Nhưng để hiểu đúng nhân vật, đồng thời cũng tìm ra cách đọc chính xác tác phẩm này, trước tiên ta phải trả lời câu hỏi : Trò chơi ấy là trò chơi nào? Tại sao người xa lạ lại từ bỏ cuộc chơi? Cũng theo P.L.Rey, và như chúng tôi đã phân tích ở trên, cùng thời gian này, Camus đã khởi thảo một cuốn tiểu thuyết mà ông chưa từng công bố khi còn sống (đúng hơn nó chỉ mới ở dạng ghi chép và còn dở dang), đó là Cái chết hạnh phúc (La Mort Heureuse). Nhân vật chính của tác phẩm này có cái tên gần giống tên nhân vật trong NXL : Mersault. Có một vài nhà nghiên cứu giải thích cái tên này là sự lắp ghép của hai hình tượng thiên nhiên hết sức quan trọng trong tác phẩm là biển và mặt trời (mer et soleil). Tháng 8 năm 1937, Camus ghi rõ ý đồ cấu trúc tác phẩm của mình trong sổ tay ghi chép : “Phối hợp trò chơi và cuộc sống” (combiner jeu et vie); chương cuối của tác phẩm được kết thúc bằng ý tưởng “Đi về phía mặt trời”, “Tự tử-cái chết tự nhiên”. Như vậy, ngay từ ý đồ khởi thảo tác phẩm, Camus chưa bao giờ tách nhân vật của mình ra khỏi cuộc sống bình thường. Trong Huyền thoại Sisyphe, ông đã từng nhấn mạnh “cuộc đời dù có đáng chán đến mấy, phi lí đến mấy vẫn cần phải sống”. Cụ thể hơn, ở bài viết phê bình tập truyện ngắn Bức tường của Jean Paul Sartre, Camus đã bộc lộ rõ quan điểm của mình : “Nhận thấy được phi lí của cuộc đời không thể là cứu cánh mà chỉ là bước đầu để suy tư” (Alger – Républicain, 1939). Qua đây, có thể khẳng định ngay rằng, nhân vật Meursault trong NXL của A. Camus, theo cách đọc xã hội học (lecture sociologique, chữ dùng của Brian T.Fitch) không hề xa lạ. Bởi lẽ, theo nghĩa thông thường, người xa lạ ở đây phải khác hẳn với những người bình thường. Trong khi Meursault của Camus, xét từ trong bản chất, nếu so với một số người bình thường khác có thể không hoàn toàn giống, chứ không hẳn không tồn tại. Robert Champigni, trong một công trình nghiên cứu về NXL, đã chỉ ra rất đúng đắn rằng : “Cho đến tận thời điểm bị kết án ở phiên tòa, Meursault không hề cảm thấy xa lạ (…) trong mối quan hệ với hiện thực cũng như xã hội” (46,94). Đọc câu chuyện NXL, chúng ta hoàn toàn giải thích được điều đó. Nói Meursault là kẻ xa lạ vì anh ta thiếu trách nhiệm với người mẹ, không sống chung với mẹ của mình, thì chính anh đã giải thích : “Tôi trả lời rằng vì tôi không đủ tiền mướn người chăm sóc bà…và hai mẹ con chúng tôi đều quen với cuộc sống mới của mình…”. Kết tội Meursault không chịu nhìn mặt mẹ ngay sau khi trở về chịu tang, thì chính anh đã giải thích : “Tôi muốn trông thấy ngay mẹ tôi nhưng người gác cổng cho biết là tôi cần phải gặp vị giám đốc”. Quả nhiên sau đó Meursault có từ chối nhìn mặt mẹ, nhưng anh nhận thấy mình có lỗi : “Đáng lẽ tôi không nên nói câu đó”. Ngay cả hành động hút thuốc, uống cà phê trước linh cữu mẹ mình, bản thân nhân vật cũng đã nhận ngay ra điều không phải đó : “Tôi ngần ngại vì không biết mình có thể làm như vậy hay không trước thi thể mẹ”. Chính ông giám đốc viện dưỡng lão, ngay từ lần đầu tiên gặp Meursault, cũng đã bày tỏ sự cảm thông chia sẻ với anh : “Anh không có gì để biện hộ hết, anh bạn. Tôi có đọc hồ sơ của mẹ anh, anh không thể trợ cấp mọi nhu cầu cho bà. Lương anh thì khiêm tốn. Và dù sao ở đây bà cũng thấy sung sướng hơn” . Quy kết Meursault xa lạ vì ngay cả ngày mẹ qua đời cũng không nhớ chính xác, thì chính Camus đã giải thích rõ trong tác phẩm với chúng ta, vì Meursault đã sống xa mẹ ba năm nay. Đường đi từ chỗ làm việc tới viện dưỡng lão tuy không xa, nhưng do nghĩ đơn giản mẹ nay đã có nơi nương tựa, nên những chuyến viếng thăm thưa dần, vì thế khi nhận được bức điện từ viện dưỡng lão với nội dung quá ngắn ngủi : “Mẹ chết. Mai đưa tang. Thành thật phân ưu” ( Mère dècédée. Enterrement demain. Sentiments distingués), ý nghĩ bất chợt thốt ra trong đầu nhân vật Meursault : “Điều đó vô nghĩa. Có lẽ hôm qua”(…..). Ở đây, chúng tôi cũng muốn giải thích thêm điều này : Để xảy ra tình trạng người đọc ác cảm với nhân vật Meursault qua đoạn văn mở đầu tác phẩm NXL, còn có phần lỗi quan trọng của một số người dịch. Một vài bản dịch tiếng Việt NXL mà chúng tôi có điều kiện khảo sát đều dịch thoáng cụm từ cela ne veut rien dire là điều đó vô nghĩa (một câu nói cửa miệng theo thói quen của nhân vật chúng tôi khảo sát trong tác phẩm được tác giả sử dụng tới 21 lần), mà đáng ra phải dịch cẩn thận hơn một chút : điều đó - cela (những chữ quá ngắn gọn trong bức điện) chẳng nói lên được điều gì (nó không cho biết chính xác thời gian mẹ chết). Một suy nghĩ bất chợt như thế với bất cứ ai trong hoàn cảnh đó cũng là một điều hết đỗi bình thường. Đó không phải là lí do quá quan trọng để kết tội Meursault xa lạ, người dưng với người mẹ thân yêu của anh. Đây là cách đọc nhằm bênh vực cho một nhóm người ít ỏi trong xã hội, những kẻ chỉ chuyên nhìn người bằng thiên kiến hẹp hòi, sự định kiến ác ý. Đó là một trong những nguyên nhân biến Meursault thành kẻ xa lạ, cách đọc phổ biến của không ít người khi tiếp xúc với tác phẩm của A. Camus.
Vậy là ngay từ nhan đề tác phẩm, đôi khi trong quá trình chuyển ngữ, một người dịch cho dù không cố ý cũng có thể gây nên sự hiểu nhầm ở người đọc. Thực ra, với nhan đề L’Étranger, ở bình diện thứ nhất, nhà hiện sinh Camus có lẽ cũng muốn đem đến cho người đọc một mẫu nhân vật, một kiểu người hình thành trong thời kì trước và trong thế chiến II. Đó là mẫu người xa lạ, dửng dưng, lạnh lùng với chính bản thân mình và với cái thế giới mà mình đang sống. Tuy nhiên cái xa lạ, dửng dưng, lạnh lùng của nhân vật trung tâm trong tác phẩm mà nhà văn hiện sinh này muốn hướng tới người đọc, chủ yếu là nhằm phản ứng lại xã hội, chính xác hơn, phản ứng với định kiến hẹp hòi của xã hội, chứ không nhằm phê phán. Đó không phải là sự phi đạo đức của một con người, lại càng không thể quy kết con người này dưới góc độ đạo đức. Cụ thể hơn, chẳng hạn trong mối quan hệ với người mẹ, bảo rằng Meursault thể hiện cái bề ngoài dửng dưng, lạnh lùng, nhưng anh quyết không phải là người dưng. Đọc NXL, không biết bao nhiêu lần ta thấy được tình cảm bình thường của anh đối với mẹ : “Tôi rất yêu mẹ của mình như tất cả mọi người thôi”; Ai mà không yêu mẹ của mình”; “Thực lòng tôi không muốn mẹ chết”; “Gần sát với cái chết chừng đó, mẹ hẳn phải cảm thấy được giải thoát và sẵn sàng sống lại trọn vẹn cuộc đời đã qua. Không ai có quyền khóc bà. Và tôi cũng vậy, tôi cũng sẵn sàng làm lại tất cả cuộc đời mình”…Ngay trong cách sử dụng đại từ xưng hô của Meursault với mẹ, Camus cũng cố ý để nhân vật của mình, một người đã vốn không còn trẻ, nói rất trẻ con : maman (bình thường phải là mère). Cứ cho rằng đây chỉ là thói quen của nhân vật “chứ không có gì đặc biệt” (DT), hay là một cách để nhận biết lời độc thoại nội tâm của nhân vật (TTĐ), thì chúng tôi vẫn cứ khẳng định, đó chắc chắn là cách để Meursault thiết lập mối quan hệ tình cảm đặc biệt với mẹ của mình. Giáo sư Đặng Anh Đào trong Lịch sử văn học Pháp thế kỉ XX đã rất có lí khi nhận xét : “Như vậy câu mở đầu (tác phẩm NXL-TH) đã tiềm ẩn tất cả các hướng của chủ đề và nhân vật. Quả vậy, chỉ một từ ngữ có vẻ dung tục, lạ lẫm – người thanh niên này gọi mẹ mình là mẹ (maman) như một đứa trẻ - cái vỏ phi văn học đó lại nói lên tình âu yếm của anh”. Để soi sáng thêm luận điểm này, chúng tôi muốn dẫn thêm dưới đây lập luận của nhà nghiên cứu Brian T.Fitch. Trong quan hệ với mẹ, ý nghĩa văn bản mà Camus cung cấp cho người đọc sâu sắc hơn nhiều. Theo Brian T. Fitch, dưới ánh sáng cách đọc phân tâm học (lecture psychanalytique) không chỉ trong Người xa lạ mà trong tất cả các tác phẩm của Camus, có một cách giải thích khác, thiết lập một cách chính xác dựa trên mối quan hệ giữa biển và mẹ, cũng giống như sự kết hợp bổ sung giữa mặt trời và cha”. Đó cũng là lí do tại sao Camus lai cấu trúc cái tên ban đầu của nhân vật trong Cái chết hạnh phúc (tiền thân của nhân vật Meursault-TH) từ hai từ mặt trời (soleil) và biển (mer). Dựa trên cách hiểu truyền thống (về tôn giáo và huyền thoại), biển với Camus chứa đựng những thuộc tính mẫu hệ (l’attribut de la maténité) :sự màu mỡ, cuộc sống, sự tái sinh và cả cái chết. Trong khi đó ở một phía khác, mặt trời chứa đựng tất cả các yếu tố phụ hệ (paternel) : mặt trời kết hợp với biển và mặt đất, đó là hình ảnh của sự thật, nó đè bẹp và tiêu diệt”
Chúng ta còn có thể tìm thấy vô khối các yếu tố cốt truyện khác biện hộ cho sự không xa lạ của nhân vật Meursault. Meursault hoàn toàn là một con người bình thường nếu anh ta sống trong một xã hội khác. Meursault hoàn toàn muốn được làm một con người bình thường (hệt như Chí Phèo của Nam Cao muốn được làm người lương thiện nhưng xã hội lại từ chối). Chính Camus đã không ít lần trong các sổ tay ghi chép của ông khẳng định rõ điều này. Dưới sự soi rọi của cách đọc tiểu sử (lecture biographique), Brian T.Fitch đã minh chứng điều đó qua một đoạn ghi chép của chính tác giả : “Cố gắng duy nhất trong suốt cả đời tôi, điều còn lại với tôi (trừ tiền bạc mà tôi không mấy bận lòng) đó là được sống cuộc sống của một người bình thường” . Một người bình thường, nghĩa là không có lí do gì để xa lạ với cuộc sống. Meursault từ trong bản chất là một con người như thế. Ở trước thời điểm dẫn đến tư tưởng hiện sinh rằng, “người ta chết ở tuổi ba mươi hay bảy mươi thì cũng vậy thôi” , Meursault hoàn toàn là một người bình thường (trừ những thói quen dị thường như ngủ nhiều, luôn mệt mỏi, ít nói…mà nếu lí giải bằng cách đặt nhân vật vào một hoàn cảnh cụ thể, ta hoàn toàn có thể hiểu và thông cảm). Trước khi bị cái nắng dồn ép dẫn đến hành động “gõ vào cánh cửa bất hạnh”, Meursault vẫn là một tâm hồn lành mạnh. Ngay trước ngày đưa tang mẹ, vào buổi bình minh nơi miền quê, nếu như không có một tâm hồn lành mạnh, hẳn Meursaultt không thể nào có được cảm xúc tràn ngập chất thơ thế này : “Khi tôi ra ngoài, ngày đã hoàn toàn trở lại. Bên trên những ngọn đồi chia cách Marengo với mặt biển, bầu trời đầy những vết đỏ. Và ngọn gió thổi qua các ngọn đồi mang về đây một hương vị mặn mà. Một ngày đẹp trời đang bắt đầu. Đã lâu rồi tôi không có dịp về quê, và tôi cũng thấy đi dạo thật là thú vị nếu không có chuyện của mẹ…”. Một tâm hồn bệnh tật hẳn không thể có được những cảm xúc lành mạnh đến thế.
Brian T.Fitch hoàn toàn có lí khi soi rọi mối quan hệ giữa Meursault và Marie dưới ánh sáng phân tâm học : “Mối quan hệ anh ta thiết lập với người tình cũng chính là cố gắng thiết lập lại mối quan hệ đã mất với người mẹ. Biển và nước là hai yếu tố quan trọng giúp Meursault tìm lại sự cân bằng sau tất cả những mất mát của mình”*. Những cú va chạm cố tình của Meursault với Marie, soi rọi dưới ánh sáng phân tâm học, có thể giúp ta hiểu thêm điều này : “Tôi đỡ nàng lên phao và trong cử động đó, tôi chạm phớt lên ngực nàng. Tôi còn ở dưới nước trong khi nàng đã nằm sấp trên phao. Nàng quay về phía tôi. Tóc vướng trên mắt nàng và nàng cười. Tôi trèo lên phao bên cạnh nàng. Và như có ý giễu cợt, tôi ngả đầu ra phía sau và gối lên bụng nàng. Nàng không nói gì hết và tôi cứ nằm như vậy. Tôi chứa cả bầu trời trong mắt, màu trời xanh lơ và vàng rực” .
Không chỉ với Marie, sự không xa lạ của Meursault còn được thể hiện qua mối quan hệ với những người bạn và những người láng giềng. Bạn bè và tất cả những người hàng xóm gần gũi với Meursault đều khẳng định anh là người bình thường, không có gì xa lạ. Meursault cũng có những ham thích, thói quen, mối quan tâm giống họ. Ngay trong phiên tòa xử Meursault, khi được hỏi với tư cách nhân chứng, tất cả (trừ viên công tố, chánh án và mục sư) mọi người đều khẳng định Meursault bình thường. Masson “nói rằng, tôi là một người lương thiện và còn là một người dũng cảm nữa”; Salamano nhắc “tôi đã đối xử tốt với con chó của ông ta”; Raymond vẫn khẳng định tình bạn và cho rằng sự có mặt của Meursault ở bãi tắm dẫn đến cái chết của người Ả rập “chỉ là sự tình cờ”; Céleste một mực bênh vực Meursault, sau đó còn nhấn mạnh “theo tôi đó là một tai họa”…Nghĩa là ngay cả đến lúc ấy, lúc anh bắn những phát súng định mệnh vào người Ả rập, Meursault vẫn là một người bình thường. Anh vẫn đủ tỉnh táo khi nghĩ về những người bạn, nhất là với Céleste : “Đây là lần đầu tiên trong đời, tôi muốn ôm lấy một người đàn ông” . Rõ ràng, kẻ không xa lạ kia đã nhận ra sự chân thành (sincérité) giữa những con người. Mỗi người có thể mang những nét tính cách và tâm hồn khác nhau, cũng có thể người ta không bao giờ gạt hết được mọi thói xấu, nhưng điều quan trọng là phải chân thành. Chính Camus đã từng nhấn mạnh tính cách nhân vật trung tâm trong tác phẩm NXL, quan điểm quán xuyến trong mọi tác phẩm của ông rằng, “con người có quyền không nói dối”. Khi buộc phải trả lời câu hỏi của Marie “có yêu nàng không?, tôi trả lời giống như tôi đã từng trả lời một lần, rằng chuyện đó không có nghĩa gì hết, nhưng chắc là tôi không yêu nàng”. Con người “bộc trực” đó quả nhiên đã không hề gây ra ở người yêu mình mối ác cảm về sự “chân thực quá đáng” khi nói ra những lời thật nghiệt ngã. Ngay cả ở hoàn cảnh đó, Marie cũng chỉ “lẩm bẩm nói thật là tôi kì cục (bizarre), và có lẽ nàng yêu tôi vì cái kì cục đó”. Kì cục chứ không phải xa lạ. Tận sát những ngày lên đoạn đầu đài, Meursault không ngừng nghĩ đến cuộc sống, không ngừng thầm mong một sự may rủi có thể cứu anh khỏi án tử hình, không thựa nhận rằng mình là kẻ phạm tội : “Có hai điều mà lúc nào tôi cũng nghĩ ngợi là bình minh và sự chống án của tôi”.
Cận kề cái chết, khi nghĩ đến mẹ, Meursault “sẵn sàng sống lại tất cả cuộc đời mình”. Khác hẳn với nhân vật Joseph K trong tác phẩm Vụ án của Kafka, đến tận lúc chết vẫn chưa hiểu nổi tại sao mình phạm tội. Người đọc tác phẩm Kafka cho đến tận cuối cùng vẫn không sao nhận ra đâu là tội phạm, đâu là tòa án và đâu là công lí trong cái khối mê cung hỗn độn kia dẫn nhân vật trung tâm của tác phẩm đến cái chết. Nó chỉ là những khái niệm bí ẩn mơ hồ. Meursault của Camus không như thế. Anh ta hiểu được tội trạng của mình. Chỉ có điều không lí giải được hoàn cảnh nào đã dẫn mình đến việc phạm tội đó. Tại mặt trời, tại cái nắng mùa hè gay gắt, hay một điều gì khác? Những lời chống chế của Meursault tại phiên tòa khiến tất cả mọi người có mặt bật cười. Brian T.Fitch giải thích hành vi đó của nhân vật theo cách đọc siêu hình học (lecture métaphysique). Ông cho rằng mọi cá nhân con người dù có lí trí đến bao nhiêu, đôi khi cũng không hiểu được hành động siêu hình, bản năng, vô thức của mình. Và hành động của Meursault dù có phi lí đến bao nhiêu cũng không phi lí bằng hành vi xử án của những kẻ đại diện cho công lí ở phiên tòa xử anh : “Thế nào, anh ta bị buộc tội đã chôn cất bà mẹ hay đã giết một con người?”. Câu hỏi của vị luật sư trước phiên tòa đã cho thấy sự nực cười của cán cân công lí. Giọng điệu giễu cợt (ironie) lan tỏa trong nhiều tình tiết tác phẩm NXL. Rõ ràng, so với Kafka, không chỉ riêng với NXL mà cả trong nhiều tác phẩm khác của mình, Camus có cái nhìn tích cực hơn. Toát ra từ tác phẩm Kafka, cả trong Hóa thân, Vụ án và Lâu đài…chỉ là một cái nhìn bi quan bất lực của con người trước thời cuộc. Con người trong tác phẩm Kafka, đến tận cùng vẫn không bao giờ hiểu được cái mạng nhện vây bọc xung quanh mình. K trong Lâu đài không bao giờ đến được lâu đài, Joseph K trong Vụ án trước lúc bị dao đâm vào cổ, chỉ nghĩ được “mình chết như một con chó”. Cuộc đời, với các nhân vật của Kafka luôn là một ẩn số không bao giờ hiểu nổi. Cùng trong vệt những nhân vật hiện sinh nửa đầu thế kỉ XX, nhân vật của Camus rõ ràng gần gũi với cuộc sống hơn. Không ít lần trong những phát biểu của mình, ngay cả khi nhận ra sự vô nghĩa của cuộc đời, nhà văn vẫn khẳng định “cuộc đời này là đáng sống”. Hay chính xác hơn, Camus luôn có ý thức tạo ra cách hiểu nước đôi cho các tác phẩm của mình. Ông khẳng định, điều kì lạ và bí ẩn của cuộc đời nếu có, là ở chỗ nó luôn chứa đựng những nghịch lí, một bên này là đầy rẫy những điều phi lí, tăm tối, còn phía bên kia, con người lại sáng suốt, tỉnh táo, yêu đời. Bởi thế, con người đủ sáng suốt (lucidité, chữ dùng của Camus) để nhìn nhận rõ ràng, minh bạch, từ đó đi đến phản kháng (révolté) chống lại điều phi lí : “Tôi phản kháng vậy thì chúng ta cùng tồn tại” (Je me révolte donc nous sommes). Nhà hiện sinh của thế kỉ XX đã lấy lại một mệnh đề nổi tiếng của nhà duy lí Desscars từ tận thế kỉ XVII “Tôi tư duy vậy thì tôi tồn tại (Je pense donc je suis). Tuy nhiên, khác với Desscars, Camus muốn nhấn mạnh, từ sự phản kháng riêng lẻ của mỗi cá nhân, sức mạnh của con người nhờ thế mà được nhân lên. Để đọc chính xác các tác phẩm của Camus, không riêng NXL, chúng ta phải soi rọi nó từ nhiều phía. NXL lại càng đặc biệt hơn. Với cách đọc tiểu sử (lecture biographique, chữ dùng của B.T. Fitch), tác phẩm NXL gần giống với một cuốn tiểu thuyết tự truyện, ở đó ta bắt gặp gần như đầy đủ hình ảnh những con người thân quen tại xóm nghèo Belcourt. Nếu coi Meursault là một phần hình ảnh của Camus, thì chính những Salamano, Marie Cardona, Raymon Sintès, Perez, Masson…đều là những người Camus từng gặp trong những tháng ngày gian khổ, khi ông sống cùng người mẹ “câm lặng” nơi xóm nghèo Alger. Những nghịch lí cuộc đời hằn dấu vết trong hầu hết các tác phẩm của tác giả. Đã không biết bao nhiêu lần Camus nói về nó, kể từ tác phẩm đầu tiên Bề trái và bề mặt cho đến tác phẩm cuối cùng Người đàn ông đầu tiên. Dưới cái nhìn của ông, trên thế giới này, hai phạm trù bề trái và bề mặt luôn bày ra trước mắt con người. Chúng đối nghịch với nhau gay gắt, nhưng dường như lại hòa điệu với nhau, vì từ đó chúng toát ra sự thật (vérité). Người xa lạ của ông chính là như thế. Ở bình diện thứ nhất, quả đúng đó là một con người xa lạ, bởi lẽ anh ta không giống với số đông người. Anh có phần giống với Julien Sorel trong Đỏ và đen của Stendhal, đối nghịch với xã hội xung quanh. Từ lớp người dưới đáy, Sorel muốn chen chân vào xã hội quý tộc, không hẳn chỉ muốn tìm ở đó sự giàu sang quý phái, mà vì muốn chứng minh, với tư chất thông minh, anh cũng có quyền, ít nhất, ngang hàng với bọn người giàu sang kia. Quan trọng hơn nữa, anh còn muốn vạch trần sự giả dối của lũ người giàu sang quý phái đó. Gần kề cái chết, Sorel đã từ chối mọi sự “cầu xin” mong được giảm án. Anh nói một cách chân thành suy nghĩ của mình : “ Hãy để cho tôi yên với cuộc sống lí tưởng của tôi. Những lo lắng nhỏ nhất của các bạn ít nhiều làm phật lòng tôi, sẽ kéo tôi ra khỏi thiên đường. Chết mỗi người một tật; tôi thì tôi chỉ muốn nghĩ đến cái chết theo cách của tôi. Mặc thây người khác”. Tuy nhiên nhân vật Meursault cũng khác với nhân vật Sorel của Stendhal. Ở thế kỉ XIX, Sorel tiêu biểu cho kiểu nhân vật con người thừa, loại nhân vật trẻ tuổi nhiều tham vọng cá nhân. Sorel sống trong thời kì “một xã hội cũ đã qua đi, nhưng một xã hội mới lại chưa hình thành”. Còn Meursault đích thực là sản phẩm của thời kì hiện sinh hiện đại, ở đó con người luôn cảm thấy “buồn nôn” khi chứng kiến cái phi lý của xã hội mà mình đang sống. Đó là lí do khiến Meursault “bất cần đời” ngay cả khi còn cả một cuộc đời dài ở phía trước. Sự xa lạ của anh với xã hội xung quanh, đơn thuần chỉ là sự phản ứng của một con người “thành thực một cách ngây ngô” với chính bản thân mình. Khác với Sorel, phải đến tận khi đặt chân vào cái xã hội quyền quý mới nhận ra cái giả dối của nó, Meursault trước khi bộc lộ phản ứng đối nghịch của mình, đã nhận ra một xã hội giả dối chờ sẵn đó. Vì lẽ đó, ngay từ đầu anh đã thẳng thừng từ chối cuộc chơi xã hội đặt ra. Đến đây chúng ta hoàn toàn có thể trả lời được câu hỏi đặt ra từ đầu : tại sao nhân vật Người xa lạ lại từ bỏ trò chơi? Bởi vì anh ta không chấp nhận sự dối trá. Camus đã từng nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng, ông muốn được làm một con người bình thường; rằng, một người bình thường thì “có quyền không được dối trá”. Trong lời tựa viết nhân một lần xuất bản NXL tại Mĩ, Camus đã giải thích rõ hơn điều này : “Trong xã hội chúng ta, tất cả những ai không khóc trong ngày đưa tang mẹ mình đều có nguy cơ bị kết án tử hình. Tôi muốn nói rằng nhân vật cuốn sách này bị kết án vì không tham gia vào trò chơi : trong ý nghĩ đó anh ta xa lạ với xã hội mà anh ta sống, anh lang thang ngoài lề, trong những vùng ngoại ô của cuộc sống, cô độc, dâm dục […]. Nếu như ta tự hỏi là tại sao Meursault không tham gia vào trò chơi, thì câu trả lời đơn giản thế này : vì anh ta từ chối nói dối, anh chỉ nói cái gì anh làm, anh từ chối biểu lộ mình”. Ở góc độ ấy, rõ ràng Meursault không phải là người xa lạ”.
Ở một khía cạnh khác, khi nói về nét bí ẩn trong tính cách NXL “không chấp nhận sự nói dối của mình”, Camus giải thích bằng tính chất nước đôi của nhân vật : “Meursault là một nhân vật không tốt cũng không xấu, không đạo đức và cũng không không đạo đức”. Đó cũng là đặc điểm chung bao trùm tác phẩm Người xa lạ của A.Camus. Như vậy có nghĩa, ngoài cách đọc thông thường nhan đề tác phẩm như bấy lâu nay chúng ta vẫn làm, đề xuất thêm một cách đọc ngược kiệt tác này của A.Camus sẽ giúp soi sáng mối quan hệ giữa tác giả và người đọc. Và như thế sẽ góp phần khám phá sâu sắc hơn ý nghĩa của tác phẩm văn hoc.
. J.P.Sartre, Critiques littéraires (Situation I), Gallimard, 1975.
. Camus, Kẻ xa lạ, Lê Hoàng Dân dịch, NXB HNV, 2001
. Camus, Kẻ xa lạ, Lê Hoàng Dân dịch, NXB HNV, 2001
. Camus, Kẻ xa lạ, Lê Hoàng Dân dịch, NXB HNV, 2001
. Camus, Người dưng, Dương Tường dịch, NXB Văn học, 1995
. Đặng Anh Đào và các tác giả khác, Lịch sử văn học phương Tây, NXB GD, 1998
. B.T.Fitch, L’Étranger, un texte, ses lecteurs, leur lectures, Larousses, 1971
. Camus, Kẻ xa lạ, Lê Hoàng Dân dịch, NXB HNV, 2001
. Stendhal, Đỏ và đen, Tuấn đô dịch, NXB Văn học, 1986.
. F.Bargot, A.Camus, L’Étranger, P.U.F, 1993