Diễn đàn
Đừng đổ cho “Lỗi hệ thống”!
Rất lạ kỳ, công chức, viên chức từ nhỏ đến to khi nói đến tiêu cực đều cứ thao thao bất tuyệt đổ cho “lỗi hệ thống”(!). Khi đạo đức đã băng hoại - thì đó là phạm trù về đạo đức. Sao lại nói đến hệ thống(?!)...
1. Vậy, hệ thống là gì?
Hệ thống là tập hợp các phần tử có quan hệ hữu cơ với nhau, tác động chi phối lẫn nhau theo các quy luật nhất định để trở thành một chỉnh thể. Từ đó xuất hiện thuộc tính mới gọi là tính trồi của hệ thống mà từng phần tử riêng lẻ không có hoặc có không đáng kể.
Để nhận biết phần tử người ta căn cứ vào hai đặc trưng sau:
*Mỗi phần tử phải có chức năng nhất định.
*Mỗi phần tử có tính độc lập tương đối của nó.
Như vậy, nếu nói về hệ thống chính trị của chúng ta thì không thể gọi là “hệ thống bị lỗi” hay “lỗi hệ thống” mà phải nói đến yếu tố con người (sẽ phân tích kĩ ở mục 3 dưới đây).
2. Khái niệm hệ thống gắn bó chặt chẽ với khái niệm “kết cấu”. Nếu hệ thống là một thể thống nhất bao gồm các yếu tố có quan hệ và liên hệ lẫn nhau thì kết cấu là tổng thể các mối quan hệ và liên hệ giữa các yếu tố của thể thống nhất đó. Như vậy, kết cấu không nằm ngoài hệ thống. Đã là hệ thống thì phải có kết cấu.
Khái niệm kết cấu phản ánh hình thức sắp xếp của các yếu tố và tính chất của sự tác động lẫn nhau của các mặt và các thuộc tính của chúng. Nhờ có kết cấu mà chúng ta hiểu được vì sao phẩm chất của hệ thống nói chung không giống với tổng số phẩm chất của các yếu tố tạo thành.
Mỗi quốc gia có một thể chế chính trị khác nhau. Không thể cứ máy móc rập khuôn để lấy hình mẫu của quốc gia này áp dụng cho quốc gia khác. Tuy nhiên, quốc gia nào đem lại hạnh phúc cho người dân, cụ thể là phúc lợi ngày càng cao, cuộc sống tự do hạnh phúc là câu trả lời đúng đắn nhất. Mọi so sánh đều khập khiễng, nhưng có thể nói những quốc gia như Đan Mạch, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Hà Lan, Phần Lan và Israel là những nước được công dân của họ hài lòng nhất.
Vì sao như vậy?
Vì chất lượng người thực thi công vụ của bộ máy công quyền toàn tâm toàn ý với công việc. Nếu phát hiện tham nhũng sẽ bị xử lý rất nặng. Nếu người dân phát hiện thấy người thực thi công vụ hoặc quan chức có thu nhập bất minh ngay lập tức sẽ bị điều tra!
3. Trong thực tế, các yếu tố của hệ thống không phải là những điểm trừu tượng mà là những hệ thống phức tạp. Mỗi yếu tố cũng có nhiều mặt, nhiều thuộc tính, khi tác động lẫn nhau với các yếu tố khác của hệ thống không phải tất cả các mặt, các thuộc tính của nó đều tham gia mà chỉ một số mặt, một số thuộc tính nào đó mà thôi. Vì vậy, tính chất và phẩm chất của các liên hệ phụ thuộc vào đặc điểm của các mặt nào đó của các yếu tố tham gia tác động lẫn nhau. Như vậy, những mặt và thuộc tính của các yếu tố tham gia tác động lẫn nhau càng lớn thì kết cấu của hệ thống càng phức tạp. Cùng một số yếu tố, khi tác động lẫn nhau bằng những mặt khác nhau có thể tạo nên các hệ thống khác nhau.
Hãy hình dung, hệ thống mà chúng ta thường gọi là thể chế chính trị của chúng ta:
Đó là một bộ máy rất hoàn thiện, nhất là khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn sinh thời. Biểu hiện tập trung nhất của sự hoàn thiện này đó là hiến pháp 1946.
Thời đó, bất kỳ một nhân viên công lực nào trong bộ máy chính quyền nếu có biểu hiện tham nhũng đều bị xử lý rất nghiêm. Trường hợp đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu Bộ Quốc phòng bị tử hình những năm 50 của thế kỷ trước là ví dụ điển hình.
Hồi đó, cán bộ đảng viên thực sự là công bộc và là đầy tớ của dân - với tất cả những ý nghĩa tốt đẹp nhất.
Thời đó không có tình trạng cưỡng chế và thu hồi đất, gây ra tình trạng bất công như bây giờ,
Thời đó Bí thư Tỉnh ủy 30 Tết mới về nhà ngồi trên chõng tre để gói bánh chưng - chứ không tơ hào 1 đồng của dân.
Thời đó, cán bộ lãnh đạo phường xã, quận huyện, và tỉnh không có tài sản không lồ như bây giờ...!
Vì sao vậy?
Vì những tài sản ấy đều là tham ô và ăn cướp đất đai của người dân cũng như mua quan bán chức mà ra!
4. Tóm lại: nếu ví hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương là một cỗ máy hoàn thiện - để vận hành trơn tru êm ả và hiệu quả cao thì mọi chi tiết trong cỗ máy đó phải đảm bảo chất lượng cao từng con ốc con vít.
Một con ốc, một con vít trong cỗ máy bị rỉ sét, sớm muộn cỗ máy cũng sẽ bị hỏng hóc. Huống gì là những động cơ chính(?!)
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trong phiên họp thứ 16 vào sáng 26/7 đã thông báo trước mắt đã xử lý 70 cán bộ lãnh đạo thuốc diện Ban Bí thư và Bộ Chính trị quản lý. Hãy hình dung: 70 trường hợp này đều là những người đứng đầu các Bộ Ngành và địa phương - cũng có thể tạm ví đó là những chiếc “động cơ” của cơ quan đơn vị, địa phương đó. Như vậy là không những từng chi tiết bị hỏng hóc và bị kém chất lượng, mà những bộ phận rất quan trọng “bị thối” nên cỗ máy nhà nước ỳ ạch kém hiệu quả. Nguy hiểm nhất đó là mất niềm tin trong quảng đại quần chúng nhân dân(!).
Chất lượng cán bộ là vấn đề then chốt trong bất kỳ một bộ máy tổ chức cơ quan đơn vị địa phương nào. Và vĩ mô hơn đó là cả một quốc gia.
Khi đạo đức cán bộ đã bị tha hóa và biến chất cũng giống như trong một cỗ máy mà từng chi tiết từng bộ phận bị hoen rỉ - thì phải kịp thời thay thế để trùng tu, đại tu lại... Nếu đại tu vẫn kém hiệu quả đành phải ... dùng máy mới(!).
Đổ lỗi cho hệ thống là cách nói a dua thiếu hiểu biết, hoặc có mưu đồ xấu. Hãy làm cho anh linh hàng triệu triệu liệt sĩ mát mẻ khi núi xương, sông máu của họ đã không hề uổng phí cho tương lai, tiền đồ của quốc gia dân tộc /.
tin tức liên quan
Videos
Người Amish ở Mỹ
Phân tầng xã hội và di động xã hội ở Việt Nam hiện nay [kỳ 3]
Đền Hồng Sơn
Một nước Nhật quá xa xôi!
Lenk
Thống kê truy cập
114512094
231
2389
231
218967
121356
114512094