Quê Bác
Các di sản không chỉ có ý nghĩa về mặt văn hóa, lịch sử mà còn có thể đem lại lợi ích kinh tế rất lớn nếu biết cách khai thác. Một trong những hướng đi khả thi là gắn chúng với phát triển du lịch. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng khi phải luôn giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; làm sao để khai thác tối ưu giá trị kinh tế, tạo động lực cho phát triển kinh tế mà không làm tổn hại/tổn thương đến các giá trị văn hóa. Thiết nghĩ, nếu làm được điều này, Nghệ An hoàn toàn có thể trở thành một điểm đến du lịch văn hóa không thể bỏ qua.
Hiện nay, có thể thấy Nghệ An chưa khai thác thành công các di sản vật thể và phi vật thể trên địa bàn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chưa thành công song tựu trung lại là do tư duy, cách làm chưa phù hợp. Điều đó dẫn đến thiếu những ý tưởng mới lạ, hấp dẫn, táo bạo và hiệu quả. Từ thực trạng của địa phương và kinh nghiệm từ các tỉnh, thành khác như Huế, Hội An, bài viết này xin mạnh dạn đưa ra những điều cần lưu ý trong khai thác giá trị di sản tại Nghệ An.
Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong khai thác di sản, phải luôn đặt yếu tố bảo tồn lên trước mới có được sự bền vững. Muốn làm được điều này, chính quyền phải có những có chính sách, đề án quy hoạch không gian và các hoạt động kinh doanh dịch vụ làm sao để không phá vỡ không gian di tích, không làm ảnh hưởng đến các giá trị văn hóa truyền thống; Phải có những quy định để đảm bảo các hoạt động diễn ra không làm méo mó giá trị văn hóa, lịch sử; gây ảnh hưởng đến hình ảnh của di sản cũng như của địa phương. Ví dụ, với việc bán hàng rong, Hội An xác định đây là một trong những sản phẩm văn hóa, tạo nên nét riêng, phần hồn cho địa phương nên luôn lên phương án duy trì một cách hợp lý, đảm bảo không xảy ra tình trạng gia tăng quá nhiều hộ, phát sinh quá nhiều loại hình không phù hợp. Sau khi tiến hành khảo sát, Hội An tiến hành bố trí, sắp xếp lại các quầy hàng; lên danh sách những mặt hàng được phép bán, quy hoạch rõ các tuyến phố và diện tích từng khu vực; các mặt hàng phải ghi theo đúng tên truyền thống, bày bán và đựng trong những dụng cụ, phương tiện có kiểu dáng truyền thống theo mẫu cung cấp (gióng, gánh, mẹt,…).v.v… Quan trọng hàng đầu là không được vội vàng trong khai thác, không tìm cách tận thu, bất chấp những ảnh hưởng tới di sản.
Du khách đi thuyền trên sông Hoài và ngắm thành phố Hội An.
Thứ hai, cần phát huy sức dân, làm sống lại giá trị di sản trong cộng đồng. Nói cách khác, đó là câu chuyện chung sống cùng di sản, là để người dân trở thành chủ sở hữu thực sự, được hưởng lợi từ di sản. Khi di sản gắn với cuộc sống, sự sinh tồn của họ thì họ sẽ ý thức giữ gìn. Phải làm sao để khi đến người ta thấy được đó không phải là một di tích “chết” mà là nơi có thể chứng kiến nhịp sống thường ngày của người dân, thấy được sự tiếp nối dòng chảy văn hóa từ xưa đến hiện tại. Khi đó mỗi người dân là một đại sứ văn hóa - du lịch cho quê hương mình. Chúng ta có thể thấy rất rõ điều này khi đến với nội thành Huế hay phố cổ Hội An. Các cư dân nơi đây không những đã giúp bảo tồn các giá trị truyền thống mà còn đóng góp vào đó nhiều giá trị mới, tạo nên sức sống và nét hấp dẫn rất riêng.
Tại Hoàng thành Huế du khách được xem nhiều nghi thức cung đình được phục dựng như Lễ đổi gác.