Diễn đàn
• Cần phòng chống bệnh đạo đức giả cho cán bộ, đảng viên
Nguồn: Internet
Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác xây dựng đảng: “Cán bộ là cái gốc của công việc”, lâu nay công tác chỉnh đốn đạo đức cho cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, đã là câu chuyện phải nói đi nói lại “biết rồi khổ lắm nói mãi”. Liên tục nhiều năm qua, các cơ quan tuyên giáo, các vị lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước đã luôn nhắc đi nhắc lại về tính sống còn của chế độ phụ thuộc rất nhiều vào đạo đức của cán bộ đảng viên, “trăm sự nhờ cậy” vào cái đức của cán bộ.
Quả có thế, tất cả mọi việc, từ quy hoạch tài nguyên, tổ chức cán bộ cho đến xây dựng các văn bản pháp luật,... đều phải rất cần đến đạo đức của cán bộ làm những công tác đó. Mà những hệ lụy vừa qua như các dự án thua lỗ nghìn tỉ, cả nhà làm quan bổ nhiệm cho nhau, quy định đổi 100 USD bị phạt 80 triệu,... đều đã phản ánh đạo đức đến đâu của cán bộ làm công tác này
Tuy nhiên mặc dù đã liên tục “dạy đi dạy lại” bài học đạo đức cho cán bộ đảng viên các cấp như vậy, ấy thế nhưng thực tế cũng lại ... liên tục phát hiện ra các vụ án, thậm chí đại án nghìn tỉ của cán bộ đảng viên ở các cấp vi phạm pháp luật.
Tình trạng tái diễn đi tái diễn lại này đã đặt ra một dấu hỏi lớn về công tác quản lý giáo dục cán bộ đảng viên những năm qua, phải chăng là đã chưa được hiệu quả thực chất?
Thì ở đây, trước tiên, có một thực tế cần nhận ra rằng, thực ra cán bộ đảng viên của ta vị nào cũng thuộc bài vach vách về “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” khi lên bục nghị trường, lên truyền thông phát biểu. Ấy thế nhưng “một bộ phận không nhỏ” các vị cán bộ Đảng viên nhà ta lại nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, do đó mới gây ra những vụ vi phạm pháp luật có khi rất nghiêm trọng như vậy.
Cho nên thực ra hiện nay vấn đề chúng ta đáng lo không phải là việc cán bộ Đảng viên nhà ta không biết học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là như thế nào. Mà vấn đề đáng phải lo là việc cán bộ Đảng viên nhà ta học thuộc bài vanh vách nhưng lại chỉ ... “diễn sâu” về đạo đức, “dối trên lừa dưới” để cốt vơ được nhiều phiếu tín nhiệm mà chui sâu, leo cao vào bộ máy quyền lực nhà nước.
Điển hình cho lối “diễn sâu” này, là các trường hợp “nói mà không làm”, “nói một đằng làm một nẻo” vừa qua như:
- Nguyên Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn bị khởi tố về 2 tội “Nhận hối lộ” và “Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng” trong thương vụ mua bán AVG. Trong đó ông Trương Minh Tuấn chính là tác giả của cuốn sách “Phòng chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về tư tưởng trong cán bộ, đảng viên hiện nay” từ khi ông còn đương Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ trưởng Bộ TT&TT.
- Nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh với những phát ngôn nảy lửa chống tham nhũng, song lại bị phát hiện cũng nhận nhà, xe sang của doanh nghiệp biếu một cách bất minh.
- Nguyên Trung tướng Bùi Văn Thành - Thứ trưởng Bộ Công an với tuyên bố “Chúng tôi sẽ xử lý sai phạm với nguyên tắc không có vùng cấm, không nương tay...”, thế nhưng chính ông Thành lại đang có những sai phạm nghiêm trọng sau đó bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Nguyên Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa - Cục trưởng Cục C50 Bộ Công an trong khi đang là khắc tinh truy quét tội phạm công nghệ cao thì chính ông Hóa cũng lại là ... tội phạm liên quan tới công nghệ cao, vừa bị phát hiện và đem ra xét xử.
- Nguyên trung tướng Phan Văn Vĩnh cựu Tổng Cục trưởng Tổng cục Cảnh sát với phát ngôn rất thẳng thắn: "Xin hãy làm trong sạch nội bộ của lực lượng phòng chống buôn lậu trước khi chống buôn lậu. Cần chấn chỉnh nội bộ trước, nếu phát hiện phải xử lý triệt để, phải làm rõ nguyên nhân cụ thể, nếu không sẽ không thể làm tốt", tuy nhiên trong khi chính ông Vĩnh lại phạm tội tiếp tay cho một đường dây đánh bạc nghìn tỉ.
- Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với những phát ngôn dậy sóng thẳng thắn cùng hàng loạt các hành động “trảm tướng”, “chỉ thẳng mặt nhà thầu Trung Quốc” ngay tại công trình, thế nhưng lại bị phát hiện có những vi phạm pháp luật hết sức nghiêm trọng gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng cho ngân sách đất nước trong thời gian ông Thăng làm lãnh đạo quản lý ở Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
- Đó là chưa nói đến vụ gian lận thi cử động trời ở Hà Giang, Hòa Bình vừa qua, con em một số vị cán bộ đảng viên lãnh đạo ở đây “bỗng dưng” được nâng điểm khủng, khiến các vị cán bộ này tỏ ra ... “rất buồn”?
Và tất nhiên, danh sách những cán bộ đảng viên kiêm “diễn viên xuất sắc” như vậy chưa phải là đã kể hết. Chắc chắn, sẽ còn nhiều “diễn viên” nữa sẽ bị phát hiện ra sau này.
Như vậy có một sự thật mà chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận ra là, bộ máy quyền lực của chúng ta lâu nay đã tuyển nhầm nhiều ... “diễn viên”. Trong đó đáng lo ngại là đã có nhiều “diễn viên xuất sắc”, khi giả dối, mị dân quá khéo léo để chui sâu, leo cao lên nắm các vị trí quyền lực nhà nước nhằm trục lợi.
Qua thực trạng trên, có một câu hỏi lớn đặt ra là: làm thế nào để chúng ta ngăn chặn được những “diễn viên xuất sắc” chui lọt được vào bộ máy quyền lực? Hay nói cho rõ hơn, đã đến lúc chúng ta phải tuyên chiến với vấn nạn đạo đức giả trong giới cán bộ quan chức!
Như vậy, vấn đề cần đặt ra hết sức nghiêm túc cấp bách hiện nay là: Cần phải phòng, chống bệnh đạo đức giả cho đội ngũ cán bộ đảng viên!
Như trước đây chúng ta vẫn gọi tình trạng tha hóa đạo đức của cán bộ đảng viên đó là “tự diễn biến, tự chuyển hóa”. Tuy nhiên từ thực tế có tình trạng nhiều người lại chủ động “tự diễn biến, tự chuyển hóa” một cách có chủ ý chứ không phải vô ý, thì chính xác đó ta phải gọi là đạo đức giả.
Vậy câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để phòng chống được bệnh đạo đức giả cho cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo?
Như vậy thì khi đã “bắt bệnh” đúng, gọi chính xác đó là đạo đức giả, thì chúng ta mới tìm ra cách phòng chống hiệu quả được.
Nhân đây cũng xin hết sức lưu ý!
Tất cả chúng ta bất cứ ai cũng có thể mắc phải, thậm chí rất dễ mắc phải “căn bệnh” đạo đức giả khi nói mà không làm, nói một đằng nhưng làm một nẻo. Cho nên mỗi người chúng ta cần hết sức cảnh giác, nghiêm khắc với chính bản thân mình, đừng để mình có thói quen nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, bởi chính nó sẽ biến ta thành kẻ đạo đức giả.
Mà nguyên do của căn bệnh nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo chính là vì cơ chế của chúng ta còn nhiều khoảng trống không kiểm soát được. Và đó chính là đất diễn cho thói đạo đức giả nói trên, khi người đạo đức giả không bị soi kỹ mọi việc làm thực tế để đối chiếu với những bài diễn văn “hay như hát”, những tuyên bố hùng hồn “nói như rồng leo” của họ ở trên nghị trường, trên truyền thông.
Cho nên để phòng chống được nạn đạo đức giả của cán bộ đảng viên, cấp lãnh đạo nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo, thì chỉ có cách dựa vào nhân dân mới giám sát được hết những khoảng trống, phát hiện ra những “diễn viên xuất sắc” đó. Khi họ đóng vai cán bộ đảng viên gương mẫu, chuẩn mực nhưng thực chất chỉ để lấy tín nhiệm khi đến kỳ bầu bán, hoặc để tạo lớp vỏ bọc che giấu kỹ cho cái công việc “làm kinh tế” của họ là bòn rút ngân sách đất nước.
Chỉ có nhân dân với số lượng đông đảo nhất, sẽ giống như là một cơ quan kiểm tra đảng khổng lồ, mới có thể soi kỹ mọi ngóc ngách hành vi, giám sát trong từng “nhất cử nhất động” của các cán bộ đảng viên, các cấp lãnh đạo để phát hiện ra được vị công bộc nào là đang “diễn sâu”, mà chống được thói nói mà không làm, nói một đằng làm một nẻo lật tẩy vỏ bọc đạo đức giả của họ. Khi ngăn chặn được kịp thời các vị đạo đức giả đang tìm cách thăng quan tiến chức hoặc che giấu việc phạm pháp của mình, thì Đảng và Nhà nước sẽ làm trong sạch hóa bộ máy một cách hiệu quả, để bảo vệ vững chắc được uy tín của mình trước nhân dân. Sẽ không còn những Đinh La Thăng, Nguyễn Thanh Hóa, Phan Văn Vĩnh, Trương Minh Tuấn,... chui sâu, leo cao gây thiệt hại lớn cho dân cho nước, làm mất uy tín của đảng cầm quyền như vừa qua nữa.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512164
2101
2389
2101
219037
121356
114512164