Xứ Nghệ ngày nay
Cư dân Nghi Thủy và niềm tin tín ngưỡng
Từ hàng trăm năm nay, đền Mai Bảng luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Nghi Thủy
Có lẽ do đặc thù địa lý, cư dân vùng biển sinh sống dọc bờ biển, mưu sinh từ/trên biển, sự mong manh, nhỏ nhoi trước biển cả mênh mông đã tạo cho họ một niềm tin tín ngưỡng mãnh liệt hơn so với cư dân các vùng nông nghiệp. Về quê biển Nghi Thủy, TX Cửa Lò, chúng ta sẽ cảm nhận được điều đó.
Giếng làng - nguồn nước thiêng
Phường Nghi Thủy nay có 10 khối, nhưng xưa kia chỉ gồm 2 làng: làng Mai Bảng (gồm 7 khối) và làng Yên Lương (3 khối) với gần 9.400 khẩu và hơn 2.000 hộ. Trước đây, người dân ở đây chủ yếu đi biển, buôn bán hải sản, từ ngày thị xã Cửa Lò phát triển du lịch mạnh mẽ, thì nhiều hộ dân chuyển sang kinh doanh các dịch vụ du lịch. Trên địa bàn Nghi Thủy hiện vẫn lưu giữ 4 giếng làng, mỗi làng có 2 giếng. Ở mỗi làng, đều có một giếng chỉ dùng cho việc lấy nước phục vụ ăn uống, sắc thuốc chữa bệnh và sinh hoạt tâm linh. Còn giếng kia gọi là giếng rửa dùng cho các sinh hoạt thường ngày của cư dân và các sinh hoạt gắn với nghề biển như giặt lưới sau mỗi đợt ra khơi. Từ xa xưa, người dân rất tin rằng đây là long mạch thiêng của làng nên không bao giờ làm những điều gì ô uế đến giếng. Hiện nay những chiếc giếng rửa không mấy khi có người sử dụng nhưng chúng vẫn được người dân từ trẻ tới già gìn giữ, không ai xả rác ở khu vực này.
Giếng dùng cho sinh hoạt thờ cúng của làng Mai Bảng đến nay vẫn được dân làng gìn giữ và vẫn đang sử dụng.
Trong tiềm thức của người lớn, hay trong sự kế thừa của lớp trẻ, giếng làng là một không gian thiêng mà họ không được phép làm điều gì xúc phạm tới sự tồn tại và trong sạch của nó. Hơn thế, cho đến bây giờ, dù tất cả sinh hoạt đã có nước máy về tận nhà nhưng dân làng vẫn giữ tục lệ lấy nước giếng làng để cúng tiên tổ. Những ngày sóc trong tháng, không chỉ ban cán sự khối mà một số người dân vẫn tới đây thắp hương. Tục lệ này có từ xưa, chỉ gián đoạn một thời kỳ vào những năm chiến tranh Mĩ phá hoại ác liệt. Những ngư dân sắm được thuyền mới, không thể bỏ qua lễ xin nước giếng làng để rửa (tẩy uế) con thuyền trước khi hạ thủy. Khi công việc thuyền chài gặp nhiều trắc trở, người ta cũng lên đền biện một cái lễ đơn giản cúng rồi xin nước giếng làng đem rửa thuyền tẩy uế. Người dân tin rằng lòng thành và nước thiêng sẽ giúp họ gột rửa được những điều xui xẻo. Các hộ dân sinh sống gần các giếng làng hiện vẫn còn giữ tục đêm giao thừa tắm nước giếng thiêng cho cả năm được khỏe mạnh. Chị Nguyễn Thị Hà - khối 4 cho biết: “Gia đình tôi vẫn thường xin nước giếng làng dùng cho các sinh hoạt cúng bái. Hầu như, đêm giao thừa nào tôi cũng ra lấy nước giếng tắm, bởi tin rằng mình sẽ được khỏe mạnh, bớt bệnh tật”.
Những lễ hội của dân
Nghi Thủy có hai ngôi đền, đền Mai Bảng - di tích quốc gia, đền Yên Lương - di tích cấp tỉnh. Những ngôi đền này đã có hàng trăm năm tuổi. Đền Mai Bảng thờ tướng Lê Khôi, Chế Thắng phu nhân Nguyễn Thị Bích Châu, Thủy tinh Phu Nhân và 6 vị khai cơ lập làng. Đền Yên Lương thờ Tứ vị thánh nương, những vị thần che chở cho cư dân vùng biển. Những ngôi đền này từ xưa cho đến nay luôn có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân Nghi Thủy. Ngoài một số kinh phí từ ngân sách, đã nhiều năm nay dân hai làng Mai Bảng và Yên Lương đã tự nguyện công đức công, của để trùng tu tôn tạo cũng như nhận chăm sóc bảo vệ đền. Hầu như các sinh hoạt tâm linh, người dân hai làng đều gửi gắm vào đền. Các ngày sóc, vọng, ngày lễ tết, với những lễ vật đơn sơ, có khi chỉ cây hương, vài chục ngàn bỏ hòm công đức, nhưng gần như tất cả cư dân vùng biển này đều về thắp hương tưởng vọng các ngài. Nhà nào đi thuyền gặp lúc không suôn sẻ, hay con cái hiếm muộn, làm nhà, mua xe, v.v... cũng lên đền xin được phù trợ. Các hoạt động tại 2 ngôi đền này không có cái xô bồ, cái trần tục nhuốm màu tiền như nhiều nơi khác. Ông Lê Viết Minh - thành viên Ban Quản lý đền Mai Bảng cho biết: “Vào dịp đầu năm mới, hầu như các gia đình ở đây đều lên đền xin linh phù mang theo người với ước vọng được ngài che chở, nhưng nhà đền không bao giờ thu tiền. Nếu chúng tôi thu tiền sẽ làm mất đi ý nghĩa nhân văn, đẹp đẽ vốn có”. Chị Hoàng Thị Hồng ở làng Yên Lương cũng cho biết: “Tưởng vọng các vị thần phù trợ cư dân biển là những việc làm không thể thiếu trong đời sống của chúng tôi. Đôi khi chỉ một nén hương với mươi ngàn dầu đèn thôi, nhưng trong lòng cảm thấy nhẹ nhàng, bình an. Các nhà đền cũng không bao giờ thu của dân một đồng. Chúng tôi đóng góp công, hay đôi ba đồng công đức đều là từ cái tâm mong muốn mọi công việc của đền, của làng được chu tất và chúng tôi thì được các ngài che chở”.
Đền Mai Bảng cóhai kỳ lễ lớn vào ngày 12/2 (âm lịch) và 3 tháng 5 (âm lịch). Trong đó, lễ hội dịp đầu năm vào ngày 12/2 (âm lịch), ngày thành lập làng, vừa là lễ Cầu ngư, nhân dân trong làng tề tựu đông đủ, tổ chức các hoạt động tế lễ nghiêm trang.Đền Yên Lương có lễ Kỳ Yên vào Rằm tháng Hai (âm lịch) và lễ Lục Ngoạt vào các ngày trung tuần tháng Sáu (âm lịch). Trong các kỳ lễ này, người dân tổ chức nhiều hoạt động thể hiện tín ngưỡng và bản sắc văn hóa của ngư dân vùng biển như: rước kiệu nghinh thần, tế thần và các trò chơi dân gian: chọi gà, đánh đu… Đặc biệt, lễ Lục Ngoạt đã trở thành lễ hội truyền thống của ngư dân làng Yên Lương. Lễ diễn ra vào 3 ngày (14, 15, 16) tháng Sáu âm lịch với lễ yết cáo trời đất, lễ rước kiệu, lễ đại tế. Đặc biệt, vào các kỳ lễ chính (3 năm một lần), lễ Cầu Ngư ở đền Mai Bảng và lễ Lục Ngoạt tại đền Yên Lương được dân làng tổ chức rất lớn, thu hút đông đảo người dân Nghi Thủy và các địa phương về dự lễ.
Người dân xem việc tổ chức các lễ hội là việc làng, cũng chính là việc của mỗi nhà, mỗi người, vậy nên sự tự giác rất cao. Ai góp được gì, làm được gì để việc làng suôn sẻ, rộn ràng là đăng ký nhận làm. Mọi người đều chung một niềm tin, mình có lòng thành, có đóng góp cho việc làng thì sẽ được hưởng lộc làng: bình yên, may mắn cả năm. Anh Phùng Bá Thu ở Yên Lương cho biết: “Mỗi khi làng vào dịp lễ, nhà nhà góp thuyền, tự lo trang hoàng đẹp đẽ, đổ đầy xăng. Đội thuyền của làng có tới vài ba chục cái lớn và ba, bốn chục thuyền nhỏ tham gia rước trên biển ra đến tận đảo Ngư”. Anh Thu cho biết thêm, cách đây hơn mười năm, khi tôn tạo lại đền, trong làng có khoảng 40 người tự nguyện xung vào đội xây dựng ngày ngày lên đền làm công quả. Đến lúc xây xong, thì thành lập hai ban lo chuẩn bị và tập dượt các nghi thức của lễ hội làng. Hiện nay, mọi người đã thuần thục nên không phải tập luyện nữa, đến ngày làng làm lễ chỉ cần ôn lại là vào việc ngay. Ai cũng thành tâm nên mọi việc khá dễ dàng vào quy củ. Bằng niềm tin trong lành ấy, hầu như nhà nhà, người người đều thu xếp công việc để được dự lễ hội làng. Dù có đi đánh bắt xa bờ cũng tính sao để kịp về dự lễ. Vậy nên lễ làng Mai Bảng và Yên Lương năm nào cũng vậy, đặc biệt là vào các kỳ lễ chính (3 năm một lần) có quy mô rất lớn, hàng ngàn người dân địa phương tham gia. Đoàn rước trên bộ có khi kéo dài tới 4-5 cây số đi khắp các con đường của thị xã Cửa Lò, nhưng rất an toàn, trật tự, không hề xảy ra một sự cố nào.
“Nhu cầu tâm linh của cư dân biển chúng tôi rất cao. Nhưng nó không bị biến thái thành mê tín dị đoan. Mọi người thực hành bằng niềm tin, lòng thành và những nghi thức đơn giản. Không phải bày soạn lễ to lễ lớn, hay những thủ tục rườm rà. Mọi sinh hoạt tín ngưỡng ở đây không bị thương mại hóa. Chúng tôi luôn tin vào tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên như bất cứ cư dân ở vùng quê nào, đồng thời cũng rất tin tưởng vào các vị thần từ bao đời nay đã che chở, phù trì cho những người con suốt đời gắn với biển luôn được bình an, hạnh phúc” - Ông Trần Văn Minh, BQL đền Mai Bảng khẳng định.
tin tức liên quan
Videos
Kiểm kê cổ vật – hành trình gian nan của các cán bộ di sản văn hóa
Thể loại phim
Phòng chống thiên tai từ tri thức cộng đồng
Về bài thơ Lịch sử nước ta của Nguyễn Ái Quốc
Trung Quốc và chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953)
Thống kê truy cập
114528606
2262
2291
2879
215302
0
114528606