Diễn đàn

Ai đang bức tử một dòng sông?

La Ngà không mấy xa lạ với dân mình bởi địa danh ấy rất ấn tượng theo cách mà ông cha ta từng đặt tên cho bao vùng đất khác trên khắp xứ sở yêu thương.

La Ngà được biết đến trước hết đấy là hình ảnh một con sông. Sông La Ngà, phụ lưu cấp I của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh, chảy men khu vực thành phố Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, qua các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai rồi đổ vào hồ Trị An. Sông có chiều dài trên 272 km và lưu vực 4.710 km².

La Ngà còn được biết đến đấy là một miền sông nước rất ấn tượng du khách với những làng bè - thành phố nổi trên sông - lung linh duyên dáng, trở thành nét đặc trưng của huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai.

Những ngày qua, cái tên La Ngà lại xuất hiện liên tục trên mặt báo, nhưng không phải là để ngợi ca vẻ đẹp của một dòng sông nơi miền quê yên tĩnh, thanh bình.

La Ngà những ngày này gắn với cảnh tượng cá lồng bè chết trắng trên sông được truyền thông đăng tải từ giữa tháng 5 tới giờ, đầy ám ảnh, xót xa trong lòng độc giả.

Thảm họa xảy ra sau cơn mưa lớn vào tối 15/5/2019 khi hàng chục bè cá của người dân trên sông La Ngà, thuộc địa phận xã Phú Ngọc và La Ngà chết hàng loạt. Chỉ trong vòng mấy ngày, 81 hộ dân có lồng bè nuôi cá bị thiệt hại với tổng số lượng là 976 tấn.[1]

Hình ảnh cá chết hàng loạt trên sông La Ngà vào sáng 16/5/2019. Nguồn: Vietnamnet

Vào tháng 5/2018, gần 2.000 tấn cá bè tại khu vực này cũng đã bị chết trắng.

Điều đáng nói, chuyện cá bè của dân chết đồng loạt không chỉ xảy ra một vài lần.

Từ 20 năm trước, khi nhà máy chuyên sản xuất men vi sinh tại xã La Ngà, huyện Định Quán, Đồng Nai của công ty TNHH AB Mauri Việt Nam đi vào hoạt động, người dân đã liên tục phản ứng vì phát tán mùi hôi.[2]

Vậy là công ty này đã có “thâm niên” trong việc gây ô nhiễm môi trường

Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam. Nguồn: Vietnamnet

Sự cố đầu tiên do AB Mauri Việt Nam gây ra là vào tháng 3/2008: Hàng chục tấn cá nuôi lồng bè trên sông La Ngà sát nhà máy bị chết trắng mặt sông.

Gần một tháng sau, cá nuôi trong bè lại tiếp tục chết trắng. Cả hai đợt có gần 300 tấn cá bị chết, gây thiệt hại khoảng 8,4 tỷ đồng.

Báo cáo của Sở TN&MT Đồng Nai lúc bấy giờ xác định nguyên nhân chính khiến cá chết là do nước thải của công ty AB Mauri và công ty CP Mía đường La Ngà gây ra.

Cuối năm 2011, hàng trăm người dân xã La Ngà tập trung trước cổng công ty AB Mauri hơn 20 ngày để phản đối công ty vì gây ô nhiễm. Sự việc căng thẳng đến mức chính quyền tỉnh Đồng Nai phải vào cuộc giải quyết, buộc công ty tạm ngưng sản xuất trong 3 tháng để khắc phục.

Từ giữa năm 2018 tới nay, mùi hôi nồng nặc lại bốc ra từ khu vực bể chứa men vi sinh của công ty khiến người dân khó thở, đau đầu, choáng váng; công ty lại bị buộc tạm ngưng sản xuất để làm rõ nguyên nhân phát tán mùi hôi.

Tình trạng môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng khiến 150 hộ với hơn 500 lồng nuôi cá trên sông La Ngà phải đối mặt với cuộc mưu sinh vốn đã rất cơ cực.

Tài sản bị khánh kiệt, nợ nần chồng chất sau mỗi lần cá lồng bè chết trắng; dù đã nhiều năm kiên trì kiến nghị, phản ánh, khiếu kiện nhưng vẫn không được giải quyết dứt điểm; dân chỉ còn có mỗi cách là đành phải treo biển bán nhà đi nơi khác tìm kế sinh nhai.

Dân treo biển bán nhà vì ô nhiễm môi trường.  Nguồn: Vietnamnet

Hãy xem những lần chính quyền địa phương xử lý công ty AB Mauri “tội” gây ô nhiễm môi trường.

Năm 2008, phạt 32 triệu đồng; năm 2018, phạt 85 triệu đồng - những mức phạt chỉ đủ “gãi ngứa” kẻ đã và đang quyết tâm bức tử môi trường sống ở địa phương.

Làng bè La Ngà - “Thành phố nổi trên sông, lung linh duyên dáng” - sắp bị xỏa sổ trong khi một công ty mà 20 năm tồn tại là 20 năm gây ô nhiễm môi trường vẫn cứ ngang nhiên hoạt động?

Hai mươi năm qua, tiền thuế của các công ty gây ô nhiễm ở khu vực sông La Ngà đóng góp vào ngân sách được bao nhiêu, liệu có đủ để bù đắp thiệt hại mà người dân đang phải gánh chịu và môi trường sống ở địa phương phải đánh đổi?

Ai chịu trách nhiệm trước thảm họa môi trường này?

Lẽ nào tư tưởng chỉ đạo “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế” vẫn chỉ là khẩu hiệu suông?

Thông tin mới nhất trên VietNamnet cho biết, không chỉ riêng La Ngà mà tại huyện Tân Phú cũng lộ diện hàng loạt hồ chứa chất thải “vô chủ” hơn 10 năm nay.[3]

Theo phản ánh của người dân: “Đây là hồ mà công ty phân bón cho đào và xây dựng từ hơn 10 năm trước. Khi về lấy đất, họ bảo sẽ sản xuất phân bón bán cho nông dân. Sau khi hồ được xây xong, chúng tôi thấy liên tục các xe bồn chở chất thải đen từ bên xã La Ngà, huyện Định Quán về đổ xuống".

Dân nghi ngờ đây chỉ là trò bịp của doanh nghiệp, thay vì phải mất nhiều tiền xây nhà máy xử lý, họ đào hố đổ nước thải cho nhanh và mị dân sẽ xử lý làm phân bón?

Vậy mà, trả lời báo chí, ông Trần Trọng Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đồng Nai vẫn lạc quan rằng, hiện nay các ngành chức năng đang giám sát chặt chẽ hoạt động của công ty AB Mauri, nếu công ty tiếp tục để xảy ra các sự cố gây ô nhiễm thì các cơ quan có thẩm quyền sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.[4]

 

Nguồn tham khảo:

[1]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/gan-1-000-tan-ca-chet-tren-song-la-nga-thiet-hai-hang-chuc-ty-533663.html

[2, 4]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/gan-20-nam-gay-o-nhiem-cua-cong-ty-ab-mauri-la-nga-537936.html

[3]. https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/moi-truong/sau-la-nga-nhung-ho-nuoc-vo-chu-to-ke-phat-tan-chat-thai-o-dong-nai-538502.html

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512164

Hôm nay

2101

Hôm qua

2389

Tuần này

2101

Tháng này

219037

Tháng qua

121356

Tất cả

114512164