Diễn đàn

Miệng quan...

Đây chỉ là một mệnh đề của thành ngữ “Miệng quan trôn trẻ”. Có nghĩa là quan nói năng tùy tiện, tùy hứng, thích nói gì thì nói, thiếu suy nghĩ chín chắn hoặc cũng có thể là do dốt nát, bảo thủ hoặc tư lợi...

Xưa nay dân gian và sử sách chép vô cùng nhiều chuyện về cái mồm quan, nhiều hơn cả chuyện cái trôn trẻ. Nhưng có lẽ chưa bao giờ chuyện về cái mồm quan lại nhiều và độc đáo, độc địa như bây giờ. Cũng phải thôi vì cái mồm quan bây giờ hay nói bậy, nói dại, nói sai, nói ác, nói vô trách nhiệm. Xin đơn cử: Một Bộ trưởng khi bị Quốc hội chất vấn đã hồn nhiên trả lời: “Trách nhiệm là tôi sẽ truyền đạt lại cho Bộ trưởng kế tiếp. Biết làm thế nào được, thời gian không còn nữa, nhiệm kỳ sắp hết”. Một vị Bộ trưởng khác bảo BOT sai là do các vị tiền nhiệm trong khi chính ông ta chứ không ai khác là người đã kí BOT Cai Lậy. Một chuyện khác, gần đây, một vị tướng nói hiếp dâm trẻ em không nguy hiểm bằng hiếp dâm người lớn và cho tại ngoại là hợp lý! Chắc rằng trên thế giới chỉ có ông ta mới nói được câu này vì không ai kém cỏi và vô trách nhiệm bằng ông ta. Gần đây nhất, người dân không khỏi giật mình khi ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo mới nhận định kì thi THPT và cũng là thi tuyển Đại học năm 2018 là an toàn, minh bạch, nhẹ nhàng thì chỉ mấy ngày sau đã lộ ra một cách không thể rõ ràng và bỉ ổi hơn vụ gian lận thi cử ở Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Lạng Sơn... Và có lẽ chiếm kỷ lục khôi hài là ông Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang... buồn vì ai đó đã tự nâng điểm thi của con ông và ông Giám đốc sở GD &ĐT Lạng Sơn thì khăng khăng ở Lạng Sơn chỉ có cộng nhầm điểm chứ không gian lận thi cử. Nhưng vẫn là chưa đủ nếu không nhắc lại một nhận định khác rằng chưa có bao giờ giáo dục Việt Nam tốt đẹp như hôm nay!!!

Ở một hướng khác, rất nhiều quan chức lại dày công và nỗ lực “chém gió” không khác gì những người mê sảng bất chấp thực tế khách quan, quy luật vận động. “Cán bộ thị trường phải phải kiểm tra chất lượng phân bón bằng... miệng”; “Cầu sập là do quá tải và vì người Mông thường khiêng quan tài đi rất nhanh”; “Xây công viên nghĩa trang để tỉnh phát triển bền vững”; “Nợ xấu tăng nhanh vì lợn rớt giá”; “Nghề bán vé số có thu nhập cao” và “Cá chết hàng loạt ở miền Trung là do sức ép âm thanh gây ồn ào” là những phát ngôn không thể “ấn tượng” và gây cười hơn.

Có thể đoán chắc rằng không thể thống kê hết những phát ngôn kém cỏi không giống ai của quan chức ngày nay vì nó quá nhiều, nó có ở hầu hết các nơi, các ngành, các cấp. Tình trạng quan chức loạn ngôn có nhiều nguyên do. Không chỉ là do năng lực nhận thức, trình độ chuyên môn và khả năng diễn đạt yếu kém mà cơ bản nhất là ý thức trách nhiệm của họ với người dân và xã hội. Và không phải là không có một số quan chức đã cố tình giả vờ phát ngôn một cách ngây ngô để che dấu những suy nghĩ và hành vi phục vụ cho lợi ích của cá nhân và phe nhóm.

Câu chuyện phát ngôn thiếu chuẩn mực, hớ hênh, dối trá, kém cỏi và cá nhân của quan chức trước hết là lỗi của quan chức. Nhưng quan trọng hơn, đây là lỗi về tổ chức của Đảng và Chính quyền. Lỗi đào tạo và lỗi lựa chọn. Đảng và Chính quyền không thiếu các các cơ sở đào tạo quan chức, không thiếu môi trường để quan chức rèn luyện. Không tính đến hệ thống đào tạo nghề nghiệp chuyên môn, chúng ta có hệ thống trường Đảng, trường chính trị, hành chính từ cấp huyện trở lên. Các đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Phụ Nữ, Công Đoàn... đều có các học viện. Tất cả các quan chức trong hệ thống chính trị của Đảng và Chính quyền đều kinh qua quá trình đào tạo bắt buộc này. Nhưng rất tiếc, chúng ta đang không có nhiều quan chức tài năng và mẫn cán, càng hiếm những người đủ tầm cỡ chính khách hội đủ bản lĩnh, trách nhiệm, trình độ, khả năng phát ngôn/diễn đạt/hùng biện thu phục được công chúng. Điều đó chứng tỏ việc lựa chọn người cho các trí trong bộ máy đang có những bất cập cần làm sáng tỏ và khắc phục.

Phát ngôn biểu thị trình độ, phẩm chất, thái độ, bản lĩnh, trách nhiệm, nhân cách và tính cách của mỗi quan chức. Ở các mức độ khác nhau, các quan chức là người đại diện cho chính quyền trong quan hệ với người dân. Bởi vậy, phát ngôn là một tiêu chuẩn quan trọng hàng đầu trong đánh giá năng lực và phẩm chất quan chức. Không thể chấp nhận các quan chức “ăn không nên đọi, nói không nên lời” hoặc nói suông,  “chém gió”, thao thao bất tuyệt, “thùng rỗng kêu to”.

Phát ngôn là việc không hề dễ đối với các quan chức. Cha ông dạy  phải “uốn lưỡi bảy lần” trước khi mở miệng. Còn thời nay không ít quan chức miệng nói trước khi cái đầu suy nghĩ.

Chọn được người làm giỏi nói hay, nói đúng là việc khó của Đảng, của hệ thống chính quyền.

Nói cái gì, nói như thế nào là việc thời nào cũng khó với cái miệng quan vì phát ngôn trước hết là do cái đầu biết tư duy, biết suy nghĩ hay không.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512161

Hôm nay

298

Hôm qua

2389

Tuần này

298

Tháng này

219034

Tháng qua

121356

Tất cả

114512161