Diễn đàn
Tiền hay/và di sản?!
Đó là mối quan hệ nền tảng và xuyên suốt của quá trình khai thác giá trị kinh tế của các di sản (văn hóa).
Kinh tế di sản là khái niệm mới phổ biến ở nước ta nhưng việc thực hành khai thác giá trị kinh tế của các di sản thì đã có từ rất lâu, từ khi có du lịch văn hóa. Các nhà quản lý, các chuyên gia văn hóa, các nhà kinh doanh du lịch thường đề cập đến nhiều giá trị khác của di sản như văn hóa, lịch sử, thẩm mỹ... trong quá trình khai thác các di sản nhưng xét đến cùng vẫn là tìm cách tạo giá trị kinh tế lớn nhất từ các giá trị đó của di sản. Cuối cùng vẫn là mối quan hệ tiền - di sản. Trên thế giới và ở nước ta đều vậy. Vấn đề là nhận thức và thực hành quá trình kinh tế đặc thù này như thế nào mà thôi. Có thể xảy ra hai định hướng, hay là hai tình huống phổ biến khi xử lý mối quan hệ tiền - di sản là “ăn xổi ở thì” hay hài hòa và bền vững.
“Ăn xổi ở thì” là khai thác tối đa, triệt để các giá trị của di sản để tạo ra thu nhập, để thu được nhiều tiền nhất. Không ít nơi, các nhà kinh doanh di sản đã bằng mọi giá thu hút khách bất chấp lưu lượng cho phép. Hơn thế, có những nơi còn cố tình can thiệp vào di sản một cách vô nguyên tắc, vi phạm Luật Di sản. Với di sản vật thể thì cơi nới, xây dựng thêm các hạng mục, làm biến dạng các di sản; Đối với di sản phi vật thể thì làm sai lệch nội dung, hình thức thể hiện. Không ít các di tích đã bị tước đoạt đi các nội dung lịch sử hoặc có tình phải gánh thêm những nội dung, những câu chuyện mà nó chưa hề có, chưa hề biết. Nhiều di sản dân ca, dân vũ cổ truyền đã bị méo mó, biến dạng bởi cung cách cải biên, cải tiến thiếu hiểu biết nhằm câu khách của các nhà kinh tế du lịch với sự hỗ trợ của các chuyên gia văn hóa/nghệ thuật. Họ đã tận thu trên “thân xác” di sản nhưng không hề quan tâm hoặc quan tâm không đúng mức đến việc đầu tư bảo vệ, tôn tạo, sửa chữa di sản một cách bài bản, đúng nguyên tắc. Rất tiếc, tình trạng này là khá phổ biến, kể cả ở các di tích quốc gia đặc biệt!
Khai thác giá trị kinh tế của các di sản một cách hài hòa để đảm bảo sự bền vững của di sản, và của chính hoạt động kinh tế đặc biệt này là đòi hỏi cần thiết và bức thiết hiện nay. Hài hòa có nghĩa là phải tôn trọng các giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ, tín ngưỡng... vốn có của di sản, nâng niu, bảo vệ các giá trị đó, làm cho các giá trị đó được lan tỏa, phát huy trong cộng đồng xã hội đồng thời với việc chấp nhận khai thác giá trị kinh tế của di sản. Sự hài hòa là yếu tố hàng đầu đảm bảo sự bền vững của kinh tế di sản. Nếu thiên lệch bất cứ mục tiêu nào, nhất là khai tác theo kiểu tận thu thì sự xuống cấp, bị hư hỏng, thậm chí bị hủy hoại của các di sản là điều được báo trước, không thể tránh khỏi.
Giải quyết thỏa đáng mối quan hệ Tiền - Di sản trong kinh tế di sản là điều không hề khó nhưng cũng chưa bao giờ là dễ. Mọi việc khó hay dễ đều bắt đầu từ nhận thức, từ mục tiêu động cơ. Nếu bất chấp mọi giá trị của di sản để chạy theo lợi nhuận kinh tế thì sớm hay muộn thì di sản sẽ chết và lợi ích kinh tế mà nó đem lại cũng hết. Nếu biết xử sự hài hòa thì di sản tồn tại dài lâu, vĩnh cửu để làm nền tảng cho kinh tế di sản tồn tại. Muốn có nhận thức đúng thì cần phải có tri thức, sự hiểu biết về di sản và kinh tế di sản, về cách khai thác di sản có văn hóa và khoa học. Nếu không có tri thức sẽ nhận thức và ứng xử sai với di sản và hành động sai trong khai thác kinh tế di sản. Muốn có tri thức thì phải học, phải nghiên cứu. Tri thức không tự trên trời rơi xuống và càng không phải mọc ra từ cái ghế quyền lực.
Kinh tế di sản hoàn toàn không mới mẻ mặc dù khái niệm này, với nước ta, đang là thời thượng. Không mới, nhưng nhân danh khái niệm mới, rất nhiều nơi, nhiều người đã và đang nghĩ, đang nhận thức và thực hành rất sai về kinh tế di sản. Nhiều di sản đã chết và đang tiếp tục chết vì sự cố tình vận dụng sai khái niệm kinh tế di sản trong cách ứng xử với các di sản. Không ít di sản đang bị biến thành con gà mái hay là con bò sữa bị bỏ đói.
Một quốc gia dân tộc, một tỉnh thành phố sẽ ra sao khi không còn các di sản? Đó là một quốc gia, một xứ sở mồ côi lịch sử và không có gương mặt riêng của mình. Không nghi ngờ gì, điều đó là có thể, nếu chúng ta vẫn tiếp tục khai thác đồng tiền từ di sản như hiện nay.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512160
297
2389
297
219033
121356
114512160