Diễn đàn

Báo chí làm được không?

Trong một status đăng trên Facebook cá nhân, nhà văn Nguyễn Quang Vinh viết: “Do thói quen là chính, thói quen lâu thành... quen thói, báo chí cứ đưa, đưa quan chức này phát biểu, quan chức khác phân bua, quan chức kia giải thích... và chỉ thế, xong tin, xong bài, không hề bình luận, không hề phản biện dù báo chí biết nói thế là sai, thanh minh thế là ngụy biện, giải thích thế là ngô nghê hoặc ngông cuồng, biết nhưng kệ, cứ đưa, nói gì đưa đó”.

Kết quả là, “Mạng xã hội sử dụng ngay chính thông tin báo chí chính thống đưa để bình luận, để vặn vẹo, để phản biện.

Và kết quả là gì, là người đọc mê bình luận, mê vặn vẹo, mê phản biện và nhờ thế, hiệu quả xã hội mới mạnh dần lên, nóng lên, lôi kéo cả báo chí theo”.

Tôi nghĩ đây là một phát hiện độc đáo, một nhận xét rất đáng suy ngẫm của nhà văn Nguyễn Quang Vinh về một góc thực trạng của báo chính thống đương đại.

Cách đưa tin của báo bấy lâu nay không sai so với quy chuẩn của một bản tin (văn bản báo chí), đã thành kinh điển trong nhà trường. Nhưng, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, những khuôn mẫu đậm chất hàn lâm viện không còn mấy thích ứng với môi trường thông tin hiện đại.

Một trong những ưu thế của truyền thông số là khả năng tương tác giữa báo chí và độc giả. Về điểm này, có thể nói mạng xã hội làm tốt hơn báo chính thống. Hạn chế đó do nhiều nguyên nhân trong đó có việc báo đưa tin một cách “vô cảm”, điều mà nhà văn Nguyễn Quang Vinh đã nhận xét ở trên và ông gọi là “bỏ trận”.

“Bỏ trận” vì thông tin báo đem đến hằng ngày cho độc giả tuy rất “hot” nhưng “vô cảm”. Và mạng xã hội sẵn sàng chộp lấy, “bình luận, phản biện, vặn vẹo”. Việc phát hiện và đưa tin là quan trọng nhưng đánh giá tin còn quan trọng hơn vì nó cho độc giả thấy được thái độ của tòa báo. Tính định hướng dư luận nhờ thế rất cụ thể và có tác dụng tức thì.

Xin nêu một dẫn chứng. Mới đây, báo chí đưa tin, công nhân công ty TNHH điện tử Việt Hoa (Đà Nẵng) nôn ói khi phát hiện suất ăn có sán do Công ty TNHH An Thạnh cung cấp. Trước sự việc này, một quan chức của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng phát biểu “xanh rờn”: “Giun, sán nấu rồi ăn không sao cả, bình thường. Nhiệt độ nấu là 100 độ C nên mọi thức ăn đều đã chín không còn vi khuẩn gây bệnh". Bài báo kết thúc ở câu nói này của ông Phó Ban ATTP Đà Nẵng. Báo không có chỗ cho độc giả tương tác; còn mạng xã hội thì share ngay lập tức, thu hút hàng ngàn người quan tâm bình luận.

Cách đưa tin như thế khiến dư luận không hiểu báo đứng về phía ai, phía công nhân ăn phải thức ăn có giun sán hay phía công ty gây ra vụ việc và vị quan chức “đồng thanh tương ứng” kia?

Dư luận từng nghe rất nhiều phát biểu “lộ cộ” khác của các quan chức, ví như buôn chổi đót, chạy xe ôm, đào đất thối móng tay để xây biệt phủ; đường hỏng là vì làm xong không có xe chạy, cá chết nhiều là do sặc nước,… xuất hiện trong các bản tin hằng ngày. Nhưng cái mà dư luận cần đấy là bình luận, phản biện về những câu nói ngụy biện, ngô nghê, vô cảm, lẩn tránh trách nhiệm như thế thì không thấy một báo nào dám lên tiếng ngay trong bản tin, ngoại trừ những bài bình luận xuất hiện lác đác sau đó. Sức cuốn hút, tính định hướng của báo vì thế bị hạn chế.

Những tin như thế mà đưa không vặn vẹo, không phản biện, không bình luận thì chỉ làm "béo" cho mạng xã hội” nhà văn Nguyễn Quang Vinh nói.

Và ông kết luận, “mạng xã hội khó cạnh tranh với báo chí về tin nhưng đang dẫn điểm về bình vì báo chí bỗng dưng bỏ trận”.

Báo chí làm được không? Câu hỏi ấy của nhà văn xin chuyển đến các nhà báo nhân ngày 21/6.

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512128

Hôm nay

265

Hôm qua

2389

Tuần này

265

Tháng này

219001

Tháng qua

121356

Tất cả

114512128