Khách mời văn hóa
Họa sĩ Phương Bình: Mỗi nghệ sĩ đều có câu chuyện riêng của họ
Họa sỹ Phương Bình bên tác phẩm của mình. Nguôn baophapluat.vn
VÀI NĂM GẦN ĐÂY, NỮ HỌA SĨ PHƯƠNG BÌNH ĐÃ NỔI LÊN NHƯ MỘT HIỆN TƯỢNG CỦA HỘI HỌA HÀ NỘI VỚI MỘT PHONG CÁCH RIÊNG. PHƯƠNG BÌNH LÀ CÔ GÁI NGHỆ AN, BẮT ĐẦU HỌC VẼ Ở QUÊ, TU NGHIỆP VÀ THÀNH DANH Ở HÀ NỘI. TRANH CỦA CHỊ ĐÃ ĐƯỢC TRIỂN LÃM Ở NHIỀU NƠI TRONG NƯỚC VÀ NƯỚC NGOÀI, ĐÃ CÓ TRONG CÁC BỘ SƯU TẬP CỦA CÁC NHÀ SƯU TẦM TRANH CÓ HẠNG Ở TRONG VÀ NGOÀI NƯỚC.
Phan Văn Thắng: Hỏi chuyện họa sĩ mà tôi lại là người ngoại đạo mĩ thuật. Tệ quá. Nhưng không sao, ta nói chuyện về đường ven mĩ thuật vậy. Tôi biết chị có ba mẹ là nghệ sĩ, ba là nhạc sĩ, vậy từ hồi nhỏ chị học đàn hay học vẽ?
Phương Bình: Hồi nhỏ tôi thích học nhiều thứ lắm, may vá, thêu thùa, đàn, múa hát, cả học vẽ nữa.
Phan Văn Thắng: Hồi đó chị đã có ước mong trở thành họa sĩ chưa?
Phương Bình: Tôi chỉ thích vẽ công chúa (cười).
Phan Văn Thắng: Đến hồi nào thì chị có khát vọng trở thành họa sĩ, họa sĩ nổi tiếng? Điều gì hay là ai đã đem lại khát vọng trở thành họa sĩ của chị?
Phương Bình: Cho đến khi ba tôi xem vài bức tranh tôi vẽ trên giấy A4
rồi bảo: con vẽ đẹp và ngộ nghĩnh lắm. Con hãy vẽ đi. Rồi tôi được nghe
ba kể về các họa sĩ nổi tiếng, nhất là các họa sĩ nước ngoài. Từ hồi đó tôi đã thích Van Gogh, Pablo Picasso... Và tôi đã ngây thơ nói với ba rằng: con sẽ trở thành họa sĩ nổi tiếng như Van Gogh ba nhé (cười).
Phan Văn Thắng: Nếu không quá phiền, chị có thể nói rất gọn về hành trình trở thành họa sĩ của mình?
Phương Bình: Tôi học vẽ từ hồi 12 tuổi, lớp trung cấp họa 7 năm, Trường Văn hóa Nghệ thuật Nghệ An. Rồi đi dạy học, rồi lại tiếp tục học vài cái bằng nữa cho đủ điều kiện làm cô giáo (cười), rồi lại về đi dạy... Liên miên như thế nhưng tôi ham cái sự học vẽ đến nỗi cứ nghĩ chắc mình sẽ chết mất nếu không được vẽ. Đơn giản thế thôi chứ chẳng có hành trình gì cả, có phải buôn bán kinh doanh đâu.... Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi cái năm họa sĩ Hữu Dỵ và họa sĩ Tiêu Cao Sơn đến nhà chọn và đưa tranh tôi đi Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung.
Cái may mắn nhất của tôi là có một người thầy là ba tôi và còn được học các thầy cô ở Trường Cao đẳng VHNT Nghệ An và Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Phan Văn Thắng: Trên hành trình đó, chị ngộ và nghiệm ra những điều gì mà chị cho là sâu sắc nhất?
Phương Bình: Đó là ngày tháng tôi ra Hà Nội và quyết định ở lại Hà Nội dạy học.
Lý do cũng đơn giản: học cho lắm vào thì khi về quê chẳng ai muốn tiếp nhận, vậy thì mình lại đi thôi (cười). Và khó khăn, vật lộn với cuộc sống đã tạo nên tôi! Hình như tôi là một người khó tính nhất trong làng hội họa và cũng nặng lòng với hội họa gần nhất.
Phan Văn Thắng: Tại sao chị quyết định trụ lại Hà Nội để lập nghiệp?
Phương Bình: Môi trường càng khó tôi càng thấy bị kích thích và muốn vũng vẫy trong đó để thử sức mình.
Hà Nội là nơi hội tụ văn học nghệ thuật của cả nước, ở đây có nhiều điều kiện, nhiều cơ hội để học hỏi. Hà Nội, với tôi, là môi trường sống và sáng tạo phù hợp.
Nhưng Nghệ An vẫn là nơi tôi đi về thường xuyên, rất thường xuyên.
Phan Văn Thắng: Hà Nội đã và đang là môi trường tốt, phù hợp để chị hoạt động mĩ thuật. Vậy, Nghệ An chưa phải, hay là chưa có một môi trường cần thiết để nghệ thuật, nhất là hội họa phát triển?
Phương Bình: Tôi bắt đầu học vẽ và bắt đầu trưởng thành ở quê hương Nghệ An. Nhưng để có một không gian, một môi trường đào tạo, học tập, lao động sáng tạo nghệ thuật cần phải có nhiều yếu tố. Với riêng tôi, tôi nghĩ, vẽ ở đâu thì vẫn là mình. Tôi đã đi vẽ ở rất nhiều nơi, cũng là để thay đổi không khí nơi làm viêc.
Phan Văn Thắng: Những yếu tố cần thiết, tối thiểu cho một môi trường nghệ thuật? Ví dụ như Nghệ An, như thành phố Vinh, là đô thị loại 1 rồi, thì cần những gì để có một môi trường tốt cho hội họa, và điêu khắc phát triển?
Phương Bình: Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An có rất nhiều họa sĩ là bậc thầy của tôi, họ là những người thầy, họa sĩ được đào tạo cơ bản, họ luôn hết mình với nghệ thuật, nhưng để được như thế cần từ hai phía. Cần có sự quan tâm hơn nữa từ các lãnh đạo cấp trên, mặc dù các họa sĩ cũng được tổ chức đi thực tế, được hưởng hỗ trợ cho sáng tác, nhưng vẫn là chưa đủ để nâng giữ giá trị văn hóa từ các tác phẩm hội họa có tầm, đa số các họa sĩ vẽ tranh tham gia triển lãm xong lại đưa về xếp trong kho. Vậy tại sao các cấp lãnh đạo không bỏ tiền ra sưu tầm tranh của các họa sĩ để trưng bày hay treo ở nơi trân trọng hoặc lưu giữ bảo tàng tỉnh chẳng hạn. Đó cũng chính là tạo môi trường sáng tác cho các nghệ sĩ.
Phan Văn Thắng: Chị vẽ tranh rồi lại bắt đầu làm tượng nữa. Và được dư luận và giới mĩ thuật, kể cả giới phê bình chú ý. Có người, cách đây mấy năm, đã nói trường hợp Phương Bình là một hiện tượng mới của mĩ thuật Hà Nội. Tôi ngoại đạo mĩ thuật nên xin cứ hỏi thật, chị có nghĩ là tranh của chị có cái khác của người khác không? Nếu khác, thì khác chỗ nào?
Phương Bình: Ngoài vẽ tranh bằng các chất liệu khác nhau tôi còn mê và bắt đầu làm điêu khắc nữa. Có nhiều nhận xét khen chê khác nhau. Tôi không dám bình luận, chỉ muốn tiếp tục vẽ tranh và làm tượng, để có tác phẩm đẹp. Tất nhiên, là sáng tạo nghệ thuật ai cũng muốn tác phẩm của mình phải có cái riêng của mình. Tôi cũng mong muốn và tìm tòi sáng tạo để có được điều đó.
Phan Văn Thắng: Lại có người nói tranh Phương Bình đã thực sự có một phong cách riêng. Chị nghĩ sao về nhận xét này?
Phương Bình:Anh lại hỏi khó tôi rồi. Tôi chỉ biết vẽ thôi; vẽ, và nặn tượng, trước là để thỏa cái đam mê của mình và sau là để cho mọi ngưởi cùng thưởng thức.
Phan Văn Thắng: Chị vẽ tranh, bán tranh để vẽ tranh, để sống và nuôi nghề vẽ tranh. Tôi hỏi thật chị nhé, giá như chị về Vinh sống, và vẽ, và kể cả vào Sài Gòn nữa, thì tranh chị có bán được như vừa rồi không?
Phương Bình: Nói thật với anh tranh của tôi kén chọn người treo. Cũng là có duyên lọt vào mắt các nhà sưu tầm lớn trong nước và nước ngoài. Cũng nhờ có internet, có mạng xã hội nên thông tin rộng rãi và nhanh hơn rất nhiều. Mấy năm gần đây thị trường mĩ thuật đã quay trở lại, công chúng yêu hội họa trong nước đã dần nhiều lên. Bây giờ, tôi nghĩ, nếu họa sĩ đam mê sáng tác thì bất cứ ở đâu cũng có thể giao lưu, giao dịch và mua bán được.
Phan Văn Thắng: Là nghệ sĩ, bất cứ lĩnh vực nào, theo chị, ngoài tài năng, sự rèn luyện..., cần những điều kiện gì nữa để thành tài, có sáng tạo, có tác phẩm?
Phương Bình: Đam mê. Phải đam mê. Nhưng chỉ có đam mê vẫn chưa đủ mà cần có điều kiện để thực hiện được đam mê sáng tạo của mình.
Phan Văn Thắng: Một câu hỏi tế nhị, có thể bị chị mắng là khiếm nhã, rằng có nhiều người nói các nghệ sĩ cô đơn thì thường thành công hơn trong sáng tạo. Không biết ý chị thế nào?
Phương Bình: Không hẳn thế đâu. Mỗi một nghệ sĩ, họa sĩ đều có câu chuyện riêng của họ. Họ sống và làm việc với cái đam mê của mình. Họ cô đơn ngay cả nơi đông người, ngay cả chính trong gia đình họ, ngay cả trong tình yêu của họ... Cái cô đơn ấy là vô cùng.
Phan Văn Thắng: Tôi được biết chị đã từng dạy môn họa, từ bậc tiểu học đến bậc đại học. Đến bây giờ chị có còn yêu nghề dạy học không?
Phương Bình: Tôi từng là cô giáo dạy mĩ thuật ở bậc tiểu học cho đến dạy đại học. Đến bây giờ tôi vẫn yêu nghề dạy học mặc dù đã xin nghỉ dạy học để dành thời gian cho sáng tác.
Phan Văn Thắng: Việc dạy các môn về thẩm mĩ, như âm nhạc, hội họa trong các nhà trường phổ thông đương nhiên là rất cần thiết. Vậy nhưng hình như kết quả chưa cao. Theo kinh nghiệm cá nhân,chị thấy nên làm như thế nào để học sinh ham học và việc dạy - học có chất lượng, có hiệu quả?
Phương Bình: Tôi nghĩ vấn đề không phải chỗ học sinh. Trẻ em biết cầm bút đã muốn vẽ, các em vẽ lên tường, lên bàn, lên giấy... Tôi thấy khi học mĩ thuật, âm nhạc, thủ công các em rất thích. Vấn đề là chỗ phụ huynh cấm cản, không muốn con em mình học nhiều những môn này mà là các môn văn, toán... Cũng từ đó mà làm giảm đi nhiệt huyết của cả cô và trò. Chất lượng không cao là điều không thể tránh khỏi. Và ngành giáo dục cũng còn coi nhẹ các bộ môn năng khiếu này.
Phan Văn Thắng: Chị đã có kế hoạch tổ chức một triển lãm của mình ở Vinh hoặc Phủ Diễn chưa? Nếu có thì dự định bao giờ?
Phương Bình: Hàng năm tôi vẫn tham gia triển lãm khu vực Bắc miền Trung cùng Hội Văn học Nghệ thuật Nghệ An, còn về triển lãm cá nhân ở Vinh thì tôi cũng có dự định, có thể năm 2020.
Phan Văn Thắng: Cảm ơn chị! Chúc cho dự định của chị thành công để khán giả Thành Vinh lại được xem tranh của chị.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511035
234
2359
21409
217908
121356
114511035