Khách mời văn hóa
Văn học, sử học và sứ mệnh hòa giải dân tộc
LỜI TÒA SOẠN: Một nhu cầu lớn lao của dân tộc Việt Nam suốt non nửa thế kỉ nay là hòa giải, hòa hợp dân tộc. Đó là mệnh lệnh từ trong sâu thẳm lịch sử dân tộc và tâm hồn mỗi người Việt Nam. Rất nhiều, rất nhiều nỗ lực cho công cuộc này, từ chính quyền nhà nước và từ người dân nhưng ý nguyện vẫn chưa trọn vẹn và vẫn đòi hỏi nỗ lực hơn nữa. Mỗi người, mỗi cộng đồng, mỗi ngành nghề... đều phải tự ý thức trách nhiệm của mình trong nỗ lực chung của dân tộc. Đã có một cuộc trao đổi về vai trò của Văn học và Sử học trong sự mệnh hòa giải, hòa hợp dân tộc giữa nhà báo Phan Văn Thắng với nhà văn Tạ Duy Anh đến từ Nhà Xuất bản Hội Nhà văn và Tiến sĩ Sử học Mai Thanh Sơn đến từ Viện Khoa học Xã hội miền Trung.
Phan Văn Thắng: Hòa giải dân tộc là nhiệm vụ không thể không làm đối với bất cứ quốc gia dân tộc nào không may bị rạn nứt, thậm chí là đổ vỡ bởi các biến cố lịch sử. Việt Nam là một dân tộc không may mắn vì liên tục phải chịu nhiều tai ương chiến tranh và tranh chấp quyền lực mà nhiều lúc dẫn đến cảnh “nồi da nấu thịt”. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đến thời Nguyễn Huệ, Nguyễn Ánh tranh giành... Sau chiến tranh chống Pháp, rồi chống Mỹ, dân tộc Việt nam, người Việt Nam đã bị ly tán, phân tán và khối cộng đồng người Việt Nam đã có sự rạn nứt không thể nói là không sâu sắc. Chúng ta, chính quyền và người dân cả hai phía đã có nhiều nỗ lực hòa giải để hàn gắn. Tuy nhiên, hơn 40 năm rồi nhưng khoảng cách vẫn còn nhiều, còn xa. Là nhà văn, nhà sử học, các ông nhìn nhận hiện tượng như thế nào?
Nhà văn Tạ Duy Anh
Nhà văn Tạ Duy Anh: Mỗi dịp 30 tháng Tư, tôi lại trở nên trầm tư bởi vô vàn ý nghĩ cứ cuốn lại với nhau. Tình trạng này chỉ xảy ra với tôi cách đây khoảng hai mươi năm, khi tự cảm thấy mình đã đủ chín chắn để suy tư về lịch sử. Với tôi và những chàng trai sắp thành niên như tôi hồi 1975, thì ngày 30 tháng Tư là một cơ may sống sót vĩ đại. Quá sợ hãi và chán ngán cảnh cứ phải lẩn trốn bom đạn trút xuống từ trên trời bất cứ lúc nào, chúng tôi bỗng trở thành những kẻ yêu hòa bình nhiệt thành nhất thế giới. Vì thế vào hôm đó chúng tôi chạy nhảy và hát váng từ làng trên xuống làng dưới, từ trường học ra cánh đồng. Nhiều bậc cha mẹ, trong đó có cha mẹ tôi, đã khóc vì sung sướng. Nỗi sung sướng lớn nhất là những đứa con của họ từ nay sẽ không phải cầm súng vào chiến trường như cha anh chúng để rồi rất nhiều người trong số đó đã vĩnh viễn nằm lại. Không còn nghi ngờ gì nữa, ngày 30 tháng Tư là dấu mốc để từ đó người Việt không còn phải đổ máu vì chiến tranh ngay trên đất nước của mình. Với tôi, đó là ngày Hòa bình, ngày nước Việt Thống nhất.
Thời gian chờ đợi cái ngày đó không phải chỉ 21 năm tính từ năm 1954. Mặc dù nhà Tây Sơn, rồi nhà Nguyễn đã thống nhất đất nước tổng cộng gần một trăm năm, trước khi người Pháp lại tiến hành cuộc chia cắt đầy đau đớn, nhưng sự chia rẽ dân tộc có lẽ phải tính từ khi chúa Nguyễn Hoàng vượt đèo ngang?
Tiến sĩ Sử học Mai Thanh Sơn
Mai Thanh Sơn: Thực ra, trước thời Trịnh - Nguyễn phân tranh, Việt Nam còn có cuộc chiến tranh Nam - Bắc triều kéo dài từ năm 1533 đến năm 1592, giữa một bên là nhà Hậu Lê và bên kia là nhà Mạc. Sau khi rút lên Cao Bằng, nhà Mạc còn tồn tại đến năm 1677. Như vậy, trên thực tế, vào thời kỳ này, Việt Nam cũng bị chia cắt hơn 1 thế kỷ. Mặt khác, trong giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, tại Bắc Việt, còn có sự tranh chấp quyền lực giữa một bên là thế lực nhà Lê Trung hưng, và bên kia là thế lực của chúa Trịnh. Lòng người không thể không ly tán.
Phan Văn Thắng: Đúng là chia cắt đã có từ thời Mạc - Lê, Trịnh - Nguyễn, rồi đến Nguyễn Ánh - Tây Sơn, sau đó, cuối cùng, Nguyễn Ánh cũng đã thống nhất được quốc gia. Nhưng dân tộc thì chưa hòa giải, hòa hợp được vì người theo nhà Nguyễn, kẻ luyến tiếc Tây Sơn. Anh Mai Thanh Sơn, với một cái nhìn từ sử học, có thể chia sẻ quan điểm của mình?
Mai Thanh Sơn: Việc Đức Gia Long thống nhất sơn hà (1802) là một trong những sự kiện vĩ đại trong lịch sử Trung đại Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề hòa hợp, hòa giải dân tộc trong khoảng thời gian sau đó không phải không có những khó khăn. Theo tôi được biết, ở miền Trung và miền Nam, nhà Nguyễn thu phục nhân tâm không khó, nhưng ở miền Bắc dường như còn nhiều người luyến tiếc nhà Lê hoặc Tây Sơn hơn. Tôi đặc biệt suy nghĩ nhiều về 2 lần Thăng Long thất thủ: lần thứ nhất năm 1873 và lần thứ hai vào năm 1882. Hào kiệt và danh sĩ Bắc Hà thì không thiếu, nhưng cả 2 lần Thăng Long bị giặc Pháp tấn công, tôi không thấy sử sách ghi lại sự phối hợp của quân dân miền Bắc đối với các tướng lĩnh triều đình là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu. Cả 2 danh tướng này đều là người miền trong, Hoàng Diệu còn là hậu duệ của nhà Mạc. Cả 2 ông đều phải chống giữ thành trong tình trạng cô độc và tuyệt vọng. Trường hợp như Đinh Công Tráng (người Hà Nam) tham gia đạo quan binh triều đình của danh tướng Hoàng Kế Viêm để chống Pháp là tương đối hiếm. Ông cũng là một trong số không nhiều danh sĩ Bắc Hà sau này hưởng ứng Chiếu Cần vương, dấy binh ở Ba Đình (Thanh Hóa). Câu chuyện này khiến tôi liên tưởng đến sự li tán nhân tâm, nhưng ở nửa cuối thế kỷ XIX, có lẽ nó bắt nguồn từ sự phân biệt vùng miền. Tìm hiểu lịch sử giai đoạn này, hẳn sẽ chiêm nghiệm được nhiều bài học của các bậc tiền nhân.
Phan Văn Thắng: Nhưng tôi lại nhớ là chống Pháp hồi thế kỉ XIX còn có cả Phạm Văn Nghị, Nguyễn Thiện Thuật và nhiều sĩ phu khác nữa anh ạ. Trở lại câu chuyện, xin các anh hãy nói về nhu cầu và nội dung hòa giải, hòa hợp dân tộc của người Việt Nam hôm nay?
Mai Thanh Sơn: Vâng! Phạm Văn Nghị, Nguyễn Thiện Thuật và cả Nguyễn Quang Bích nữa cũng từng kháng Pháp ngay từ giai đoạn đầu. Tuy nhiên, vùng hoạt động của Phạm Văn Nghị là ở khu vực Nam Định, Nguyễn Thiện Thuật và Nguyễn Quang Bích ở Hưng Hóa và Sơn Tây. Riêng vùng Thăng Long, nơi tập trung nhiều danh sĩ nhất, lại không hề thấy bóng dáng một ai mộ quân phối thuộc với Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu.
Trở lại câu chuyện hiện tại, tôi nhận thấy, ngoại trừ một bộ phận có tư tưởng cực đoan, số đông người Việt đều có nhu cầu hòa hợp, hòa giải dân tộc.Tuy nhiên, để có thể biết được chính xác nhu cầu của cộng đồng, tôi nghĩ cần có một cuộc trưng cầu dân ý hoặc ít nhất cũng có một cuộc điều tra xã hội học với cỡ mẫu rất lớn.
Nói đến hòa hợp, hòa giải dân tộc, có nghĩa là chúng ta đang nói đến sự hòa giải toàn diện, từ triết lý quốc gia đến phương hướng phát triển đất nước, từ nguyên tắc thượng tôn dân tộc đến mục tiêu cao cả là một xã hội văn minh, trong đó người dân được đảm bảo những quyền cơ bản mà tạo hóa đã trao tặng, đúng như trong Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc ngày 2/9/1945. Hòa hợp, hòa giải dân tộc còn là quá trình xóa bỏ tư tưởng ngạo mạn vô lối của “bên thắng cuộc” cũng như những suy nghĩ mặc cảm tự ti và nặng mối hận thù của bộ phận đồng bào từng ở “phía bên kia”.
Tạ Duy Anh:Tôi luôn tự răn mình rằng, một cá nhân nhỏ bé, lại thuộc về hậu thế, đừng bao giờ cho mình quyền đưa ra bất cứ một phán xét nào về những vấn đề mình ít hiểu biết. Vì thế, tôi tự nguyện đứng sang một bên trong mọi cuộc tranh luận mỗi dịp kỉ niệm 30 tháng Tư. Nhưng khát vọng hòa hợp dân tộc thì chưa khi nào nguôi cháy trong tâm trí tôi. Hơn bất cứ đất nước nào, hơn bất cứ thời điểm nào, người Việt cần phải trở về bên nhau trong một đại gia đình. Người Việt phải ân xá cho nhau vô điều kiện, trước hết để có thể nương tựa nhau tồn tại trong một thế giới đầy bất trắc, nhất là khi mà chúng ta không có quyền lựa chọn láng giềng như mình muốn. Tôi đã nghĩ về điều này nhiều đến nỗi bất cứ ai có ý kiến gợi đến sự chia rẽ, là tôi cảm thấy chính mình bị khủng bố, ngay lập tức bị tôi coi là thù địch.
Cuộc chia rẽ dân tộc là một thực tế lịch sử, không ai mong muốn và không thể né tránh. Nhưng đã đến lúc người Việt hãy biết thương người Việt thay vì trách móc, kết tội, mạt sát nhau. Bởi vì, tất thảy chúng ta, xét về mặt nào đó, đều góp công góp sức để tạo ra cái lịch sử đau thương ấy.
Phan Văn Thắng: Chúng ta vẫn nói hòa giải, hòa hợp dân tộc. Nhưng có mấy khi nói cụ thể là hòa giải cái gì, hòa hợp ai với ai, như thế nào?
Tạ Duy Anh: Với tôi, quá trình hòa giải trong điều kiện Việt Nam sẽ diễn ra ở hai cấp độ: Hòa giải giữa Nhà nước hiện nay, với những người thuộc về Nhà nước Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975, và cấp độ hòa giải cao hơn là hòa giải giữa những người Việt.
Cấp độ thứ nhất tôi gọi là hòa giải chính trị, còn cấp độ thứ hai tôi gọi là hòa giải đồng bào.
Mặc dù mục tiêu tôi hướng tới là cấp hòa giải thứ hai, nhưng tôi không thể phớt lờ thực tế rằng, ở cấp độ hòa giải chính trị, nếu nó diễn ra một cách thực chất, sẽ tạo hiệu quả tích cực ngay tức thì và góp phần thúc đẩy quá trình hòa giải giữa các đồng bào Việt. Chẳng hạn, bỗng hôm nào đó, Nhà nước hiện nay ra tuyên bố rằng, Tổ quốc Việt Nam, do các Vua Hùng lập ra, do các liệt tổ liệt tông gìn giữ suốt hàng ngàn năm, là của chung mọi con dân Việt, dù họ sinh sống ở đâu trên địa cầu này, không phân biệt giới tính, tôn giáo, nghề nghiệp, quan điểm chính trị; rằng bất cứ ai không gây hại đến người khác, không đe dọa tính mạng và quyền sinh sống bình yên của cộng đồng, đều mặc nhiên được quyền tự do đi lại, tìm nơi sinh sống trên toàn bộ lãnh thổ đất nước và mọi ngăn cản nào việc thực thi quyền hiến định đó đều bị nghiêm cấm… thì chắc chắn những trường hợp đáng tiếc đã từng xảy ra sẽ không còn nữa. [...]; khi đó, thế giới sẽ ngả mũ Hello Vietnam nhiều hơn, tương lai đất nước vì thế sẽ tốt đẹp hơn.
Mai Thanh Sơn: Tôi nghĩ rằng, nếu anh trả lời được câu hỏi: Tuyệt đại bộ phận người Việt đều có tư tưởng thượng tôn dân tộc, vậy vì sao có sự chia rẽ(?), anh sẽ có câu trả lời cho mình. Hòa hợp, hòa giải dân tộc, trước hết là hòa giải giữa những người đang có sự khác biệt/thậm chí là xung đột/đối kháng về ý thức hệ. Sau nữa, đó là quá trình chung tay khắc phục những sai lầm từng xảy ra trong trường kỳ lịch sử.
Phan Văn Thắng: Nhưng hòa giải, hòa hợp bằng cách nào?
Mai Thanh Sơn: Trước hết chúng ta cần mổ xẻ lại lịch sử dân tộc, đặc biệt là lịch sử dân tộc giai đoạn từ khi chủ nghĩa thực dân/đế quốc tràn vào, và cả những học thuyết/chủ nghĩa khác được du nhập vào Việt Nam. Các nhà sử học cần có thái độ công chính trước mỗi sự kiện lịch sử, phân tích và chỉ ra được những bài học cho hôm nay.Chỉ sau khi đã có sự thống nhất trong các bài học lịch sử, những người Việt mới có thể đồng lòng chung tay kiến tạo lại đất nước.
Tạ Duy Anh: Hơn bốn thập kỉ qua, có khi nào chúng ta không nói đến câu chuyện này? Đã có rất nhiều nỗ lực cá nhân và cộng đồng để thực hiện điều đó. Nhưng thực tế cho thấy, còn cần nhiều gấp bội những nỗ lực như vậy và mạnh mẽ hơn như vậy, cho một sự hòa giải, hòa hợp thực sự. Đó là công việc của tất cả con dân Việt, không chừa một ai. Chúng ta, mỗi người phải tận dụng mọi cơ hội, mọi công cụ, mọi thế mạnh có trong tay cho công việc quan trọng và thiết cốt đó. Với cá nhân tôi, thứ công cụ đó là văn học.
Phan Văn Thắng: Động lực nào thúc đẩy anh và nếu theo cách của anh tình hình sẽ như thế nào, thưa anh?
Tạ Duy Anh: Tôi được chia sẻ ý tưởng này bởi khá nhiều đồng nghiệp, trong đó có nhà phê bình Thụy Khuê, một người phải lang thang trên đất khách quê người vì thời cuộc. Hóa ra, Thụy Khuê cũng luôn đau đáu vấn đề hòa hợp dân tộc. Vì thế, khi một lần tôi đưa bà về viếng mộ nhà văn Nam Cao và nhà thơ Tú Xương, trên suốt đường đi, chủ đề hòa giải của người Việt cứ tự nhiên nhảy vào giữa các câu chuyện và chiếm phần lớn thời lượng. Trong những tâm sự gan ruột của Thụy Khuê, tôi nhớ nhất câu: “Cứ để văn học đứng ra làm nhiệm vụ hòa giải, mọi việc sẽ ổn hết”.
Tôi được sự cổ vũ mạnh mẽ bởi nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Ông cũng không nguôi suy ngẫm về điều mà tôi và nhiều nhà văn khác nung nấu trong tâm khảm. Nhân Hội nghị văn học hướng tới hòa giải, hòa hợp dân tộc, giữa cơn bão dư luận cho rằng nó đã thất bại, chúng tôi cùng có chung một nhận định: Bằng Hội nghị ấy, ít nhất thì cũng đã có người dám chạm vào cánh cửa vốn vẫn được cài then rất chặt và mặc nhiên bị coi là vùng cấm. Bước đầu hẵng cứ thế đã. Phải có người chạm vào, rồi mở he hé, rồi mới mong nó được mở tung. Bởi vì hòa giải dân tộc là một tiến trình mang tính lịch sử và có sự can dự của lịch sử.
Giờ đây, cũng như Thụy Khuê, chúng tôi cùng cho rằng văn học cần phải nhận lấy sứ mệnh hòa giải dân tộc. Đó sẽ còn là câu chuyện rất dài và là thứ công việc vô cùng khó khăn trên thực tế. Nhưng giống như hành động chạm vào cánh cửa, chạm vào sự cấm kị, phải có những bước khởi đầu. Và tôi nghĩ, bước khởi đầu mở ra nhiều hy vọng nhất chính là tổ chức xuất bản và giới thiệu rộng rãi sách của các nhà văn ở hải ngoại. Hàng trăm hàng ngàn tác phẩm văn học ấy, cần phải được coi là thành tựu của chung người Việt, là sản phẩm của văn hóa Việt. Bởi vì trên thực tế nó đã là như vậy.
Từng tiếp xúc với nhiều nhà văn hải ngoại, cả ở ngay trên chính quốc gia mà họ sinh sống, cả khi họ về nước, tôi nhận ra một điều: Không có bất cứ khoảng cách nào giữa những người cầm bút chân chính trong khát vọng về vẻ đẹp, khát vọng nhân tính, yêu thương tiếng Việt và nòi giống Việt, lo lắng cho tương lai của dân tộc… Đó là thứ có chung ở người cầm bút, có chung ở chúng tôi, như một mẫu số gốc, như một hằng số vĩnh cửu. Vâng, trước hết, hãy để văn học được thực hiện sứ mệnh nhỏ bé của nó trong vấn đề rất lớn là hòa giải dân tộc. Nhiệm vụ này thuộc về và nên trao trước tiên cho các nhà văn, cả trong nước và hải ngoại. Hơn ai hết, nhà văn là người có khả năng truyền thông điệp, truyền cảm hứng và thu hút sự chú ý của cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Hơn ai hết, nhà văn là những người biết lắng nghe và lắng nghe một cách chính xác ngay cả những tiếng nói rất dễ bị lãng quên. Qua họ, sự cộng hưởng của của những giá trị thiêng liêng sẽ được nhân lên và lan tỏa, đến mọi ngóc ngách của cuộc đời. Tác phẩm của nhà văn thực chất là sứ giả của tình thân ái. Và nó cần được tất cả chúng ta mở lòng đón nhận.
Tôi nghĩ, giờ đây, ngay cả khi không can dự, thì các nhà văn vẫn nên chịu trách nhiệm chính về sự chia rẽ dân tộc, chứ không phải ai khác. Và hãy tạo cơ hội để văn học trở thành thứ thần dược, hàn gắn, làm liền sẹo tốt nhất, nhanh nhất cho mọi vết thương tinh thần.
Phan Văn Thắng: Anh Mai Thanh Sơn có cùng nhận định với anh Tạ Duy Anh về vai trò hòa giải của Văn học trong sứ mệnh hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Mai Thanh Sơn: Văn học có thể đặt ra những vấn đề xã hội thông qua một hình thức biểu đạt đặc thù (văn chương), có thể ngụ ý phê phán/hay ngợi ca, có thể đưa ra những dự báo,… Với đặc điểm riêng có của một loại hình nghệ thuật, văn học dễ chạm đến tâm tư, tình cảm của đông đảo bạn đọc. Nhưng “đông đảo” là bao nhiêu (%) dân số? Có chạm được đến số đông người Việt đang phân tán trên mấy chục quốc gia và vùng lãnh thổ hay không? Ngay trên đất nước chín chục triệu dân này, văn học chạm đến được bao nhiêu người? Nhiều năm về trước, tôi từng chứng kiến một vài cơn sốt văn học, từ "Cửa mở" của Việt Phương đến "Tản mạn thời tôi sống" của Nguyễn Trọng Tạo và nhất là "Linh nghiệm" của Trần Huy Quang. Bên cạnh đó là những vở kịch của Lưu Quang Vũ, những bộ phim của Trần Phương, Đặng Nhật Minh, Trần Văn Thủy... Không thể phủ nhận được tác động xã hội to lớn của các tác phẩm văn học nghệ thuật đến tâm tư, tình cảm và cả cách tư duy phản thân của đông đảo công chúng.Nhưng chừng đó có đủ để thay đổi triệt để không? Tuyệt nhiên không.
Bước sang thời kỳ Đổi mới, việc nối lại quan hệ giữa 2 bờ đại dương đã trở nên dễ dàng hơn. Các văn nghệ sĩ trí thức đã có nhiều cuộc gặp gỡ. Nhiều quan hệ bạn bè giữa những người từng cầm súng/cầm bút hai phía đã được thiết lập. Nhưng sự tin tưởng thực tâm liệu đã có? Thật khó có thể có được câu trả lời chính xác. Đa số các nhà văn Việt Nam đều ăn lương nhà nước. Tuyệt đại đa số các nhà văn trong lực lượng vũ trang đều là sĩ quan/đảng viên. Mỗi nhà văn như vậy, đều là một con người chính trị. Liệu trong bối cảnh đó, ngay trong các văn nghệ sĩ đã có thể có được sự hòa giải phi chính trị? Chỉ trong một cộng đồng nhỏ thế thôi, đã thấy khó, mong chi có cuộc đại hòa giải dân tộc ở ngót trăm triệu người đang phân tán khắp nơi trên thế giới.
Phan Văn Thắng: Vậy, theo anh Mai Thanh Sơn, thì sử học có sứ mệnh hòa giải dân tộc và sẽ thực thi sứ mệnh đó như thế nào?
Mai Thanh Sơn: Ở nước ta, khái niệm “sử học” thường được hiểu một cách giản đơn là những người chép sử quốc gia, nghĩa là ghi lại những sự kiện chính của đất nước. Đấy là cách hiểu tương đối phiến diện. Các Mác từng có nhận định, “chỉ có một khoa học duy nhất, đó là khoa học lịch sử”. Câu nói đó ngụ ý rằng, xét cho đến cùng, mọi lĩnh vực trong đời sống loài người đều phải được xem xét/đánh giá trong tiến trình phát triển của nó. Quá trình đó không có gì khác hơn, chính là khoa học lịch sử. Một nhà khoa học Pháp cũng từng nói, đại ý rằng, lịch sử là bối cảnh địa lý đặt trên đường thời gian. Nhận định đó có thể được hiểu rằng, lịch sử là những diễn biến từng xảy ra đối với thiên nhiên và con người trên những vùng đất cụ thể.
Như vậy, việc xem xét/đánh giá lại toàn bộ các sự kiện đã xảy ra trên đất nước này, rõ ràng là sứ mệnh/là trách nhiệm của những người làm sử, thuộc tất cả các lĩnh vực: triết học, kinh tế - chính trị học, khoa học - công nghệ, quân sự, ngoại giao, văn hóa học, văn học - nghệ thuật, tôn giáo - tín ngưỡng… Để thực thi sứ mệnh của mình, các nhà sử học cần bạch hóa tất cả các nguồn sử liệu, trên cơ sở đó mới có thể thảo luận và đi đến thống nhất trong nhận định. Sự thống nhất trong các nhận định lịch sử, có thể hiểu là sự hòa giải lịch sử, chính là điều kiện tiên quyết cho việc hòa hợp, hòa giải dân tộc.
Phan Văn Thắng: Các anh có tin rằng trong tương lai không xa, dân tộc ta sẽ thực hiện hòa giải, hòa hợp thành công?
Tạ Duy Anh:Là nhà văn, đồng thời cũng là nhân chứng, là thủ phạm, là nạn nhân của một lịch sử chia cắt giữa những con dân Việt, tôi có nghĩa vụ phải gánh vác một phần trách nhiệm hòa giải. Tôi có quyền mơ điều đó lắm chứ. Và không chỉ mơ, ngay giờ phút này, tôi vẫn tha thiết kêu gọi, mạnh mẽ yêu cầu mọi người ở mọi phía hãy hành xử cao thượng và trung thực, lời nói phải đi đôi với việc làm. Không thể cứ chơi mãi trò ban phát, biểu diễn trong chuyện hòa giải! Với tôi, không có người Việt nào là kẻ thù của đất nước, kể cả khi họ vẫn nuôi trong lòng niềm uất hận đã có từ trong quá khứ.
Cuộc chia rẽ dân tộc vẫn đang tiếp tục diễn ra, dưới muôn vàn hình thức, ngay trong lòng nước Việt. Nhưng tôi dám khẳng định, mọi thứ đang thay đổi. Chúng ta hãy cùng nhau khiến sự thay đổi diễn ra nhanh hơn. Nhưng điều tôi muốn nói là có vẻ một số người đang quên mất rằng, ngay cả những kẻ đáng căm ghét nhất, cũng là đối tượng của cuộc đại hòa giải dân tộc. Hơn nữa, chế độ nào thì cũng chỉ là một chớp mắt, so với sự tồn tại mãi mãi của một Dân tộc. (Chữ Dân tộc mà tôi dùng trong trường hợp này để chỉ những người có chung một cội nguồn địa lý). Khi nói vậy, tôi chỉ khẳng định tính quy luật của sự phát triển. Mảnh đất hình chữ S của chung mọi người Việt thì sẽ mãi trường tồn. Lịch sử đã xác quyết điều này. Chúng ta chỉ có một cội nguồn thôi. Vì thế, người Việt cần phải và hoàn toàn có thể hòa giải với nhau một cách phi chính trị thành thực nhất.
Phan Văn Thắng: Tôi lại nghĩ hơi khác một tý. Hòa giải phi chính trị là khó có thể có. Bởi một lẽ, sự rạn nứt cơ bản là do các yếu tố chính trị. Vậy nên cuộc hòa giải khó có thể phi chính trị được. Vấn đề là chính trị nào. Tôi lại nhớ đến cuộc hòa giải của nước Mĩ hồi thế kỉ XIX. Hai tướng Lee và Grant đã làm một cuộc hòa giải vô cùng đẹp. Ai bảo họ là phi chính trị. Rất chính trị. Vấn đề là chính trị nào mà thôi. Tôi vẫn hy vọng người Việt Nam có thể hòa giải được, chắc chắn thế, nếu cùng hướng tới những giá trị căn cốt của dân tộc là nhân ái, khoan dung.
Mai Thanh Sơn: Tôi xin nói thêm là Văn học có thể là tiên phong, nhưng nó khó có thể giải quyết được tận gốc rễ vấn đề hòa giải dân tộc. Và ở đất nước này, khi chưa xóa bỏ được rào cản về ý thức hệ thì “đại hòa giải dân tộc” vẫn còn khó khăn. Muốn có sự thay đổi sâu sắc, triệt để trên diện rộng, sứ mệnh phải là của các nhà sử học thông qua một chương trình giáo dục nhân bản, dân tộc và khai phóng. Một nền giáo dục như vậy, đương nhiên là phải độc lập, khách quan. Và cũng đương nhiên, các nhà sử học phải liêm minh công chính, tôn trọng sự thật, và không để bị chi phối bởi bất cứ một quan điểm phi khoa học của bất cứ cá nhân hay tổ chức nào.
Phan Văn Thắng: Cảm ơn các ông đã tham gia câu chuyện vô cùng khó diễn đạt hôm nay. Hy vọng thiện chí của chúng ta sẽ được mọi người thấu hiểu và chia sẻ.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Quê hương Nghệ Tĩnh trong lòng La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp
Đền Hồng Sơn
Khu di tích Kim Liên hành trình đến với trẻ em miền núi
Các di sản văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Thừa Thiên Huế
Thống kê truy cập
114511033
232
2359
21407
217906
121356
114511033