Diễn đàn

Chuyện “quan trí”

Vấn đề này đã từng được dư luận đặt ra một cách nghiêm túc. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, khi mà nhiều quan chức to, nhỏ phải xộ khám vì tham nhũng, lạm quyền; còn đương chức thì cũng không ít kẻ nói năng, phát biểu “lộ cộ”, khiến dân không khỏi nghi ngờ trình độ “quan trí” của các vị.

Quan trí là gì? Nói một cách nôm na thì đấy là trình độ nhận thức, cách ứng xử hàng ngày của người nhà quan. Vậy, quan chức xứ ta có quan trí không? Trả lời những câu hỏi này thật không dễ.

Bất chợt tôi lại nhớ đến cái khuôn mẫu kê khai lí lịch ở xứ mình từng có một mục chẳng giống ai: Trình độ văn hóa. Có lẽ vị quan nào đó trí rất cao nên đã đẻ ra cái mục độc nhất vô nhị này. Khốn nỗi, bàn dân thiên hạ có lẽ vì dân trí thấp nên cứ hiểu “Trình độ văn hóa” là học vấn, cho nên mọi người từ đời ông đến đời cha, đời con rồi nay đến đời cháu chắt cứ phải khai trình độ văn hóa theo cái bằng cấp mình có được. Và thế là có người trình độ văn hóa âm (mù chữ), có người trình độ văn hóa lớp Một, lại cũng có người trình độ văn hóa tiến sĩ! Và nghịch lí xảy ra, người “trình độ văn hóa” thấp có khi lại ứng xử rất văn hóa, còn người có “trình độ văn hóa” cao thì ứng xử lại chẳng văn hóa tí nào.

Báo chí và mạng xã hội từng dậy sóng với clip bà Đàm Thị Hệ, Trưởng phòng Tài nguyên - Môi trường thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) chỉ tay vào mặt, sa sả thách thức người dân bằng thứ ngôn từ chợ búa mà dám chắc rằng, trong cái luận án để bỏ túi tấm bằng tiến sỹ của bà ta không hề có chỗ.

Nhiều vị quan chức hiện nay, nhìn vào lí lịch của họ không khỏi bái phục: Bằng cấp đỏ chóe đủ loại. Người ít thì một hai bằng, người nhiều thì ba bốn bằng, nào là đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, cao cấp chính trị,... Với một mớ bằng cấp như thế, so với mặt bằng chung của xã hội, “quan trí” của họ không thể nói là thấp được. Vậy mà chẳng hiểu sao, nhiều ông quan vẫn mù công nghệ thông tin, đơn giản như cái điện thoại di động, họ cũng chỉ biết bấm để gọi và nghe dù nhân loại đã bước sang thời đại 4.0.

Có ông giỏi chữ nghĩa đến mức Facebook thì đọc là “phê tê bốc”, Google là “gu gờ”; điện toán đám mây còn muốn kéo về xứ mình để quản cho tiện.

Lại có ông cực khiêm tốn, tự nhận mình “quan trí” thấp, như ông tướng Nguyễn Thanh Hóa, nguyên Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an). Ông tướng Hóa nói: “Tạo hóa cho tôi một bộ não quá bé nhưng lại cho tôi một tham vọng quá lớn”. Bi kịch này, không riêng gì quan Hóa.

Có người biện minh: Quan trí của ta còn cao hơn so với thiên hạ bên Tây bên Tàu. Đúng quá, nếu quan trí không cao làm sao dự án có thể đội vốn lên gấp ba bốn lần, thậm chí 36 lần như dự án nạo vét sông Sào Khê ở Ninh Bình. Về chuyện này, bà Nguyễn Thị Thanh - Bí thư Tỉnh này đã ví von rất hình tượng: “Nó (dự án) cứ nở dần, nở dần”. Phục chị, “quan trí” phải như thế nào thì mới có được trí tưởng tượng bay bổng đến như thế.

Còn nhớ dăm năm trước, có ông quan tuyên bố hùng hồn: "Dân trí còn rất thấp, số người dân trí cao là thiểu số".

Thế mà chẳng hiểu sao, bộ phận dân trí thấp chiếm số đông ấy lại bỗng dưng trở nên giàu có.

Ông Giàng Seo Phử, nguyên Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc từng giữ “kỉ lục quốc gia” nhờ câu nói bất hủ: “Bán vé số tôi cho là có thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao” bởi vì ông đã từng đi “nghiên cứu” đồng bằng sông Cửu Long, và phát hiện ra rằng, mặc dù làm thuê nhưng người bán vé số ở đây “họ đủ trang trải cho một ngày ăn…”(!?).

Còn ông Hồ Kinh Kha - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tiền Giang, có lẽ do ông là người sở tại nên “gần dân” hơn ông Bộ trưởng ở Hà Nội chỉ đến cưỡi ngựa xem hoa. Ông Giám đốc Sở nhờ thế mới khám phá ra một sự thật động trời: “người tàn tật, đi bán vé số bằng xe lăn có thể bán mỗi ngày 3.000 tờ”. Và ông “tư lệnh” ngành Tài chính địa phương làm phép toán: Với hoa hồng được hưởng là 1.100đ thì thu nhập của người bán vé số tàn tật mỗi tháng xấp xỉ 100 triệu đồng! Thật là khủng khiếp nếu so với lương GĐ Sở như ông Kha, cao lắm cũng chỉ mươi mười lăm triệu là cùng! Quan trí cao như các vị, lẽ nào chịu “xách dép” cho mấy người bán vé số tàn tật trong chuyện kiếm ăn?

Lại có vị đại biểu nhân dân như ông Nguyễn Mạnh Tiến (Tây Ninh), Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của QH than thở: “Người bán trà đá tại Việt Nam là có tỷ suất lợi nhuận cao nhất trên thế giới, 5.000-7.000% nhưng lại không đóng đồng nào cho ngân sách”. Bất công quá! Người viết bài này xin giơ cả hai tay ủng hộ các vị. Xứ mình không thể có chuyện lạ đời, lợi nhuận khủng như thế lại không chịu đóng một xu tiền thuế. Chả trách, hàng chục dự án ngàn tỷ khắp trong Nam ngoài Bắc cứ phải đắp chiếu dài dài!

Chuyện “quan trí” thật là vui và kể suốt ngày không hết. Mừng cho xứ mình, quan chức bây giờ trình độ cao siêu, giỏi mần ăn. Từ cán bộ cấp phường xã, cấp huyện, cấp tỉnh cho đến cấp trung ương chỉ sau vài ba năm nhậm chức hay sau một nhiệm kì đã có nhà lầu, xe hơi; Nhiều ông xây được biệt thự khủng… Mấy chị vé số, mấy bà trà đá chắc lại miệng chữ O mắt chữ A vì chưa bao giờ dám nghĩ lại có kẻ dám vượt mặt mình về độ thu nhập cá nhân.

Description: https://ssl.gstatic.com/ui/v1/icons/mail/images/cleardot.gif

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558444

Hôm nay

242

Hôm qua

2384

Tuần này

22003

Tháng này

225987

Tháng qua

122920

Tất cả

114558444