Diễn đàn

Lại chuyện loa phường

Hôm rồi về thăm quê. Vừa ra khỏi nhà ga sân bay đã thấy chú em tự nguyện làm xe ôm chờ sẵn từ lúc nào.

Lần này, định bụng không chạy thẳng lên quê cách thành phố hơn hai chục cây số mà ghé nhà chú nghỉ ngơi. Vả lại lúc máy bay đáp xuống sân bay Vinh cũng đã gần 12 giờ trưa do chuyến bay bị trễ vì trục trặc “kỹ thuật”. Những chuyến “delay” của hàng không bao giờ cũng thế, hoặc là lỗi kĩ thuật hoặc là… tại ông trời.

Chiếc Honda hai chỗ cũ kỹ lướt nhanh trên đại lộ Lê-nin thưa thớt xe cộ qua lại. Nắng tháng 6 chang chang lại được gia vị thêm những cơn gió Lào ràn rạt nên cảm giác càng khô ran. Hơi nóng phả vào mặt ran rát. Vừa ở Tây Nguyên mưa nắng chan hòa giờ đối mặt với mùa hè nóng bỏng của quê hương kể có cái gì đó cũng thú vị. Lâu lắm rồi mới được tắm mình trong không gian gợi nhớ những kí ức tuổi thơ háo hức chào đón ba tháng hè sau một năm đèn sách vất vả.

Đang chìm đắm trong ký ức một thời bỗng giật mình bởi những âm thanh cứ to dần, to dần rồi chọc vào tai của cái loa phường đâu đây. 12 giờ trưa. Nóng bức. Tiếng loa vang hết cỡ ù cả hai cái lỗ nhĩ.

- Ủa, ở đây vẫn còn loa phường hả chú? Tôi thảng thốt.

- Khổ! Ngày nào cũng vậy đấy bác.

- Họ nói cái chi mà câu được câu mất thế nhỉ?

- À, chiều nay tổ dân phố gặp mặt người cao tuổi. Hôm nay ngày của các cụ mà bác.

- À ra thế!

Cơm nước xong, tính nằm nghỉ một lát chờ đến chiều cho đỡ nóng rát sẽ lên quê. Bỗng khọt khẹt. Rồi cái âm thanh sa sả của loa phường lại cất lên. Lúc nãy ngoài đường xe cộ ầm ào tiếng đực tiếng cái, bây giờ ở trong phòng dù đóng kín cửa, tiếng loa chẳng những không bị giảm đi mà còn chói tai hơn nhất là khi ngả mình xuống giường. Chẳng nghe ra cái gì sất ngoài một mớ âm thanh hỗn độn ầm ào.

Năm rưỡi chiều về đến nhà, nơi chôn nhau cắt rốn. Chưa kịp nghỉ ngơi hỏi han sức khỏe các cụ và họ hàng thì lại thấy sang sảng tiếng loa của xóm. Được cái ở quê, đường thông hè thoáng, nhà cửa thưa hơn nên đứng trước sân nhà, tiếng loa nghe rõ mồn một. Lại chuyện tương cà mắm muối, chuyện thu nộp các khoản đóng góp, chuyện xả rác và cả tin tức về cuộc hội ngộ của các cụ cao niên trong xóm vừa diễn ra tại nhà văn hóa thôn hồi chiều.

Năm giờ sáng, tôi chẳng cần phải căn điện thoại báo thức. Loa xóm vang lên. Muốn ngủ nướng cũng đành chịu. Sau bản tin FM của huyện nhà là chương trình ca nhạc do “Giám đốc đài” - danh hiệu bà con phong cho người coi loa của xóm - tự chọn. Bao nhiêu năm xa cách, mong về quê để tận hưởng cái cảm giác thanh bình buổi sớm mùa hè yên tĩnh mà chẳng được. Chỉ mong hôm nào ông trưởng xóm lỡ ngủ muộn hay bận việc mà quên béng chuyện loa đài. Nhưng, có mà mơ!

Đọc báo, lên mạng, xem ti vi nghe nói nhiều đến cái gọi là cách mạng 4.0. Vị lãnh đạo nào đăng đàn cũng thao thao bất tuyệt 4.0, cứ tưởng đất nước mình 4.0 hóa khắp mọi nơi, mọi lúc, tận các đường làng, ngõ xóm rồi. Ấy thế mà… Cái loa phường, sản phẩm của một thời xa lắc xa lơ vẫn tồn tại. Tài thật!

Được sinh ra từ những năm 60 thế kỉ trước, suốt hơn nửa thế kỉ qua, nhất là trong thời kì chiến tranh, loa phường đã đóng vai trò tích cực, đầy hiệu quả trên lĩnh vực truyền thông của nhà nước. Của đáng tội, thời ấy mà không bạn với anh loa phường thì còn biết tiếp nhận thông tin từ đâu? Báo ư? Của hiếm đấy! Đài (máy thu thanh) à? Thì cả xóm ngày ấy chỉ có mỗi nhà cụ Đính nhờ con cái khá giả sắm cho một chiếc “Ô ri ông tông” to bằng cái tráp. Oách nhất làng nước. Ấy thế mà muốn sử dụng cái đài, nếu bây giờ còn giữ được thì  sẽ là đồ cổ đắt giá, cũng phải có giấy phép chứng nhận của chính quyền đấy.

Bước sang thế kỉ 21, truyền thông kĩ thuật số phát triển như vũ bão. Đất nước đổi mới, kinh tế phát triển, đời sống xã hội thay đổi, nhu cầu của con người ngày càng cao. Các phương tiện truyền thông ngày càng đa dạng, hiện đại, tiện lợi cho người dùng. Nhịp sống xã hội bây giờ, ở đâu cũng gấp gáp, xô bồ và đầy áp lực. Chẳng mấy ai còn để ý hay thích thú với cái loa đầu ngõ mà lúc nào cất tiếng lên cũng khọt khẹt, ngèn ngẹt như người tịt mũi.

Loa phường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của nó.

Chỗ của nó bây giờ không phải ở trên cột điện, núp bóng cây xanh nơi đầu làng hay ngõ phố. Chỗ của nó bây giờ là một vị trí khiêm tốn nơi bảo tàng lịch sử, để các thế hệ mai sau chiêm ngưỡng cái phương tiện truyền thông một thời gian khổ mà oanh liệt của ông cha.

Thay thế loa phường đã có nhiều sản phẩm công nghệ số hiện đại khác. Tuổi đời của những "đứa em" này thua xa cái loa phường nhưng hiệu quả thông tin, tuyên truyền thì gấp bội. Nó là điện thoại thông minh, là Internet, là mạng xã hội,… Tất cả đều trong tầm tay của những người được giao trách nhiệm quản lí nhà nước ở mỗi cấp địa phương.

Nhà tui ở Buôn Ma Thuột cũng đang tiến hành cách mạng 4.0 (!). Bằng chứng là hễ cứ có thời gian rảnh là vợ chồng già lại lướt Web đọc báo, đọc tin nhắn mời họp tổ dân phố hay vào “phây” gặp gỡ, chát chít với con cái, bạn bè. He he… Còn loa phường ư? Bỏ lâu rồi!

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114558446

Hôm nay

244

Hôm qua

2384

Tuần này

22005

Tháng này

225989

Tháng qua

122920

Tất cả

114558446