Những góc nhìn Văn hoá

Cây cao su và môi trường sinh thái

Một khoảng rừng cao su

Trong nhiều năm qua, cũng như nhiều địa phương khác, Nghệ An không ngừng mở rộng diện tích cây cao su để phục vụ phát triển kinh tế. Giá trị kinh tế của cây cao su là rất lớn. Điều đó đã được chứng minh trong hơn lịch sử gần một thế kỷ rưỡi qua từ khi nó xuất hiện ở Việt Nam. Nhưng về mặt sinh thái, cây cao su lại mang đến nhiều hệ lụy khác nhau. Vậy nên, trong quá trình phát triển kinh tế cây cao su cần quan tâm đến vấn đề sinh thái.

Nghệ An có một diện tích đất đỏ Bazan khá lớn, là địa phương có tiềm lực trong việc trồng cây cao su. Và thực tế, trong khoảng một thập kỷ qua, với sự đầu tư của Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, tỉnh đã quy hoạch và phát triển trồng cây cao su. Tính đến nay đã có khoảng 10.000 ha cây cao su được trồng trên các huyện Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn, Yên Thành, Thanh Chương, Đô Lương, Tân Kỳ…. Có nhiều rừng cao su đã bắt đầu đi vào giai đoạn thu hoạch. Là loại cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, phát triển dựa vào nguồn tài nguyên đất nông nghiệp là chủ yếu và chỉ đầu tư ban đầu nhưng thời gian thu hoạch có thể kéo dài hơn 30 năm. Đây rõ ràng là một định hướng phát triển kinh tế đáng để đầu tư. Lãnh đạo địa phương cũng như nhiều người đang hi vọng cây cao su sẽ làm thay đổi bộ mặt kinh tế tỉnh nhà theo hướng tích cực và giúp cho người dân có thêm công ăn việc làm và tăng thu nhập. Nhưng liệu đó có phải là con đường phát triển bền vững hay không, ít nhất là trên phương diện sinh thái môi trường cũng cho chúng ta nhiều điều phải suy nghĩ.

Cây cao su thuộc loại cây thân gỗ, cao có khi hơn 30m, cho mủ dùng để chế biến tổng hợp cao su. Loại cây này đặc biệt ở chỗ nó sống “đơn lẻ”, cần nhiều ánh sáng cũng như dinh dưỡng. Vậy nên những vùng trồng cây cao su thì hệ sinh thái rất đơn giản, nghèo nàn vì ít chủng loại, ít sinh vật có thể sinh sống cùng loại cây này. Các cánh rừng khác, thường cây cối chia nhiều tầng lớp với hệ sinh thái đa dạng. Có cây cao, cây vừa, cây thấp rồi hệ sinh vật dưới tán cây. Có nhiều loại cây thì đương nhiên cũng có nhiều chim chóc, động vật khác sinh sống cùng được và tạo ra một hệ sinh thái đa dạng và phức hợp hơn. Nhưng các rừng cây cao su đều không phải như vậy. Là một loại cây cao nhưng dưới tán cao su rất ít loài cây khác sinh trưởng được vì nhiều nguyên nhân có cả tự nhiên lẫn xã hội. Về đặc tính tự nhiên là do loại cây này cần nhiều ánh sáng và nhiều chất dinh dưỡng nên các loại cây khác khó cạnh tranh với nó. Bên cạnh đó, cây cao su cũng không có tính chất hấp dẫn các loại sinh vật như chim chóc, các động vật hay sinh sống trong rừng nên hệ sinh thái của nó cũng đơn lẻ. Nhìn qua, về tự nhiên, hệ sinh thái rừng cao su khá nghèo nàn cả về sinh vật sản xuất lẫn sinh vật tiêu thụ. Chỉ có một số ít các loại cây bụi, cây nhỏ sinh sống được dưới rừng cao su. Động vật cũng ít, chủ yếu là mối, muỗi, sâu,…. Chuỗi thức ăn và các quá trình sinh học trong hệ sinh thái rừng cao su cũng hạn chế hơn do hệ sinh thái quá đơn lập. Về mặt xã hội, để đạt hiệu quả cao thì khi trồng cây cao su người ta đã phát hết các loại cây trên diện tích đất đó để cho cây cao su sinh trưởng mạnh mẽ. Sau đó, vì việc khai thác cây cao su thì phải đi lại dưới tán cây hàng ngày nên họ cũng phải giữ môi trường sinh thái đơn lẻ đó để dễ bề khai thác. Điều đó phần nào làm cho hệ sinh thái ở các rừng cao su có độ đa dạng sinh học thấp và phần nào đe doạ đến môi trường sống ở các vùng xung quanh. Vậy nên, việc diện tích cây cao su ngày càng tăng lên, về mặt kinh tế là một điều đáng mừng nhưng về môi trường sinh thái lại là một tín hiệu đáng lo ngại.

Khai thác mủ cây cao su

Trong một nghiên cứu xuất bản bản năm 2018 của học giả Michitake Aso (Đại học Anbany, New York, Mỹ) với tựa đề ““Rubber and the making of Vietnam: an Ecological History, 1897-1975” (Tạm dịch “Cao su và sự kiến tạo Việt Nam: một lịch sử sinh thái” đã trình bày rất chi tiết về những hệ quả sinh thái mà cây cao su mang lại cho con người. Là một nhà Việt Nam học đã dành gần hai thập kỷ để nghiên cứu về cây cao su ở Việt Nam, ông đã đi lại nhiều nơi, nhất là các vùng trồng cây cao su ở miền Nam, sinh sống và nghiên cứu thực địa dài ngày. Cộng thêm vốn ngoại ngữ đa dạng, đi khảo cứu tư liệu liên quan ở nhiều nước, đặc biệt các tài liệu lưu trữ ở Pháp. Vậy nên công trình nghiên cứu của ông trở thành một trong những cuốn sách kinh điển về nghiên cứu sinh thái học. Ban đầu, trong bản thảo cuốn sách, ông đã đặt tên là  “Forest without Birds: Rubber and Environmental Crises in Vietnam, 1890-1975” (tạm dịch “Rừng không có chim: Cao su và khủng hoảng môi trường ở Việt Nam, 1890-1975”) để nhấn mạnh đến vấn đề khủng hoảng sinh thái từ cây cao su. Bởi theo ông, cây cao su dù tính kinh tế cao nhưng tác hại về sinh thái cũng lớn. Rừng cao su cao chót vót nhưng không có loài chim nào sinh sống được. Dưới cây cao su rất ít sinh vậy, nên đó là một hệ sinh thái đơn lập, nghèo nàn và đương nhiên độ đa dạng sinh học rất thấp. Nếu hệ sinh thái cao su ngày càng tăng lên thì nghĩa là các hệ sinh thái khác bị suy giảm thêm và hệ sinh thái chung cũng rơi vào khủng hoảng. Nhưng ở các nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề kinh tế quá quan trọng nên nhiều khi người ta chưa nhận ra những hệ luỵ vô cùng nguy hiểm về mặt sinh thái mà các rừng cao su mang lại. Cũng có khi người ta nhận ra nhưng vẫn phải theo đuổi mục tiêu kinh tế trước đã còn chuyện môi trường sinh thái phải xem xét lại sau. Những lập luận của ông trong công trình nghiên cứu tâm huyết này, gần như ở Việt Nam vẫn chưa được quan tâm xác đáng, dù đây là tâm huyết nghiên cứu trên thực địa Việt Nam lâu năm của một học giả nước ngoài.

Cây cao su, một loại cây công nghiệp lâu năm vốn gắn liền với một chiều dài lịch sử nước ta trong khoảng gần 15 thập kỷ qua, được Pháp đưa vào trồng để khai thác và cung cấp nguyên liệu cho ngành công nghiệp. Nó cũng là biểu tưởng cho việc bóc lột sức lao động của người dân Việt Nam thời thuộc địa mà việc bị bắt đi làm ở các đồn điền cao su đã đi vào ca dao tục ngữ. Và nhiều cuộc đấu tranh từ các đồn điền cao su cũng đã trở thành biểu tượng cho tinh thần cách mạng Việt Nam. Ngày nay, nó cũng là loại cây mang lại hiệu quả kinh tế và được nhiều địa phương lựa chọn. Tuy nhiên, cái gì cũng có mặt trái của nó, với cây cao su thì tác hại đến môi trường sinh thái là vấn đề nan giải. Hiện nay, cả nước ước tính có khoảng 1 triệu ha cây cao su. Và diện tích đó đang ngày càng tăng lên. Ở Nghệ An, theo quy hoạch thì tỉnh muốn dành khoảng 25.000 ha đất để trồng cây cao su. Điều đó vừa gợi ra một tương lai về kinh tế cho nhiều ngườidân, nhưng cũng đặt ra vấn đề môi trường sinh thái cho không ít người quan tâm đến tương lai bền vững. Chúng ta cần phát triển kinh tế hay cần một môi trường sinh thái đa dạng và bền vững? Chúng ta cần những cánh rừng tươi tốt, đa dạng, có nhiều chim chóc, muông thú, hoa lá, cỏ cây hay là những cánh rừng cao su không có chim chóc, ít muông thú? Có lẽ,cần phải suy nghĩ kỹ và đưa ra lựa chọn phù hợp./.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114513375

Hôm nay

2161

Hôm qua

2315

Tuần này

21312

Tháng này

220248

Tháng qua

121356

Tất cả

114513375