Diễn đàn

Cử nhân hay bác sỹ?

Hình ảnh đại úy CSCĐ đưa ngón tay vào miệng của em bé bị co giật tại SVĐ Thiên Trường. Nguồn internet

    Gần đây mạng xã hội rộ lên một hình ảnh đẹp, chiều 04/8/2019 ở sân Thiên Trường, một đồng chí công an chịu đau khi dùng ngón tay để ngăn cháu bé không cắn vào lưỡi khi bị co giật. Đúng vậy, đó là hành động rất đáng được biểu dương. Nhưng có một nghịch lí, rất ít người biết rằng nhiều cô y tá đã làm động tác như vậy với bệnh nhân khi bắt gặp cảnh tương tự, phải chăng ngón tay của cô y tá khác với ngón tay của đồng chí công an nọ! Hay là việc làm của y tá là đương nhiên! Hay cho rằng mọi so sánh đều khập khiễng, bởi vậy cách phân loại "hành động đẹp" cũng khập khiễng theo?

     Lại nghe nói Bộ Giáo dục và Đào tạo muốn dùng từ "cử nhân" thay cho từ "bác sỹ" bởi sợ quốc tế hiểu nhầm bác sỹ và docter (Tiến sĩ). Tôi nghĩ rằng, gọi gì cũng được, cơ bản là chất lượng chuyên môn của đội ngũ bác sỹ (tạm gọi theo tên cũ trước khi có văn bản quy định chính thức). Cái mà bác sỹ quan tâm đó là môi trường làm việc, là chế độ đãi ngộ chứ không phải cái tên gọi như Bộ Giáo dục quan tâm.

     Môi trường làm việc có hai vấn đề. Thứ nhất phải đảm bảo các thiết bị hỗ trợ cho chẩn đoán và điều trị, cái này Việt Nam thường không sản xuất được mà đa số phải nhập ngoại.

     Thứ hai là môi trường xã hội, cái này chúng ta hoàn toàn có thể làm chủ. 
     Để tốt nghiệp Đại học Y khoa, các sinh viên phải vượt qua gần 100 lần thi và kỳ thi tốt nghiệp khắt khe với sự khảo thí của đội ngũ giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, v.v... Bằng ấy chưa đủ để công nhận được hành nghề hay sao mà còn phải qua sự giám sát của một mớ thủ tục hành chính nữa mới có "chứng chỉ hành nghề"? Đó là khía cạnh nhỏ của môi trường xã hội chưa nói đến hành lang pháp lí để bảo vệ nghề y còn rất mỏng manh và vô hình. Hiện nay nhân viên y tế Việt Nam vừa đối mặt với tử thần vừa đối mặt với pháp lý và nạn bạo hành của bệnh nhân và người nhà (vụ bác sĩ Hoàng Công Lương là một ví dụ).

     Về chế độ đãi ngộ, một cử nhân kinh tế học 4 năm, đại học kỹ thuật khác học 5 năm, riêng nghề y học 6 năm với cường độ gấp rưỡi (nếu không muốn nói là gấp đôi) nhưng cũng chịu mức lương khởi điểm như nhau, chưa nói đến đầu vào trường y bao giờ cũng thuộc tốp trên.

     Trước đây Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đổi tên gọi cấp 1 thành Tiểu học, cấp 2 thành PTCS, cấp 3 thành PTTH nhưng bản chất không hề thay đổi. Mỗi lần đổi tên đã tiêu tốn hàng trăm tỷ đồng một cách vô vị, bây giờ lại bàn thay tên gọi bác sĩ !!!

     Trong khi giáo dục chúng ta đang rối như canh hẹ, đào tạo đại học ra không được quốc tế công nhận, gian lận thi cử từ tiểu học đến tiến sĩ không là chuyện hiếm thì đổi tên gọi phỏng có ích gì.

     Xin ông Nhạ hãy để tâm vào chất lượng đào tạo thay vì dồn sức vào làm những việc vô bổ như vậy./.

 

 

 

tin tức liên quan

Thống kê truy cập

114512096

Hôm nay

233

Hôm qua

2389

Tuần này

233

Tháng này

218969

Tháng qua

121356

Tất cả

114512096