Thị hiếu, tư tưởng và các quan điểm khác cũng xác định tính chất của phương pháp đối với việc xem xét ý nghĩa xã hội của một trong những hiện tượng văn học nào đó. ở đây chúng ta không bàn đến vấn đề phức tạp của các phương pháp nghiên cứu khoa học, mà chúng ta tập trung chú ý đến sự phân công công việc giữa các ngành nghiên cứu văn học - nghiên cứu lịch sử văn học, phê bình văn học, phong cách văn học, lịch sử và lý luận các thể loại văn học, lý luận văn học, v.v... - đến những điều kiện bên trong của nó.
Mỗi ngành nghiên cứu - như văn học sử, văn bản học - đều có khả năng tập hợp các hiện tượng văn học đã có và xây dựng một cách phù hợp những mục đích khoa học. Phương pháp của các nhà nghiên cứu văn học nào cũng chỉ hướng về một đối tượng nghiên cứu đã xác định trước, nghĩa là các khả năng phổ cập của phương pháp luôn luôn hạn chế. Từ tính chất tự nhiên của nó mà mọi công việc nghiên cứu đều bị hạn chế. Một phương pháp nào khác cũng không có khả năng nắm bắt được toàn bộ văn học, chỉ trừ việc nghiên cứu kết hợp giữa các ngành nghiên cứu văn học khác nhau thì mới có thể tiếp cận được toàn bộ văn học. Chúng tôi không cần phải nhấn mạnh rằng chúng tôi lấy khái niệm "toàn bộ văn học" trong cái nghĩa tương đối của nó. Bởi vì nghiên cứu văn học cũng như các khoa học khác, nó chỉ tiếp cận được ý nghĩa cuối cùng của đối tượng nghiên cứu.
Có hai yếu tố cơ bản xác định sự phát triển của khoa học văn học. Một mặt sự hình thành và phát triển của văn học ảnh hưởng đến đối tượng của khoa học văn học. Mặt khác bản thân khoa học văn học cũng có lôgíc bên trong của nó. Chúng ta cần phải ghi nhớ rằng sự phát triển của khoa học văn học luôn luôn nằm trong mối liên hệ mật thiết với các trào lưu và tinh thần của mọi ngành khoa học thuộc các thời đại.
Trong quá trình của lịch sử văn học thường xuyên có các hiện tượng và những vấn đề mới mẻ đặt ra. Để trả lời những vấn đề đó tất yếu phải tạo ra và ứng dụng những phương pháp nghiên cứu mới. Và chính điều này dẫn đến sự khác biệt của các phương pháp nghiên cứu văn học. Vậy lý luận văn học đã trở thành khoa học độc lập như thế nào và nó đã ra đời ra sao? Trước khi nhận định được điều đó chúng ta cần nhắc đến một vấn đề rất quan trọng thuộc về phương pháp luận. Đặc trưng của mọi công việc nghiên cứu khoa học là sự triển khai phân tích và tổng hợp đối tượng nghiên cứu. Điều kiện của nó là sự tiếp cận có tính chất kinh nghiệm và lý luận với đối tượng. Mối quan hệ giữa kinh nghiệm và lý luận, cụ thể và trừu tượng, cái riêng và cái chung thường tạo nên hai hệ thống quan điểm khác nhau trong công việc nghiên cứu. Do đó mà trong một ngành khoa học hai đặc điểm này nằm trong mối liên hệ phụ thuộc lẫn nhau.
Phương pháp cụ thể cho trước thường tạo ra hệ thống có hai tính chất kiểm tra. Nếu một nhà nghiên cứu nào bước ra khỏi khuôn khổ cụ thể và trừu tượng của phương pháp thì lúc đó về quan điểm của ngành khoa học đã cho công việc nghiên cứu của anh ta chỉ có được một sự đánh giá quá cụ thể hoặc quá trừu tượng hay chung chung mà thôi. Những hiện tượng "quá kinh nghiệm" hoặc "quá trừu tượng" này trong một ngành khoa học mà mức độ lôgíc và tính hệ thống của nó khác thì chúng có thể có một vị trí quan trọng. Trong các công việc nghiên cứu khác nhau thì biên giới giữa cái riêng và cái chung, kinh nghiệm và lý luận, cụ thể và trừu tượng cũng được chuyển dịch theo cấp độ khác nhau. Chính vì thế chúng ta nói rằng bản thân các phương pháp nghiên cứu có lôgíc riêng của chúng, và điều kiện bên trong của mối quan hệ giữa cái cụ thể và trừu tượng, cái riêng và cái chung đều phụ thuộc vào mức độ lôgíc của việc nghiên cứu. Nếu bỏ qua đặc điểm quan trọng này thì kết quả sẽ dẫn đến sự lẫn lộn của các mức độ lôgíc mà hậu quả của nó là sẽ ra đời những nhận định và đánh giá giả tạo, sai lầm. Thậm chí điều đó sẽ là chiếc giường ấm cho trò chơi bằng khái niệm. Việc xem xét đến đặc trưng của các công tác nghiên cứu này đã giúp chúng ta xác định vị trí của lý luận văn học trong khoa học văn học một cách dễ dàng hơn.
Lý luận văn học cũng giống như các ngành khác của khoa học văn học là đều có sự hạn chế tương tự. Nhưng với đối tượng và phương pháp của nó, lý luận văn học chiếm một vị trí đặc biệt trong khoa học văn học. Trong hệ thống của khoa học văn học chúng ta gọi văn học sử, phê bình văn học, thi pháp học, văn bản học là nghiên cứu kinh nghiệm. Đối diện với lối nghiên cứu này chúng ta quan niệm lý luận văn học là lĩnh vực bàn đến những vấn đề trừu tượng và khái quát của khoa học văn học.
Lý luận văn học nắm bắt các sự kiện, các hiện tượng và những vấn đề trừu tượng nhất của văn học để kiểm tra chúng. Như trên chúng tôi đã trình bày, mọi công việc nghiên cứu đều có sự tiếp cận với kinh nghiệm và lý luận, nghĩa là tất cả các ngành khoa học đều có phần lý luận của nó. Vậy việc kiểm tra có liên quan đến lý luận của văn bản học, phê bình văn học, lịch sử văn học được liên hệ ra sao với việc nghiên cứu lý luận văn học? Có cần thiết phải có riêng lý luận văn học không?
Văn học sử, phê bình văn học bên cạnh nghiên cứu kinh nghiệm cũng đều phải giải quyết những vấn đề thuộc về lý luận chung của văn học. Khi mà văn học sử đảm nhiệm việc xác định một trào lưu văn học nào đó ví dụ như Ba rốc hay chủ nghĩa tình cảm hoặc chủ nghĩa tượng trưng, thì lúc ấy văn học sử phải nắm được về mặt khái niệm và nêu được những đặc trưng chung nhất của các trào lưu đó. Trong trường hợp này công việc nghiên cứu xa dần với thế giới các hiện tượng cụ thể của văn học, của tư liệu mà nó cố gắng nhằm nêu được cái gì chung nhất của các nguyên lý và các quy luật trừu tượng. Trong các bài viết của các nhà văn học sử, hoặc của các nhà phê bình văn học đây đó đều sử dụng những khái niệm có nội dung trừu tượng như tác phẩm, văn bản, thể loại, vấn đề ký hiệu văn học. Không phải ngẫu nhiên mà khởi đầu lý luận văn học xuất hiện từ lý luận văn học sử. Ví dụ Thiêmêmann đã để cho cuốn sách của mình mang tên Các khái niệm cơ bản của văn học sử, với ý muốn hệ thống hóa những khái niệm và những đặc điểm chung nhất của lịch sử văn học.
Trong những điểm cơ bản thì mọi sự khái quát lý luận của lý luận văn học cũng khác biệt với sự khái quát lý luận của văn học sử. Việc khái quát hóa lý luận của văn học sử có những hạn chế, vì nó phụ thuộc vào nguyên lý "kinh nghiệm - lý luận", "cụ thể - trừu tượng", "riêng - chung"; nghĩa là phụ thuộc vào mức độ lôgíc của phương pháp. Tóm lại nó được xây dựng trên sự tổng hợp của các sự kiện cụ thể. Chính vì vậy những hiện tượng trừu tượng như sự phân tích lý luận của tác phẩm, của phong cách hay một quá trình văn học thường vượt quá quyền hạn của văn học sử. Cách kiểm nghiệm cụ thể và trừu tượng, riêng và chung của phương pháp nghiên cứu văn học sử không cho phép phân tích và bóc ra các lớp sâu, trừu tượng.
Lý luận văn học - như đã trình bày ở trên - kiểm tra các hiện tượng chung nhất của văn học. Những hiện tượng này cũng xuất hiện trong việc nghiên cứu theo kinh nghiệm. Sự phân tích từ góc độ kiểm nghiệm trừu tượng các kết luận và khái quát lý luận này đều vượt khỏi lĩnh vực nghiên cứu kinh nghiệm. Lý luận văn học kiểm tra những hiện tượng văn học mang nội dung và tính chất chung đã vượt khỏi khuôn khổ nghiên cứu văn học sử, văn bản và phê bình văn học. Lý luận văn học "mang vào sở hữu" những hiện tượng chung và trừu tượng của văn học đã được khái niệm hóa thông qua nghiên cứu kinh nghiệm. Nhưng đây không phải là những kết quả đã hoàn thiện. Lý luận văn học đem các khái niệm và những hiện tượng văn học đó vào hệ thống nghiên cứu mà tính chất nghiên cứu khác hơn, phương pháp tiếp cận kinh nghiệm - lý luận, cụ thể - trừu tượng, riêng - chung ở mức độ lôgíc khác hơn. ở đấy mối quan hệ giữa phân tích tổng hợp thống trị.
Trên đây chúng tôi đã nhận định rằng đối tượng của khoa học văn học là văn học. Chúng tôi cũng đã nhấn mạnh là mỗi ngành của khoa học văn học đều mang đến một vài quan điểm văn học cho công tác nghiên cứu. Mặc dù đối tượng của lý luận văn học cũng như văn học sử là văn học thì chúng tôi cũng cần phải nhấn mạnh rằng đối tượng nghiên cứu của lí luận văn học hoàn toàn tách rời đối tượng nghiên cứu của lý luận văn học sử và phê bình văn học. ý thức văn học, quá trình văn học, đời sống văn học, tác phẩm văn học, giá trị văn học đối với văn học sử hoặc văn bản học là những vấn đề trừu tượng nằm khuất sau những cái cụ thể mà theo quan điểm nghiên cứu lịch sử thì không thể tiếp cận vì không thể phân chia, không thể tách rời và không có cấu trúc gì cả. Những cái mà gọi là hiện tượng chung và trừu tượng trong khuôn khổ nghiên cứu theo kinh nghiệm của khoa học văn học thì ở mức độ lôgíc của nghiên cứu lý luận rơi vào mối liên hệ tiếp cận giữa cái cụ thể - trừu tượng, riêng - chung mới. Qua đó mà các hiện tượng chung của văn học được biến đổi, bởi vì điều mà đối với việc nghiên cứu theo kinh nghiệm là chung chung, tức là những hiện tượng nằm khuất sau các sự kiện, tản mạn, không có cấu trúc cụ thể thì trong hệ thống của nghiên cứu lý luận văn học chúng được nhận giá trị cụ thể, có thể xem xét, đã được cấu trúc hóa và trở thành riêng biệt. Như vậy các hiện tượng chung của văn học đi từ trừu tượng đến cụ thể, từ cái chung mà có cái riêng, cái không xác định trở thành cái được xác định.
Trong lý luận văn học, việc chúng ta nâng lên mức độ lôgíc chung nhất, đưa vào lĩnh vực nghiên cứu trừu tượng nhất các hiện tượng văn học không có nghĩa là nghiên cứu lý luận văn học quay lưng lại với các hiện tượng cụ thể đã mở ra của văn học sử và phê bình văn học. Cái riêng của lý luận văn học cũng giữ lại những điều cơ bản cụ thể, những đặc điểm riêng biệt của nghiên cứu lịch sử văn học.
Chúng tôi muốn lấy tác phẩm văn học làm ví dụ. Trong nghiên cứu kinh nghiệm thì khái niệm tác phẩm văn học còn trừu tượng, phải điểm qua rất nhiều tác phẩm thì mới có được biên giới cuối cùng của sự phổ cập khái niệm tác phẩm văn học. Chính vì thế phương pháp nghiên cứu văn học không cần phải tiếp tục chia nhỏ tác phẩm văn học trên bình diện lý luận. Trong hệ thống nghiên cứu lý luận văn học, khái niệm tác phẩm văn học đã trải qua những thay đổi về mặt chất lượng, những thay đổi đó dẫn đến kết quả là cái trừu tượng và cái khái quát của khái niệm tác phẩm được mở rộng và lại cô đúc thành "khái niệm hẹp" cụ thể. Khi trong văn học sử, khái niệm tác phẩm văn học còn mang nội dung kinh nghiệm, thì trong lý luận văn học những chi tiết riêng lẻ, cụ thể của tác phẩm văn học không nói đến nữa, và thay thế tính chất trừu tượng của khái niệm tác phẩm nó biểu thị tính chất khái quát cụ thể và từng phần cụ thể. Điều này có nghĩa là khái niệm tác phẩm về mặt lý luận mang tính chất độc lập. Đối với nghiên cứu kinh nghiệm của khoa học văn học thì kết quả phân tích và tổng hợp có nghĩa là điểm cuối cùng của việc nghiên cứu. Ngược lại, cái mà trong nghiên cứu kinh nghiệm đóng vai trò trừu tượng thì trong lĩnh vực phân tích lý luận nó lại nhận một nội dung riêng cụ thể, và đối với nghiên cứu lý luận nói chung nó không phải là điểm cuối mà là điểm xuất phát.
Tác phẩm văn học chiếm vị trí như thế nào trong nghiên cứu văn học sử? Nhà nghiên cứu văn học sử thường đưa ra một hoặc nhiều thành phần của tác phẩm, nhiều khi rút từ đề tài của tác phẩm các yếu tố để qua chúng mà minh họa cho sự nghiệp của một nhà văn, cho bộ mặt của đạo đức con người, hoặc một phong trào xã hội, hoặc một vấn đề mà đời sống văn học đang bàn cãi. Những lúc này, nhà nghiên cứu văn học sử nêu lên hàng loạt tác phẩm nhằm lý giải sự phát triển của phong cách, hoặc một tư tưởng xã hội nhất định. Nghiên cứu kinh nghiệm tức là nêu lên một số thành phần tác phẩm và đưa chúng vào bức tranh xã hội - lịch sử. Nhưng tác phẩm như là một cấu trúc hoàn chỉnh thì lại không được nói đến trong nghiên cứu lịch sử văn học. Nhà nghiên cứu văn học sử chỉ chú ý đến một vài yếu tố của tác phẩm trong sự liên quan với một yếu tố khác mà thôi. Chẳng hạn anh ta nhìn thấy mối liên hệ giữa đề tài và phong cách. Còn tác phẩm như là một hệ thống lý luận hoàn chỉnh thì không được anh ta quan tâm.
Lý luận văn học - như đã nói ở trên, - xem tác phẩm văn học như một tổng thể và một vấn đề cụ thể. Nói cách khác, cái vấn đề cụ thể đó làm điểm xuất phát của công việc nghiên cứu nghĩa là có thể phân tích, mổ xẻ nó ra những yếu tố đã xác định nhưng chỉ có thể mổ xẻ bằng sự hiện diện của toàn bộ tác phẩm trước mặt. Những thành phần cơ bản của tác phẩm văn học như ngôn ngữ, đề tài, cấu trúc và tình huống đều tạo thành hệ thống chặt chẽ. Trong cấu trúc tác phẩm các thành phần của tác phẩm văn học đều "bình đẳng "với nhau. Nghiên cứu lý luận văn học kiểm tra mối liên hệ của các thành phần tác phẩm văn học. Những thành phần của tác phẩm tạo nên các thứ bậc phức tạp. Theo cách nhìn đã xác định, một thành phần này hoặc thành phần kia của tác phẩm chiếm ưu thế trong sự thống nhất sinh động của tác phẩm.
Trên một bình diện lôgíc trừu tượng hơn cả lý luận văn học, trong nghiên cứu mỹ học thì tác phẩm văn học là một hiện tượng quá ư kinh nghiệm và mang tính lịch sử. Điều đó chứng tỏ công việc nghiên cứu ở những mức độ lôgíc khác nhau thì biên giới của cái cụ thể-trừu tượng, riêng-chung, phân tích-tổng hợp kéo dài ở các vị trí khác nhau. Rõ ràng hết thảy mọi ngành khoa học đều có những thành kiến về sự tiếp cận cái cụ thể-trừu tượng, riêng-chung, phân tích-tổng hợp đã xác định trước. Chúng ta có thể phân những chính kiến này trên bình diện lôgíc đã xác định đối với các hiện tượng cụ thể và trừu tượng.
Đến đây chúng ta thấy rõ rằng nghiên cứu lý luận văn học với việc mở ra những hiện tượng chung của văn học đã rọi sáng những vấn đề còn tồn tại trong phương pháp nghiên cứu văn học sử, và chính những vấn đề tồn tại đó đã gây ra sự xâm nhập chức năng siêu khoa học của lý luận văn học. Lý luận văn học một mặt đưa những khái niệm lý luận của nghiên cứu kinh nghiệm vào lĩnh vực nghiên cứu của nó, mặt khác nó mở ra những hiện tượng văn học mà trong nghiên cứu kinh nghiệm của khoa học văn học - trong văn học sử, phê bình, văn bản học, hoặc trong nghiên cứu phong cách học - không được đưa ra kiểm tra, phân tích. Về những vấn đề này ví dụ: văn học như một hệ thống giao tiếp, vị trí của văn học trong hoạt động xã hội của con người, sự phát triển của văn học, tác phẩm văn học như một hệ thống, ngữ nghĩa của tác phẩm như nguyên lý chỉ đạo. Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mở ra những vấn đề này mang một ý nghĩa lớn xét từ góc độ khoa học văn học. Việc nghiên cứu những vấn đề này sẽ ảnh hưởng trở lại đối với nghiên cứu kinh nghiệm, thậm chí nó còn can thiệp vào các xu hướng phát triển của khoa học văn học, vì nó có thể soi sáng những vệt trắng của nghiên cứu văn học.
Tính chất siêu khoa học của lý luận văn học thể hiện ở chỗ khi một ngành nghiên cứu kinh nghiệm của khoa học văn học chỉ nêu lên được một vài khía cạnh của đời sống văn học (như vậy thì toàn bộ văn học còn lại có xu hướng bị bỏ dở) thì lý luận văn học lại nhìn được toàn bộ văn học trên một bình diện cao và trừu tượng hơn. Sở dĩ lý luận văn học có thể nhìn nhận được toàn bộ văn học bởi vì nó tiếp cận với văn học bằng phương pháp đồng đại. Nghĩa là nó xem xét văn học không phải trong bình diện thời gian mà "trong không gian trải rộng". Sự tiếp cận bằng phương pháp đồng đại giúp cho lý luận văn học nhận chân được văn học là một hệ thống. Lợi thế của phân tích đồng đại là nó có thể phân tích được cấu trúc của tác phẩm.
Lý luận văn học với sự phân tích mô hình sinh động của văn học, với việc mở ra các chức năng tổng hợp, và với việc chia nhỏ các yếu tố của cấu trúc tác phẩm cũng như của hệ thống văn học, đã ảnh hưởng đến nghiên cứu kinh nghiệm. Bây giờ chúng ta thử xem lý luận văn học đã mang chức năng siêu khoa học ra sao vào khoa học văn học.
Chúng ta có thể phân chia các chức năng siêu khoa học của lý luận văn học ra làm ba nhóm lớn.
1- Phạm vi có giá trị của chức năng thứ nhất là các vùng bên trong của khoa học văn học, là đối tượng nghiên cứu của lý luận văn học - gồm các qui luật và chức năng, các hiện tượng chung của văn học - có liên quan đến các hoạt động nghiên cứu kinh nghiệm của khoa học văn học. Bởi vì nó kiểm tra những vấn đề mà trong cùng một thời gian đụng đến hai, ba hoặc nhiều lĩnh vực nghiên cứu, và ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các khoa học chuyên ngành.
2- Văn học là một ngành của nghệ thuật, nghĩa là trong nghiên cứu văn học và trong nghiên cứu nhiều ngành nghệ thuật khác chúng ta có chung phương pháp và các hiện tượng "tương đồng". Do đó mà xuất hiện chức năng siêu khoa học thứ hai của lý luận văn học.
3- Chức năng siêu khoa học thứ ba của lý luận văn học do vị trí giữa các hình thái ý thức xã hội của văn học xác định (Với nghĩa rộng ở đây là văn học và hiện thực, mối quan hệ của văn học và xã hội). Vị trí hình thái ý thức xã hội của văn học xác định sự hợp tác của khoa học văn học đối với ngành khoa học xã hội khác.
Tôi không thể phân tích một cách tỉ mỉ ba chức năng trên. ởđây tôi chỉ muốn nêu một vài ví dụ về chức năng siêu khoa học của văn học mà thôi.
Với sự xác định vị trí đã có của văn học giữa các hình thái ý thức xã hội, trước hết lý luận văn học làm sáng tỏ chức năng và qui luật riêng nhất của văn học. Với điều này, lý luận văn học rọi ánh sáng vào mối liên hệ giữa văn học và cái không phải là văn học. Và việc đó ảnh hưởng đến sự hình thành đối tượng nghiên cứu của tâm lý học, xã hội học và lịch sử văn học. Với sự hoạt động có tính chất siêu khoa học của nó, lý luận văn học đóng góp một phần lớn vào việc hình thành phương pháp nghiên cứu kinh nghiệm của khoa học văn học. Lý luận văn học chỉ rõ rằng tác phẩm văn học như một sản phẩm văn học, là hòn đá tảng của đời sống văn học và sự phát triển tự thân của văn học. Điều đó đối với nghiên cứu kinh nghiệm là điểm sáng chắc chắn nhất đảm bảo cho nghiên cứu kinh nghiệm đi vào các khu vực ngoài văn học, mà không mắc vào sự rối rắm của phân tích văn học. Vai trò siêu khoa học của lý luận văn học còn thể hiện ở chỗ nó nghiên cứu hệ thống các khái niệm của khoa học văn học, kiểm tra sự hình thành và thay đổi, sức nặng ngữ nghĩa, tính chất phong phú cũng như sự nhàm chán của các khái niệm. Trước hết nó nghiên cứu những khái niệm lý luận chung nhất của văn học, và trực tiếp ảnh hưởng đến toàn bộ nghiên cứu văn học.
Chức năng siêu khoa học của lý luận văn học cũng tạo nên mối quan hệ chặt chẽ với các ngành khoa học khác. Khoa học văn học có mối quan hệ với công việc nghiên cứu của các ngành nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc và điện ảnh. Lý luận văn học có sự hợp tác chặt chẽ với nghiên cứu lý luận và nguyên lý của các ngành nghệ thuật khác. Bởi vì nó kiểm tra các hiện tượng mà trên bình diện lý luận trừu tượng cũng đồng nhất với những vấn đề của các lĩnh vực nghệ thuật khác. Ai cũng biết là có không ít trường hợp việc sử dụng các khái niệm khoa học hoàn toàn thống nhất là một. Những khái niệm như tác phẩm, phong cách, cấu trúc, đề tài, phản ánh, Phục hưng, Ba-rốc, chủ nghĩa tượng trưng, thể loại, nhân hóa, bi kịch, kỳ khôi, phân kỳ, trí tuệ, tư cách nghệ sĩ, v.v... đều mang tính chất chung...
Chất liệu của tác phẩm văn học là ngôn ngữ. Đối với các ngành nghệ thuật thì ký hiệu học và ngữ nghĩa học mở ra những triển vọng mới. Mỗi ngành nghệ thuật đều có ''ngôn ngữ'' và "văn bản" riêng của mình với việc sử dụng và sáng tạo các ký hiệu. Kiểm tra ký hiệu học nghệ thuật là làm nổi bật tính chất ký hiệu của tác phẩm nghệ thuật. Với việc tiếp cận ký hiệu học, nhà nghiên cứu có thể bước vào thế giới ký hiệu của tác phẩm. Kiểm tra ký hiệu học đưa nhà nghiên cứu vào lĩnh vục rộng hơn, vì nó chỉ ra một cấu trúc rộng, và cả vị trí đã có trong những hệ thống ký hiệu của nghệ thuật, đặt điều kiện và thúc đẩy nghiên cứu liên ngành. Siêu chức năng thứ ba của lý luận văn học bắt nguồn từ mối quan hệ của văn học và các hình thái ý thức xã hội khác. Nghiên cứu văn học, với mục đích phân tích và mở rộng các yếu tố nhiều vẻ của văn học, buộc phải cùng được tiến hành với sự xem xét những phương pháp của các ngành khoa học khác. Nghiên cứu văn học cần phải phát triển trong tinh thần khoa học của thời đại. Chính vì thế một trong những nhiệm vụ của lý luận văn học là phải chú ý đến mối quan hệ phát triển của khoa học thời đại. Không có ngành nghiên cứu văn học nào mà lại không duy trì mối quan hệ mật thiết với nền khoa học của thời đại, nghĩa là với những thành tựu khoa học cơ bản đang can thiệp và ảnh hưởng đến phần lớn hoặc toàn bộ nền khoa học.
Tính chất sâu sắc của mối quan hệ giữa lý luận văn học với các khoa học tương tự, cũng như với các khoa học xã hội do nhiều yếu tố xác định. Không phải ngẫu nhiên mà lý luận văn học như là siêu khoa học, vì nó đã phát hiện được tính chất quan trọng của những kết quả ký hiệu học, lý thuyết hệ trong nghiên cứu văn học. Ngoài ra lý luận văn học chú ý đến những kết quả khoa học từng giai đoạn trong truyền thống mà về mặt nội dung cũng như về phương pháp có ý nghĩa đối với nghiên cứu văn học. Khoảng hai ba chục năm trở lại đây, ngôn ngữ học đã là trung tâm của sự phát triển khoa học. Những thành tựu của ngôn ngữ học đã làm cách mạng nhiều phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội.
Trong cách nhìn đó, lý luận văn học đứng trước một nhiệm vụ có hai mặt. Một mặt, lý luận văn học cố gắng tiếp cận những kết quả khoa học khác vào nghiên cứu văn học. Mặt khác, lý luận văn học phải lưu ý để việc vận dụng các phương pháp khoa học khác đừng làm lạc hướng các nhà nghiên cứu khỏi mục đích chính của họ, nghĩa là đừng tách rời việc kiểm tra đặc trưng thẩm mỹ của văn học. Tóm lại chức năng siêu khoa học của lý luận văn học là do việc phân chia của khoa nghiên cứu văn học mà có. Như thế nó có thể nói được bình diện trừu tượng của tác phẩm văn học và văn học trong sự thống nhất, nó soi sáng mối quan hệ giữa phân tích thể loại tác phẩm và phân tích tác phẩm văn học, cũng như mối quan hệ giữa phê bình văn học và văn học sử. Từ đó mà lý luận văn học tạo điều kiện làm rõ những hiện tượng liên quan đến lĩnh vực chuyên ngành. Lý luận văn học không chỉ nhìn toàn bộ văn học, mà nó còn xem khoa học là một hệ thống nhất định. Qua đó mà ta biết được những lĩnh vực nghiên cứu nào của khoa học văn học đã bị bỏ rơi. Nó khám phá những vệt trắng và các lĩnh vực còn ít được chú ý. Lý luận văn học giúp cho việc nghiên cứu phong cách văn học, thi pháp, và các hiện tượng ngôn ngữ cũng như việc kiểm tra việc phân tích tác phẩm, đánh giá tác phẩm, và ký hiệu học. Chúng ta đã thấy rằng tính chất khái quát của lý luận văn học đã vượt khỏi mức độ nghiên cứu kinh nghiệm. Những luận điểm, những nhận định lý luận văn học ra đời trên mức độ lôgíc trừu tượng nhất của công việc nghiên cứu. Như vậy chúng ta có thể hiểu được rằng bản thân những vấn đề lý luận văn học trong ý nghĩa nhất định nào đó không có tác dụng trở lại ngay, tức là những kết quả nghiên cứu lý luận không có hiệu lực trực tiếp đối với nghiên cứu kinh nghiệm, mà chỉ vận dụng được bằng các luận điểm mà thôi. Điềi đó cho thấy bản thân lý luận văn học không có nhiệm vụ "đưa trả lại ngay tức khắc" thực tiễn nghiên cứu kinh nghiệm những kết quả lý luận của nó.
Lợi ích của những kết quả nghiên cứu lý luận không thể hiện ở chỗ những kết quả đó có vận dụng trực tiếp được hay không trong văn học sử. Cũng giống như thước đo chân lý của phê bình văn học, văn học sử hay sự phân tích tác phẩm không thể hiện ở chỗ nó có sử dụng trực tiếp được hay không trong sáng tác văn học? Cũng là một đòi hỏi quá đáng nếu bắt các nhà phê bình bằng sự ra đời của tác phẩm văn học mà chúng chứng minh những nguyên lý của nó. Giá trị và hiệu lực của nghiên cứu lý luận văn học chỉ có thể đánh giá bên trong hệ thống lôgíc và phương pháp luận của bản thân nó mà thôi. Nội dung của những luận điểm lý luận chỉ có thể phê phán trên bình diện lôgíc mà những luận điểm ấy được tạo nên. Kết quả của lý luận văn học không phải lúc nào cũng có thể xem là nhầm lẫn nếu có trường hợp nó không phù hợp với tính lịch sử của vấn đề. Ví dụ khi nó quan niệm hệ thống giao tiếp văn học là một cấu trúc ''phi thời gian''. Nó sẽ chỉ nhầm lẫn khi trong hệ thống lôgíc của nó có sự nhầm lẫn, nếu nó không xây dựng được lôgíc trừu tượng phù hợp, và nó không vận dụng những luận điểm có giá trị, nếu trong phương pháp trừu tượng - trong hoạt động phân tích và tổng hợp - nó coi thường các qui luật trừu tượng hoặc vi phạm chúng. Nếu nó sử dụng những tư liệu nhầm lẫn, những xuất phát điểm giả tạo hoặc những khái niệm đã nhàm chán, và cuối cùng nếu nó xuất phát từ những quan điểm văn học sai lầm.
Các nhà nghiên cứu văn học sử và phê bình văn học thường phê phán việc khái quát hóa lý luận, có điều họ nên tư duy với mức độ trừu tượng phù hợp với các khái niệm và những nhận định lý luận, họ cần phải truy đến cùng từng bước của việc khái quát lý luận đó. Tức là chúng ta đừng đòi hỏi nhà lý luận hãy chứng minh những luận điểm của anh ta bằng những phân tích mang tính chất kinh nghiệm hoặc mang tính chất lịch sử. Nhà nghiên cứu văn học sử cũng chỉ có thể mang các luận điểm lý luận vào lĩnh vực nghiên cứu lôgíc của riêng mình bằng sự vận dụng linh hoạt mà thôi. Lý luận văn học cũng làm như thế đối với nghiên cứu mang tính chất kinh nghiệm của khoa học văn học bằng các khái niệm và kết quả của nó. Chúng ta cũng cần phải biết một cách rõ ràng là giữa các ngành khác nhau của khoa học văn học đều có sự phân công công việc. Mọi công việc nghiên cứu khoa học đều chỉ có lợi ích thật sự nếu nó biết xác định một cách tốt nhất đối tượng nghiên cứu, và biết sử dụng một cách tối đa những khả năng của phương pháp1
TRƯƠNG ĐĂNG DUNG dịch
(Từ tạp chí Literatura 2/1980)
(*) TSKH - Nguyên Trưởng ban lí luận, Viện Văn học Hungary.