.55 điểm (như trường hợp một thí sinh ở Sơn La - theo báo Thanh niên) thì chắc chắn là sự gian lận ở Việt Nam phải được ghi vào kỷ lục ghi-nét của thế giới. Nhưng đâu phải giáo dục ở Việt Nam bây giờ mới gian lận? Và chắc chi chỉ có 3 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa bình là có sự gian lận thi cử?
Tôi đi dạy 11 năm.
Sự thể là thế này: Hiệu trưởng ở các trường học đều do phòng, sở và huyện tỉnh cử ra. Chẳng có một tiêu chuẩn đủ thuyết phục nào để nói ai xứng đáng hay ai không xứng đáng để làm hiệu trưởng. Hiệu trưởng do cấp trên cử thì hiệu trưởng phải ngoan ngoãn phục tùng cấp trên, trong đó, không loại trừ việc phải phục tùng cả những lệnh ngầm không có văn bản nào hết.
Ví dụ: Ở các trường cấp 3, giả sử tuyển sinh 5 lớp vào lớp 8 đầu cấp 3 (hệ 10 năm) thì vẫn có thi cử đàng hoàng. Nhưng kết quả ra sao?
Trong 5 lớp vào lớp 8 ấy thì ít nhất cũng có vài ba lớp là con em cán bộ bên huyện, con em cán bộ ở phòng Giáo dục gửi sang, sở Giáo dục gửi về, con em của các thầy hiệu trưởng, hiệu phó, bí thư chi bộ.... và cả con em của các giáo viên dạy trong trường đó nữa! Tuyển sinh 5 lớp thì mất vài ba lớp rồi, còn đâu nữa mà nói đến chất lượng giáo dục nữa?
Đã thế, ngày ấy, học sinh vào đại học trong nước hay đi nước ngoài không hề có thi cử. Người ta lập ra ban tuyển sinh huyện, ban tuyển sinh xã, ban tuyển sinh tỉnh để muốn cho ai đi học thì đi, không cho thì thôi. Tôi cũng về các xã đi làm tuyển sinh theo kiểu này khá nhiều lần. Cứ được ông xã phê “Em nầy, cho đi nước ngoài”, thế là đi nước ngoài. “Em nầy cho đi đại học Lách khoa”, thế là đi đại học “Lách khoa”...
Sự can thiệp của hệ thống hành chính vào giáo dục là như vậy thì nói “chất lượng giáo dục” mà làm gì nữa!
Thời gian “Xã tuyển sinh đại học” này kéo dài rất lâu, ông Tạ Quang Bửu phải đấu tranh, xoay xở mãi thì sau đó mới có chuyện thi đại học trở lại.
Cán bộ nhà nước các ngành, các cấp của Việt Nam kể cả Giáo sư, Tiến sĩ từ nước ngoài (chủ yếu là Nga) trở về, đa phần là có gộc nguồn như vậy.
Đại học do xã tuyển thì làm sao mà nói đến chất lượng? Đại học do xã tuyển rồi ra làm cán bộ nhà nước, lên đến cả Thứ trưởng, Bộ trưởng thì số cán bộ giỏi giang hẳn là cũng không có nhiều. Học hành như thế, tuyển dụng như thế thì mọi sự ngày nay nó như thế cũng không có gì phải đáng ngạc nhiên!
Bây giờ đã tiến bộ hơn chưa?
Có tiến bộ là ở chỗ có thi cử.
Các chức danh nhân danh Đảng và chính quyền đã ít can thiệp vào ngành Giáo dục hơn trước hay chưa?
Tôi không ở trong ngành Giáo dục nữa, nên không rõ lắm. Nhưng cứ xem việc thi cử vừa rồi thì thấy sự can thiệp tay ngang, lệnh ngầm ấy, chưa hề có sự chấm dứt.
Tôi không lạ gì việc gian lận thi cử thâm căn cố đế ở Việt Nam nhưng vẫn thấy lạ là một số quan chức ở Quốc hội và ở một số ngành, trong đó có vị nguyên là Phó Chủ tịch nước lại cho rằng “không công khai danh tính thí sinh trong vụ nâng điểm thi là nhân văn”. Thật hết chỗ nói. Hẳn là khái niệm “Nhân văn gian lận”, trên thế gian này, cũng chỉ ở Việt Nam thì mới có!
Trở lại câu nói của ông Men-đe-la: “Một đất nước, nếu làm cho giáo dục suy sụp mà nó vẫn đứng vững” thì phải nói là nước đó quá tài!
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512161
298
2389
298
219034
121356
114512161