Diễn đàn

Văn hóa gia đình và suy tôn gia đình văn hóa

Gia đình là tế bào của xã hội, là thiết chế xã hội đặc thù mà các thành viên gắn bó với nhau bởi quan hệ hôn nhân, quan hệ huyết thống và tính cộng đồng về sinh hoạt, trách nhiệm đạo đức với nhau nhằm đáp ứng những nhu cầu riêng của mỗi thành viên cũng như để thực hiện tính tất yếu của xã hội về tái sản xuất con người.Gia đình có chức năng sinh đẻ ra những thế hệ mới và giáo dục đào tạo các thế hệ trẻ; Nuôi dưỡng, chăm sóc về vật chất và tinh thần, thỏa mãn các nhu cầu tâm - sinh lý của các thành viên.

Trải qua quá trình lịch sử lâu dài, các gia đình, dòng họ đã tạo nên các truyền thống của riêng mình. Các cộng đồng tộc người/dân tộc, trên nền tảng văn hóa chung, đã hình thành các giá trị, truyền thống văn hóa gia đình của cộng đồng, nhỏ là dòng họ, làng xã, lớn là quốc gia dân tộc.

Người Việt Nam có mẫu số chung về văn hóa gia đình. Đó là sự gắn bó chặt chẽ bằng tình thương yêu, sự chung thủy, chia sẻ trách nhiệm và cùng hướng đến những giá trị chung của dòng họ, cộng đồng. Văn hóa gia đình không phải là bất biến, kể cả mặt tốt và mặt hạn chế mà có sự chuyển biến, thay đổi tùy vào các điều kiện cụ thể của xã hội, của thời đại. Sự thay đổi đó theo chiều hướng tốt hay xấu phụ thuộc vào sự bền vững của các giá trị, các truyền thống và bản lĩnh văn hóa của các gia đình, dòng họ, và cả xã hội.

Xã hội Việt Nam đã và đang có sự chuyển động nhanh và khá phức tạp về chính trị, kinh tế, văn hóa... bởi xu thế toàn cầu hóa và thị trường hóa. Theo đó, văn hóa Việt Nam cũng đang chuyển dịch và biến đổi rất nhanh chóng và phức tạp. Nhiều giá trị của văn hóa Việt Nam đang bị đứt gãy, cái cũ thay đổi, biến dạng hoặc mất đi và cái mới chưa hình thành rõ ràng. Cấu trúc gia đình của người Việt Nam, ở hầu hết các địa phương, các tộc người cũng vậy, đang thay đổi theo hướng nhỏ gọn hơn, ít thành viên và ít thế hệ hơn. Các mối quan hệ trong gia đình, dòng họ cũng thay đổi nhanh chóng theo hướng ít chặt chẽ hơn, con người cá nhân nổi trội hơn, vị trí của phụ nữ được đề cao hơn. Nhiều truyền thống văn hóa, đạo đức gia đình không còn được coi trọng, đề cao dẫn đến phai nhạt. Văn hóa gia đình với những giá trị tốt đẹp, có ý nghĩa nền tảng cho văn hóa và đạo đức của xã hội đang bị thách thức nghiêm trọng. Bất hiếu, vô đạo, vô lễ, vô trách nhiệm, không thủy chung là chuyện không hề hiếm của xã hội hôm nay. “Mạnh vì gạo, bạo vì tiền” không chỉ ngoài xã hội mà trong cả các gia đình. Các giá trị vật chất lên ngôi thay thế các giá trị tinh thần và đạo đức trong cấu trúc, sự tồn tại và vận động của văn hóa gia đình. Gia đình, các mối quan hệ gia đình, dòng họ không còn quan trọng và thiêng liêng như xưa với rất nhiều người, nhất là lớp trẻ.

Tất cả những điều đó báo hiệu sự tha hóa về tinh thần, đạo đức của xã hội. Không giới hạn trong phạm vi gia đình, sâu xa hơn, đó là mầm mống dẫn đến sự lỏng lẻo kết cấu xã hội trên phạm vi quốc gia dân tộc.

Chúng ta không quá bi quan về vấn đề này nhưng cần phải nhìn thấu hiện trạng, nhận thức đúng nguy cơ để tìm cách hạn chế và khắc phục. Đó là câu chuyện dài và phải bắt đầu từ các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa vĩ mô. Một xã hội còn lổn nhổn vô pháp vô luân thì vẫn rất khó hy vọng có được hệ thống cấu trúc các tế bào của nó, là các gia đình, thực sự tốt đẹp như ý muốn. Ngược lại, một khi văn hóa gia đình xuống cấp thì văn hóa của toàn xã hội đứt gãy là điều sẽ xảy ra.

Một thực tế nhãn tiền và phổ biến hiện nay là gia đình văn hóa thì rất nhiều, ngày càng nhiều hơn, có nơi chiếm tới hơn 90% số hộ gia đình. Thế nhưng văn hóa gia đình thì xuống cấp, tha hóa. Với cả một hệ thống tiêu chí rất cụ thể, toàn diện để nhận diện, đánh giá và suy tôn danh hiệu gia đình văn hóa nhưng kết quả đánh giá cuối cùng phần lớn là vô nghĩa, vô ý nghĩa, vô giá trị, thậm chí là khôi hài. Con số và tỷ lệ gia đình văn hóa đã có trong nhiều năm vừa qua ở rất nhiều địa phương xét đến cùng là một sự thiếu tôn trọng hay nói cách khác là coi thường giá trị đích thực của văn hóa gia đình.

Để văn hóa gia đình vận động phát triển phù hợp với thời đại, kiến tạo, tích lũy những giá trị mới trên nền tảng giá trị truyền thống tốt đẹp, có rất nhiều việc phải làm vì nó phản chiếu và là tổng hòa tất cả các yếu tố chính trị, kinh tế, văn hóa của xã hội. Nhưng thiết nghĩ, việc cần làm ngay và làm được ngay là xem xét lại và khắc phục ngay việc suy tôn gia đình văn hóa một cách hình thức, dối trá quá đáng hiện nay./.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512130

Hôm nay

267

Hôm qua

2389

Tuần này

267

Tháng này

219003

Tháng qua

121356

Tất cả

114512130