Xứ Nghệ ngày nay

Di chúc Bác Hồ và bài học về quan tâm, bồi dưỡng thế hệ trẻ

Nghệ An tuyên dương học sinh giỏi quốc gia, quốc tế và có thành tích cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018

     Trong di chúc của mình, Bác Hồ  đã dành những dòng đầy tâm huyết cho Đoàn viên, thanh niên. Người viết: “Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Điều đó chứng tỏ sự quan tâm đặc biệt sâu sắc của Bác đối với thế hệ trẻ, những chủ nhân tương lai của đất nước. Ngày nay, dù 50 năm hay hơn thế nữa có trôi qua thì bài học ấy vẫn còn nguyên giá trị. “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết” đối với bất kỳ thời đại nào.

     Có lẽ không cần chứng minh thêm sự quan trọng của việc phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thanh niên, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi cả thế giới đang chứng kiến những gì diễn ra ở Hồng Kông. Họ thấy một lớp trẻ giận dữ và họ hiểu tuổi trẻ có thể làm nên nhiều điều ở hiện tại chứ không chỉ còn là câu chuyện tương lai. Là một mảnh đất có truyền thống đấu tranh cách mạng, có tinh thần hiếu học, Nghệ An có một đội ngũ thanh niên giàu ý chí chiến đấu và giỏi về kiến thức. Chúng ta rất cần chăm lo, giáo dục đạo đức, lối sống cho họ; chú trọng đến vấn đề hướng nghiệp và giải quyết việc làm để tạo được niềm tin trong giới trẻ.

     Những vấn đề của người trẻ

     Phải thừa nhận rằng, tỉnh Nghệ An đã có rất nhiều nỗ lực trong hoạt động đoàn và công tác thanh niên, các hoạt động ngày càng đi vào thực chất và hiệu quả hơn. Trên mọi mặt trận, màu áo xanh tình nguyện luôn mang đến sức sống và niềm tin vào một thế hệ trẻ nhiệt huyết, năng động. Tuy nhiên, dù ngày càng có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ đoàn viên, thanh niên lập thân, lập nghiệp; có chính sách thu hút nhân tài nhưng thực trạng “chảy máu chất xám”, “lãng phí chất xám” gần như chưa được khắc phục. Nghệ An luôn là một trong những tỉnh nằm trong top đầu về số học sinh giỏi quốc gia, quốc tế (Năm 2017, Nghệ An đứng đầu cả nước về tỷ lệ và đứng thứ 3 về số lượng học sinh giỏi quốc gia với 88/101 em tham dự đạt giải. Năm 2018, Nghệ An có 90/102 em tham gia đạt giải học sinh giỏi quốc gia, nằm trong top đầu của cả nước). Các cuộc thi Olympic quốc tế về Toán học, Vật lý, Sinh học, Tin học,…; cuộc thi sáng tạo Khoa học kỹ thuật quốc gia, quốc tế luôn có những gương mặt đạt giải đến từ Nghệ An. Đến nay, đã 9 năm liên tiếp tỉnh Nghệ An tổ chức tuyên dương, khen thưởng các học sinh đạt giải quốc tế, quốc gia và có điểm cao trong kỳ thi THPT quốc gia. Tổng số tiền khen thưởng lên đến hàng tỷ đồng (Năm 2018, tỉnh trích hơn 1,8 tỷ đồng; năm 2017, số tiền này là gần 2,5 tỷ đồng). Tuy nhiên, có bao nhiêu trong số những gương mặt xuất sắc hàng năm đó lựa chọn trở lại quê hương làm việc sau khi hoàn thành các chương trình học? Rất hiếm, nếu không muốn nói rằng không có. Những người con ưu tú vẫn lựa chọn không trở về quê hương. Không ít tài năng khác lại rơi vào tình trạng trở về nhưng không được tạo cơ hội để phát huy hết khả năng của mình. Họ phải đảm nhận những vị trí trái với chuyên môn, họ không được tạo điều kiện để tham gia vào những công việc sở trường, quan trọng. Đặc biệt, trong hệ thống cơ quan nhà nước tại tỉnh Nghệ An, việc chiêu dụ người tài rất khó khăn. Điều đó sẽ ngày càng khó khăn hơn khi quỹ biên chế ngày càng hẹp lại trong khi một lượng lớn những người đã được biên chế nhưng năng lực yếu vẫn chưa đến tuổi nghỉ hưu. Câu chuyện ưu tiên tuyển dụng, đề bạt người trẻ có tài nắm giữ các vị trí quan trọng trong cơ quan nhà nước xem ra còn xa vời. Và “Giỏi thì không về quê làm”,Giỏi về quê thì phí ”, “Giỏi thì không vào nhà nước” gần như là tâm lý chung của trí thức trẻ hiện nay. Thiết nghĩ, đây là những vấn đề mà lãnh đạo các cấp cần có sự nhìn nhận nghiêm túc và khắc phục cho bằng được. Cũng cần xem lại việc thực hiện chính sách thu hút nhân tài của tỉnh.

     Ở nhiều vùng nông thôn, vấn đề việc làm vẫn là một câu hỏi lớn. Lựa chọn hàng đầu của thanh niên ở nhiều vùng quê tại Nghệ An là xuất khẩu lao động. Mỗi lần đi qua cổng phòng quản lý xuất nhập cảnh Nghệ An, nhìn những hàng người dài chen chúc làm hộ chiếu, tôi lại nghĩ đến thứ hạng một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về xuất khẩu lao động, nghĩ về số việc làm được giải quyết hàng năm mà mình được đọc trong các báo cáo. Chúng ta cứ mải mê với những con số đó như một thành tích mà quên đi còn không ít thanh niên sinh sống, học tập trên địa bàn đang thực sự khó khăn khi muốn lập nghiệp ở quê hương; quên đi rằng tỉnh nhà đang thiếu đội ngũ lao động và cán bộ trẻ chất lượng cao. Nhiều vùng quê giờ đây chỉ toàn người già và trẻ nhỏ, vắng bóng thanh niên. Nhiều tổ chức Đoàn thiếu vắng đoàn viên sinh hoạt. Những cánh đồng bỏ hoang, thanh niên dính vào tệ nạn xã hội ngày một nhiều, đặc biệt là vùng núi phía Tây Nghệ An.

     Thiết nghĩ, những phong trào hát múa, văn hóa văn nghệ là thực sự cần thiết nhưng cần thiết hơn và gắn với tuổi trẻ hơn đó là câu chuyện việc làm, là đồng hành cùng với họ trên con đường khẳng định mình. Nếu không giải quyết được những vấn đề trên, chúng ta sẽ dễ bắt gặp những người trẻ bất mãn, thiếu niềm tin vào chính quyền, vào xã hội.  Không điều gì nguy hại hơn là để tuổi trẻ mất niềm tin. Nó là đầu mối dẫn đến rất nhiều những hệ lụy nghiêm trọng khác. Một khi mất niềm tin, họ dễ bị dụ dỗ, lôi kéo, dễ sa ngã và hành động một cách nông nổi.

     Để thế hệ trẻ an tâm phụng sự đất nước

    Để xóa tan những ngờ vực và bất mãn trong người trẻ hôm nay, không có cách nào khác, chúng ta phải quan tâm hơn tới họ, phải đồng hành với họ trên con đường phát triển. Đừng bỏ lại người trẻ ở phía sau, đừng để họ lạc lõng và mất phương hướng trên con đường lựa chọn của mình.

    Muốn làm được điều đó, chúng ta cần nhớ lại lời dạy của Bác Hồ. Khắc ghi tầm quan trọng của thế hệ trẻ và sự cấp thiết trong việc đào tạo những người trẻ có đủ đức, đủ tài. Ngày nay, chúng ta đang đặt nặng việc đào tạo kiến thức trong các trường học mà coi nhẹ dạy cho các em kỹ năng, giáo dục cho các em đạo đức, bản lĩnh chính trị. Nghĩa là chúng ta chưa làm được điều Bác căn dặn là đào tạo họ thành những người vừa “hồng” vừa “chuyên”. Một trong số những điều đặc biệt thiếu sót là giáo dục về quê hương, về địa phương mình. Chúng ta không nên xem chuyện giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ mà Bác đề cập trong di chúc là những gì quá xa xôi, là phải bắt chúng học đến nằm lòng Triết học Mác - Lenin hay nắm vững những lý thuyết về chủ nghĩa xã hội; là phải lập ra một lực lượng thanh niên hùng hậu ngày ngày tìm đọc, phản biện với các luận điệu sai trái ở trên mạng,v.v… Việc giáo dục ấy chỉ cần bắt đầu bằng những điều rất đơn giản, gần gũi như giáo dục về địa phương để họ hiểu và yêu mảnh đất nơi mình sinh ra trước đã. Những công việc to tát khác sẽ là bước đi sau. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy môn học địa phương dù đã đưa được vào chương trình song việc giảng dạy khá sơ sài. Nó chưa đủ để khơi dậy trong các em tình yêu, lòng tự hào và tự tôn dân tộc. Chúng ta không nên coi nhẹ việc này bởi như tác giả Le Breton[i] đã đề cập trong An Tĩnh cổ lục rằng: “Hãy nói với họ về tỉnh của họ, họ cần phải biết trong hiện tại, quá khứ và cả trong tương lai cái tương lai, như nó sẽ có thể xảy đến. […] Làm cho đứa trẻ tiếp xúc trực tiếp với môi trường trong đó tổ tiên đã từng sống và chính đứa trẻ sẽ phải sống, như thế là chuẩn bị cho con người ấy vào đời một cách chu đáo.”[ii]  Câu hỏi mà trước đây Le Breton đặt ra “Nếu các học sinh chúng ta đã được học kỹ hơn để yêu tỉnh mình nhiều hơn, thì chắc chi họ còn ra Thủ đô để tìm kiếm việc làm?” có lẽ vẫn thực sự mang tính thời sự cho tới hôm nay.

    Bồi dưỡng cho thế hệ sau, theo lời Bác còn là phải thực sự quan tâm đến họ, đồng hành với họ trong những lựa chọn quan trọng. Chính quyền cần có những cơ chế, chính sách để đào tạo, thu hút và sử dụng nhân tài. Những chính sách cần được thực hiện một cách hiệu quả, tránh để tình trạng con ông cháu cha, chạy chức chạy quyền làm ảnh hưởng đến những mục tiêu tốt đẹp đã được Đảng và Chính phủ đề ra, gây hoang mang và mất lòng tin trong giới trẻ.

    Bên cạnh những thay đổi từ chính quyền, thanh niên Nghệ An cũng cần ra sức làm theo lời Bác để trở thành những người thực sự nhiệt huyết, năng động, giỏi về chuyên môn. Đặc biệt, thanh niên cần trau dồi kiến thức để nhận biết được điều phải, để có chính kiến trước các sự việc. Người trẻ hôm nay rất cần trau dồi các kỹ năng và có một tư duy mở để tự tin hội nhập quốc tế, tìm kiếm cơ hội. Điều này, thanh niên Nghệ An còn chưa phát huy tốt.

    Như Bác Hồ đã từng nói, tuổi trẻ thực sự là mùa xuân của đất nước. Chính bởi thế, muốn có được hoa thơm, quả ngọt, muốn đạt được những thành tựu rực rỡ trong hiện tại và có một tương lai phát triển bền vững thì quan trọng hàng đầu là chăm lo cho thế hệ trẻ. Hãy tạo cơ hội để ngay từ hôm nay họ được khẳng định mình, được đóng góp sức mình cho quá trình xây dựng, phát triển địa phương, đất nước chứ không phải chỉ ngồi chờ đợi ở tương lai.

 


[i] Hippolyte Le Breton sinh ngày 12/07/1881, tốt nghiệp Trường Đại học sư phạm Rouen, Pháp. Từ năm 1908 đến 1936, ông sống gần như liên tục tại Việt Nam. Ông là giáo viên trường Quốc học Vinh từ năm 1924 đến 1928. Ông là một người gắn bó, yêu mến với Nghệ Tĩnh và là tác giả cuốn sách An Tĩnh cổ lục (Le Vieux An – Tinh).

[ii] Hippolyte Le Breton, An Tĩnh cổ lục, NXB Văn hóa thông tin Trung tâm văn hóa ngôn ngữ Đông Tây, HN, 2014, Tr.38.

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114528608

Hôm nay

2264

Hôm qua

2291

Tuần này

2881

Tháng này

215304

Tháng qua

0

Tất cả

114528608