Những góc nhìn Văn hoá

Nguyễn Mạnh Tường, một chân dung và một hành trình như tôi hiểu

Trong tôi, từ lúc là học sinh, Nguyễn Mạnh Tường đã là người nổi tiếng nhất trong những người nổi tiếng, dẫu phải đến tuổi 18, khi thi đỗ vào Khoa Văn Đại học Tổng hợp, năm 1956 mới được học, được đọc và tiếp xúc với ông – trong môn Văn học phương Tây. Quá nổi tiếng, bởi ở tuổi 16 ông đã đỗ Tú tài triết học nên được cấp học bổng sang Pháp học ở Đại học Montpellia. Năm 1928 đỗ Cao đẳng văn chương, năm 1929 đỗ Cử nhân văn chương; cũng năm 1929 đỗ Cử nhân luật. Năm 1931 đỗ Cao đẳng ngôn ngữ văn tự cổ (tức chữ la tinh và Hy Lạp cổ). Năm 1932 bảo vệ xuất sắc Tiến sĩ Luật với đề tài Cá nhân trong xã hội cổ nước Nam – Tổng luận về luật nhà Lê (L’individu dans la vieille cité Annamite – Essai de synthèse sur le Code des Lê). Hai tháng sau bảo vệ luận án Tiến sĩ Văn chương với đề tài Luận về giá trị diễn kịch và kịch bản của Alfred de Musset (Essai sur le valeur dramatique du théâtre d’Alfred de Musset) kèm theo là luận án phụ: Nước Nam trong văn học Pháp của Jules Boissière (L’Annam dans la litterature francaise – Jules Boissière). Mang hai bằng Tiến sĩ về nước năm 1932, ở tuổi 23, một tương lai thật rộng mở trước mắt chàng thanh niên Nguyễn Mạnh Tường, khiến chính những người trong giới khoa học Pháp phải kiêng nể, và những ai mang tư tưởng thực dân thì e sợ. Đưa hai bằng ấy về nước vào năm 1932, nếu tính chuyện làm quan thì phải là quan to – bởi ở bản xứ, những đồng nghiệp sau ông, chỉ cần có cái bằng Cử nhân, thì thấp nhất đã đủ cho họ làm tri huyện. Mà Cử nhân thì còn lâu mới đến Tiến sĩ, sau khi vượt được cái ngưỡng Thạc sĩ. Mà là Tiến sĩ ở chính quốc (lúc này tất cả các thầy Pháp ở Đại học Đông Dương đều mới chỉ có bằng Thạc sĩ). Và đúng là thế. Grandjean – Giám đốc công việc chính trị ở Phủ Toàn quyền đã mời ông đến và ướm cho ông hai chức – hoặc Thượng thư ở triều, hoặc Tổng đốc ở một tỉnh nào đó. Nhưng ông đã từ chối, để trở lại Pháp, làm một cuộc du lịch trở về nguồn văn minh phương Tây, qua các nước: Tây Ban Nha, Ý, Hy Lạp, Đức, Áo, Hung, Thuỵ Sĩ, Bỉ, Hà Lan, Anh... Trong 3 năm hành trình, ông đã viết nhiều công trình, trong đó có Nền đá tảng Pháp (Pierres de France), Học tập gì ở các nước Địa trung hải (Apprentissage de la Mediterannée) Cuộc du lịch tình nghĩa (Le voyage et le sentiment)... Trở về nước năm 1936, ông vẫn tiếp tục chí hướng và sở nguyện của mình là làm thầy, ở trường Bưởi, trường Cao đẳng công chính Đông Dương và Đại học Hà Nội; và làm luật sư (có thời gian ông đã mở văn phòng luật sư ở 77 phố Gambetta – nay là Trần Hưng Đạo). Đó là hai nghề lương thiện nhất, trong sạch nhấthữu ích nhất cho một trí thức yêu nước mà không đi làm cách mạng như ông và nhiều bạn bè cùng chí hướng như ông – hầu hết, nếu không nói là tất cả đã quây quần chung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh mà làm nên một dàn trí thức lừng danh trong buổi đầu nền Dân chủ – Cộng hoà.

Trên hơn 10 năm trước 1945, một lưỡng khoa Tiến sĩ được đào tạo bài bản ở chính quốc mà không trở thành “ông Tây Annam”, Nguyễn Mạnh Tường đã có một hành trình lịch sử như thế để đến với Cách mạng tháng Tám cùng một số bạn bè cùng thế hệ, cùng chí hướng như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Văn Huyên, Phan Anh, Ngụy Như Kontum...
Một hành trình mới lại mở ra trước ông từ sau 1945 với những lần được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh; với việc tham dự phái đoàn Hội nghị Đà Lạt trong tư cách Uỷ viên – Chủ tịch Uỷ ban văn hoá; với những trách nhiệm được giao trong việc xây dựng nền giáo dục Đại học Việt Nam ngay sau 1945 và tiếp quản Đại học ở Hà Nội sau 1954; trong việc tham dự các Hội nghị quốc tế như Hội nghị hoà bình châu Á và Thái Bình Dương ở Bắc Kinh, Hội nghị hoà bình thế giới ở Vienne, Hội nghị luật gia dân chủ quốc tế ở Bruxelles; tham gia Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; giữ chức Phó Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam và Phó Giám đốc Đại học Sư phạm... và giảng dạy văn học phương Tây ở hai trường Đại học Sư phạm và Đại học Tổng hợp... Là một trí thức yêu nước ông đã đi theo Chính phủ cụ Hồ với niềm tự hào về nền độc lập của dân tộc và với khát vọng dân chủ ở một người đã rất am hiểu con đường dân chủ hoá trong lịch sử phương Tây, và do vậy mà rất nhậy cảm với những yêu cầu cơ bản của nhân dân trong một cuộc cách mạng đã giải phóng họ ra khỏi thân phận nô lệ; nhưng trên hành trình đi tới Tự do, Hạnh phúc lại cũng đã diễn ra bao vấp váp, trở ngại, sai lầm như trong Cải cách ruộng đất từ sau 1953, khiến phải Sửa sai; hoặc cách thức quản lý và xây dựng một xã hội mới đặt ra cho một nửa nước sau 1954... Hơn 10 năm kể từ sau 1945, trong tư cách một bậc thầy khả kính, một giáo sư đầu ngành của nền Đại học Việt Nam và trong vai trò một luật sư muốn xây dựng một nền pháp lý dân chủ ở một nước mới tập đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp xây dựng một xã hội do dân, vì dân, Nguyễn Mạnh Tường đã thật sự trung thành với mục tiêu mình theo đuổi và trung thực đến cùng với phẩm cách và lương tri của mình, cho đến cuộc họp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hà Nội và bài phát biểu tâm huyết của ông trong hội nghị ấy, vào ngày 30-10-1956... Một bài phát biểu nhằm góp ý cho Đảng Lao động Việt Nam về những sai lầm nghiêm trọng trong Cải cách ruộng đất và về những khó khăn trong tình hình hiện thời dựa trên những nguyện vọng bức xúc của nhân dân... Một bài phát biểu nhằm hưởng ứng ý kiến của Tổng bí thư Trường Chinh kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân, trong đó – trước hết là giới trí thức hãy tham gia cùng Đảng trong việc phát hiện, sửa chữa và hàn gắn những thương tổn do chính những ấu trĩ, nóng vội của cách mạng gây nên.
Tôi muốn gọi ngày 30-10-1956 là một ngày “định mệnh”, vì với bài phát biểu đó mà cuộc đời của ông rồi sẽ rẽ sang một bước ngoặt, và số phận trở nên nghiệt ngã với ông, trong suốt chặng đường còn lại – từ cuối 1956 cho đến khi ông qua đời, năm 1997 – ở tuổi 88. Nghĩa là trong suốt 40 năm của đời người, khi đang ở tuổi ngót 50 sung sức và ôm ấp bao dự định nơi trí tuệ một trí thức đã được trang bị khá căn bản cái vốn văn hoá chung của nhân loại, những mong được truyền lại cho các thế hệ trí thức trẻ... Trong hơn 40 năm ấy ông đã phải vật lộn với sự mưu sinh, tức là để sống (có thời gian ông đã phải đi chụp ảnh ở ngoài trời, và nhiều năm dạy tiếng Pháp ở nhà riêng); và với tư cách là người trí thức, ôngcòn phải phấn đấu để thoát ra khỏi sự cô độc, cô đơn, và hơn thế, để có thể rút ra từ trí tuệ và sự thành tâm của mình những gì có ích cho dân tộc mà mình có thể làm, trong hoàn cảnh của một người không còn được tin cậy, bị xã hội xa lánh, nếu không nói là bị một cái án treo, của một kẻ bị “rút phép thông công”. Và ông đã làm được, cũng như một số đồng nghiệp khác có hoàn cảnh giống ông lúc ấy.
Tôi muốn ghi lại chi tiết hơn một hành trình kể từ ngày 30-10-1956, sau bài phát biểu mà tôi muốn gọi là “định mệnh” như trên. Dĩ nhiên, cũng như nhiều đồng nghiệp có tên tuổi lúc ấy, ông đã phải ngừng ngay mọi hoạt động chuyên môn, tức là bị “đình chỉ công tác”; nhưng cũng còn phải chờ đợi một thời gian cho đến tháng 7-1958 thì mới chính thức bị cắt ghế Giáo sư ở Đại học để chính thức chuyển về Bộ Giáo dục. Ở Bộ Giáo dục, ông còn phải tiếp tục chờ đợi gần 2 năm, cho đến 1960 mới được chính thức về Văn phòng Bộ công tác trong 3 năm; rồi mới chuyển về Nhà xuất bản Giáo dục trong 2 năm; và 5 năm cuối cùng, ông là cán bộ (hoặc nhân viên) ở Viện nghiên cứu phương pháp và chương trình giảng dạy (nay là Viện khoa học giáo dục) cho đến 12-1970 thì chính thức về hưu. Như vậy là từ 1960 đến 1970 còn trong “biên chế nhà nước” nên ông còn có ít việc để làm, dẫu sự làm việc chỉ là mang tính chất công chức hành chính, chứ không động gì đến chuyên môn của ông. Về hưu từ tuổi 60 ở một người có tri thức thông tuệ và trí óc minh mẫn và có tuổi thọ 88, thì thời gian đó mới thật là dài, thật là cả một thử thách khủng khiếp, khiến có thể bại xuội cả đời mình. Việc hữu ích, trước hết cho ông, có dính chút ít đến chuyên môn - đó là việc ông dạy tiếng Pháp cho những ai được mời sang châu Phi làm chuyên gia, vào một thời cực kỳ khốn khó; nhưng hành được nghề này cũng tuyệt không chút dễ dàng vì những rắc rối, phiền nhiễu trong hệ thống quản lý – hộ khẩu và nghề nghiệp, kể từ cấp phường... Và để tiếp tục chí hướng mình theo đuổi mà không thực hiện được khi làm thầy (chỉ trong hai năm), ông lại ngồi vào bàn viết; và một sự nghiệp viết đã đến với ông trong chẵn 20 năm ông nghỉ hưu – từ 1970 đến 1990. Đó là bốn công trình nghiên cứu và dịch về văn học phương Tây, trong khối kiến thức vừa chuyên sâu vừa quảng bác mà ông là chuyên gia hàng đầu. Bốn quyển sách về một nền văn minh mà nhân loại đã trải để đến với thời hiện đại mà Việt Nam mới chỉ có thể được tiếp xúc với các hậu duệ của nó là chủ nghĩa thực dân Pháp vào nửa sau thế kỷ XIX; và đến đầu thế kỷ XX thì các trí thức Nho học ở ta mới biết tìm đến, để có được các phương sách và phương tiện cứu nước. Đó là văn minhdân chủ, cả hai gắn bó khăng khít với nhau và đều có khởi nguồn từ phương Tây, nơi được chiếu rọi và toả sáng bởi văn minh Hy – La cổ.
Chính là trong viết mà ông thoát ra được nỗi cô đơn của một trí thức lớn; hơn thế, ông còn tìm được sự thăng bằng và niềm vui cho mình, trong một tư thế an nhiên, tự tại: “Tôi là ngọn cỏ dại. Người ta có thể dẫm bước lên trên, và dập nó xuống, nhưng chỉ cần một giọt sương ban mai, một hạt mưa rơi hoặc một giọt lệ thì ngọn cỏ ấy lại vụt đứng lên mà nở nụ cười đón ánh sáng chói chang”.
Thế nhưng, những bản thảo đã xong và các cấp trên mà ông gửi thư đều có ý động viên và cho phép ấn hành; nhưng không nhà xuất bản nào dám in. Tất cả vẫn cứ phải “đắp chiếu” nằm chờ cho đến giữa thập niên 90 mới có thể ra mắt; may là vẫn còn kịp trước khi ông qua đời. Đó là:
-          Lý luận giáo dục châu Âu – từ Erasme đến Rousseau thế kỷ XVI-XVIII. Nxb. Khoa học xã hội; 1994; 530 trang.
-          Eschyle và bi kịch cổ đại Hy Lạp; Nxb. Giáo dục; 1996; 479 trang.
-          Virgile nhà thơ vĩ đại của thời kỳ La Mã cổ đại; Nxb. KHXH; 1996; 342 trang.
-          “Orestia” của Eschyle bộ ba bi kịch cổ đại Hy Lạp (dịch từ tiếng Hy Lạp). Nxb. Giáo dục; 1996; 184 trang.
Mùa thu 1991, Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp tổ chức kỷ niệm 35 năm thành lập. Chúng tôi – GS. Nguyễn Kim Đính, Trưởng Khoa Ngữ Văn và tôi – Viện trưởng Viện Văn học, đã trân trọng mời ông, cùng một số thầy cũ đến dự. Đón ông ở bậc tam cấp Đại giảng đường 19 Lê Thánh Tông, chúng tôi đã không thể cầm giữ niềm xúc động đến ràn nước mắt khi nghe ông nói: “Đã 35 năm rồi, tôi mới trở lại nơi này”. Nơi này - đó là 19 Lê Thánh Tông chỉ cách nhà riêng của ông ở 34 Tăng Bạt Hổ khoảng dăm bảy phút đi bộ.
Tôi được biết trước đó, vào cuối 1989 ông đã có một chuyến trở lại Pháp, sau 60 năm. Chuyến đi do các bạn bè Pháp và Việt tổ chức cho ông – nhân sinh nhật lần thứ 80 - ông đã được đón tiếp rất thân tình và cảm động, ở Paris và Montpellia. Cuối 1989 chính là lúc thế giới Đông Âu đang sôi sục những cuộc chính biến, rồi sẽ dẫn tới sự tan rã của phe xã hội chủ nghĩa. Ông được nhiều nhà báo phỏng vấn; trong đó có một câu: “Việt Nam rồi sẽ ra sao?”. Và đây là câu ông trả lời: “Tôi không làm nghề chiêm tinh học, và cũng không bói bài. Kiên tâm, kiên tâm trong không trung! Mỗi nguyên tử của yên lặng sẽ là cơ may cho một quả chín(Patience, patience/ Patience dans l’azur/ Chaque atome de silence/ Est la chance d’un fruit mur)(*)
Và sau đó, cuối 1994, Tổng bí thư Đỗ Mười đã đến thăm ông ở nhà riêng.
Viết bài này, tôi chỉ muốn phác vẽ vài nét về chân dung và hành trình của một bậc thầy lớn của tôi và thế hệ chúng tôi – một tên tuổi đứng bên cạnh Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Hoàng Xuân Hãn, Đặng Thai Mai, Cao Xuân Huy, Trần Văn Giàu... những người chúng tôi trực tiếp được học, hoặc được đọc, được nghe tên biết tiếng, được ngưỡng mộ; những người vừa khai trí vừa khai tâm cho chúng tôi. Và, không phải cho đến bây giờ mà bất cứ vào lúc nào, trong hành trình hơn nửa thế kỷ là học sinh, sinh viên, là người học việc rồi tham dự vào công việc nghiên cứu, giảng dạy, cùng một ít công việc xã hội, chúng tôi bao giờ cũng được cảm nhận - đó là một hạnh phúc lớn nhất mà thế hệ chúng tôi may mắn có được, như là một bù đắp cho rất nhiều khó khăn, thiếu thốn khác mà chúng tôi phải trải – cái hạnh phúc được đọc, được học, được kính trọng và ngưỡng mộ những bậc thầy sáng giá, mà mỗi người là một tấm gương về tri thức và nhân cách cho mình noi theo. Và tôi nghĩ: Giá tất cả các thế hệ còn ngồi ở ghế nhà trường, và ra đời – ngồi ở ghế tập sự cho công việc, vào bất cứ lúc nào cũng có được những bậc thầy sáng giá như thế thì có lẽ nền giáo dục và công việc đào tạo của chúng ta sẽ tránh được không ít những khó khăn như bây giờ. Có nghĩa là nền giáo dục trước hết cần những bậc thầy...
Cuối cùng tôi muốn nói một nguyện vọng: tìm đâu - ở một cơ quan nhà nước như Bộ Giáo dục, Đại học Quốc gia, hoặc Hội Luật gia, hoặc một tổ chức tư nhân, một nhà hảo tâm, sự bảo trợ để in trọn bộ những gì Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường đã viết - gồm giáo trình Văn học phương Tây mà ông đã giảng vào những năm 1955-1956; cùng bốn quyển sách đã được in vào giữa 90; và nếu có thể được là việc dịch hai luận án Tiến sĩ, cũng như các công trình bằng tiếng Pháp ông viết ở Paris vào những năm 30.
Một ấn phẩm khác cũng rất cần thiết - đó là bài phát biểu của ông ở Mặt trận Tổ quốc vào ngày 30-10-1956, mà tôi đã sớm được đọc, rồi đọc đi đọc lại nhiều lần, bởi những suy nghĩ sâu sắc, thấu đáo và có trách nhiệm cao của một trí thức chân chính trước thời cuộc; và bài tự kiểm điểm của ông đăng trên báo Nhân dân số ra ngày 10-4-1958, cùng với tập hồi ký bằng tiếng Pháp ông đã viết xong ở tuổi 82. Những tài liệu này sẽ giúp ta hiểu không chỉ chân dung ông và một thế hệ như ông, mà là cả cái thời của nó, kéo dài những hơn 30 năm, từ đầu những năm 50 đến cuối những năm 80; cái thời phải trải qua nó để hiểu nó, trong tất cả những áp lực mà một số người ưu tú trong giới trí thức của dân tộc, đã phải chấp nhận và chịu đựng, dưới những hình thức khác nhau, mà không ai tránh được, hoặc thoát ra khỏi được. Hơn 50 năm đã qua rồi; và mọi chuyện xẩy ra đã vào lịch sử, đã thành lịch sử. Các thế hệ trẻ hôm nay đã đủ sức vóc và sự tỉnh táo để đón nó với niềm tin cả dân tộc đã trưởng thành và lịch sử sẽ không lặp lại những con đường cũ./.
Thái Hà 30-11và 2-12-2009
____________
(*) Thơ Paul Valéry.

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114511158

Hôm nay

2157

Hôm qua

2359

Tuần này

21532

Tháng này

218031

Tháng qua

121356

Tất cả

114511158