Diễn đàn
Những thách thức trong bảo tồn trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Nghệ An
Phụ nữ Thái ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) đang đội chiếc khăn truyền thống cho bạn mình
Trang phục là một phần quan trọng trong nền văn hóa của một cộng đồng. Nó không chỉ là sản phẩm của quá trình ứng phó với môi trường tự nhiên, mà còn là sản phẩm của tư duy thẩm mỹ và cả lịch sử văn hóa tộc người. Vậy nên bảo tồn trang phục truyền thống của các cộng đồng tộc người là vấn đề quan trọng và được nhiều người quan tâm. Nhưng để thực hiện được nó một cách có hiệu quả thì vẫn là bài toán khó đối với các quốc gia, các địa phương.
Nghệ An là tỉnh có nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong đó có các dân tộc chủ yếu như Thái, Khơ Mú, Mông, Thổ, Ơ Đu. Hầu hết các DTTS ở Nghệ An đều có trang phục truyền thống riêng với những đặc điểm nhận dạng khác nhau (trừ trường hợp người Khơ Mú, vốn sinh sống cạnh người Thái lâu năm nên chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Thái, đặc biệt là trang phục). Nhà nghiên cứu dân tộc học Nguyễn Đình Lộc cho rằng trước đây người Khơ Mú chỉ biết dệt vải thô để đóng khố cho nam và phần lớn quần áo phụ nữ thì phải đổi của người Thái. Vì thế, trang phục của họ không có gì đặc biệt…. Nhưng trước đó, trang phục của người Khơ Mú thế nào thì chưa biết? Và ngày nay, người Khơ Mú không còn trang phục truyền thống. Với các dân tộc khác, trang phục truyền thống là một di sản văn hóa, là một dấu hiệu để phân biệt tộc người trong các lễ hội. Một tình trạng phổ biến ở Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung là trang phục truyền thống DTTS đang bị mai một, mất mát đi nhiều do giao lưu, tiếp xúc văn hóa với các cộng đồng khác, do quá trình hiện đại hóa, thị trường hóa ngày càng mạnh mẽ. Theo thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An, hiện nay có khoảng 30% người DTTS còn sử dụng trang phục truyền thống. Nhưng có lẽ con số đó chủ yếu vào dịp lễ, tết, còn ngày thường thì quả thật không nhiều. Lên miền Tây Nghệ An, nhiều khi đi vào các bản người Thái, Thổ hay Mông, người ta thấy hầu hết mọi người đều mặc áo quần như những người miền xuôi. Họa may gặp được một vài người phụ nữ lớn tuổi còn mặc trang phục truyền thống thì mới nhận ra.
Trong vài thập kỷ gần đây, bảo tồn trang phục truyền thống của các tộc người được nhà nước quan tâm. Nhiều dự án, đề tài được xây dựng và đưa vào thực hiện. Tuy nhiên, kết quả mang lại vẫn còn khiêm tốn. Trang phục truyền thống vẫn tiếp tục bị mai một. Điều gì đang gây cản trở đến việc bảo tồn, khôi phục trang phục truyền thống của các tộc người? Muốn trả lời câu hỏi này, chúng ta phải truy tìm nguyên nhân dẫn đến tình trạng trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số bị mai một như vậy.
Trong tiến trình lịch sử, việc các cộng đồng ở gần nhau có sự giao lưu tiếp xúc văn hóa với nhau và tạo ra những biến đổi văn hóa là lẽ bình thường. Nhưng sự thay đổi của trang phục truyền thống của người DTTS ở Nghệ An diễn ra mạnh mẽ vào khoảng 3 thập niên sau cùng của thế kỷ XX. Vào đầu những năm 1960, với tư duy theo lối tiến hóa đơn thuần, lấy người Kinh ở miền xuôi làm trung tâm và xem miền núi, người DTTS là lạc hậu cần được giúp đỡ để phát triển nên các chính sách đã tác động mạnh mẽ đến vùng DTTS. Hàng vạn người dưới xuôi di cư lên miền núi xây dựng đời sống kinh tế mới. Các chính sách văn hóa xã hội đều khuyến khích người DTTS học theo người miền xuôi để phát triển. Sự tiếp xúc văn hóa ngày càng mạnh mẽ, lại được cổ vũ bởi tinh thần “đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, đưa đồng bào DTTS tiến kịp đa số” đã làm thay đổi nhanh chóng đời sống văn hóa của họ. Đến khi thực hiện đường lối đổi mới đất nước, kinh tế thị trường hình thành và phát triển đã làm thay đổi mạnh mẽ đời sống văn hóa miền núi, nhất là trong văn hóa vật chất của các cộng đồng, trong đó có trang phục. Cùng với đó là quá trình hiện đại hóa. Người Kinh ở miền xuôi hiện đại hóa gần với phương Tây hóa, còn người DTTS ở miền núi thì hiện đại hóa cũng gần như Kinh hóa. Hệ quả là đời sống văn hóa biến đổi nhanh chóng theo hướng các giá trị văn hóa truyền thống bị mất mát, mai một và giá trị văn hóa mới lại định hình không rõ ràng và bị lai ghép nhiều thứ. Ngoài những nguyên nhân khách quan đó thì sự vận động nội tại trong nền văn hóa của các cộng đồng cũng gây nên những biến đổi quan trọng. Kinh tế xã hội thay đổi, nhiều nghề thủ công bị mai một, trong đó có nghề dệt may làm cho trang phục cũng ít phổ biến, giá cả lại cao hơn do ít người sản xuất. Tâm lý của người dân cũng thay đổi do nhiều tác động khác nhau. Vậy nên, để bảo tồn trang phục truyền thống, chúng ta cần nhận thức rõ về những thách thức phải đối diện.
Phụ nữ Thái ở bản Na Sai, xã Hạnh Dịch (Quế Phong) trong trang phục truyền thống của dân tộc mình
Trước hết, đó là sự biến đổi của đời sống kinh tế xã hội và sự tiếp xúc văn hóa ngày càng mạnh mẽ. Trước đây, kinh tế khép kín, sự giao lưu tiếp xúc văn hóa cũng hạn chế nên hầu hết các cộng đồng đều chủ yếu sử dụng trang phục do mình sản xuất. Bay giờ, kinh tế xã hội thay đổi, sự tiếp xúc văn hóa ngày càng mạnh mẽ, các giá trị văn hóa của các cộng đồng lan tỏa vào nhau và tạo nên sự hỗn hợp trong văn hóa. Trang phục cũng không ngoại lệ. Có những trang phục trở thành tiêu chuẩn được nhiều cộng đồng lựa chọn (như chiếc ao vest cho đàn ông mặc khi tham dự các hội nghị chẳng hạn, được nhiều cộng đồng, nhiều quốc gia chấp nhận). Phương thức sản xuất của người dân cũng thay đổi nhiều, sản xuất nương rẫy ngày càng hạn chế, mà ngay trong việc lao động nương rẫy cũng có sự thay đổi với những công cụ sản xuất mới. Điều đó cũng góp phần làm cho trang phục thay đổi. Người dân có thể lựa chọn những trang phục phù hợp với mình hơn. Những nỗ lực như yêu cầu học sinh, công chức, viên chức phải mặc trang phục truyền thống trong ngày lễ hay làm lễ chào cờ cũng chỉ phàn nào đó thể hiện ý chí chủ quan chứ không đạt hiệu quả cao.
Thứ hai là sự ảnh hưởng của kinh tế thị trường, của quá trình hiện đại hóa. Trước đây, người dân phải tự cung tự cấp nên việc dệt may là kỹ năng thiết yếu của người phụ nữ. Nó là thước đo giá trị của người phụ nữ truyền thống. Họ phải dệt và may được nhiều trang phục để gia đình sử dụng, nếu không thì không có gì để mặc. Nhưng trong nền kinh tế thị trường thì mọi chuyện thay đổi. Thị trường cung cấp hàng loạt các trang phục với mẫu mã đẹp và giá thành lại rẻ, cho phép người ta có nhiều sự lựa chọn về trang phục. Thay vì phải bỏ ra nhiều công sức trồng bông, trồng đay, kéo sợi, nhuộm sợi, dệt vải rồi may áo quần thì họ có thể ra chợ mua cho mình những bộ đồ tùy thích. Thậm chí, nhiều người DTTS giờ còn mua áo quần qua mạng internet với chiếc điện thoại thông minh. Cứ vậy mà trang phục truyền thống cũng bị mai một dần do ảnh hưởng của thị trường. Một cuộc khảo sát cho thấy, các cộng đồng càng xa thị trấn, càng xa chợ thì trang phục truyền thống càng phổ biến hơn. Như người Thái ở Bản Ang (xã Xá Lượng, Tương Dương) chỉ cách thị trấn gần chục cây số thì chỉ có khoảng 20% số phụ nữ mặc trang phục truyền thống. Nhưng cũng người Thái nhưng ở bản Na Sai (xã Hạnh Dịch, Quế Phong), nơi cách thị trấn xa hơn và chưa có đường điện lưới cũng như sóng điện thoại thì tỷ lệ phụ nữ sử dụng trang phục truyền thống lên đến hơn 70%.
Thứ ba là mong muốn, ý thức của người dân về trang phục truyền thống của mình. Có sự khác nhau khá lớn giữa các thế hệ về vấn đề này. Trong khi những người lớn tuổi thích mặc trang phục truyền thống thì những người trẻ tuổi lại có phần hờ hững. Một cuộc khảo sát ở Bản Ang (xã Xá Lượng, Tương Dương) và Bản Cắm (xã Tri Lễ, Quế Phong) cho thấy có đến 77% những người trên 35 tuổi đều mong muốn mình và con cháu mình sử dụng trang phục truyền thống còn 23% là tùy sự lựa chọn. Phụ nữ lớn tuổi là những người khao khát được mặc trang phục truyền thống, còn đàn ông lại chấp nhận sự lựa chọn của vợ và con cái dù khi hỏi họ vẫn thích vợ mình, con gái mình mặc trang phục truyền thống. Còn với người trẻ, họ cũng thể hiện sự thích thú với trang phục truyền thống của mình. Một cuộc khảo sát với 51 học sinh Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh (cơ sở 1) thì 100% đều nói thích mặc trang phục truyền thống vì nó đẹp và bền. Và có đến 82,4% yêu cầu nên bắt buộc học sinh phải mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Ấy nhưng lạ thay, các bạn lại chỉ mặc vào dịp lễ, tết còn ngày thường thì ít và chỉ có 35,3% số bạn biết dệt may đồ truyền thống, còn 64,7% không biết. Nói vậy để biết, khoảng cách giữa mong muốn và hiện thực trong việc bảo tồn trang phục truyền thống của người dân vẫn còn cách xa nhau lắm. Như bà Vi Thị Quyết, một phụ nữ rất giỏi dệt may ở Bản Cắm bày tỏ: Nhiều người muốn con cháu sử dụng trang phục truyền thống mà không biết nói sao cho hiệu quả. Người dân tộc không thích ép buộc con cái. Bà lo rằng, một ngày nào đó, đi ra ngoài không còn nhận ra con em mình, đồng tộc mình vì toàn mặc đồ mua ngoài chợ. Điều bà lo lắng quả không sai. Trang phục là một dấu hiệu để nhận biết tộc người nên khi nó thay đổi thì sự nhận diện này cũng gặp khó khăn. Ngay như người Kinh, những người suốt ngày đi giúp các đồng bào DTTS bảo tồn trang phục truyền thống, khi nhìn lại mình cũng chẳng còn biết trang phục truyền thống ở đâu?
Sự thay đổi của nền tảng kinh tế xã hội, sự giao lưu tiếp xúc văn hóa, sự tác động của kinh tế thị trường hay sự thay đổi trong tâm lý tộc người là những nhân tố ảnh hưởng mang tính quyết định đến sự biến đổi của trang phục truyền thống các DTTS. Bên cạnh đó còn có nhiều nhân tố khác. Nói vậy để biết rằng, để bảo tồn trang phục truyền thống các DTTS là vấn đề khó khăn và đối diện với nhiều thách thức. Để hạn chế sự mai một trang phục truyền thống và làm cho việc bảo tồn yếu tố văn hóa này có hiệu quả hơn cần có nhiều giải pháp khác nhau. Trước tiên là định hướng phát triển kinh tế xã hội phù hợp, trong đó ưu tiên hỗ trợ các ngành nghề thủ công truyền thống của người DTTS. Khi những nghề thủ công truyền thống như dệt may, thổ cẩm,… được hưng khởi lại thì trang phục truyền thống cũng phổ biến hơn. Thị trường có thể làm mai một trang phục truyền thống nhưng nó cũng tạo ra những cơ hội để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống nếu như biết vận dụng hợp lý. Nếu trang phục truyền thống trở thành sản phẩm hàng hóa trực tiếp hay là trở thành nguồn lực để phát triển du lịch, dịch vụ thì người dân sẽ có nhiều cơ hội để phục hưng những bộ trang phục truyền thống của mình hơn. Việc phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn di sản văn hóa truyền thống là định hướng đúng đắn nhưng cần phải có những cách làm cụ thể và hiệu quả. Trong đó phải lấy việc phục hồi các giá trị văn hóa như là sự đầu tư cho phát triển và lấy người dân bản địa là trung tâm, là đối tượng để phát triển. Và cuối cùng, cũng là vấn đề quan trọng nhất, đó là làm giảm bớt tâm lý tự ti tộc người vốn đang khá phổ biến ở người dân miền núi. Phải làm sao để họ thấy được những nét đẹp trong văn hóa truyền thống của cha ông để lại, để họ cảm thấy tự hào về quá khứ của cha ông mình và trách nhiệm phải tiếp nối những truyền thống đó. Chỉ có như vậy thì họ mới thấy vui vẻ và thích thú khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống. Muốn vậy, mọi dự án bảo tồn cần bắt đầu từ chính cộng đồng chủ thể./.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512159
296
2389
296
219032
121356
114512159